Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Y Học Thường Thức - Biến Dưỡng (Bác sĩ Đinh Đại Kha)


Y HỌC THƯỜNG THỨC
Biến Dưỡng 

Đại cương Biến dưỡng là danh từ bao quát về hệ quả của mọi phản ứng hóa học xảy ra trong cơ thể để duy trì sự sống của các tế bào toàn thân. Như vậy thì biến dưỡng bao gồm mọi hoạt động của nội tạng và các phương cách mà cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và tách ra các hóa chất cần dùng cho mọi loại tế bào trong thân thể chúng ta. Biến dưỡng chia ra 2 thành phần chính là dị hóa và đồng hóa: Dị hóa gồm các phản ứng hóa học chia cắt các phân tử thức ăn ra nhiều thành phần đơn giản hơn, đồng thời phát sinh ra năng lượng. Một số các hóa chất đơn giản này sẽ sử dụng trong cơ thể, số còn lại là chất thải sẽ được bài tiết ra ngoài. Đồng hóa là các phương cách cơ thể dùng những hóa chất đơn giản kể trên đây để tổng hợp ra các chất cần thiết cho chức năng duy trì và phát triển của mọi loại tế bào toàn thân. 

Dinh dưỡng và biến dưỡng Dinh dưỡng là căn bản của biến dưỡng vì chúng ta cần dùng thức ăn, thức uống làm nguồn cung cấp năng lượng cùng các hóa chất mà cơ thể không tự sản xuất ra được. Khoa dinh dưỡng nghiên cứu các chất cần thiết cho cơ thể và xác định: 

- Danh sách các chất đó
- Các chức năng của chúng 
- Nhu cầu tối thiểu thường ngày của từng chất để giữ cho cơ thể được khỏe mạnh Sự biến dưỡng để duy trì, phát triển và tu bổ các mô trong cơ thể cùng điều hòa mọi hoạt động nội tiết cần tới nhiều chất chứa đựng trong các thức ăn, uống sau đây: 

- Các chất bột-đường
- Các chất đạm (prô-tê-in)
- Các chất béo
- Các sinh tố
- Các chất khoáng
- Nước 

Các chất bột-đường và biến dưỡng 

Nhóm thức ăn này bao gồm các chất bột, các chất đường và chất xeluy-lô. Các chất bột và đường cung cấp năng lượng cho cơ thể, còn chức năng của chất xe-luy-lô chỉ là phụ giúp sự tiêu hóa. Sau khi tiêu hóa, các chất bột-đường đều biến thành đường glu-côt để sử dụng trong mọi hoạt động của cơ thể. Danh sách các thức ăn có chất bột-đường bao gồm cơm, bánh mì, khoai, ngũ cốc… 

Các chất đạm (prô-tê-in) và biến dưỡng 

Thức ăn có chất đạm dùng để duy trì và phát triển các mô trong cơ thể. Các chất đạm (prô-tê-in) góp phần trong nhiều hoạt động cơ thể: - Sự hoạt động và sinh sản của các tế bào toàn thân. 

- Sự tổng hợp hồng cầu tố có chức năng di chuyển ô-xy tới mọi cơ quan.
- Sự tổng hợp các chất men là chất xúc tác trong mọi hoạt động biến dưỡng. 

Các chất đạm cũng phát sinh ra năng lượng và hợp thành các vi thể di truyền (gien) là một thành phần của nhiễm sắc thể mang tính di truyền.Hằng ngày chúng ta cần dùng thức ăn có chất đạm vì có 8 loại prôtê-in đặc biệt cần thiết cho cơ thể tên là acit amin đều không có sẵn trong người mà chỉ hiện diện trong thức ăn mà thôi. Các thức ăn có nhiều chất đạm là trứng, sữa, thịt, cá và đậu nành. Có nhiều loại rau và ngũ cốc cũng chứa đựng chút ít chất đạm. 

Các chất béo và biến dưỡng 

Thực phẩm có chất mỡ chứa nhiều năng lượng hơn các chất bộtđường và các chất đạm. Hai loại thức ăn sau này có mức độ năng lượng tương đương, mỗi gram biến ra 4 calo. Đối lại thì mỡ chứa nhiều năng lượng hơn, mỗi gram biến ra 9 calo. Chức năng của các chất mỡ bao gồm: 

- Mỡ là một thành phần cấu trúc của mọi tế bào trong cơ thể. 
- Mỡ bao quanh các cơ quan chính của thân thể để che chở chống chấn thương và chống nóng lạnh quá độ. 
- Các chất mỡ giúp cơ thể hấp thụ các sinh tố tan được trong mỡ. 
- Mỡ trong thân thể chúng ta cũng là nơi dự trữ năng lượng để sử dụng khi thiếu dinh dưỡng. 

Như vậy thì hoạt động biến dưỡng cũng cần tới các chất mỡ. Tuy nhiên nếu mỡ có dư trong cơ thể thì sẽ gây ra bệnh xơ cứng động mạch và dẫn tới các bệnh tim mạch. 

Các chất khoáng, sinh tố và biến dưỡng 

Các chất này không chứa năng lượng nhưng có chức năng làm điều hòa biến dưỡng. 
Tính chung có lối 25 chất khoáng và sinh tố cần dùng thường ngày trong cơ thể: Các chất khoáng cần thiết: 
- Can-xi
- Phốt-pho
- Sắt
- Nat-ri
- Ka-li
- Clo-rua
- Đồng
- Cô-ban
- Măng-gan
- Kẽm - Ma-nhê
- Flu-o - I-ôt… 

Các sinh tố cần thiết: 

- Sinh tố A
- Sinh tố B
- Sinh tố C
- Sinh tố D… 

Các quá trình biến dưỡng 

Một quá trình biến dưỡng là một chuỗi các phản ứng hóa học tiếp nối nhau để thực hiện một chức năng biến dưỡng. Thí dụ như khi cơ thể tổng hợp một acit amin cần phải qua nhiều giai đoạn mới hoàn tất. Mỗi quá trình biến dưỡng sử dụng tới nhiều chất men là chất xúc tác trong các phản ứng hóa học của cơ thể. Các quá trình biến dưỡng không phải là bất di bất dịch mà uyển chuyển thay đổi tùy thuộc vào tình trạng của các tế bào. Thí dụ như khi cơ thể lâm bệnh cấp tính, bệnh mạn tính, bệnh ung thư… thì một số chức năng biến dưỡng sẽ thay đổi để chống lại hậu quả của bệnh lý. 

Tóm tắt 

Biến dưỡng bao gồm mọi hoạt động của nội tạng và các phương cách mà cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và tách ra các hóa chất cần dùng cho mọi loại tế bào trong thân thể chúng ta. Biến dưỡng dị hóa chia cắt thức ăn ra các hóa chất đơn giản để sử dụng trong cơ thể, thải chất dư và phát sinh năng lượng. Biến dưỡng đồng hóa dùng hóa chất đơn giản tổng hợp thành các chất cần thiết để duy trì và phát triển mọi tế bào trong cơ thể. Biến dưỡng sử dụng hóa chất và năng lượng chứa trong các thức ăn, uống sau đây: - Các chất bột-đường - Các chất đạm (prô-tê-in) - Các chất béo - Các sinh tố - Các chất khoáng - Nước Hoạt động cơ thể thường ngày cần sử dụng tới 25 chất khoáng và sinh tố. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Biến dưỡng Metabolism
Biến dưỡng dị hóa Catabolism
Biến dưỡng đồng hóa Anabolism
Dinh dưỡng Nutrition
Khoa dinh dưỡng Dietetics
Chất bột-đường Carbohydrates
Chất đạm Proteins
Chất béo Lipids
Chất khoáng Minerals
Sinh tố Vitamins Acit amin Amino acids
Quá trình biến dưỡng Metabolic pathways
Chất men Enzyme
Chất xúc tác Catalyst

Bác Sĩ Đinh Đại Kha 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét