gởi hết cho ai lòng nguyên đán
giữ lại hồn tôi nỗi cuối năm
Mỗi Năm Hoa Đào Nở
... câu thơ gỏ từng chữ vào lòng như ngón tay gỏ vào từng phím nhớ của một bản hoài cảm đã được dạo đi dạo lại nhiều lần, hằng năm một, và sẽ còn được dạo lại thêm những lần nào nữa? Câu thơ như nhản hiệu một sản phẩm đã- được-cầu-chứng-tại-tòa, không thể đánh tráo, không thể lầm lẫn, không thể gian lận vào đâu được.
Mỗi năm hoa đào nở... ...ờ ở đâu mà bỗng bay về những tấm giấy hồng điều lấp láy lớp kim nhủ mới tinh trên sợi giây giăng ngang hai đầu một tường vôi lở ... ờ có cơn gió sớm làm gây gây lạnh trên chút da để hở thổi lại từ hướng nào ... dường như từ hướng bờ sông cái theo con đường lớn có hai hàng me già mới thay lá non xèo ... ờ chiếc áo dài đen cũ rích tới sờn bâu có in hình mấy chữ thọ, chiếc khăn đóng chít hình chữ nhân ngay giữa trán, mấy ngón tay thuông xương xẩu, chòm râu bạc lốm đốm và đôi mắt, đôi mắt đục lờ có một vẻ gì vừa kiêu hảnh vừa nhẩn nhịn ... Ngoài trời mưa bụi bay ...
Vậy đó. Hễ cứ mỗi năm hoa đào nở là ... là lại thấy ông đồ già ... là ... là cứ y như ... tết đến. Hiển nhiên như một phản ứng hóa học, không sai chạy một ly tử, và gọn gàng như một cái búng tay, câu thơ gọi về những hồn xưa đã lạc, dựng dậy những cảnh cũ còn trầm tích dưới mấy lớp nhớ hư hao, làm nở lại một bông hoa vàng đã héo, lay dậy một hơi gió đã mỏi, dựng dậy một góc phố một lề đường một ngã tư một hẻm chợ ... rồi là những mặt người những dáng dấp ... rồi tiếng nói tiếng cười tiếng kêu tiếng la tiếng o bế tiếng cự nự tiếng gà vịt đập cánh phành phạch tiếng heo con ăng ẳng tiếng heo nái ủng ỉnh tiếng chuông xe đạp leng keng tiếng bố thắng xích-lô ken két tiếng quần lãnh sột soạt tiếng trẻ nít rượt đuổi tiếng con trai chọc gái tiếng cô hai cô ba xì xò nguýt háy tiếng cô tư cô năm đỏng đảnh làm duyên tiếng chú-chệt-hàng-xén ngọng nghệu tiếng chú-bảy-chà- và lơ lớ tiếng trả giá cò kè tiếng nài nỉ thêm bớt ... rồi là cái mùi hăng hắt của rau cải úng nước, mốc meo của vải vóc ủ kho, tanh tanh của thịt cá ế thiu, nồng nặc của cống rảnh ứ đọng, của mồ hôi đúng ngọ, của bả trầu xế trưa, của dầu thơm rẻ tiền, của bi-giăng-tin bóng lưởng, của ... của một-ngàn-lẻ-một thứ vật thực trần gian đã ứ đọng ở đó từ bao nhiêu đời, cộng thêm một-ngàn-lẻ-một thứ vật thực y như vậy nhưng còn mới nguyên, cộng thêm cái mùi thơm phức ngọt bùi béo ngậy của mứt dừa-mứt bí-thèo lèo-cứt chuột-nội địa của chà là-hồng khô- nhập cảng một-năm-mới-có-một-lần họp lại thành một thứ mùi ... rất-chợ-tết. Cái hoạt cảnh cứ diển ra hàng năm mà mỗi năm cứ mỗi mới mỗi vui ... người qua lại vội vã mua sắm, những sạp hàng bày vội chen lấn ra mặt đường đã cấm xe từ sau ngày đưa ông táo, chưng dọn mớ trái cây bánh mứt, rượu tây, trà tàu... như cả năm chưa bao giờ được chưng dọn như vậy... những hình ảnh vụn vặt những âm thanh tứ tán đó bỗng chấp chới tụ về, chắp chắp nối nối... để ráp lại nguyên hình một mùa xuân trong quá khứ, một cái tết nhất định ở một nơi nhất định - một cái tết sẽ không đầy đủ nếu đâu đó trên cái bối cảnh hỗn tạp đó không có chấm phá mấy nét thiệt tiêu sơ ...
... ở một góc rất khuất, khiêm nhường như chính cái mặt hàng được móc treo trên mấy sợi giây nhỏ xíu, những nét chấm phá ngang dọc dù có bay lượn rồng rắn cũng không làm vui hơn cái dáng điệu buồn rầu của ông hàng chữ cuối mùa ... Người thuê viết nay đâu. Giấy đỏ buồn không thắm. Mực đọng trong nghiên sầu.
Mãi về sau nữa, lâu lắm, dù đã ở một nơi rất trái mùa. Mỗi năm hoa đào nở. Sắt son như một lời hẹn. Câu thơ làm con én đưa tin. Người ta thấy lại bằng con mắt tâm linh ông đồ già bày mực tàu giấy đỏ ... Người ta ngửi lại mùi xuân bằng cái mũi hồi ức ... Và rồi người ta đón tết, vơi vơi kỷ niệm...
Ở một tỉnh nhỏ nằm chen giữa hai nhánh sông lớn của miền Nam, trời mưa nắng hai mùa, mỗi năm không có hoa đào nở mà chỉ có hoa mận, hoa bưởi, hoa cam ... chỉ có hoa mai mà lại còn phải lặt lá từ rằm tháng chạp... Trời đất đâu có gởi tới một dấu hiệu riêng nào ngoài một chút gió bấc làm lạnh se da những buổi sáng thức sớm theo cha ra tỉa kiểng. Thành ra lớn lên đi học rồi cứ theo ông đồ của Vũ Ðình Liên mà đón tết. Bài học đâu từ cái thời tiểu học vậy mà làm nhớ dai nhớ dẳng. Lớn lên rồi trèo lên trung học đại học vẫn còn nhớ hoài nhớ hũy cái hình ảnh gợi tết rất ngậm ngùi đó. Mỗi năm, dù đang ở đâu, cứ vừa nghe trời đất rậm rật trở mình là câu thơ bật nhớ... mặc kệ những tất tả của tháng cuối năm. Mỗi năm hoa đào nở. Cứ vậy đó, mỗi năm, hằng năm, năm này sang năm khác ... theo cái nhịp quay rất đều tay của thời gian lại thấy ông đồ già bày mực tàu giấy đỏ trên phố đông người qua ... để cho tết đến. Rồi năm nào như năm nấy cũng thấy lại ... y nguyên cái dãy phố tàu chưng dọn se sua một cách lộn xộn như... phố tàu, nhà lồng chợ cũ kỷ được che thêm trại dựng thêm rạp làm đã vốn luộm thuộm càng thêm lộn xộn, bạn hàng đi đi lại lại chộn rộn ra vẻ còn chộn rộn hơn trong năm, cái bến nước nằm kề khu chợ cá bỗng dưng tấp nập ghe xuồng, chúc mũi đổ lên bờ những người khách xa đâu từ những thôn ấp hẻo lánh rủ nhau đi chợ tết. Chợ tưng bừng sinh khí mới. Và vẫn vậy...
... vẫn vậy... ở một góc phố khiêm nhường nhất, cũng lại cái hình ảnh lặng lẽ nhất mà lại mang lòng nguyên đán nhất lại nhẫn nại xuất hiện, chậm rãi trải chiếu trải khăn, khoan thai mài mực tàu, trịnh trọng phơi giấy đỏ ... rồi vén áo gò lưng ngạo nghễ phóng tay phác những nét phượng múa rồng bay mặc kệ cái dửng dưng vô tình nhất của người thiên hạ... Ngoài trời mưa bụi bay.
Rồi là những chữ thảo, chữ triện, chữ chân phương ... thi nhau xổ móc tung hoành, những lời chúc, lời cầu, lời xin thi nhau bay lượn. Ba cái chữ phước- lộc- thọ thì tròn trịa như chính sự sung mãn, những câu thơ chữ Hán quen thuộc năm-nào-như-năm-nấy-từ-đã-mấy-ngàn-năm. Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ. Xuân mãn càn khôn, phúc mãn gia ... đọc lên nghe rổn rảng cứ y như là phường tuồng. Vậy mà vui lắm. Mà chí tình lắm. Ðủ để người ta nghe hớn hở, nghe náo nức, nghe rộn ràng, nghe hy vọng dù có đang chạy chết để lo ba bữa … tết. Vậy chớ mùa xuân không phải là mùa hy vọng sao, tết không phải là hy vọng sao. Cho nên bỏ ra vài đồng bạc để mua về tấm giấy đỏ treo nhà cũng được, mà không mua cũng không sao, lời chúc lành đã bay đầy trời đó .... Ai cũng được hưởng phước lây...
Rõ ràng là ăn-tết ăn gì cũng được, nem, bì, bánh tét, bánh ít, thịt kho dưa giá xà- bần, bánh phồng tôm, bánh phồng-mì-va-ni-nước-cốt-dừa-đường-cát-trắng... gì gì cũng được. Nhưng cái không thiếu được là mấy tấm giấy đỏ chữ đen móc xổ như rồng rắn, mang một lời chúc lành không biết có ứng kịp hay không trong năm. Mà điều ứng hay không lại là chuyện khác. Chuyện ở đây là cái vẻ tết mà ông đồ và mớ giấy đỏ của ông đã tạo nên trong sinh hoạt dân gian. Làm như cả hai, ông đồ và ngày tết, đã được gắn liền vào nhau bất khả phân ly. Nói như vậy không có nghĩa là phụ bạc cái công đóng góp rất khoái khẩu của dưa hấu, của hột dưa -ôi cái miệng cắn hột dưa kêu lách tách còn trây trét lại trên môi dấu đỏ xinh xắn như một vết răng cắn phạm !-, của hột sen, của chuối ngào gừng, của bánh mứt, của la de tôm khô củ kiệu ... Nói như vậy chẳng qua là ngầm hảnh diện cái tánh trọng văn của người Việt. Bởi vì làm như ba cái thứ đồ ăn thức uống đó mới chỉ là da là thịt của tết. Còn chính mấy tấm liễn đỏ của ông đồ già mới là cái phần hồn làm nên phong vị. Dĩ nhiên cái nào có phần nấy, không có kỳ thị gì hết. Tuy nhiên mấy chục năm rồi, ở đâu đó trên mặt đất này, ngoại trừ cái chỗ chúng ta đã sinh ra và “ăn tết” trước khi bỏ trốn, những cái tết qua đi nếu không lãng nhách thì cũng lãng òm mặc dầu thì cũng thịt kho dưa giá, khổ qua dồn thịt, rượu tây rượu tàu ... chính là vì có còn cái phong vị đó đâu. Chẳng phải chỉ riêng cái đó làm nên tết đâu, mà là một tổng thể còn nhiều thứ khác nữa, nhưng thiếu gì thì thiếu mà thiếu cái hình ảnh lãng đãng đó nên mọi cái khác có đó mà tết thì như... không.
Người ở xa, xa tăm tắp quê hương, không những chỉ quan san ngoài sông núi, mà quan san ngay chính giữa lòng mình. Biển xanh thì cứ y nguyên dặm trường mà lòng người thì tang thương đã quá độ. Trí nhớ thì cứ như một người tình khó tánh, nay vầy mai khác, cái muốn nhớ thì quên, cái muốn quên thì lại nhớ. Ai đời đã xa ơi là xa trời đất đó, khí hậu đã lộn lạo, mùa màng đã sang đàng mà mỗi năm cứ gở tới tờ lịch Tam tông miếu cuối (ấn bản hải ngoại) là lòng cứ thấy băn khoăn rồi năm nay sẽ ăn tết ra sao. Hỏi thì cứ hỏi chớ câu trả lời thì đã sẵn đâu từ hồi mới bỏ xứ mà đi. Ở đây có tết đâu mà ăn. Mà có ăn thì cũng trệu trạo ba cái món cam-giang-nam-đem-trồng qua-giang-bắc. Rồi cũng chỉ thấy nhạt phèo.
Chỉa đủa gắp miếng thịt đọng mở đục ngầu là cái bụng lại ớn ngược nhớ miếng thịt phay trụng nước sôi trong vắt. Nhai miếng dưa-cải-bọc-ny-lon-made-in- Thailand là cái răng tê tái nhớ miếng dưa-cải-má-muối-trong-khạp-đậy-bằng-lá- chuối-sau-vườn ... Còn ba cái hội xuân chợ tết cũng phải kéo nhau vào trốn lạnh trong những hội trường cửa nẻo kín bưng tới nỗi áo dài người xưa tha thướt đến vậy mà bây giờ hai vạt cũng đành buông thỏng ngây đơ đến tội tình. Ôi ! Áo màu không gió cũng thôi vàng. Trong ta còn lại đìu hiu vắng ...
Nói vậy rồi ngẫm nghĩ lại mà thấy băn khoăn. Hóa ra cái ăn cái mặc của người ta coi vậy mà quan trọng hết sức. Người lưu vong ở xứ người ăn uống đủ thứ thập vật. Nhất là ở những xứ gọi là họp chủng đa văn hóa này, thực phẩm là cái món được chủ trương cho sống chung hòa bình nhất. Từ cái món cầm tay " togo "; đơn giản nhất tới cái món nấu nướng cầu kỳ nhất, từ cái kiểu ngồi bệt ăn bốc ăn hốt đến cái kiểu ngồi thẳng lưng ăn ly tách dao nỉa lỉnh kỉnh nhất ... phải nói là không thiếu cái chi. Thử, nếm, chấm, mút ... ôi thôi tha hồ. Thiếu điều riết rồi có khi phải tự đặt cho mình những kỷ luật kiêng cữ còn nghiêm nhặt hơn kỷ luật nhà binh nữa. Vậy mà xét ra chưa đủ. Bởi vì như đã nói ăn gì thì ăn lang bang được mà ăn tết lạ chỗ thì không được. Ăn tết ở xứ người trăm phần không thấy ngon. Muốn ngon miệng phải về ăn tết tận quê tận nơi tận chỗ. Phải ăn tết với tất cả cái phụ tùng cần thiết của nó. Một nhánh mai, một cành đào, một chậu thủy tiên, một đòn bánh tét nấu đêm giao thừa bằng nồi đất chụm lửa củi, một miếng bánh phồng nướng lửa than ... một bao thơ đỏ, một tấm liễn hồng điều ... và nếu được đôi ba chùm pháo chuột lại càng vui như ... tết.
Chẳng vậy mà mới nghe phong phanh tết đến đã không ít người vội vã chầu chực, chạy chọt, xin xỏ cho được cái visa (dù mình về quê mình) để ... ăn tết. Tin trong một tờ báo ở đây năm nay có đâu khoảng 300.000 Việt kiều hồi hương ăn tết. – Con số này đến giờ chắc phải nhơn lên không biết mấy lần !!! Nghe mà thương nhưng buồn. Hóa ra hằng năm dù ở đậu nhưng cũng ăn nhờ không biết bao nhiêu lễ lạc lớn nhỏ của người ta, từ tạ ơn đến giáng sinh, từ halloween đến tết tây... vẫn là chưa đủ. Lòng Việt kiều vẫn muốn khều cành nam. Ðồng đô la xanh vẫn mạnh hơn đồng đô la vàng. Và nhờ đó, tết nhứt lại có chiều nhứt dạ đế vương (không giương cũng uổng !!! )
Trách ai bây giờ. Người ta về quê ăn tết cũng là hợp với cái luận lý nước chảy về nguồn, dù cái nguồn đó có đôi khi làm người ta tá hỏa tam tinh như Từ Thức về trần. Thì thôi ăn tết ở đâu cũng vậy, ăn tết ở quê nhà ... nhà nước cám ơn.
Chỉ đáng đời cho cái đám thân đã quy Tào mà hồn còn Từ Thứ, bắt chước Bá Di với lại Thúc Tề, cứ ráng gồng mình chịu rét làm cái thân thông suông đuột đứng giữa trời mà kêu réo, đến ngày tư ngày tết trùm khăn trùm áo, mang ủng lội tuyết đi đón xuân ở một nơi chưa tới kỳ xuân, làm bộ ăn tết ở một chỗ không có gì là tết. Chừng không thấy tết ở đâu thì buồn mà khi có người dổ ngọt về quê thì dẩy nẩy như đạp phải đinh chong tẩm độc...
Mà điều nói thì nói vậy, chớ ngó trước ngó sau rồi càng lúc càng thưa thớt những tấm lòng lạc điệu đó. Mỗi một năm một vắng... chẳng khác gì cái ông đồ già trong thơ Vũ Ðình Liên ... Nhưng mỗi năm mỗi vắng...
Ông đồ vẫn ngồi đây
Qua đường không ai hay
..... Qua đường không ai hay !!!
Cao Vị khanh
* tựa và chữ in đậm, trích thơ của Vũ Ðình Liên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét