Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

Chantal


Chantal gục đầu khóc nức nở trên vai Nguyên. Những giọt nước mắt nóng ấm, thấm qua làn áo mỏng, gợi cho Nguyên một nỗi bùi ngùi vô hạn… Người con gái Thụy Sĩ với mái tóc nâu dài óng ả này mới đến với Nguyên một cách hết sức tình cờ tám tháng trước đây mà nay đã trở thành một phần thân yêu trong cuộc sống của chàng. Định mệnh đã đẩy đưa khiến cho hai người xa lạ từ hai vùng khác biệt của quả đất đến thành phố Nam Mỹ này để bỗng nhiên hai mảnh đời hội tụ và ràng buộc vào nhau.

Nguyên gặp Chantal trong một buổi tối rảnh rỗi, khi chàng cùng Jon lang thang trên Avenida Sexta (Đại lộ số Sáu) sau một ngày làm việc mệt mỏi trong phòng thí nghiệm. Nguyên và Jon là hai người bạn cùng lớp trong chương trình Y Khoa Nhiệt Đới tại Đại Học Tulane ở New Orleans. Jon đang sửa soạn luận án Ph.D. về Ký Sinh Học và Nguyên thì đã xong hơn nửa phần khảo cứu cho luận án Sc.D. về Y Khoa Nhiệt Đới. Hai người thuê chung một căn nhà ngay đằng sau Trung Tâm Quốc Tế Nghiên Cứu Y Khoa của trường Tulane tại thành phố Cali, Colombia, Nam Mỹ. Đại Học Tulane nổi tiếng thế giới về ngành Y Khoa Nhiệt Đới và có các cơ sở nghiên cứu tại Nam Mỹ và Phi Châu. Phần khảo cứu cho luận án của Jon và Nguyên được thực hiện tại quốc gia Nam Mỹ này. Nguyên rất mến Jon, vì Jon tuy là người Mỹ gốc Thụy Điển, nhưng tính tình trầm lặng và hiền lành, rất Á Đông.

Trong thời gian còn đi “cours” tại New Orleans, hai người vẫn chia nhau sách vở và làm chung nhóm thực tập. Nguyên xuống Colombia trước Jon một năm. Ngày đó Nguyên đang ở trong một tình trạng bi thảm vô cùng vì từ khi chính quyền miền Nam Việt Nam sụp đổ, Nguyên đã xa gia đình, vợ con gần hai năm và vẫn chưa biết ngày nào gặp lại. Chàng đã viết xong bản dự thảo luận án của mình từ tháng hai năm 1975, và sửa soạn về nước vào tháng bẩy cùng năm thì tháng tư biến động. Học bổng của Hiệp Hội Y Sĩ Hoa Kỳ và Y Khoa Đại Học Sài Gòn bị cắt ngang. Nguyên phải xin làm “research associate” ở phòng thí nghiệm khu “Rheumatology” của Đại Học Tiểu Bang Louisiana để có tiền tiếp tục học nốt các “cours” đòi hỏi cho chương trình Tiến Sĩ Khoa Học của chàng. Cũng may sau đó Đại Học Tulane cấp cho chàng một học bổng hai năm để hoàn tất luận án, và Giáo Sư Paul Beaver, vị giáo sư đỡ đầu của chàng, giúp Nguyên chọn một đề tài luận án khác để làm tại Colombia, Nam Mỹ. Thế là Nguyên khăn gói xuống miền đất mới này trong một tâm trạng vừa hoang mang, vừa buồn bã, vừa háo hức. Hoang mang vì chưa biết tương lai thế nào. Buồn bã vì vợ con vẫn muôn trùng cách biệt. Háo hức vì sắp đến một vùng trời mới lạ, sắp tiếp xúc với một dân tộc có một phong tục, tập quán và ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt. Nguyên vẫn sẵn tính giang hồ, từ nhỏ đã mơ ước được đi đây, đi đó. Hơn nữa cảnh làn sóng người Việt tỵ nạn dồn dập đổ đến New Orleans càng làm cho Nguyên buồn tủi cho hoàn cảnh gia đình phân tán của mình. Nguyên vẫn muốn ra khỏi Hoa Kỳ một thời gian để chạy trốn hình ảnh đầm ấm của những gia đình tỵ nạn may mắn sum họp trước mắt.

Đến Cali, Nguyên ở trọ nhà bà Aurelia. Bà là một góa phụ đã 72 tuổi, ở chung với một bà con gái đã 50 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình. Trong nhà còn có một anh làm vườn khoảng 34, 35 tuổi, vừa câm, vừa điếc nhưng rất thông minh, nhanh nhẹn; và một cô bé giúp việc, 19 tuổi, mập mạp nhưng vui tính và rất ngoan ngoãn, lễ phép. Bà Aurelia là bà ngoại của Margarita, người thư ký tháo vát của Giáo Sư D’Alessandro, vị giáo sư hướng dẫn của Nguyên ở Colombia. Chính Margarita đã đưa Nguyên đi tìm chỗ trọ trong suốt tuần lễ đầu tiên. Chỗ nào Nguyên cũng không thấy thích lắm. Sau cùng, Roberto, ông chồng của Margarita, chợt nẩy ra ý kiến để Nguyên đến ở với bà Aurelia, vì nhà còn một phòng trống, khá biệt lập. Nguyên bằng lòng ngay khi đến coi nhà. Bà Aurelia phúc hậu, vui vẻ và có cảm tình với Nguyên ngay khi gặp chàng. Bà cũng mừng vì sẽ có một người đàn ông trong nhà. Ông Antonio, chồng bà, hơn bà 10 tuổi, đă qua đời hai năm trước. 
Nguyên ở trọ được hơn 3 tháng thì dọn đến căn nhà hiện tại vì chỗ này ở ngay đằng sau Trung Tâm Khảo Cứu, thuận tiện cho việc sửa soạn luận án của chàng hơn, bất cứ giờ nào Nguyên cũng có thể đến phòng thí nghiệm làm việc được. Hơn nữa chàng lại được một vị giáo sư Côn Trùng Học là Giáo Sư Miller đồng ý thuê chung căn nhà với chàng. Nguyên rất thích Côn Trùng Học, và rất thích thú mỗi khi ngồi ăn sáng với Giáo Sư Miller trước ly cà phê thơm ngát, nghe ông thao thao nói về những loại côn trùng quan trọng trong Y Khoa. Chàng cũng thích được theo ông đi du khảo tận những miền xa xôi, heo hút để sưu tập côn trùng và làm thí nghiệm. 
Giáo Sư Miller đã 68 tuổi, dáng người ốm yếu, có một khuôn mặt phảng phất như Mark Twain, chuyên môn hút tẩu và tính tình hồn nhiên, cởi mở. Ông có một cô con gái 24 tuổi, bị bệnh tiểu đường, phải dùng insulin. Cô này cũng đang học Kiến Trúc tại Tulane. Trái với ông bố, cô không thích phiêu du, thành ra trong suốt thời gian ở Cali cùng Giáo Sư Miller, Nguyên không gặp cô Doris lần nào. Nhìn ảnh thì thấy cô mập mạp, hơi lùn, nhưng có đôi mắt rất sáng, ánh lên những nét vừa thông minh vừa cương quyết. Giáo Sư Miller cho biết, Doris mất mẹ từ hồi cô mới 15 tuổi, nhưng cô vẫn phấn đấu để vượt qua nỗi đau khổ cùng cực đó, và mặc dầu bị tiểu đường, vẫn cố gắng theo đuổi việc học, và đạt được những kết quả rất mỹ măn. Cô cũng có một tinh thần tự lập rất đáng khen. Vừa đi học, vừa đi dậy thêm, không phải nhờ vả đến ông bố bao nhiêu. Nhờ đó Giáo Sư Miller, dù rất thương con, vẫn có thể yên tâm đi xa làm khảo cứu. 
Giáo Sư Miller vẫn quý Nguyên từ hồi chàng còn theo “cours” ở trường vì Nguyên chịu khó, vẽ đẹp và trình bầy những mẫu côn trùng rất tinh tế và đặc sắc trong các buổi thực tập. Xuống vùng đất này ông còn mến Nguyên hơn, vì chàng thích nghe ông giảng giải và giúp thông dịch cho ông trong những giao tiếp với dân bản xứ. Sau hơn ba tháng ở Colombia, Nguyên đă xử dụng tiếng Tây Ban Nha thông thạo, và đã được các cộng sự viên ở Trung Tâm Khảo Cứu phong cho tước “Công Dân Colombia Danh Dự”.

Giáo Sư Miller và Nguyên thuê một căn nhà hai tầng. Tầng trên có hai bên riêng biệt, mỗi bên có một phòng ngủ, một phòng học và một phòng tắm. Dưới nhà là phòng khách và phòng ăn thông nhau. Đằng sau có một sân xi măng khá rộng với bếp và phòng ngủ cho người làm. Hai thầy trò thuê một bà lai đen, 40 tuổi, mỗi sáng lúc 6 giờ đến lo việc nấu nướng, giặt giũ, ủi đồ, dọn dẹp nhà cửa. Đến 8 giờ tối thì chồng bà đến đón về. Được 4 tháng thì bà này bận cháu ngoại mới sinh nên xin nghỉ và giới thiệu một cô học sinh trung học, 19 tuổi, người da đen đến vừa làm vừa ở luôn để tiếp tục học lớp tối tại một tư thục gần đó. Hai thầy trò thì sáng qua Trung Tâm làm việc, trưa ghé về ăn trưa, xong lại trở lại làm việc, có khi đến 8-9 giờ tối mới về, cơm nước đã dọn sẵn, chỉ việc hâm lại. Cô nữ sinh người làm đi học từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm mới về. Cuộc sống cũng gọi là thoải mái. Chỉ có nỗi buồn xa gia đình, vợ con là vẫn hành hạ, dằn vặt Nguyên đêm ngày không nguôi.

Dọn khỏi nhà bà Aurelia, Nguyên cũng áy náy lắm vì biết bà rất buồn. Sau ba tháng có Nguyên ở trọ, bà đã coi chàng như con ruột, và gia đình bà cũng coi Nguyên như người trong họ. Đây là một gia đình rất đông. Bà Aurelia có cả thẩy 7 người con, 4 trai, 3 gái, tất cả đều đã trưởng thành và có gia đình, trừ Sophia, người con gái duy nhất không lấy chồng, ở chung với bà. Cháu nội, cháu ngoại bà Aurelia, đều đã lớn, có người đã thành gia thất và đã có con cái. Những người con gái và cháu gái bà ai cũng xinh đẹp, cái nét đẹp của phụ nữ La Tinh, đậm đà mà tươi tắn. Trong gia đình bà đã có năm cô được chọn làm hoa hậu, trong đó ba người là hoa hậu thành phố Cali và Departamento del Valle, hai người là hoa hậu Colombia. Buổi tối hôm thi Hoa Hậu Hoàn Vũ, Nguyên đã háo hức cùng đại gia đình bà Aurelia, hơn 50 người, già, trẻ, lớn, bé dán mắt vào chiếc TV mầu, hồi hộp chờ kết quả. Khi Claudia, cháu ngoại bà, được chọn làm Đệ Nhất Á Hậu, chỉ thua người đẹp Venezuela, cả nhà đã ăn mừng suốt đêm hôm đó, mãi đến 6 giờ sáng mới tàn tiệc. Tuy đã ra ở riêng, Nguyên vẫn thỉnh thoảng cùng gia đình bà đi nghỉ cuối tuần tại đồn điền cà phê của Eduardo và Gloria, con rể và con gái bà.

Hết một năm thì công cuộc khảo cứu của Giáo Sư Miller hoàn tất và ông trở về Hoa Kỳ. Ngày tiễn đưa ông, các nhân viên Trung Tâm cũng như Nguyên đã vô cùng bùi ngùi. Nguyên biết ông sẽ không còn dậy học lâu nữa, vì sức khoẻ ông đã suy giảm nhiều. Nguyên lại nhớ đến Giáo Sư Beaver, một ngôi sao Bắc Đẩu của ngành Y Khoa Nhiệt Đới, chủ bút tập san Hội Y Khoa Nhiệt Đới Hoa Kỳ, giáo sư đỡ đầu của chàng. Giáo Sư Beaver đã gần 80 tuổi mà vẫn hăng hái làm việc, vừa dậy học, vừa tiếp tục khảo cứu, vừa giữ nhiệm vụ chủ bút tập san, vừa soạn sách giáo khoa, một ngày làm việc đến 12 tiếng đồng hồ hay hơn. Giáo Sư Beaver đã giúp Nguyên làm lại dự thảo luận án mới sau ngày miền Nam Việt Nam sụp đổ, đề tài luận án cũ phải bỏ đi. Với sự dìu dắt của ông, Nguyên đã khắc phục mọi khó khăn, những nỗi buồn tủi, hoang mang, chán chường của mình lúc đó, để cương quyết học cho xong chương trình đã định. Giáo Sư Beaver đã đón nhận Nguyên không phải chỉ với tình thầy trò mà còn bằng tình phụ tử. Nói chuyện với ông, nghe lời ông khuyên bảo, Nguyên có cái mường tượng như đang ngồi đối diện với cha mình. Ông khuyên Nguyên: “Con phải nhìn vào đời với một cặp mắt cương quyết. Con hãy đan một cái lưới thật vững chắc bây giờ để khi tung lưới, con sẽ gặt hái được những thành quả một cách dễ dàng!” Mỗi tháng Nguyên vẫn gửi bài phúc trình về cho Giáo Sư Beaver ở New Orleans, và luôn luôn nhận được những lời khen cũng như những lời phê bình và hướng dẫn vô cùng quý báu của ông. Nhờ đó luận án của Nguyên tiến hành khả quan.

Sau khi Giáo Sư Miller về lại Hoa Kỳ thì Jon xuống Cali. Không một chút ngần ngại, Jon thuê lại khu phòng của Giáo Sư Miller ngay. Thế là Jon và Nguyên lại có dịp chia sẻ bài vở, tài liệu và giúp nhau soạn thảo luận án. Hai người bạn trẻ mỗi chiều lang thang trên Avenida Sexta uống bia, ăn pizza, “pollo loco” (một hiệu gà quay của Colombia), nghe nhạc salsa, cumbia và ngắm nhìn khách qua lại cho giãn trí sau những giờ phút cặm cụi trong phòng thí nghiệm.
Buổi chiều hôm đó, Jon chỉ cho Nguyên một cái bảng hiệu ngồ ngộ “Le Bel Époque”, và rủ Nguyên vào chơi. Nguyên nghĩ ngay đến “Le Petit Chose” của Alphonse Daudet, và chợt nhớ tới Bérangère và Lionel, hai người bạn Nguyên mới quen vài tháng trước, khi Jean Paul, một người bạn Pháp có vợ Việt Nam, dậy học ở Pháp Văn Đồng Minh Hội, mời đến coi một cuốn phim do Christian Ledoux, một tay làm phim tài tử của Pháp thực hiện tại Colombia. Hôm ấy Nguyên gặp một số người nói tiếng Pháp nữa, hầu hết là giáo sư và học viên của Pháp Văn Đồng Minh Hội, nhưng có một cặp bạn trẻ có giọng nói rất Paris là Nguyên đặc biệt chú ý. Bérangère là chủ quán “Le Bel Époque”, còn Lionel là ý trung nhân của Bérangère. Bérangère người thanh thoát, tóc vàng không dài lắm, mắt xanh và to tròn, rất vui tính và cởi mở. Lionel thì hơi đẫy đà, đeo mắt kính, hiền lành, ít nói, rất lịch sự và trí thức. Khi Thu, người vợ Việt của Jean Paul giới thiệu Nguyên với Bérangère và Lionel, Nguyên đă có cảm tình ngay với họ, và hai người cũng thân với Nguyên rất nhanh. Bérangère khẩn khoản mời Nguyên ghé qua “Le Bel Époque” một ngày cuối tuần, nhưng vì bận bịu, Nguyên cứ lần lữa mãi.

Bước vào quán Nguyên hơi ngạc nhiên vì chỉ có Bérangère ra đón chàng và Jon. Bérangère cho biết Lionel đã về Pháp lo vài công việc gia đình từ hơn một tháng trước. Nhân tiện Bérangère giới thiệu Chantal với Jon và Nguyên. Nàng cho biết mới mượn Chantal để giúp việc trong quán trong khi Lionel vắng mặt. Mới gặp Chantal, Nguyên đã bị thu hút ngay bởi cái không khí tươi vui tỏa ra từ khuôn mặt hồn nhiên và nụ cười rạng rỡ của nàng. Chantal còn rất trẻ, nàng mới vừa ăn sinh nhật thứ 19 một tháng trước đây. Với đôi mắt đen, tròn, long lanh, chiếc mũi xinh nhỏ, thẳng nét, hai cánh môi hồng lúc nào cũng như đang cười, cộng thêm mái tóc nâu dài, óng mượt và dáng người thon thả, nhanh nhẹn, Chantal có cái vẻ đẹp linh hoạt và tươi tắn của một thiếu nữ Tây Phương đang độ xuân thì. Jon bị quyến rũ ngay bởi vẻ đẹp hồn nhiên của cô bé, và suốt buổi chiều tối hôm đó, chàng không nói chuyện với ai ngoài Chantal và Nguyên. 
Thỉnh thoảng Bérangère góp chuyện, Jon cũng chỉ ừ hử cho qua. Những lúc Chantal bận tiếp những người khách khác trong quán, Jon quay sang Nguyên và luôn miệng kêu: “Nguyên ơi, tao cảm cô bé này rồi!”. Chantal cũng đặc biệt lưu tâm đến Jon. Jon khá đẹp trai, chàng cao khoảng 1m75 thôi, nhưng có một thân thể lực sĩ, rắn chắc. Tóc Jon vàng như nhiều người gốc Thụy Điển khác, mắt chàng mầu hạt dẻ. Chàng để ria mép trông rất lẳng. Chantal không bỏ lỡ cơ hội nào có thể đến ngồi bàn Jon và Nguyên. Nàng huyên thuyên hỏi Jon đủ thứ chuyện. Nhiều lúc Nguyên bắt gặp nàng từ sau quầy rượu, vừa pha rượu cho khách, vừa liếc về phía Jon, say đắm. Buổi tối hôm ấy, trước khi ra về, Chantal và Jon đă trở thành một đôi uyên ương. Hai người hẹn nhau sáng hôm sau đi dạo phố và đi ciné. Họ yêu nhau từ đấy.

Những ngày tháng sau đó khi Chantal đến thăm Jon và ở lại ăn trưa hay ăn tối với Jon và Nguyên, Nguyên mới rõ hơn về thân thế nàng. Chantal sinh đẻ ở Thụy Sĩ, cha mẹ mất sớm, theo chị qua Colombia hai năm trước. Chị nàng dậy Pháp văn tại Pháp Văn Đồng Minh Hội, và Chantal đứng bán mỹ phẩm trong một thương xá. Bốn tháng trước chị nàng bị tử thương trong một tai nạn xe cộ. Chantal đau đớn, buồn nản và sầu muộn đến độ không còn thiết tha gì nữa. Nàng bỏ công việc ở thương xá, lang thang ngày đêm, nhỏ không biết bao nhiêu nước mắt. Nàng sống như một người tuyệt vọng, bất cần đời. Một buổi tối theo một người bạn giang hồ vào “Le Bel Époque”, Chantal đã uống đến say mèm. Người bạn để nàng ở lại, bỏ về một mình. Bérangère cảm thương Chantal, giữ nàng lại quán sau giờ đóng cửa, săn sóc cho nàng, và từ đó nhận Chantal làm việc, để nàng ăn ở luôn tại quán. Chantal dần dần tìm lại được nguồn vui và hình ảnh người chị mình qua Bérangère. 
Khi gặp Jon và Nguyên, Chantal đã hồi phục, nỗi buồn mất chị đã nguôi ngoai. Tình yêu của nàng với Jon bây giờ hoàn toàn giúp nàng quên đi quá khứ và khuôn mặt diễm lệ của nàng mỗi ngày một thêm tươi tắn, rạng rỡ. Bao nhiêu gã thanh niên đến “Le Bel Époque”, ngây ngất trước vẻ đẹp của nàng, đã biến thành những cây cổ thụ, không đêm nào vắng mặt. Cái quán nhỏ của Bérangère nhiều hôm không đủ chỗ ngồi, phải kê thêm bàn ra ngoài hè, mà vẫn còn có người phải đứng. Vì là người Thụy Sĩ, Chantal nói trôi chẩy Pháp ngữ, Đức ngữ và Anh ngữ. Nàng cũng xử dụng tiếng Tây Ban Nha khá thông thạo dù không viết được. Sự hiện diện của nàng vô tình đem lại một nguồn lợi lớn cho Bérangère, nhất là trong thời gian Lionel vắng mặt. Bérangère rất dở ngoại ngữ. Nàng chỉ bập bẹ tiếng Tây Ban Nha đủ để giao thiệp và biết dăm câu tiếng Anh thông thường. Chantal đă thay Bérangère trong những giao thiệp hàng ngày và giúp nàng giải quyết nhiều chuyện khó khăn một cách nhanh chóng. Thế là hai người trở nên thân thiết như chị em ruột thịt.

Trong khi đó, Chantal và Jon càng ngày càng quấn quýt với nhau hơn. Chantal đến với Jon gần như mỗi ngày, trước và sau giờ làm việc của nàng ở quán. Chantal nấu ăn rất khéo, nhất là những món ăn Thụy Sĩ. Nàng lại rất ngăn nắp, khéo trang hoàng, thành ra căn nhà của Jon và Nguyên càng thêm gọn gàng sạch sẽ. Nàng tận tình chỉ dậy cho Idanet, cô nữ sinh người làm của Jon và Nguyên cách thức nấu những món ăn nàng hay nấu và hai chàng ưa thích. Những khi Jon đi du khảo ở những vùng hẻo lánh xa xôi, phải ở đó lâu, Chantal vẫn ghé lại chăm sóc nhà cửa giúp Jon và Nguyên. Những lúc đó nàng tâm sự với Nguyên thật nhiều. Nguyên biết Chantal yêu Jon tha thiết. Đối với nàng Jon là tất cả. Chantal đã mất mát nhiều sau cái chết của chị nàng. Bây giờ nàng dồn hết tình cảm của mình cho Jon. Nàng bảo Nguyên: “Em có thể làm bất cứ cái gì cho Jon, bất cứ cái gì Jon muốn, ngay cả cái chết. Nếu Jon muốn em chết, em sẽ chết ngay cho Jon vui lòng. Em chỉ muốn Jon được hạnh phúc, dù em phải trả bất cứ giá nào”. Biết Nguyên cũng có nỗi đau thương phải xa vợ con, xa gia đình, Chantal càng thấy gần gũi Nguyên hơn. Nàng xin Nguyên coi nàng như một người em gái. “Em đã mất hết, Nguyên thấy không? Ba mẹ em đã qua đời, chị em cũng không còn nữa. Nếu anh quý em, anh hãy dành cho em tình thương của một người anh lớn. Em biết anh thân với Jon, và em cảm ơn anh đã đem Jon đến trong đời em. Em thật may mắn và hạnh phúc có Jon bây giờ.”

Càng gần gũi Chantal, càng nói chuyện với nàng, Nguyên càng thương mến nàng. Chàng thấy qua Chantal hình ảnh Thúy An, người em ruột thịt của chàng ở quê nhà. Thúy An cũng thông minh, lanh lẹ và tháo vát như Chantal. Nguyên có bốn em trai và một em gái. Vì là con gái độc nhất của Ba Mẹ Nguyên, Thúy An nhận được tất cả tình thương yêu và nuông chiều của gia đình. Nhưng không vì thế mà cô bé trở thành khó tính, khó nết như những người con gái được nuông chiều khác. Trái lại, Thúy An rất dịu dàng và ngoan ngoãn. Trong gia đình Nguyên gần Thúy An nhất. Bây giờ có Chantal, Nguyên cũng thấy an ủi phần nào.

Cuộc sống cứ thế trôi đi. Chantal càng ngày càng thêm tươi vui, rạng rỡ. Jon thì mỗi ngày một thêm bận bịu với công việc khảo cứu của chàng và phải đi du khảo thường xuyên hơn. Một lần Chantal theo Jon lên Tumaco, một làng nhỏ, hẻo lánh, nơi Jon vẫn đến thu thập tài liệu luận án. Hai người ở đó gần một tháng. Bérangère không mấy hài lòng vì quán lúc đó đang đông khách, vắng Chantal nàng làm việc không xuể. Tuy nhiên nàng cũng để Chantal đi vì nàng thấu hiểu mối tình nồng nàn tha thiết của cô bé.
Sau khi hai người trở về Cali được một tuần, bỗng nhiên Jon có vẻ ưu tư và buồn bã khác thường. Nhiều lúc trong bữa ăn tối, Jon chỉ nói một hai câu rồi bỏ vào phòng ngủ, đóng cửa lại, không như thường lệ chàng và Nguyên bàn chuyện trong ngày hoặc thảo luận về luận án của hai người. Một buổi trưa thứ bẩy, hai tuần lễ sau đó, Jon nhận được một điện tín từ Tumaco yêu cầu chàng trở lại đó gấp vì có vài trở ngại trong việc khảo cứu, cần sự hiện diện của Jon. Jon chỉ kịp chào Nguyên, dặn dò vài lời nếu có điện thoại từ Hoa Kỳ thì trả lời hộ, cho biết Jon phải đi xa, sẽ về trong vài ngày hay một tuần rồi thu xếp vội vàng một vali nhỏ lên xe jeep cùng Jairo, người tài xế của Trung Tâm lên đường ngay. Trên khuôn mặt Jon, vẻ ưu tư càng thêm đậm nét. Biết tính bạn Nguyên không hỏi Jon chuyện gì đã xẩy ra, mặc dù chàng rất thắc mắc và lo ngại. Tình bạn giữa Jon và Nguyên đă đủ thân thiết để Nguyên ưu tư nỗi ưu tư của bạn mình. Jon bản tính vốn hiền hòa, điềm đạm. Từ ngày biết Jon, Nguyên chưa bao giờ thấy Jon buồn lâu. Nhưng Jon cũng rất kín đáo trong chuyện tâm tình. Nguyên chưa một lần nghe Jon nói về đời sống tình cảm của chàng ngoại trừ những mẩu chuyện nho nhỏ về Ba Mẹ và em gái Jon. Ba Mẹ Jon sống trên miền Bắc, tại tiểu bang New Jersey. Ba Jon gốc Thụy Điển, là nha sĩ. Mẹ chàng gốc Pháp, bán mỹ phẩm Avon. Em gái Jon, tên Audrey – cái tên mà Nguyên rất thích, vì ngày xưa khi còn học trung học Nguyên vẫn mê cô đào Audrey Hepburn – học năm thứ hai college, với dự tính sẽ theo Y Khoa. 
Có lần Jon đùa Nguyên, bảo giá Nguyên chưa có gia đình ở Việt Nam, thế nào chàng cũng giới thiệu Audrey cho Nguyên và cam đoan Nguyên sẽ chết mê, chết mệt ngay. Jon có cho Nguyên coi ảnh Audrey. Quả Audrey đẹp thật. Tóc vàng óng. Mắt xanh. Má lúm đồng tiền. Chỉ tội cái nàng cao 1m85, cao hơn Jon cả 10 phân. Trưóc khi gặp Chantal, Nguyên có hỏi Jon một lần về người Jon yêu thì Jon chỉ nói: “Đừng hỏi. Tao không thích nói chuyện đó. Cái gì nói được tao đã nói, tao yêu cầu mày đừng thắc mắc làm gì.” Từ đó Nguyên tuyệt đối tránh không đả động đến những chuyện tâm tình của Jon.
Jon đi được ba ngày thì có điện thoại từ Hoa Kỳ. Nguyên đang chúi mũi vào kính hiển vi và những con biến hình trùng thì Jaime, người phụ tá phòng thí nghiệm gọi chàng. Nguyên nhấc máy. Bên đầu giây kia là một giọng phụ nữ rất dịu dàng. Người thiếu nữ chắc mới khoảng 25-26 tuổi, tự xưng tên là Susan, ý trung nhân của Jon. Nàng cho biết nàng sẽ từ New Orleans đến Cali tuần tới để gặp Jon như đã hẹn với chàng. Nguyên sững sờ. Bây giờ chàng mới hiểu tại sao Jon đã lo lắng, ưu tư trong những ngày vừa qua. Chàng cho Susan hay Jon phải di du khảo bất chợt nhưng chắc sẽ về trước khi Susan đến. Buổi chiều hôm đó Jon từ Tumaco điện thoại về. Nguyên báo cho Jon hay tin Susan sẽ xuống Cali. Khi đó Jon mới tâm sự với Nguyên về chuyện tình của mình.

Susan và Jon quen biết nhau từ hơn hai năm trước. Hai người đã đính hôn trước khi Jon quyết định chọn ngành Ký Sinh Học tại Đại Học Tulane. Susan làm tiếp viên đường bay quốc ngoại cho một hãng hàng không, và phải di chuyển luôn luôn. Hai người dự định sau khi Jon tốt nghiệp sẽ làm đám cưới. Jon yêu Susan nhưng không mấy hài lòng vì công việc của nàng khiến hai người không gần gũi nhau nhiều. Susan yêu nghề của mình và cũng không vui khi Jon chọn Cali, Colombia để làm công tác khảo cứu cho luận án của chàng. Nàng cằn nhằn Jon sao không chọn một đề tài nào khác để có thể thực hiện khảo cứu ngay tại New Orleans như những sinh viên khác. Hai người cãi nhau khá nhiều lần về chuyện đó. Trước ngày Jon rời New Orleans đi Cali, hai người to tiếng với nhau và Susan xếp vali bỏ đi. Jon rất buồn, nhưng vì tự ái, chàng cũng để mặc, không cản Susan lại. Trong thời gian hai tháng đầu hai người không liên lạc với nhau. Nhưng sau đó Susan viết thư làm lành, và Jon nối lại cuộc tình với nàng. Lần trở về New Orleans gặp vị giáo sư hướng dẫn để phúc trình và bàn thảo với ông về luận án của mình, Jon lại sống với Susan trong hơn một tháng. Những lục đục lúc trước tưởng đã yên, nhưng một tuần trước ngày Jon trở lại Cali, Susan trở nên bứt rứt và bực dọc. 
Viễn ảnh xa Jon một thời gian dài làm nàng khổ tâm vô cùng. Nàng bỗng nhiên trở nên cau có, dằn vặt Jon mỗi ngày. Mới đầu Jon còn nhịn, nhưng đến ngày thứ tư thì chàng chịu hết nổi, bỏ lên trường ở lại qua đêm trong phòng thí nghiệm. Chiều hôm sau khi Jon trở về thì nhà cửa vắng tanh. Susan đã dọn hết quần áo của nàng đi mất không để lại một chữ. Jon hoảng hốt điện thoại tứ tung liền trong ba ngày mà vẫn không tìm ra tung tích Susan. Chàng trở lại Cali với một con tim tan vỡ. Rồi gặp Chantal và quấn quýt với nàng. Nhưng trong thâm tâm, Jon vẫn không quên Susan. Chàng vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình mình và gia đình nàng, gửi thư cho nàng qua địa chỉ cha mẹ nàng và hãng máy bay nơi nàng làm việc. Susan vẫn lặng thinh không hồi âm. Cho đến ngày Jon và Chantal từ Tumaco trở về Jon bỗng nhận được thư Susan. Lá thư dài sáu trang giấy, trong đó Susan cho Jon biết nàng vẫn yêu chàng. Thời gian xa cách vừa qua nàng đã cố gắng tự chống trả, tự thử thách tình yêu của mình, cố làm lơ trước những thôi thúc hồi âm Jon, nhưng cuối cùng nàng biết nàng không thể sống thiếu Jon. 
Nàng sẽ xin giải nghệ tiếp viên hàng không và sẽ xuống Cali sống với Jon cho đến ngày Jon hoàn tất phần khảo cứu luận án. Nàng xin Jon tha thứ cho nàng và sẽ điện thoại cho Jon biết ngày nàng xuống Nam Mỹ. Đó là thời gian Nguyên thấy Jon chợt bần thần, ưu tư, buồn bã lạ thường. Jon thú thật với Nguyên là tuy Jon mê Chantal, nhưng chàng vẫn yêu Susan và chắc chắn sẽ không để cuộc hôn nhân đã dự tính bị đổ vỡ. Jon khẩn khoản nhờ Nguyên nói với Chantal, giải thích cho nàng hiểu là Jon đã đính hôn với Susan và không thể chọn Chantal. “Mày vẫn được Chantal quý như một người anh, và tao biết mày cũng quý Chantal như em mày. Thôi thì mày giúp tao. Tao không có can đảm gặp Chantal để nói với cô bé những lời đau đớn!”. Nguyên ngỡ ngàng, choáng váng. Nhưng biết tính Jon, và thương bạn, chàng đành đau khổ nhận lời, mặc dù chàng vẫn biết thế là tự mang họa vào thân.
Nguyên suy nghĩ mãi không biết phải nói năng thế nào với Chantal cho nàng đỡ đau xót.

Cuối cùng Nguyên điện thoại xin phép Bérangère mời Chantal đến ăn tối với chàng. Bữa ăn đã xong, Nguyên vẫn chưa dám hé môi. Nhìn vẻ mặt tươi vui rạng rỡ của Chantal, nghe nàng tíu tít nói chuyện về nàng và Jon, Nguyên không nỡ. Nhưng cuối cùng chàng cũng phải thu hết can đảm, kéo ghế cho Chantal ngồi trước mặt mình và bằng một giọng nói nghiêm trang nhưng trầm buồn, tiết lộ sự thật cho nàng. Chantal lặng người đi một lúc, hai mắt đỏ hoe rồi òa lên khóc. Và bây giờ, nàng gục đầu, nức nở trên vai Nguyên…
***

Nguyên để lặng yên mặc cho Chantal thổn thức. Bàn tay chàng vỗ nhẹ trên lưng nàng trong niềm trìu mến, an ủi của một người anh đau chung nỗi đau em gái mình. Chàng thấy không cần nói gì thêm, vì có nói cũng vô ích. Chàng chỉ thầm hy vọng Chantal dần dần sẽ nguôi ngoai. Nỗi đau buồn sẽ theo những giòng nước mắt mà vơi bớt đi. Chantal mới có 19 tuổi, cái tuổi đầy mộng mơ dễ yêu, dễ nhớ mà cũng dễ quên. Chàng chỉ còn biết ước mong như thế.
Sau một hồi khóc khô nước mắt, Chantal có vẻ bình tĩnh trở lại. Nàng cáo từ ra về. Nguyên bảo để chàng đưa nàng về, e Chantal buồn quá, làm điều dại dột, nhưng Chantal từ chối: “Em không sao. Em muốn về một mình. Em hứa với Nguyên, em sẽ tự bảo trọng. Anh đừng lo!”. Nguyên chờ một tiếng đồng hồ sau mới điện thoại lại “Le Bel Époque”. Nghe Bérangère trả lời, nói Chantal đã về và đã lên lầu ngủ, Nguyên an tâm và mừng thầm. Sáng hôm sau, chàng kêu lại một lần nữa, lần này Chantal cầm máy, giọng nói vẫn buồn bã nhưng đã có vẻ bình tĩnh hơn. Nàng xin Nguyên đừng nói gì với Bérangère, cứ để nàng tự lo liệu.

Hai ngày sau Jon trở lại Cali. Chàng có vẻ ngượng ngùng với Nguyên khi hỏi Nguyên về Chantal. Nguyên vắn tắt cho Jon biết diễn tiến sự việc. Hai người ít nói chuyện với nhau hơn trưóc. Những bữa cơm có vẻ tẻ nhạt hơn và không khí lúc nào cũng nặng nề. Nguyên rất buồn vì bỗng chốc, khi không chàng lọt vào một mê hồn trận với cuộc tình khúc mắc của ba người. Tội nghiệp Chantal nhưng chàng không biết nên thương hay giận Jon. Còn Susan, dù chưa gặp, nhưng Nguyên cũng thấy nàng vô tội. Phần Jon, chàng có điện thoại cho Chantal mấy lần nhưng nàng không trả lời. Mỗi ngày sau giờ làm việc, Nguyên tạt qua “Le Bel Époque”. Chantal tiếp chàng với nét buồn khó giấu, nhưng nàng cố giữ vẻ bình tĩnh, và tuyệt đối tránh không đả động đến chuyện đã qua. Nguyên cũng thấy tạm an tâm.

Buổi chiều ngày Susan đến Cali, Jon mời Nguyên cùng đi ăn tối tại một tiệm ăn thật thơ mộng, có một ban tam ca vừa đàn vừa hát ngay tại bàn thực khách. Nguyên từ chối không muốn đi, để hai người được tự do trò chuyện sau bao ngày xa cách, nhưng Jon và Susan nhất định bắt chàng phải đi cho bằng được. Susan không đẹp lắm, nhưng rất khả ái và duyên dáng. Nàng nói chuyện rất mực thước, dịu dàng và lịch sự. Chỉ sau một giờ, Nguyên đă có cảm tình ngay với nàng. Chàng cũng đọc thấy một tình yêu thật sự qua ánh mắt Susan mỗi khi nàng âu yếm nhìn Jon. Nguyên cảm động vì hai người đã chia sẻ với Nguyên những giây phút quý báu của ngày đầu tiên tái ngộ mà đáng lẽ họ phải dành riêng cho chính họ. Trong suốt bữa ăn Susan nói rất nhiều về tình yêu hai người. Nàng rất hối hận đã để cho sóng gió nổi dậy. Những ngày tháng xa cách Jon khiến nàng thấy rõ lòng mình hơn và nàng muốn Nguyên, như một người bạn thân của Jon, làm chứng cho sự hàn gắn cuộc tình của hai người.

Những ngày sau đó, Nguyên để Jon và Susan hoàn toàn tự do. Chàng vẫn ghé thăm Chantal mỗi ngày. Thấy nàng vẫn buồn nhưng không có vẻ gì khác lạ, Nguyên mừng thầm.
Ba tuần lễ sau Jon lấy phép một tháng đi du ngoạn với Susan. Chàng đã thu xếp công việc khảo cứu đâu vào đấy để không phải bận tâm khi đi Rio de Janeiro với Susan. Nhà vắng hẳn. Nguyên lại bận bịu với công việc của chàng nên cũng thưa lại thăm Chantal. Dù vậy chàng vẫn điện thoại mỗi ngày để được an tâm. Bérangère và Lionel cũng đã biết chuyện, và hứa sẽ để tâm săn sóc và an ủi Chantal.
Thêm nửa tháng qua đi, giọng Chantal trong điện thoại đă có vẻ tự nhiên hơn và khuôn mặt nàng khi gặp Nguyên cũng đã bớt buồn bã. Mỗi khi đem thức uống cho khách Chantal cũng đã bắt đầu cười đùa với họ. Nguyên tự nhủ: “Thế cũng may!”
Một ngày trước khi Jon và Susan trở lại Cali, Nguyên đang cắm cúi đọc mấy bài báo nói về biến hình trùng có liên quan đến công cuộc khảo cứu Giáo Sư Beaver mới gửi cho chàng thì Jaime gọi lớn: “Bác Sĩ Nguyên, ông có điện thoại từ bên Pháp”. Nguyên bàng hoàng. Có thể nào giấc mơ đã thành sự thật? Từ gần năm năm qua Nguyên đã cố vận động cho vợ con được đoàn tụ với mình, và Ngọc Uyên, vợ chàng, mới tháng trước đă có thư cho Nguyên hay mọi sự đang diễn tiến tốt đẹp.

Từ khi miền Nam sụp đổ, Nguyên đã nộp đơn xin cho Ngọc Uyên và Uyển Vy, con gái chàng, qua Hoa Kỳ. Một vị giáo sư nội thương tại Đại Học Tiểu Bang Louisiana đã cho Nguyên một chứng thư giả, chứng nhận chàng bị viêm gan nặng và thêm bệnh ưu sầu, trầm cảm, bị xuống tinh thần nguy hiểm, cần có sự hiện diện của vợ con bên cạnh, nhưng không hiệu quả. Khi xuống Colombia, Nguyên lại được một vị trưởng khu nội thương tại Universidad del Valle xác nhận bệnh chàng tái phát, và có chiều nặng hơn. Cộng thêm sự giúp đỡ của bộ Ngoại Giao Colombia, Uyên được giấy xuất cảnh, nhưng ngày đi vẫn chưa ấn định. Nàng chỉ cho Nguyên hay là ngày hội ngộ không còn xa lắm, và nàng sẽ bay qua Pháp, rồi từ Pháp mới bay qua Colombia. Ngọc Uyên có người chị bà con bên Pháp, tên là chị Nguyệt. Chính chị Nguyệt đă giúp Ngọc Uyên và Nguyên liên lạc với nhau sau ngày Sài Gòn thất thủ. Hồi đó Nguyên như điên cuồng vì không biết vợ con mình lang bạt nơi đâu, còn kẹt lại Sài Gòn hay nằm trong nhóm các người tỵ nạn. Mãi sau hơn sáu tháng bặt vô âm tín, Nguyên mới nhận được lá thư đầu tiên đầy nước mắt do chị Nguyệt chuyển giao từ Paris. Rồi cứ thế ngày này qua ngày khác hai vợ chồng Nguyên liên lạc qua chị Nguyệt cho đến khi dịch vụ thư tín giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được tái lập. Ngay cả khi đó những lá thư đi lại cũng phải mất một hay hai tháng trời. Dẫu sao chúng cũng mang lại cho Nguyên niềm an ủi là vợ con, gia đình nội ngoại của chàng vẫn tương đối an toàn.

Nguyên cầm điện thoại. Trong một thoáng, chàng bỗng cảm thấy như mình đang mơ. Gần như ba giọng nói cùng cất lên một lúc, bằng ba thứ tiếng khác nhau. Cô điện thoại viên ở Paris nói tiếng Pháp, cô điện thoại viên ở Cali nói tiếng Tây Ban Nha, và Ngọc Uyên trong tiếng mẹ đẻ nghẹn ngào đầy cảm xúc. Nguyên cuống quýt, không biết nói với ai trước và nói những gì. Quá xúc động, chàng như lịm đi, không thốt được một lời. Nhưng rồi giây phút rối loạn cũng qua đi và hai vợ chồng đã trao nhau những lời nồng nàn nhất sau năm năm xa cách. Nguyên như muốn reo lên. Chàng nắm chặt máy điện thoại, tưởng chừng như đang nắm bàn tay người vợ yêu dấu của mình ở đầu giây bên kia. Nước mắt chàng chạy quanh. Giọng chàng nghẹn ngào. Bên kia, Ngọc Uyên đang khóc từng hồi, tức tưởi. Nàng lặp đi, lặp lại không biết bao nhiêu lần:
“ Nguyên ơi, em yêu anh, em nhớ anh biết chừng nào! Mình sắp gặp lại nhau thật rồi, phải không anh? Anh nói với em là em không mơ đi anh!…” Jaime và những nhân viên phòng thí nghiệm ngơ ngác nhìn Nguyên, không hiểu có chuyện gì.

Không biết thời gian bao lâu đã trôi qua, Nguyên vẫn đang quấn quýt bên Ngọc Uyên qua điện thoại thì cửa phòng thí nghiệm xịch mở. Lucila, nguời thư ký của Trung Tâm bước vào: “Bác Sĩ Nguyên, cô Chantal vừa đến, muốn gặp Bác Sĩ”. Nguyên ngưng điện thoại một giây, dặn Lucila nói với Chantal chờ một chút, chàng sẽ xuống gặp nàng, rồi trở lại với Ngọc Uyên, nghe nàng kể lể những chông gai đă trải qua từ sau ngày Nguyên đi du học. Hai vợ chồng nói với nhau không muốn dứt. Ngọc Uyên cho Nguyên hay nàng mới đến Paris hôm trước và vừa lấy được vé máy bay qua Colombia thì điện thoại cho Nguyên. Nàng và Uyển Vy sẽ đến Bogotá, thủ đô Colombia, tuần sau. Nguyên lấy tên hãng máy bay, ngày giờ chuyến bay rồi hai người tạm biệt.
Buông điện thoại xuống, Nguyên thấy mình lâng lâng. Chàng cười một mình. Rồi chợt nhớ ra các nhân viên phòng thí nghiệm nẫy giờ vẫn đang ngơ ngác nhìn chàng dò hỏi, Nguyên giơ hai tay lên trời reo lớn: “ Các bạn ơi, tôi sẽ gặp lại vợ con tôi tại đây, tại xứ sở thân yêu của các bạn!.” Mọi người xúm lại quanh Nguyên, bắt tay, ôm hôn và chúc mừng chàng. Họ đã được nghe Nguyên nói nhiều về gia đình chàng trong suốt thời gian làm việc với nhau, và chính Jaime đã giúp Nguyên nhiều trong việc lo giấy tờ đoàn tụ.
Cả gần nửa tiếng sau, chợt nhớ ra là Chantal đang đợi dưới nhà, Nguyên hấp tấp xuống cầu thang định báo cho nàng tin vui vừa tới. Không thấy nàng đâu, Nguyên quay ra hỏi Lucila. Cô thư ký đưa cho chàng một tờ giấy viết vội: “Cô ấy chờ Bác Sĩ lâu quá, đã bỏ đi rồi. Cô ấy đưa em tờ giấy này, nói đưa lại Bác Sĩ. Tiếng Pháp, em không đọc được.” Nguyên lướt nhanh qua những dòng chữ Chantal viết:
“Nguyên, Khi anh đọc những dòng chữ này thì em đã ra đi. Em biết Jon và Susan sẽ trở lại Cali ngày mai. Em không thể chịu đựng hơn nữa. Suốt thời gian vừa qua em đã cố gắng đóng kịch. Em lừa được anh. Em lừa được cả chị Bérangère và anh Lionel. Em lừa được tất cả mọi người. Ai cũng tưởng em đã nguôi ngoai. Nhưng em không thể nào lừa dối chính mình. Em yêu Jon, em yêu Jon thật sự, và vô cùng. Em đã tự hỏi lòng mình mỗi ngày, mỗi đêm. Những đêm khuya thao thức, em vẫn cảm giác được anh ấy vỗ về, ôm ấp. Nhưng tình yêu ấy nay đã hoàn toàn vô vọng, như anh biết đấy. Jon và Susan trở về Cali ngày mai. Anh nói hộ với Jon rằng em cầu chúc anh ấy hạnh phúc. Em đã nói yêu Jon em có thể làm tất cả những gì Jon muốn. Jon muốn xua đuổi em khỏi cuộc đời anh ấy, thì em đi. Em không oán giận anh ấy đâu. Em vẫn yêu anh ấy như bao giờ. Nhưng em không thể sống ở đây nữa. Em sẽ đi cho khuất mắt mọi người. Em cám ơn Anh đã thương mến em như Thúy An, em gái anh. Em cầu mong anh sẽ sớm được sum họp với gia đình. Sau này gặp lại Thúy An, anh nói hộ với cô ấy là có một người con gái Thụy Sĩ thèm được như cô ấy, thèm được làm một người em ruột của anh.

Vĩnh biệt anh!
Chantal.”

Nguyên sững sờ, thờ thẫn, đứng lặng người bên bàn giấy Lucila, không nghe, và cũng không trả lời câu hỏi của cô. Dường như Lucila thắc mắc: “Có chuyện gì không, Bác Sĩ?”. Chàng lặng lẽ trở lên phòng thí nghiệm. Jaime đã pha sẵn một ly “tinto”, tách cà phê đen nhỏ, chỉ hơi lớn hơn chén tống uống trà một chút, mà dân Colombia vẫn thường uống mỗi buổi trưa trong giờ nghỉ giải lao. Thấy Nguyên bỗng có vẻ ưu tư, Jaime nghĩ chắc có lẽ chàng đang xúc động vì tin sum họp gia đình, nên lặng lẽ đóng cửa phòng thí nghiệm, để Nguyên tự do một mình.
Nguyên nhấc điện thoại gọi Bérangère và Lionel. Hai người sửng sốt khi nghe Nguyên báo tin Chantal quyết định bỏ đi. Bérangère nói: “Mấy hôm nay cô bé đã có vẻ bắt đầu vui trở lại rồi mà! Sao lại có chuyện như vậy được!” Chantal đã ra đi mà không cho Bérangère và Lionel biết.
Những ngày sau đó ba người đă cố gắng điện thoại khắp nơi và tìm gặp những người quen biết Chantal nhưng nàng vẫn bặt vô âm tín. Cho đến năm ngày sau đó, Bérangère mới nhận được một lá thư ngắn không để địa chỉ người gửi của Chantal từ Cartagena, một thành phố cổ kính ven biển. Trong thư Chantal xin lỗi Bérangère và Lionel đã ra đi không một lời chào, và cám ơn hai người đã đùm bọc nàng suốt thời gian qua. Nàng cho biết nàng sẽ rời Cartagena ngày hôm sau, tuyệt nhiên không đả động đến nơi nàng sẽ tới và dự định của nàng trong tương lai.

***
Bà Aurelia và gia đình, khi được Nguyên báo tin vợ con chàng sắp qua Colombia, đã hết sức vui mừng cùng chàng. Nhất là bà Aurelia. Bà vẫn yêu quý Nguyên từ những ngày chàng ở trọ nhà bà. Bà thường gọi Nguyên là “cậu con trai bé bỏng của tôi “, và từ đó các con cháu bà đều gọi Nguyên bằng anh, em hoặc chú, bác. Bỗng nhiên Nguyên có một đại gia đình ở Cali. Margarita lo thu xếp ngay để khi Nguyên lên Bogotá đón Ngọc Uyên, gia đình chàng sẽ đến tá túc tại nhà Isabella, chị ruột Margarita. Isabella sẽ cho Raphael, người tài xế của gia đình, đưa Nguyên ra đón Ngọc Uyên và Uyển Vy từ phi trường về nhà. Nàng mời vợ chồng Nguyên ở lại Bogotá vài hôm cho biết thủ đô Colombia. Ignacio, chồng Isabella cũng là y sĩ, và cũng đã du học Hoa Kỳ, nên cũng háo hức, muốn gặp Nguyên. Trong đại gia đình bà Aurelia, chỉ có Isabella và Ignacio là Nguyên chưa gặp mặt.

Một ngày trước ngày Ngọc Uyên từ Paris đến Bogotá, Nguyên lấy máy bay lên thủ đô Colombia. Ngồi trên phi cơ, Nguyên nghe lòng mình ngổn ngang trăm mối. Niềm hân hoan sắp được gặp lại vợ con khiến chàng nôn nao, ngây ngất. Nhưng trong một góc nào đó của tâm hồn, chàng vẫn thấy vương vấn một nỗi bâng khuâng, tội ngiệp cho Chantal mà những bất hạnh của cuộc đời đã đẩy đưa vào cuộc sống của chàng. Rồi cũng chính những bất hạnh đã đem nàng đi xa vĩnh viễn. Nguyên cũng cảm thấy ân hận đă không gặp Chantal lần chót khi nàng đến tìm chàng. Chàng tự hỏi không biết nếu chàng đã gặp Chantal hôm ấy thì đã có thể thay đổi được ý định ra đi của nàng chăng? Nhìn những dẫy ghế chung quanh chỗ mình ngối, Nguyên bỗng có cái cảm tưởng Chantal có thể đã ngồi trong chiếc phi cơ này tuần trước, khi nàng rời Cali. Và biết đâu nàng lại chẳng ngồi trên chiếc ghế Nguyên đang ngồi.
Người nữ tiếp viên hàng không đi ngang qua hành lang giữa hai hàng ghế. Mái tóc nâu dài của nàng búi cao sau gáy, dáng người thanh tú, nhìn phía sau giống như Chantal. Nguyên bâng khuâng, ngả đầu trên nệm ghế, nhắm mắt, cố dỗ giấc ngủ.


Mùi Quý Bồng

Nghe Nana Mouskouri hát Plaisir D’Amour
Nana Mouskouri - Plaisir d'amour

 

***

Plaisir D’Amour
(Giovanni Martini – Lyrics: J. Florian)

Plaisir d’amour
Ne dure qu’un moment,
Chagrin d’ amour
Dure toute la vie!
Tu m’as quitté
Pour la belle Sylvie,
Elle te quitte
Pour un autre amant!
Plaisir d’amour
Ne dure qu’un moment,
Chagrin d’amour
Dure toute la vie!
Tant que cette eau
Coulera doucement
Vers ce ruisseau
Qui borde la prairie,
Je t’aimerai,
Te repetait Sylvie.
L’eau coule encore,
Elle a changé pourtant!
Plaisir d’amour
Ne dure qu’un moment,
Chagrin d’amour
Dure toute la vie!!!

***
Tình Trong Giây Phút
Lời Việt: Mùi Quý Bồng

Tình trong giây phút,
Nhưng chất chứa bao đớn đau.
Niềm vui chưa lâu,
Tan tác rồi,
Bao ước mơ xưa sớm phai tàn!
Người xa tôi
Theo bóng dáng ai kia, ôi, yêu kiều.
Nàng buông rơi anh,
Vui duyên mới
Với người nàng thật lòng yêu
Tình trong giây phút,
Nhưng chất chứa bao đớn đau.
Niềm vui chưa lâu,
Tan tác rồi.
Bao ước mơ xưa sớm phai tàn!
Như con sông kia
Nước vẫn trôi,
Trôi mãi lững lờ.
Bao nhiêu năm qua
Yêu thương, ôm ấp cánh đồng này.
Em sẽ yêu Anh mãi!
Nàng hẹn thề cùng Anh
Tha thiết vô cùng.
Ôi nhưng sao nước vẫn êm trôi,
Tiếng ước câu thề đã buông xuôi???
Tình trong giây phút,
Nhưng chất chứa bao đớn đau.
Niềm vui chưa lâu,
Tan tác rồi,
Bao ước mơ xưa sớm phai tàn

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét