Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024

Kim Lăng Ngũ Đề - Giang Lệnh Trạch Lưu Vũ Tích (Trung Đường)



Kim Lăng Ngũ Đề 金陵五題

江令宅-劉禹錫 Giang Lệnh Trạch - Lưu Vũ Tích
南朝詞臣北朝客 Nam triều từ thần Bắc triều khách
歸來唯見秦淮碧 Quy lai duy kiến Tần Hoài bích
池臺竹樹三畝餘 Trì đài trúc thụ tam mẫu dư
至今人道江家宅 Chí kim nhân đáo Giang gia trạch

Hai sách xưa nhất có mộc bản bài thơ:

Lưu Tân Khách Văn Tập - Đường - Lưu Vũ Tích 劉賓客文集-唐-劉禹錫
Tài Điều Tập - Thục - Vi Hộc 才調集-蜀-韋縠

Năm Bảo Lịch thứ hai (826), Lưu Vũ Tích rời chức thứ sử Hòa Châu (nay là huyện Hoà, tỉnh An Huy) trên đường về Lạc Dương, đi qua Kim Lăng (nay là thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô), viết tập thơ vịnh hoài di tích này, tên là Kim Lăng Ngũ Đề金陵五題, trong đó có 5 bài thơ nói đến các đề tài:

đất nước trong bài Thạch Đầu Thành,
quần chúng trong bài Ô Y Hạng,
chế độ cai trị trong bài Đài Thành,
tôn giáo trong bài Sinh Công Giảng Đường,
và một nhân vật lịch sử trong bài Giang Lệnh Trạch.

Một số trong 5 di tích lịch sử trên đây còn tồn tại và là địa điểm du lịch ở thành phố Nam Kinh, Giang Tô ngày nay.

Ghi chú:

Giang Lệnh: tức Giang Tổng 江總 (519-594), đại thần của nước Trần ở Nam triều thời Trần hậu chủ, “nhật cùng hậu chủ du yến". Nước Trần bị Tùy Văn Đế diệt, Giang Tổng vào Tùy làm Thượng Khai Phủ, sau đó bỏ về Giang Nam, qua đời ở Giang Đô (nay là Dương Châu, Giang Tô).

Nam triều: còn được gọi chung là Nam Tống. Thời kỳ Bắc-Nam triều đại của Trung Quốc, theo tên gọi chung của bốn triều đại Tống, Tề, Lương và Trần ở khu vực Giang Nam. Bốn triều xây dựng đại đô tại Kiến Khang, tức là thành phố Nam Kinh ngày nay, nên hậu thế mượn Nam triều để chỉ Nam Kinh.

Từ thần: chỉ các vị quan phục vụ văn học, còn được gọi là Hàn Lâm học sĩ, các chức vụ cao của triều đình thường được chọn trong các Hàn Lâm học sĩ.

Bắc triều: các triều đại phương Bắc gồm Bắc Ngụy, Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề, và Bắc Chu, đối diện Nam triều (Tống, Tề, Lương, Trần); các triều đại phương Bắc, các chế độ của sắc tộc thiểu số.

Tần Hoài: sông chảy qua Kim Lăng (Nam Kinh ngày nay). Tương truyền Tần Thủy Hoàng tuần hành về nam đến Long Tàng Phổ, phát hiện vùng có vương khí, nên đặt tên là Tần Hoài.

Trì Đài: Trì Uyển lâu đài ở Nam triều
Chí kim: cho đến bây giờ.

Dịch nghĩa:

Giang Lệnh Trạch Nhà Của Giang Lệnh

Nam triều từ thần Bắc triều khách
Từ đại thần Nam triều làm khách Bắc triều,
Quy lai duy kiến Tần Hoài bích
Trở lại Nam triều chỉ thấy Tần Hoài vẫn xanh biếc.
Trì Đài trúc thụ tam mẫu dư dư
Còn có Trì Đài với hơn ba mẫu trúc,
Chí kim nhân đạo Giang gia trạch
Đến nay mọi người nói đó chính là nhà họ Giang

Dịch thơ:

Nhà Giang Tổng

Thần Nam Triều làm khách Bắc phương,
Nước Tần Hoài xanh biếc sáng trưa.
Trì Đài ba mẫu trúc thưa,
Là nhà Giang Tổng từ xưa đến giờ.

Jiang’ Residence by Liu Yu Xi

A Southern Dynasty official and man of letter played a guest of the Northern Dynasty.
Upon return, he saw only the dark green color of the Huai water,
And the larger than three acre bamboo grove around Chi Tai palace.
To this day, people still say it was Jiang’s home.

Phí Minh Tâm 
(biên soạn)
***
Dịch thơ

Đại thần Triều Nam: khách Triều Bắc,
Quay về chỉ thấy Tần Hoài biếc.
Còn đây Trì Uyển ba mẫu tre,
Tới nay vẫn nói: nhà Giang Tổng.

Con Cò
***
Nhà xưa Giang Tổng

Nam triều từ nhân, Bắc triều khách
Quay về chỉ thấy Tần Hoài biếc
Vườn trúc, thủy đài ba mẫu dư
Đồn đãi tới giờ: Giang ruộng đất!

Lộc Bắc
***
Nhà Của Giang Lệnh.

Khách Bắc triều là Nam Đại thần,
Tần Hoài thăm lại vẫn xanh ngần.
Trì Đài rừng trúc hơn ba mẫu,
Nhà họ Giang đồn đãi của dân.

Mỹ Ngọc 
Oct. 26/2024.
***
Nhà Giang Lệnh

Đại thần Nam, khách Bắc triều nay
Trở lại Nam triều, sóng biếc Hoài
Trì Uyển, bọc quanh ba mẫu trúc
Nhà xưa Giang Lệnh mãi luôn đây

Thanh Vân
***
Nhà Giang Trạch

Nam đại thần quê ở Bắc Triều
Tần Hoài nước biếc chẳng rong rêu
Nơi Trì Đào trúc còn ba mẫu
Giang Tống nhà xưa dân chúng yêu

Kiều Mộng Hà
Oct30.2024
***
Góp ý:

江令宅=Giang lệnh trạch. Điều đáng để ý về tựa đề này là nơi cái từ "lệnh". 令=lệnh là từ tắt cho 尚书令=thượng thư lệnh, một chức quan tối cao từ thời Hán, đôi khi tương đương với chức thủ tướng bây giờ. Giang Tống, với gốc gác quyền quý, là một người ham đọc sách và có văn tài từ bé, nhất là tài làm thơ dâm ngũ- và thất ngôn; có lẽ vì thế y được Trần Hậu Chủ cho làm thượng thư lệnh (尚书令) của nhà Trần-Nam triều để thay vì lo việc triều chính thì chỉ tối ngày dự tiệc ở hậu đình - nguồn gốc của câu thơ "cách giang do xướng Hậu đình hoa" trong bài Bạc Tần Hoài của Đỗ Mục - với vua cung phi, và trao đổi thơ dâm; người ta còn kể rằng Trần Hậu chủ trốn cung điện đến chơi ở cái "trạch" của họ Giang. Trang ja.Wikipedia - Giang Tống xem y là một nguyên nhân làm nhà Trần bị nhà Tùy diệt.

秦淮=Tần Hoài được người thời nay biết đến như là một tên sông (秦淮河) và địa danh ở Nam Kinh nhưng thật sự ra tên này chỉ được biết đến từ khi bài thơ Bạc Tần Hoài ra đời; trước đó con sông dài 110 km này có tên là 龍藏浦=Long Tàng phố (bến rồng ẩn) rồi Hoài thủy (淮水) từ thời Hán và có lẽ cái truyền thuyết bảo tên Tần Hoài có được là vì Tần Thủy Hoàng cho đào con sông đó chỉ là huyền thoại vì khu phố sang trọng thời Lục Triều trên bến sông đó suy tàn sau khi Tùy diệt Trần và chỉ được phục hồi lại từ thời Minh. Sông này không có liên hệ gì với Hoài hà (淮河), một con sông dài 1100km ngày xưa chảy độc lập giữa hai sông Hoàng hà và Trường giang nhưng bây giờ biến thành một phụ lưu của Trường giang. Người ta nghĩ tên 淮=Hoài của sông đến từ tên một con chim đuôi ngắn sống ở đó nhưng Hoài di (淮夷) là tên của một sắc dân ở vùng đó thời xưa.

Huỳnh Kim Giám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét