Con người trên cõi nhân gian này thường hay ôm ấp những gì đẹp, những điều hay và ghi khắc những chân tình từ mọi phía để làm hành trang cho cuộc sống, thi vị cho cuộc đời và là kỷ niệm gói ghém tâm tư thầm kín sâu xa - Tôi được cơ duyên đến thăm xứ sở xương rồng từ hai năm trước, lần thứ nhất tôi đến để làm nghề skin care cho một tiệm thẩm mỹ nhưng chẳng được bao lâu, lần thứ hai tôi đến tham dự hai buổi sinh hoạt và lần này tôi lại có dịp đến thung lũng Phượng Hoàng thăm thắng cảnh thần tiên của miền đất có thể gọi là nóng nhất nước Mỹ …Một kỷ niệm đẹp đã thúc dục tôi cầm bút để ghi lại những tình cảm, những sự việc trải qua cùng những thắng cảnh tuyệt vời của miền nắng ấm Arizona.
Tất cả cũng do có nhân duyên hội ngộ mà được quen biết nhau, tôi nhớ lại năm 2005 trên Cao Nguyên Tình Xanh thành phố Seattle trong một dịp tổ chức Đại Hội Phụ Nữ văn chương hải ngoại tôi đã được quen biết hai nhà báo nữ tại Arizona – Chu Kim Oanh chủ nhiệm chủ bút nguyệt san AZ Rạng Đông và phu quân của chị là anh Đoàn Phú Lạc, cô Mộng Tuyền chủ nhiệm chủ bút nguyệt san Bút Tre - Một sự cảm mến chân thành đã len lõi trong tâm hồn cả bốn chúng tôi và kể từ đó chúng tôi thường liên lạc với nhau trên email, thường xuyên tôi gửi bài vỡ đăng hai tờ báo Rạng Đông và Bút Tre.
Lại một nhân duyên thứ hai cũng từ buổi hạnh ngộ Phụ Nữ văn chương hải ngoại tổ chức tại miền Nam Cali năm 2006 tôi được quen biết thêm cô Thanh Mai một nhà truyền thông nữ và anh Lê Hữu Uy nhà báo – Cô Thanh Mai là Giám Đốc đài phát thanh Tiếng Nước Tôi AZ và anh Uy là Tổng Thư Ký của Hội Á Mỹ Cao Niên AZ (Hội AMCN/AZ) cũng là sáng lập báo của hội và người hoạt đông cộng đồng rất tích cực …
Và thêm nữa, nhân duyên thứ ba đến với tôi trong năm 2009 – Nhân ngày Vinh danh những người có thành tích xuất sắc của các sắc dân Á Châu tổ chức tại tiểu bang Arizona mà cô Thanh Mai được bình chọn là “Nhà Quản Trị Doanh Nghiệp Xuất Sắc Nhất Trong Năm”; Và là ngày kỷ niệm 2 năm thành lập Hội AMCN/AZ tôi được cô Thanh Mai và anh Lê Hữu Uy mời qua tham dự, cùng đi có nhà thư họa Vũ Hối - Các bạn ra đón tôi vào một buổi chiều nắng vẫn còn rơi rớt nhưng sức nóng thì như thiêu đốt cả con người – Tôi vô cùng cảm động trước sự nồng nhiệt và ưu ái của các bạn tại AZ dành cho tôi.
Vừa đến Arizona là Chu Kim Oanh gọi phone muốn gặp nhau nhưng tôi hẹn nàng vào ngày khác để cùng các bạn về nhà Thanh Mai nghỉ ngơi - Đêm đầu tiên anh Lê Hữu Uy và cô Thanh Mai tổ chức một buổi họp mặt tại quán Bò Cá 7 món, chủ nhân là một nhà kinh doanh trẻ, Bác Sĩ Nha Khoa Ki Ngô - Được biết qua thành tích vị B/S này rất đãi ngộ cộng đồng, có tấm lòng với cộng đồng nên được sự quý mến của hầu hết người Việt nơi đây – Đêm họp mặt tôi được dịp quen biết anh Lê Văn Ngàn Hội Trưởng Hội AMCN/ AZ, (phải gọi là chú thì phải phép hơn nhưng xin anh cho gọi bằng anh vậy vì thơ văn thường không có tuổi, anh em vẫn thân thiện hơn phải không anh Ngàn), cô Nam Phương nhà báo nữ chủ nhiệm báo Phượng Hoàng, cô Hãi Yến là một nữ lưu trẻ chưa đầy 30 tuổi, là Director Coorporator Hội Y Tế Á Châu Thái Bình Dương AZ, cô còn là Tổng Thư Ký Cộng Đồng Á Châu AZ, và các anh chị của hội Á Mỹ Cao Niên AZ mà về lại San Jose đã gần trọn một năm nên tôi quên mất tên rồi, xin quý anh chị tha lỗi cho…Hôm sau họa sĩ Vũ Hối bận việc phải trở lại CA, nên chỉ có tôi là khách phương xa tham dự buổi vinh danh cô Thanh Mai. Buổi lễ được tổ chức rất quy mô trọng đại do Cộng Đồng Á Châu tổ chức có các Đại Diện chính quyền và giới truyền thông Hoa Kỳ nên thật là vinh dự cho người Việt nơi đây mà nhất là vinh dự cho cá nhân cô Thanh Mai và gia đình - Nhờ buổi tiếp xúc này mà tôi mới thấy rõ nếp sống và sinh hoạt của cộng đồng tị nạn Việt Nam tại Arizona – Có thể nói rằng chưa một tiểu bang nào có tầng lớp tuổi trẻ hăng say tích cực với công tác cộng đồng như ở nơi này, cho dù những tiểu bang đông người Việt như California cũng không thể so sánh với tấm lòng nhiệt huyết của các em tuổi trẻ tiểu bang Arizona - Buổi trưa tham dự kỷ niệm 2 năm thành lập Hội AMCN/AZ thật vui, toàn những vị từ 60 tuổi trở lên, có cụ ngoài 90 vẫn cố gắng đến với hội mang theo nụ cười hóm hém không còn cái răng nào - Hôm đó các em trẻ cũng đến chúc mừng quý cụ, trong nhóm trẻ Mộng Tuyền là người hăng say nhất, cô nói, cô hát , cô chúc mừng quý cụ sống lâu trường thọ, trường trường thọ - Dịp này anh Lê Hữu Uy trịnh trọng giới thiệu tôi trước quý ông bà cao niên của hội, những tác phẩm Thơ Văn, CD của tôi mang theo đã được quý vị ủng hộ, ưa thích, tôi chuẩn bị sẵn một bài thơ sáng tác trước ngày đi ngâm tặng riêng hội AMCN/AZ, những tràng vỗ tay tán thưởng và một bình hoa rực rỡ do quý bà quý chị của hội kết bằng tay tuyệt đẹp trao tặng là một kỷ niệm tôi không bao giờ quên. Tình người Việt nơi này đậm đà và thân thương như một đại gia đình, tình cảm dành cho khách từ xa đến quả là nồng nàn, không chê trách được một điều gì.
Anh Lê Hữu Uy là người bỏ ra một ngày đưa tôi đi tham quan thung lũng Phượng Hoàng (Phoenix, thủ phủ của tiểu bang Arizona), nhiều cảnh trí nên thơ, nhiều di tích hùng vĩ của tiểu bang AZ mà nơi tôi định cư không hề có được. Một điều rất lạ là tiểu bang này có thành phố dành riêng cho người già sống, tên gọi Sun City – Không hề có một người trẻ tuổi hay một đứa con nít cư ngụ nơi đây, cả thành phố rộng lớn chỉ toàn các người cao tuổi sống và chung quanh đường phố toàn là cây xương rồng đủ kiểu, đủ cỡ … một chuyện lạ nữa là không hề có rau muống vì nghe đâu có người nào ăn trúng độc nên tiểu bang cấm ngặt không cho rau muống nhập vào, tội cho các ông bà cao niên nơi đây chắc là thèm rau muống lắm phải không, hẹn các cụ sang San Jose đi, tôi đãi ngày nào cũng ăn rau muống cho chán ngán luôn. Những ngày ở lại Arizona đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm, cho tôi biết cái nóng đến như thế nào vì nơi đây toàn là sa mạc khô khan, núi non trùng điệp bao bọc thành phố, người dân sống nơi đây nước da không được trắng như các vùng lạnh vì khí hậu nóng nhiều hơn lạnh, nhà nào cũng gắn máy lạnh để điều hòa nhiệt độ, xe hơi nào cũng phải có máy lạnh chứ không có thì điên luôn vì mở cửa thì chỉ có chết khô mà thôi !
Thời gian lưu trú tại Arizona tôi có dịp để viếng thăm thắng cảnh tiểu bang Arizona, nơi có nhiều di tích đẹp và hầm mỏ quặng giá trị, nhất là nhiều loại kim cương đá quý đã khai thác tại đây – Năm 1540 nhà thám hiểm đi tìm vàng người Tây Ban Nha tên Francisco Vasquez De Coronado đã đến các vùng nơi này khai thác mỏ vàng, nhiều phong cảnh kỳ bí của Arizona, ngày xa xưa thổ dân da đỏ cư ngụ nơi đây gọi là Arizonac, từ đó sau này mới có tên Arizona – . Vào ngày 14 tháng 2 năm 1912 Arizona đã chính thức là tiểu bang thứ 48 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ - Thống Đốc đầu tiên của tiểu bang là ông George W. P. Hunt, nhiệm kỳ 1912 đến 1917. Tên riêng của Arizona là Grand Canyon State, vì vậy bây giờ ai ai cũng nghe danh thắng cảnh Grand Canyon là vậy – Cây xương rồng tên gọi Suguaro là vật biểu tượng cho tiểu bang, giống cây này chỉ tại AZ mới có vì nó chỉ sống ở vùng sa mạc thôi… Phía Bắc tiểu bang có rất nhiều thắng cảnh thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đến thưởng ngoạn mỗi năm –Ngọn núi cao nhất đứng sừng sững hùng vĩ phía Bắc Arizona. tên gọi Humphreys Peak độ cao 12,670 feet gần bên thành phố Flagstaff là nơi trượt tuyết nổi tiếng vào mùa đông …
Arizona đúng là miền đất phú cường Trời ban cho thật đúng với phù hiệu Ditat Dues ( God Enriches). Khoáng sản nơi đây có rất nhiều vàng, bạc, chì, kẽm, uranium, nhưng nhiều hơn hết vẫn là đồng đỏ sản xuất nhiều nhất nước Mỹ, cung cấp khắp nơi trên nước Mỹ - Gần bên các quặng mỏ là hàng trăm hãng xưởng dùng để chế biến các kim loại này, kỷ nghệ đúc vật dụng bằng chì đứng hàng đầu của Hoa Kỳ - Ngành công nghiệp điện tử nổi tiếng với các hãng Intel Digital, Honeyweel, Motorola …và khoảng mấy chục hãng trung bình khác, hàng chục hãng hóa chất sản xuất, phụ tùng máy bay, chế tạo máy bay trực thăng và một lò nguyên tử lực tại Palo Verde. Phi trường quốc tế Sky Harbor tại Phoenix là phi trường lớn nhất của Arizona, kế đến là phi trường Tucson, đây là hai phi trường lớn và quan trọng của Arizona - Phi trường Sky Harbor với 4 Terminal tiếp nhận 8 hãng hàng không lớn của Mỹ và hàng chục hãng khác. America West Airline đặt bản doanh tại đây. Hai căn cứ không quân Luke Air Force Base và William Air Force Base, hai căn cứ này cũng từng là nơi huấn luyện hoa tiêu chiến đấu cơ tối tân F18, hầu hết sĩ quan chiến đấu cơ phản lực của VNCH được huấn luyện tại trường này – Nơi đây đã đào tạo nhiều sĩ quan ưu tú cho không lực Hoa Kỳ và quân đội đồng minh.
Điểm tham quan cuối cùng trong chuyến đi này là thắng cảnh Grand Canyon, tôi đã nghe tiếng từ hai mươi năm nay từ khi đặt chân đến xứ tự do này và trên các đài phát thanh vẫn thường có những tổ chức tham quan Grand Canyon, đây quả là kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất nước Mỹ và là một trong 7 kỳ quan trên thế giới, hàng năm thu hút cả lượng khách khổng lồ đến nơi đây tham quan từ các nước khác và ngay cả dân Hoa Kỳ - Chúng tôi đến nơi khoảng 12 giờ trưa nhưng khí hậu vẫn bình thường dễ chịu, bởi vì ở độ cao so với mặt nước biển nên khí hậu mát mẻ quanh năm, một số đá ở đây có độ tuổi đến hai tỷ năm ( two billion years) dòng sông Cororado tạo nên hẻm núi vĩ đại này vào khoảng 6 triệu năm về trước, từ bề mặt sâu xuống đáy khoảng 1.6 km, phong cảnh hùng vĩ và tuyệt đẹp nên được mệnh danh là “ Bức tranh sa mạc” mà lần đầu tiên nhà thám hiểm Tây Ban Nha Garcia Lopez De Cardinas năm 1850 dẫn đầu một toán thám hiểm tìm ra thắng cảnh này – Sau đó năm 1869 ông John Wesley Powell người Mỹ tiếp tục hướng dẫn một toán thám hiểm khác vượt sông Colorado đến nơi đây và ông đặt tên cho kỳ quan này là Grand Canyon, những vách đá sừng sững như tòa lâu đài khổng lồ với nhiều sắc màu rực rỡ từ sáng đến chiều kết tụ bởi các loại đá : Limstone, sandstone, shate, gneiss, coare grained, banded rock …
Chúng ta đến tiểu bang Arizona mà quên viếng thăm thắng cảnh Grand Canyon là một thiếu sót lớn trong đời, qua cảnh đẹp hùng vĩ, ngoạn mục của thiên nhiên mà đấng tạo hóa đã huyền bí tạo nên cho nhân loại chiêm ngưỡng - Đứng trước thắng cảnh Grand Canyon ta tự thấy con người quá nhỏ bé trước vũ trụ bao la huyền diệu mênh mông kỳ bí… Còn nhiều nơi nổi tiếng và thu hút nhiều du khách nhưng thời gian có hạn nên đành chờ dịp khác …Mấy ngày ở lại Arizona tôi mê cảnh vật và con người của tiểu bang này một cách lạ lùng, ngoài tình đồng hương ra họ còn có một tình cảm thiết tha của tình bạn, nếu có điều kiện các bạn của tôi ở California nên bỏ thời gian đến viếng Arizona để thưởng ngoạn những cảnh đẹp kỳ thú và những di tích đã để lại hàng bao thế kỷ mà Cali của chúng ta không thể có được, đừng sợ Arizona nóng bức, vẫn chịu được vì không có khí ẩm nên không bị rít, đặc biệt nơi đây đúng là đất ấm và tình người cũng ấm nên đã có biệt danh từ mấy chục năm qua “ Nắng đẹp ấm tình người”
Viết về tiểu bang Arizona với những chi tiết được tai nghe mắt thấy, với những thắng cảnh, với những kỳ quan, với những tài sản quý hiếm người xưa để lại và cuộc sống phát triển cực mạnh theo đà văn minh thế giới, chúng ta không thể không nói đến con người, nhất là người Việt Nam tị nạn – Nhưng điều mà tôi thầm phục và muốn nhắc đến nơi đây là tấm lòng tuổi trẻ VN đầy nhiệt huyết hăng say làm việc và giúp ích cộng đồng thật nhiều – Các em đã làm rạng danh giống giòng Hồng Lạc, làm đẹp mặt Tổ Tiên giống nòi, khi đến đây tôi mới thực sự phục các em vô cùng, các cơ quan, hội đoàn nào đều có mặt các em đóng góp tài năng công sức và tham gia tích cực, vì thế mà tuổi trẻ VN đã được vinh danh trong cộng đồng các sắc dân Á Châu, tôi tin chắc sau này sẽ còn nhiều em tuổi trẻ VN được vinh danh tiếp tục, đây là điều xứng đáng cho các em vì công sức tài năng đã thể hiện qua thời gian dài hoạt động cho cộng đồng Việt và cho quê hương thứ hai này – Tôi càng cảm phục các vị phụ huynh, các vị nhân sĩ đã khéo léo khuyên dạy con cháu của mình nên dường như hầu hết tuổi trẻ nơi đây thành danh, thành công về mọi mặt, nhất là có tấm lòng hăng say phục vụ công tác chung của người Việt, lo gì nữa, sau này cha ông thiếu gì người tài năng yêu nước thay thế, thiếu gì người biết hy sinh cho đại cuộc, hy sinh cho quốc gia dân tộc – Đây là quê hương thứ hai của chúng ta nhưng với các em đây là quê hương nơi sinh ra và lớn lên lẽ ra các em phải chấp nhận chỉ một quê hương Hoa Kỳ, nhưng vui thay và hãnh diện thay khi tôi được dịp tiếp xúc các em, các em đã đồng thanh trả lời : Chúng em là người Việt Nam, dù chúng em được sinh ra và trưởng thành nơi đây nhưng cũng chỉ là quê hương thứ hai, chúng em không bao giờ quên nguồn gốc nên chúng em vẫn là người Việt Nam, mong sau này có cơ hội cho chúng em về dựng xây đất nước…
Cảm động thay những tấm lòng tuổi trẻ Việt Nam nơi xứ người, phải chăng người Việt muôn đời vẫn còn trong huyết quản chí khí và nghị lực nơi ông cha để lại, tấm lòng hăng say phục vụ cho cộng đồng và phục vụ đất nước Hoa Kỳ nơi mình định cư luôn là điểm son đứng hàng đầu trong tư tưởng các em, nhất là tại tiểu bang Arizona, tôi đã tận tường nhìn thấy, chúc các em tuổi trẻ Việt Nam cư ngụ bất cứ nước nào trên thế giới sẽ sớm trở thành những nhân tài trong tương lai …
Những người tuổi trẻ hôm nay
Hăng say, hy sinh, can đảm
Tiếp bước cha ông đi trước
Sẵn sàng gánh vác non sông
Các em mà tôi đã gặp
Đều là tuổi trẻ Việt Nam
Bất kỳ là nam hay nữ
Đều mang giòng máu Tiên Rồng
Hãnh diện người Việt Arizona
Nắng ấm tình người càng ấm
Phong cảnh thần tiên ngoạn mục
Tài nguyên phong phú đủ đầy
Thân chúc các em yêu mến
Vang danh thành công mọi mặt
Tấm lòng các em cao cả
Cộng đồng không thể nào quên
Tôi, người từ miền đất lạ
Đến vài lần sao thương mến dâng cao
Mong một ngày đất nước sáng ngời
Các em về cùng chung xây tổ quốc
Các em về điểm tô non nước
Ông Cha ta, rạng nở nụ cười…
Đêm nay dưới bầu trời tối đen không một vì sao, giờ giao thừa sắp điểm, người Việt Nam lưu vong cư ngụ khắp nơi trên quả địa cầu chắc lòng đang hướng vọng quê hương, ngậm ngùi than thở cho số phận lạc loài… Những chiến sĩ từng nằm gai nếm mật, trải tuyết dầm sương để giữ gìn non sông gấm vóc giờ này ngồi lặng lẽ đếm thời gian, tóc bạc da nhăn, mắt mờ theo ngấn lệ - Dù là những anh hùng đầy khí tiết vẫn không thể cầm lòng khi nghĩ đến hai tiếng “ quê hương và thân phận” – Ngày ra đi các anh đã hẹn với non sông ngày trở lại, nhưng rồi …giấc mơ đoàn viên mỗi ngày một xa xôi, kiếp người thì phù du như mây khói, đau lòng thay anh hỡi, biết bao chiến sĩ đã nằm yên trong lòng đất Mẹ để bảo vệ quê hương, giữ gìn cương thổ, nay còn ai biết đến họ tên ngoài thân tộc mà thôi! Biết bao anh hùng hy sinh cho Tổ Quốc, biết bao nấm mộ hoang bên đường không nhang khói, biết bao xác người chìm khuất dưới biển sâu, trên rừng thẳm… và còn, còn nhiều lắm những chứng nhân cuộc chiến sống lê lết cuộc đời tàn tạ, tật nguyền bên nỗi trăn trở khóc thầm ngày đêm - Những người ly hương trong tim luôn nhức buốt hướng vọng quê nhà mỗi mùa Xuân đến, luôn biết ơn những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc, luôn ghi tạc khối ân tình với những thương phế binh nay kẻ còn người đã mất, trên đất nước tha hương chiến sĩ cũng đã dần dần thay nhau về lòng đất lạ, tiếc thay ước nguyện duy nhất được gửi nắm xương tàn trong lòng đất Mẹ quê hương không thể nào thực hiện với thời gian tàn nhẫn của vô thường…chẳng chờ chẳng đợi một ai đâu !!!
Gió Xuân miên man trên cành lá, hoa Xuân nở khắp mọi nhà, nhưng vẫn là Xuân đất khách, nỗi buồn riêng của mỗi tâm hồn tuy có khác nhau về hình thức nhưng chắc rằng suy nghĩ chẳng khác nhau, bởi tất cả cùng mong ngày trở lại quê hương hưởng một mùa xuân thanh bình thật sự…
Nguyễn Phan Ngọc An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét