Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

Lễ Tạ Ơn


Vào cuối tháng chín năm 1984, chúng tôi được chấp thuận cho định cư tại Hoa Kỳ và đến tiểu bang Virginia để xum họp với gia đình. Lúc đó trời đã vào tiết thu, và cũng khá khuya khi phi cơ chở chúng tôi hạ cách ở phi trường quốc tế Dallas. Người phi công trưởng qua máy phóng thanh nói lời cám ơn với hành khách và cho biết khí hậu bên ngoài : trời đang mưa và nhiệt độ là 38 độ F. Vì chưa quen với hệ thống về nhiệt độ ở nơi đây nên con số 38 độ F không làm cho tôi cảm biết là lạnh như thế nào, nhưng tôi nghĩ chắc là lạnh lắm vì khi mới đặt chân lên đất Mỹ lần đầu tiên tại phi trường ở Seattle, Washington state, chúng tôi được nhân viên Cao Uỷ Tị Nạn chào đón và hướng dẫn làm thủ tục nhập cảnh. Sau đó chúng tôi được đưa cho một phong bì dầy đầy giấy tờ, dặn dò giữ cần thận và một chiếc áo coat to dầy vì tiểu bang nơi chúng tôi đến cư ngụ khí hậu vào mùa thu và đông rất lạnh. Khi rời Singapore để đáp máy bay qua Hồng Kông, và từ Hồng Kông đến Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn mặc quần áo của xứ ấm và chỉ mang theo cái áo khoác nhẹ.

Khi mới bước chân vào phi trường, tôi cảm thấy lạnh, cả hai đứa chúng tôi đều khoác áo coat lên người và thấy an tâm khi thấy vài người trong đám hành khách mới xuống phi cơ cũng mặc áo coat giống như mình. Nơi đây, không có nhân viên của Cao Uỷ tiếp đón và sau khi làm xong thủ tục quan thuế, chúng tôi, tất cả những người mặc áo coat giống nhau đều đưa mắt tìm kiếm thân nhân trong khu người đứng đón…lòng hồi hộp vì lỡ không có ai đón thì không biết phải làm sao…

Từ xa, một đám đông người đứng lố nhố sau hàng cản chờ đón thân nhân. Khi thấy những hành khách nét mặt ngơ ngác và mệt mỏi, mặc áo coat giống nhau xuất hiện thì đều đưa tay vẫy loạn lên dù chưa chắc là nhận diện được thân nhân vì đã biết bao năm xa cách. Đến gần hơn, tôi nghe tiếng gọi tên tôi và Giang, Giang nắm lấy tay tôi, chỉ vào đám đông, giọng vui mừng
- Chị Lan… anh Vũ chị Lan đến đón mình … Uyên thấy không?

Dù là cố gắng nhìn vào đám đông nhưng tôi chưa nhận ra ai cả vì cặp kính cận thị đã lâu không thay tròng cho đến khi gần đến nơi. Chị Lan ôm lấy tôi… chúng tôi ôm chặt lấy nhau và hai chị em cùng khóc vì cảm động. Anh Vũ, chồng chị Lan bắt tay Giang và ba cháu nhỏ ôm chào cô chú. Trong đám người đến đón còn có mấy người họ hàng của anh Vũ… mọi người đều chúc mừng chúng tôi đến Mỹ an toàn.

Mấy tuần đầu thật là bận rộn vì mọi thủ tục về ý tế và giấy tờ phải hoàn tất. Đến giữa tháng 11 thì chúng tôi được đưa vào lớp học anh văn (ESL) tại trung tâm giúp người tị nạn trau dồi Anh ngữ để dễ tìm việc làm. Những bài học ngắn gọn bằng tiếng Anh khi chúng tôi bắt đầu học đều nói về nguồn gốc và truyền thống của Ngày Lễ Tạ Ơn của nước Mỹ vì chỉ còn vài ngày nữa là chúng tôi được nghỉ lễ. Trước khi tan lớp, cô giáo còn dặn dò nên ghi nhớ những chi tiết về ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên ở nơi đây để viết bài luận ngắn bằng tiếng anh tả lại những sự kiện đã thấy.

Chị Lan tôi định cư tại Hoa Kỳ đã được 9 năm nên biết nhiều về phong tục và các ngày lễ của vùng đất mới này. Chị học cách ướp nướng gà Tây và chuẩn bị tiệc theo đúng cách của người bản xứ.Tất cả những ngày lễ của quê hương xa cách nửa vòng trái đất như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu…đều được giữ gìn và cử hành theo truyền thống cũ, chỉ khác là ngày lễ của xứ sở mới thì được nghỉ làm, được hưởng lương. Ngày lễ của mình thì phải dùng ngày nghỉ thường niên của mình … Chị tâm sự với tôi.

-Anh chị đã ở đây khá lâu, các cháu đi học thường chia sẻ sinh hoạt gia đình với bạn bè trong lớp nên những phong tục và các ngày lễ ở đây, chị cố gắng học theo cách cử hành theo truyền thống của người bản xứ để dễ hòa nhập với đời sống mới cho gia đình. Năm nào anh chị cũng có làm tiệc kỷ niệm ngày Lễ Tạ Ơn, đặc biệt năm nay chị làm lớn hơn để mừng hai em mới đến và mời họ hàng bên anh Vũ, nhất là những người đã cùng anh chị và các cháu đến đón hai em để chung vui cho ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên gia đình được xum họp.

Tôi theo chị đi chợ, chị chỉ cho tôi cách chọn gà tây và mua các món để làm stuffing, mashed potatoes, cranberry sauce…Thịt gà tây thì tôi chưa ăn bao giờ nhưng con gà Tây thì tôi đã thấy khi đến Hà Tiên để lo chuẩn bị vượt biển, trốn trong phòng ngủ của nhà bạn tôi, qua khe cửa sổ thấy mấy chú gà trống Tây tán gà mái ồn ào cũng vui. Rất nhiều thứ gia vị chị mua mà tôi không biết nhưng chăm chú nghe theo lời chị chỉ dẫn vì có thể có ngày cần dùng.

Bữa tiệc kỷ niệm ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên của chúng tôi trên đất nước Hoa Kỳ thật là ấm cúng vui vẻ trong không khí thân mật đầy thương yêu của gia đình. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món thịt gà Tây nướng theo kiểu … Mỹ!

1984….2024, thấm thoát thế mà đã bốn mươi năm trôi qua, các anh chi em chúng tôi gồm cả dâu rể đã được đoàn tụ và cùng ở tiểu bang Virginia. Năm nào cũng vậy, như là một thói quen mà chúng tôi coi như một truyền thống của gia đình - tất cả các anh chị em và các con cháu đều tụ lại ở nhà anh chị Vũ Lan để mừng Lễ Tạ Ơn- từ những ngày còn đi làm cho đến bây giờ, tất cả anh chị em chúng tôi đều đã về hưu.

Thường thì cứ khoảng một tuần trước ngày lễ là anh chị lo chuẩn bị sắp đặt bàn ghế rồi đi chợ mua gà Tây và mọi thứ cần thiết cho bữa ăn của gia đình. Một dãy bàn dài đã được sắp xếp cho đám trẻ, các con và các cháu, nhóm anh chị em chúng tôi ngồi ở bàn tròn…Thức ăn được để trên bàn lớn để mọi người tự lấy…con gà Tây sau khi nướng, được cắt ra thành từng miếng để trong dĩa lớn và những món phụ để trong những đồ chứa xinh xinh đặt chung quanh, ngoài ra còn có món bò nướng và chả giò đổi khẩu vị….tha hồ mà thưởng thức. Bên phía bàn dài dành cho con cháu, cháu lớn nhất là 20 và nhỏ mới 4 tuổi, ăn uống tranh nhau cười cười nói nói…bố mẹ chúng cùng bàn chuyện thời cuộc ồn ào vui vẻ. Nhóm chúng tôi cũng chẳng thua gì…cùng nhau nhâm nhi ly rượu chát ôn lại chuyện đời…từ những ngày còn nhỏ sống ở miền cao nguyên gió bụi…những ngày đầy thơ mộng của khung trời đại học Saigon… rồi đi làm và đến thời tao loạn, nước mất nhà tan, anh chị em phân tán…Chị Lan kể lại những nỗi khó khăn khi mới đến đến xứ lạ, cố gắng làm việc kiếm tiền lo cho gia đình và gửi về cho các em còn kẹt lại ở quê nhà. Còn chúng tôi thì nhắc lại những ngày tù tội, thất bại, gian khổ khi đi vượt biên và những nỗi kinh hoàng trên biển cả. Cuối cùng, nhờ trời cho được may mắn, tất cả các anh chị em được gặp lại nhau tại Hoa Kỳ, một đất nước được coi như Vùng Đất Hứa. Điểm đặc biệt trong ngày lễ này là chúng tôi, cùng với đại gia đình cùng chung kỷ niệm Ngày Lễ Tạ Ơn, luôn nhắc lại lòng tốt của người dân bản xứ, cám ơn và tri ân những người di dân đến trước ở giải đất thiên đường, đã mở rộng vòng tay đón nhận và giúp đỡ chúng tôi, những người đã mất tất cả, tìm lại được cuộc sống tự do và an bình.

Mùa Lễ Tạ Ơn năm 2024

Ý Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét