Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

Khê hành ngộ vũ dữ Liễu Trung Dung 谿行遇雨與柳中慵 - Lý Đoan (Trung Đường)


Lý Đoan 李端 tự Chính Kỷ 正己, người đất Triệu, đỗ tiến sĩ năm Đại Lịch thứ 5. Con Cò không tìm được ngày sinh và ngày mất của ông nhưng biết ông chơi rất thân với Lư Luân 盧綸 (748-800) (Đạo Mò có thể mò thêm tiểu sử của Lý Đoan không?).
Ông để lại rất ít thơ (chừng vài chục bài). Con Còn chỉ dịch 5 bài trong dòng thơ lãng mạn của ông.
Lý Đoan

Nguyên tác Dịch âm

谿行遇雨與柳中慵 Khê hành ngộ vũ dữ Liễu Trung Dung


日落眾山昏 Nhật lạc chúng sơn hôn,
蕭蕭暮雨繁 Tiêu tiêu mộ vũ phồn.
那堪兩處宿 Na kham lưỡng xứ túc,
共聽一聲猿 Cộng thính nhất thanh viên.

Chú giải


與 dữ: đều, cùng (ngụ ý chơi thân với nhau).
眾山昏 chúng sơn hôn: dẫy núi lúc sẩm tối.
蕭蕭 tiêu tiêu: u ám.
*那堪 na kham: (từ ghép) không nỡ. Cụm từ này được dùng rất hàm súc trong bài này.
共聽 cộng thính: cùng nghe.

Dịch nghĩa

Cùng với Liễu Trung Dung đi trong khe gặp mưa

Mặt trời lặn, những núi non mờ mịt,
Trời u ám, mưa đêm tầm tã.
Không nỡ trọ hai nơi,
Cùng nghe một tiếng vượn.

Dịch thơ

Cùng với Liễu Trung Dung đi trong khe gặp mưa

Ác lặn núi mờ thêm,
Xối xả trận mưa đêm.
Không nỡ* trọ hai chỗ,
Cùng nghe vượn kêu rền.

Con Cò
***
Đi Trong Mưa Lũng Cùng Liễu Trung Dung.

Nắng tàn núi xẫm màu,
Mờ mịt tối mưa mau.
Không nỡ hai nơi trọ,
Vượn kêu nghe với nhau.

Mỹ Ngọc 
Oct. 19/2024.
***
Cùng Liễu lội suối gặp mưa

Nắng tắt núi mờ chen
Thê lương mưa gió rền
Không đành hai chỗ nghỉ
Cùng lắng vượn kêu rên!

Lộc Bắc

***
Đi núi gặp mưa cùng Liễu Trung Dung

Núi non mù mịt buổi hoàng hôn
Mưa đổ rạt rào tốc gió đông
Đêm tối cớ sao ta cách biệt?
Ngoài kia vượn hú não nề lòng


Thanh Vân

***

*Chúng là nhiều, tất cả, đông, như chúng bạn, chúng sinh, tăng chúng…
*Tiêu là tên nước thời cổ. Họ như Tiêu Hà, Tiêu Phong. Vắng lặng, buồn bã.
- Tiêu tiêu là tiếng ngựa hí (tiêu tiêu ban mã minh, trong Tống Hữu Nhân của Lý Bạch)
- Tiêu tiêu là tiếng gió rít mạnh (phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn, trong Dịch thủy ca của Kinh Kha).

*Phồn là nhiều.
*Na có rất nhiều nghĩa:
- Nhiều như: thụ phúc bất na.
- An ổn, như: hữu na kỳ cư.
- Đứa bé con xinh đẹp, như: na thụ.
- Thoáng chốc, thời gian cực ngắn, như: sát na.
- Sao vậy, sao thế, sao được, như: tiên cảnh na năng khước tái lai của Tào Đường.
- Là một trợ từ, có thể không cần dịch.
*Kham: làm nổi, chịu nổi.
Na kham là sao chịu nổi.

Bát Sách là người thiếu óc tưởng tượng, sinh lý cân bằng, đọc bài thơ của Lý thì hiểu một cách giản dị: Hai người bạn đi chơi khe núi, vô tình gặp nhau và gặp mưa, nên trọ chung, khó ngủ nên nghe vượn kêu…

Đi Trong Khe, Gặp Mưa Và Liễu Trung Dung

Nắng tàn, non núi tối sầm,
Mưa chiều tầm tã, ầm ầm tuôn rơi,
Sao đành ở trọ đôi nơi,
Chi bằng tiếng vượn, hai người cùng nghe.

Bát Sách.
(Ngày 10/ 11/ 2024)

***
 

Nguyên tác: Phiên âm: Dịch thơ:

谿行逢雨與柳中慵-李端 Đi Dạo Mắc Mưa

Khê Hành Phùng Vũ Dữ Liễu- Lý Đoan

日落眾山昏 Nhật lạc chúng sơn hôn Núi tối sau hoàng hôn,
蕭蕭暮雨繁 Tiêu tiêu mộ vũ phồn Rào rào mưa dập dồn.
那堪兩處宿 Na kham lưỡng xứ túc Đêm nay đành cách biệt,
共聽一聲猿 Cộng thính nhất thanh viên Nghe vượn hú ngoài thôn.

Dị bản:

Bài ngũ ngôn tứ tuyệt có mộc bản trong các sách bên dưới:

Đường Nhân Vạn Thủ Tuyệt Cú Tuyển - Tống - Hồng Toại 唐人万首绝句选-宋-洪遂. Sách của Hồng Toại có tựa dùng chữ 遇ngộ thay vì 逢phùng như các sách khác.

Văn Uyển Anh Hoa - Tống - Lý Phưởng 文苑英华-宋-李昉. Sách của Lý Phưởng, câu 1 dùng 星分tinh phân thay vì 山昏sơn hôn như các sách khác:

Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石仓历代诗选-明-曹学佺
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐诗-清-圣祖玄烨



李端溪行逢雨與柳中庸書法欣賞
Lý Đoan Khê Hành Phùng Vũ Dữ Liễu Trung Dung thư pháp hân thưởng



Ghi chú:


Nhật lạc: lúc mặt trời lặng, hoàng hôn
Tiêu tiêu: từ tượng thanh chỉ âm thanh của gió, của lá rụng, của mưa rơi, của ngựa phi
Na kham: cách thức, làm sao, làm thế nào

Dịch nghĩa:

Khê Hành Ngộ Vũ Dữ Liễu Trung Dung
Đi Dạo Trong Khe Núi Gặp Mưa và Liễu Trung Dung
Nhật lạc chúng sơn hôn
Những ngọn núi chìm dần vào bóng tối sau lúc hoàng hôn,
Tiêu tiêu mộ vũ phồn
Rồi một cơn mưa đêm tầm tã ập đến.
Na kham lưỡng xứ túc
Đêm nay, làm sao anh và em có thể chịu đựng được xa cách nhau ở hai nơi,
Cộng thính nhất thanh viên
Nhưng lại nghe cùng một tiếng kêu buồn bã của loài vượn?

Bình luận:

Bài thơ 20 chữ, dùng những chữ đơn giản, không ẩn dụ, không điển cố. Trong tựa hầu hết các sách xưa Tống Minh Thanh đều dùng chữ 逢phùng, chỉ có sách Tống Hồng Toại dùng chữ 遇ngộ. Dù là theo thiểu số, tôi thích chữ 遇ngộ hơn 逢phùng. 逢phùng có ý nghĩa xắp đặt trước như trong: • tao phùng 遭逢 • tương phùng相逢, trong khi 遇ngộ có tính cách ngẫu nhiên không hẹn trước như trong: • tao ngộ遭遇• tri ngộ知遇 • tương ngộ相遇. Với mưa thì thường là ngộ, chớ làm sao phùng trừ khi, ngày nay cũng như vào thời Đường, ngộ và phùng cùng y một nghĩa.

Câu 1: đề, bối cảnh câu chuyện, thời lúc và nơi chốn; sau lúc mặt trời lặn thì núi tối mờ rất hợp tình, hợp với thiên nhiên.

Câu 2: thực, thêm âm thanh và sự chuyển động; tiếng mưa đêm rơi tầm tã dồn dập.

Câu 3: luận, nội dung chính, mưa lớn không về được, nhưng về đâu, về/đến với ai; câu dễ dịch, nhưng khó hiểu đúng ý nghĩa. Chữ khó hiểu là lưỡng xứ兩處hai nơi. Hai chữ này còn được dùng ở nhiều bài thơ Đường khác, nhưng không thấy nơi nào giải thích thỏa đáng:

皇甫冉 登山歌 Đăng Sơn Ca của Hoàng Phủ Nhiễm
曹邺 旅次岳阳寄京中亲故 Lữ Thứ Nhạc Dương Ký Kinh Trung Thân Cố của Tào Nghiệp
皮日休 杂体诗 Tạp Thể Thi của Bì Nhật Hưu

Câu 4: kết, xa cách nhau nhưng cùng nghe vượn hú; cũng dễ dịch, nhưng hiểu thế nào đây? Ở cách nhau xa, làm sao cùng nghe vượn hú. Còn như ở gần để có thể cùng nghe tiếng vượn hú thì mưa cũng về với nhau được. Sao phải lo lắng?

Dịch thơ:

Dạo Núi Mắc Mưa

Hoàng hôn trời tối núi mờ,
Rào rào mưa đến ngặp bờ khe con.
Đêm nay cách biệt đầu non,
Cùng nghe vượn hú mỏi mòn nhớ nhau.


Caught in the Rain while Hiking in the Ravine and Met Liǔ Zhōng Yōng
by Lǐ Duān


As the sun is setting, the mountains become darker,
The heavy night rain falls noisily and incessantly.
How can we cope with being separated in two places tonight?
While we can both listen to the apes’ sad cries.

Phí Minh Tâm
***
Góp Ý:

Từ trang 李端 (诗人) Thi nhân Lý Đoan của zn.Wikipedia:

Lý Đoan, tự Chánh Kỷ, biệt hiệu Hành Nhạc U Nhân là người Triệu Châu (huyện Triệu, Hà Bắc bây giờ) xuất thân từ gia đình họ Lý ở huyện Triệu, sinh năm 743, thời nhỏ sống ờ Lư San và học thơ với danh tăng Kiểu Nhiên (皎然); đỗ tiến sĩ năm 770, rồi xuất thân làm giáo thư lang cho bí thư tỉnh, sau đó làm tư mã Hàng Châu (官杭). Cuối đời ẩn cư ở Hành san, Hồ Nam và là một trong Đại Lịch thập tài tử (大曆十 才子). Ông qua đời năm 787.

Huỳnh Kim Giám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét