Trước đây tôi viết về tác phẩm Bác Sĩ Zhivago (tiếng Anh: Doctor Zhivago, tiếng Pháp: Docteur Jivago) được giải Nobel Văn Chương năm 1958 nhưng nhà văn Boris Pasternak (1890-1960) đang sống trong chế độ CS Liên Xô nên không được sang Thụy Điển nhận giải và còn bị Hội Các Nhà Văn Xô Viết (The Soviet Writers Union) kết tội là kẻ phản động, loại ra khỏi tổ chức!. (Sau khi Michail Gorbachev chủ trương chính sách “cởi mở” và “cải cách”, tháng 12 năm 1989, con trai của Boris Pasternak là nhà văn Evgueni đã được mời sang Thuỵ Điển nhận giải thưởng thay ông, với những nghi thức long trọng như lễ trao giải chính thức).
Boris Pasternak là nhà thơ, nhà văn đã ấn hành nhiều thi phẩm và truyện ngắn, tự truyện… Doctor. Zhivago là tác phẩm đầu tay đưa tên tuổi ông trên đài danh vọng, là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trên thế giới. Đây là tiểu thuyết lịch sử và xã hội nhưng chính cuộc tình lãng mạn, say đắm, ngang trái và bi thương là phấn cốt lõi trở thành tác phẩm nổi danh.
Nhà thơ, nhà văn Boris Pasternak tuy đã có vợ và người tình nhưng khi gặp Olga Ivinskaya với cuộc tình thơ mộng và bi thương nên Olga trở thành nhân vật trong Dr, Zhivago. Tác giả dựa vào bản thân và cuộc tình trong cuộc sống để sáng tác nhân vật hư cấu nhưng rất sống động, tưởng như thật trong bối cảnh thời đó dưới chế độ CS Liên Xô. Và, Pasternak khởi đầu viết Dr, Zhivago vào năm 1948. Linh cảm của nhà văn khi sáng tác có những điểm tương đồng xảy ra trong tác phẩm.
Olga Ivinskaya, người gốc Đức, Ba Lan, sinh năm 1912 ở Tambov. Năm 1915, gia đình chuyển đến Moscow. Sau khi tốt nghiệp Học Viện Công Nhân Biên Tập tại Moscow năm 1936, cô làm biên tập viên tại nhiều tạp chí văn học. Cô là một người ngưỡng mộ Pasternak từ khi còn ở tuổi thiếu niên, tham dự các buổi họp mặt văn học để nghe thơ của ông. Olga kết hôn hai lần: lần đầu tiên với Ivan Emelianov vào năm 1936, người đã treo cổ tự tử vào năm 1939, có được con gái là Irina Emelianova; lần thứ hai vào năm 1941, Alexander Vinogradov (sau này bị giết trong chiến tranh ), sinh ra một người con trai là Dmitry Vinogradov.
Olga gặp Vladimir Pasternak vào tháng 10 năm 1946, trong tòa soạn của Novy Mir, nơi cô phụ trách trong công việc giới thiệu tác giả mới. Lúc đó Pasternak 56 tuổi và Olga 36 tuổi. OLga tích thi ca nên hợp tác với Pasternak trong việc dịch thơ từ tiếng Anh sang tiếng Nga như thơ của Rabindranath Tagore.
Vào tháng 10 năm 1949, Olga bị bắt là “đồng phạm của điệp viên” và vào tháng 7 năm 1950 bị Hội Đồng Đặc Biệt của NKVD kết án 5 năm tại Gulag (nhà văn Solzhenitsyn với tác phẩm Gulag – Quần Đảo Ngục Tù). Vào thời điểm bị bắt giữ, Olga đang mang thai bởi Pasternak và bị sảy thai! Cô được thả ra vào năm 1953 sau cái chết của Stalin.
Khôi hài và trớ trêu, tác phẩm Dr. Zhivago của Pasternak bị coi như “tác phẩm phản động” nhưng khi được giải Nobel Văn Chương 1958 cả thế giới biết đến nên CS Liên Xô không kết án tù tác giả mà quy tội cho người tình của ông!
Sau cái chết của Pasternak năm 1960, Olga Ivinskaya bị bắt lần thứ hai, cùng với con gái của cô, Irina Emelianova. Cô bị buộc tội là mối liên kết của Pasternak với các nhà xuất bản phương Tây. Năm 1962 Emelianova được thả đến năm 1964 Olga được ra khỏi nhà tù. Cô đã thụ án bốn năm trong bản án tám năm.
Năm 1978, hồi ký của Olga viết lại thời gian lao tù được xuất bản tại Paris bằng tiếng Nga và được dịch sang tiếng Anh dưới tựa đề A Captive of Time. Irina Emelianova di cư sang Pháp năm 1985 xuất bản một cuốn hồi ký nầy kỷ niệm về mối tình của mẹ cô với Pasternak.
Thư từ của Pasternak gửi cho Olga, các bản thảo và tài liệu khác đã bị KGB thu giữ trong lần bắt giữ cuối cùng. OLga đã phản kháng nhiều năm trong vụ kiện nhưng kết quả với phán quyết chống lại lý do “không có bằng chứng về quyền sở hữu” và “giấy tờ nên được lưu giữ trong kho lưu trữ của nhà nước”. Olga mất năm 1995 vì bệnh ung thư. Hưởng thọ 83 tuổi.
Boris Pasternak hoàn thành tác phẩm Dr. Zhivago năm 1956, tác giả gởi bản thảo cho tờ tạp chí của Liên Xô, nhưng ban biên tập đã từ chối đăng cuốn tiểu thuyết của ông, viện lý do nó “mô tả một cách lệch lạc Cách Mạng Tháng Mười Nga và xuyên tạc những nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Liên Xô”.
Pasternak gởi chui tác phẩm vào cuối năm 1956, nhà xuất bản Feltrinelli của Ý xuất bản vào năm 1957 bằng nguyên tác tiếng Nga. Năm 1958 được dịch sang tiếng Ý, tiếng Anh (dịch giả Max Hayward và Manya Harari) và trong năm đó được dịch sang 18 ngôn ngữ, dần dà trở thành tác phẩm được phổ biến nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới. Thật đáng tiếc, Boris Pasternak không thấy được hào quang trên thế giới, qua đời vào tuổi 70 vì ung thư phổi. Cho đến 17 năm sau, tác phẩm Dr. Zhivago được xuất bản tại nước Nga vào năm 1987. Tác phẩm nầy dày gần gần tám trăm trang, gồm 16 chương. Tác giả dựa vào bản thân và cuộc tình để xây dựng hai nhân vật chính là Dr. Zhivago và Lara.
Yuri Zhivago học y khoa, tốt nghiệp bác sĩ, có máu văn nghệ, làm thơ, viết văn và đã có gia đình. Lara cũng vậy đã lập gia đình. Thế nhưng, chàng và nàng khi gặp nhau cả hai với “tiếng sét ái tình”.
Lara khi mới 17 tuổi gặp gã quý tộc Komarovsky thô lỗ, cộc cằn, dựa vào thế lực đã hãm hiếp Lara. Trong cơn tủi nhục, Lara phẫn nộ, lấy súng bắn Komarovsky trong buổi tiệc Giáng Sinh nhưng không may lại bắn trúng một người khác. Sau đó, cô kết hôn với Pasha và có một cô con gái.
Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) nổ ra, Zhivago tòng quân với tư cách bác sĩ quân y. Chồng của Lara cũng nhập ngũ và bị mất tích. Lara tình nguyện làm y tá với hy vọng tìm kiếm tông tích chồng. Zhivago gặp Lara lần đầu tiên khi vào thăm vợ tại trạm quân y nơi Lara làm việc. Mối tình lãng mạn ngang trái đã âm thầm nẩy nở nhưng cả hai đều đã tự ngăn cản trái tim mình. Tuy nhiên hình bóng người tình đã in sâu vào tâm khảm.
Chiến tranh bùng nổ khắp nơi, Zhivago và Lara được bổ nhiệm công tác chung tại nhà thương ở tỉnh nhỏ xa xôi. Chàng bị cuốn hút bởi hình ảnh dễ thương, quyến rũ nên cảm tình cho Lara. Và rồi họ đã yêu nhau tha thiết. Nhưng khi kết thúc nhiệm vụ, họ chia tay và trở về với con đường riêng của mình.
Sau cuộc chiến, Zhivago trở về chức vị bác sĩ cũ tại nhà thương ở Moscow (Mạc Tư Khoa). Tâm hồn lãng mạn của chàng thường bị đồng nghiệp bài bác và đả kích thiếu tinh thần cách mạng. Giữa cuộc xung đột chống chủ nghĩa Marx nổ ra, Zhivago cùng gia đình dời về Urals, vùng đất mới yên bình, tránh chiến tranh.
Trên xe lửa của chuyến đi, Zhivago nhận thức được nỗi khổ của nông dân và tù binh, những nạn nhân của cuộc cách mạng. Vốn là người yêu chuộng tự do và nhân quyền nên chàng bất mãn với những hành động hay chính kiến quá cứng rắn và thiếu tình người của những người theo cách mạng.
Tại Urals, Zhivago cùng gia đình khai đất làm ruộng và làm thơ. Nơi thư viện làng, gặp lại Lara và hai người bước vào thế giới yêu đương vụng trộm. Đó cũng là lúc Lara biết tin chồng còn sống và hiện là một tay Trùm Đỏ khét tiếng với tên mới Strelnikov.
Tại đây, Zhivago và nàng Lara vô tình gặp lại nhau sau bao xa cách và ngọn lửa tình yêu trong tim họ lại một lần nữa bùng cháy bất chấp mọi ràng buộc và mặc cảm tội lỗi. Nhưng rồi, cuộc tình của họ cũng lại thêm một lần bị chia cắt bởi chiến tranh…
Trong bối cảnh hỗn loạn của chiến tranh, mỗi cuộc chia ly là một sự biến mất. Trong thời điểm nhiễu nhương đó, không biết ngày mai sẽ ra sao, phó mặc cho số phận! Thế nhưng, Zhivago và Lara vượt lên mọi ngang trái, ràng buộc và bất an, họ lại đến với nhau, vẫn yêu nhau, cho nhau tình yêu chân thành nhất, say đắm nhất dù là trong tận cùng tuyệt vọng!
Zhivago muốn trở về với vợ để thú nhận tội ngoại tình nhưng không may bị một nhóm quân cách mạng bắt cóc và phải phục vụ như bác sĩ của nhóm này. Sau vài năm, Zhivago trốn thoát và trở lại với Lara. Để tránh không bị điểm chỉ, cặp tình nhân lặng lẽ bỏ trốn sang một nông trại khi xưa gia đình Zhivago từng canh tác.
Zhivago bày tỏ tâm sự của chàng về những thăng trầm của đời sống, những lo sợ và lòng can đảm trong chiến tranh và hơn hết là tình yêu dành cho Lara. Trong khi đó Zhivago có tin vợ là Tonya và con gái bị trục xuất khỏi Liên Xô.
Hoàn cảnh thật trớ trêu, Zhivago gặp Pasha. Sau một đêm trò chuyện, cuối cùng hai người đàn ông cùng yêu một người đàn bà đã thân thiện bên nhau dưới một mái nhà. Người này kính trọng người kia và cùng biết mình được yêu. Tuy Pasha trở thành tên Trùm Đỏ Strelnikov nhưng bị thất sủng và quân cách mạng truy đuổi, cảm thấy bất lực trước mối tình của Lara và Zhivago. Sáng ra Pasha tự sát. Pasha tin rằng đó là con đường giải thoát để mẹ con Lara hạnh phúc. Pasha chết trong cô đơn trên bãi tuyết mênh mông. Điều mà Pasha cần là tình yêu nhưng trái tim đó đã dành trọn vẹn cho Zhivago.
Thế rồi sau đó, Komarovsky xuất hiện. Hắn cho biết quân cách mạng đang truy lùng Pasternak và Lara và sẽ giết cả hai nếu bắt được. Hắn hứa giúp đưa Zhivago và Lara trốn ra nước ngoài.
Trước sự hăm dọa đó, Zhivago đắn đo và vì vấn đề an toàn cho Lara, chàng quyết định để Lara ra đi một mình. Chàng ở lại Liên Xô trong nỗi đau nên say sưa uống rượu giải sầu! Sức mạnh của tình yêu mãnh liệt và cao đẹp vô cùng, dám hy sinh bản thân để người tình được bình yên. (Trong tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung có những mối tình mà nhân vật nữ, nam bất chấp nguy hiểm dám hy sinh mạng sống để bảo toàn sự an nguy của người tình. Tôi có viết Những Mối Tình Ngang Trái Trong Tác Phẩm Kim Dung).
Zhivago trở lại Mạc Tư Khoa và sống cùng một phụ nữ tên Marina và kiếm sống bằng cách viết sách. Chàng xin vào làm tại bệnh viện và rồi trên đường đi làm, chàng bị đột quỵ. Lara tình cờ đi tới nhà xác và… xác Zhivago vẫn còn nằm đó. Sau vài ngày, người ta không còn thấy Lara. Có người cho rằng nàng đã bị bắt vào trại tập trung cải tạo. Sau đó, Lara chết trong cô đơn, không có người đàn ông nào của nàng bên cạnh. Không ai ân hận, không ai trách cứ gì nhau! Mối tình mang xuống tuyền đài!
Phim & Nhạc
Năm 1965 tác phẩm Doctor Zhivago được đạo diễn David Lean dựng thành phim của Anh. Ca khúc chính của phim là Lara's Theme hay Somewhere, My Love của Maurice Jarre. Tài tử Omar Sharif (Dr. Zhivago), minh tinh Julie Christie (Lara). Phim giành được năm giải Oscar, trong đó có nhạc phim. Đây là một trong những cuốn phim nổi tiếng nhất thế giới, trải qua nhiều thập niên vẫn được yêu thích. Lúc đầu dự tính minh tinh Audrey Hepburn đang nổi tiếng trong ngành điện ảnh nhưng sau cùng đạo diễn thay nhân vật. Năm 1967, nhạc phim với tên Lara's Theme hay Somewhere, My Love đoạt giải “Grammy Award for Best Performance by a Chorus. Nhạc sĩ Maurice Jarre (1924-2009) nổi danh là soạn nhạc với 3 lần nhận được Oscar cho nhạc phim Lawrence of Arabia (1962), Doctor Zhivago (1965), A Passage to India (1984).
Boris Pasternak đam mê về âm nhạc, theo học bộ môn sáng tác nhạc trong 6 năm, nhưng khi bước chân vào đại học Moscow, ông chọn ngành triết học, vì vậy trong các tác phẩm của ông có cái nhìn sâu sắc về tâm lý và nhân sinh quan.
Tác phẩm Dr. Zhivago đã được Trường Văn và Song Tích phỏng dịch năm 1959, Bác Sĩ Zhivago, Bản dịch Bác Sĩ Zhivago, Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa xuất bản, 1969. Nguyễn Hữu Hiệu (dịch giả trẻ thời đó đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng) với tựa ban đầu là Doctor Zhivago, sau đó với tựa đề với tựa đề Vĩnh Biệt Tình Em Đầu, NXB Hoàng Hạc năm 1975. Tác phẩm nầy đã edit lại còn 670 trang, được đánh gía là một trong những tác phẩm dịch thuật văn chương hay nhất.
Độc giả ở Miền Nam VN đã biết qua tác phẩm và nhiều bài viết trên báo khi nhận tin Nobel Văn Chương năm 1958 vì vậy khi cuốn phim nầy được trình chiếu, trở thành hiện tượng, khán giả đợi chờ, sắp hàng mua vé.
Năm 1972, phim Doctor Zhivago với tựa đề Việt ngữ Vĩnh Biệt Tình Em được chiếu tại rạp Rex ở Sài Gòn, sau đó được chiếu nhiều thành phố ở miền Nam Việt Nam, trở thành hiện tượng phim tình cảm hay nhất. Chỉ nghe Tình Khúc Lara (Lara’s Theme) trong phim Dr. Zhivago khán giả đã say đắm.
Thời đó, mỗi cuốn phim được trình chiếu có tờ chương trình (program), cuốn phim nầy có ghi thêm quý bà, quý cô mang khăn theo để thấm nước mắt. Thời đó vào hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt nên mối tình nam nữ giữa người trai thời chiến với người tình hậu phương thường xảy ra “sinh ly tử biệt” nên cuốn phim nầy với bi kịch đau thương
Nhạc phẩm Somewhere, My Love (moderately) trong phim không có lời, sau đó ban nhạc Ray Conniff trình bày với lời ca, trở thành ca khúc, không có chữ nào nhắc đến tên Lara, ca khúc tiếng Pháp là La Chanson de Lara. Phạm Duy dịch bài hát sang lời Việt dưới tên Hỡi Người Tình Lara (3/4, valse) sau khi cuốn phim được chiếu ở miền Nam VN. Lời đầu ca khúc “Người tình thương nhớ hãy lắng nghe lời mặn mà” và câu kết “Người em yêu hỡi nhớ thương đi đi chớ phai”. Trong lời Pháp, lời ca khúc La Chanson de Lara của Maurice Jarre, tên Lara được nhắc đến nhiều hơn nguyên bản tiếng Anh (chỉ gọi một lần) như: “Un jour Lara, quand le vent a tourné. Un jour Lara, ton amour t’a quitté. Tes yeux Lara revoient toujours ce train... Un jour Lara, quand tournera le vent. Un jour Lara, ce sera comme avant”. Nhạc sĩ Xuân Vinh (làm tại Cục Tâm Lý Chiến, đài phát thanh quân đội) chuyển thành ca khúc Người Yêu Tôi Đâu. Sau đó, có thêm lời Việt của nhạc sĩ Trường Hải với tựa Người Yêu Tôi Đâu theo nguyên tác Somewhere, My Love “Người tôi yêu dấu. Nỡ để hồn tôi quạnh hiu…” và phần ĐK: “Bốn mắt nhìn nhau nào ai đâu nói gì. Em ngày xưa nét thời gian chẳng mờ. Dẫu gặp lại lòng vương thoáng bâng khuâng. Sao bờ tim niềm thổn thức xa vời” cũng được nhiều người ái mộ. Như vậy nghe La Chanson de Lara của Maurice Jarre với tiếng hát của John William cảm thấy tha thiết với bóng dáng người tình. Vì vậy, với các nhạc phẩm ngoại quốc với lời Việt (khác với thơ, dịch nguyên câu) chỉ dựa vào nội dung để viết lời ca tùy theo cảm xúc hợp với giai điệu thường hay hơn.
Có nhiều đêm tôi chỉ nghe duy nhất một nhạc phẩm từ độc tấu dương cầm, vỹ cầm, tây ban cầm… tiếng kèn đến ban nhạc. Với ca khúc, ca sĩ nam, nữ để cảm nhận tiếng hát nào phù hợp với giai điệu. Có lẽ vì vậy tôi quen với sự tĩnh lặng vì trong không gian đó mới thực sự thả hồn trong thế giới âm thanh. Chẳng hạn ca khúc My Heart Will Go On của nhạc sĩ James Horner, lời Will Jennings, với tiếng hát Celine Dion trong phim Titanic thì không thích nghe tiếng hát nào nữa.
Hiện Tượng Lara
Tuy Lara không còn thơ ngây, trinh trắng nhưng vẻ đẹp trong tâm hồn, tình yêu nồng nàn, say đắm, bất chấp ngang trái, bất chấp sự đe dọa, kết tội của chế độ CS Liên Xô hà khắc, nàng dấn thân trong cuộc tình với tất cả trái tim và tâm hồn.
Ca sĩ Quỳnh Giao ghi nhận “Ngày xưa, ở tại Sài Gòn, Lara đã mở ra cho chúng ta những khung trời thơ mộng và bi thương của một thế giới khác, trong một hoàn cảnh rất chung của tình yêu trong chiến tranh và hận thù. Những gì xảy ra sau đó tại Việt Nam còn vượt qua mọi sự bi thảm của tác giả Boris Pasternak và nhiều nàng Lara thật ở ngoài đời, ở trong thế giới của chúng ta, đã khiến mình có thể quên được người nghệ sĩ Julie Christie...”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng viết về Nhân Vật Lara của Boris Pasternak: “Lara - ngoài đời, người đã cho Pasternak hình tượng nhân vật Lara, tên thật là Olga Ivinskaya và đã qua đời vào ngày 8 tháng 9, 1995 tại Mạc Tư Khoa.
Trong một lá thư gửi R. Schweizer đề ngày 7 tháng Năm, 1958, Pasternak đã viết về Olga Ivinskaya như sau: “Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tôi đã gặp một phụ nữ trẻ, tên là Olga Ivinskaya... Nàng chính là Lara trong cuốn tiểu thuyết mà tôi bắt đầu viết chính vào thời kỳ đó... Nàng là hiện thân của niềm yêu đời và đức hy sinh... Nàng biết rõ đời sống tinh thần của tôi và mọi công việc văn chương của tôi.”
Khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Anh, nhà văn Pasternak nói: “Nàng là người bạn lớn, rất lớn của tôi. Nàng đã giúp tôi trong thời gian tôi viết sách, trong cuộc đời tôi... Nàng đã bị tù 5 năm vì kết thân với tôi. Thời trẻ của tôi không có một nàng Lara độc nhất... Nàng Lara của tôi thời trẻ ấy là vốn sống chung. Còn nàng Lara của tôi thời về già thì đã được ghi khắc vào trái tim tôi bằng máu của nàng và bằng cảnh tù đày của nàng”…
Pasternak kể lại buổi hẹn đầu tiên, ông gọi điện thoại đến toà soạn Novy Mir, nói với Olga: “Tôi muốn cô gọi tôi là ‘anh’, bởi vì gọi là ‘đồng chí’ nghe giả dối lắm”.
Olga nhắc lại mối tình của bà và Pasternak: “... Cuốn tiểu thuyết ấy đã bắt đầu quyết định cả số phận của hai chúng tôi. Nó như một thứ bùa mê. Nó đem đến niềm hạnh phúc điên cuồng cùng nỗi đau khổ ghê gớm. Càng gần đến cái chết của nhân vật, đến dấu chấm cuối cùng, thì đoạn kết của cuộc đời chúng tôi càng gần lại.”
… Olga Ivinskaia đã ra đi, nhưng nàng Lara vẫn còn ở lại mãi mãi với người đọc chúng ta. Hãy tưởng tượng “cánh tay phải” của ông đang lau cho ông những giọt nước mắt. Hãy tưởng tượng Pasternak là một người hạnh phúc…”. (NXH)
Hình ảnh Lara được Anna Pasternak, cháu gái của nhà văn viết thành tác phẩm cũng như Dr. Zhivago trở thành chứng nhân của thời đại.
Nếu (lỡ dại) vướng cái nghiệp đa cảm, lãng mạn thì hà cớ gì với “đoạn đường chiến binh”… nghịch cảnh, trớ trêu, cay đắng, chông gai!
Với tôi, Lara trong tác phẩm, trong phim… hay ẩn hiện đâu đó, luôn luôn là hình ảnh đáng yêu, đáng quý của người tình muôn thuở.
Trong bài thơ Autumn của Boris Pasternak ở đoạn cuối với hai câu thơ:
“You are the blessing on my baneful way,
When life has depths worse than disease can reach”
(Em hạnh phúc trên đường anh khổ lụy
Khi cuộc đời tồi hơn cả thương đau - Thân Trọng Sơn)
Với kẻ tình si thì có khi nếm cái thú đau thương như bài thơ Thú Đau Thương của Lưu Trọng Lư với hai câu cuối “Giờ đây ta đốt nén hương. Trên tay ta buộc dải tang cho tình” khi Vĩnh Biệt Tình Em.
Nhà văn Anh Oscar Wilde (người Ireland, 1854-1900) đa tình, đa cảm nên câu nói của ông: “Trái tim được tạo ra để tan vỡ” (The heart was made to be broken). Thật chí lý, với người thà có trái tim để chấp nhận tan vỡ còn hơn không có trái tim. Với tôi, từng sống chết với trái tim, còn bạn?.
Viết lại, Little Saigon, 9/2023
Vương Trùng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét