Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

Thời Đi Học


Đôi lời tâm sự: 

Lần trước, lâu lắm rồi tôi có kể cho các bạn nghe chuyện đi học lúc nhỏ của mình ở trưỡng Nam tiểu học Vĩnh Long. Bây giờ lớn tuổi ,rảnh rang, trong ứơc muốn là phải làm sao cố gắng nhớ và ghi lại những kỹ niệm thời học trò của mình, càng nhiều càng tốt.Tôi nghĩ rằng ai cũng vậy, lúc nhỏ thì hướng tới tương lai,còn già thì tìm về quá khứ để nhớ lại kỷ niệm tuổi thơ của mình. Tuổi học trò
ai cũng có những kỷ niệm riêng của mình ,mỗi thời mỗi khác, kỷ niệm cũng khác, duy chỉ có một điều giống nhau đó là cùng mài đủn quần ở mái trường thân yêu của mình. Nên việc cố ghi và sắp xếp theo thứ tự thời gian ,cũng giống như biên tập một cuốn phim do chính mình làm đạo diễn, hầu trải lòng cùng bạn bè thân hữu, âu đó cũng là niềm vui và cuối cùng là để con cháu sau này nếu có đọc để chúng nó biết rằng hồi thời đó ông bà chúng đi học như thế đấy, đơn giản vậy thôi … 

Ước Mơ & Toại Nguyện

(Trường Trung Học Nguyễn Thông tiền thân trường Tống Phước Hiệp)

Lúc còn mặc quần đùi đi học ở trường Nam, mỗi ngày đi ngang qua trường Nguyễn Thông gần miểu Bảy Bà đứa nào cũng mơ có ngày mình cũng được như các anh chị đang học ở đó, thấy các anh thì mặc đồng phục quần tây xanh, áo sơmi trắng bỏ trong quần đi sandal hoặc giày bata trắng oai lắm,còn các chị thì áo dài trắng thướt tha. Muốn thì rất muốn nhưng nghỉ lại thì thật là ngán ngẩm ,vì thời đó toàn tỉnh chỉ có duy nhất một trường trung học công lập Nguyễn Thông thôi, tất cả học sinh lớp Năm của tỉnh thi vào rất đông, vì có thêm học sinh các quận nữa, thành ra có đến ba đến bốn ngàn học sinh dự thi mà trường chỉ tuyển có hơn bốn trăm,tỷ lệ gần như là một chọi với mười
thì khó lòng vượt qua được. 

Riêng tôi phải nhọc nhằn thi hai năm mới đậu, còn nhiều ngừơi thi đến ba bốn lần như chị tôi,chị học trứơc tôi mấy lớp, thế mà thi đậu một lượt với tôi mới là đáng nể.Thật ra cũng phải vậy thôi, bỏ công học thi mấy năm trời để vào học được trường công là rất quý, dù biết rằng rất muộn, không uổng công, vì học trường công thì không phải đóng tiền mà được học ở trừơng có uy tín nữa.Năm này thi sinh dự thi khoảng bốn ngàn, trường chỉ lấy hơn bốn trăm người thôi, tôi không nhớ chính xác,nhưng chỉ ngần ấy cũng đủ thấy rằng đó là kỳ thi vô cùng khó khăn cho các sĩ tử! Đối với chi em tôi đây mới là niềm hạnh phúc lớn và hảnh diện vì được học mà không phải đóng tiền,vì nếu thi trượt phải học trừơng tư (lúc này ở Vĩnh Long có hai trường đó là trường Nguyễn Trường Tộ và Long Hồ) thì chắc là chúng tôi phải bỏ học vì nhà nghèo lắm, má tôi không thể lo cho chúng tôi, học mà phải đóng tiền hàng tháng được! Đó là một thực tế rõ ràng vì mấy anh chị của tôi mấy năm trước cũng phãi nghỉ học sau khi khi ba tôi mất! 

Có một sự kiện nếu không kể thêm thì quả là thiếu sót vì làm cho mọi ngừơi là thí sinh lúc đó không thể nào quên trong đó có tôi. Sự kiện này là truyền thống của trường, đó là ngày xướng danh những học sinh thi đậu, hồi đó bảo nhau đi nghe “ kêu résulta “. Hôm ấy như là ngày hội, đông lắm có cả ngàn người tụ tập ở sân trường, bao gồm thí sinh và phụ huynh đang hối họp chờ đợi đến giờ bắt đầu, ai cũng ao ứơc người xứơng danh sẽ gọi tên mình.Khi đọc danh sách người ta đọc theo thứ hạng từ cao xuống thấp,từ hạng nhất đến hạng cuối cùng.Thật là vui khi có ai đó vừa được gọi tên, thỉnh thoảng có khu vực ồn ào nhộn nhịp hẳn lên, hay có tiếng thét vui mừng vang dội,vì ở nơi đó đã có người đậu, âm thanh vui mừng lúc thì chổ này lúc thì chỗ khác, thật tưng bừng,vui hết chỗ nói. 

Sau cùng khi buổi xướng danh chấm dứt, thì có nhiều cậu học trò như tôi rất vui,ngược lại cũng có rất nhiều ngừơi buồn vì không được gọi tên, đồng nghĩa với việc là đã rớt rồi! Ngay sau đó nhà trường dán kết quả trúng tuyển vừa đọc, lên bảng thông báo trước cổng trừơng cho mọi người xem lại.Dẫu biết chính xác là mình vừa được đọc tên khi xướng danh, tôi cũng cố chen lấn vào xem cho được để chắc chắn rằng mình đã đậu, được thấy tận mắt tên mình trong danh sách trúng tuyển mới an lòng.Trong xóm cũng có mấy đứa đậu, riêng nhà tôi ai cũng hả hê vui mừng vì có tới hai ngừơi đậu là tôi và chị tôi, mặc dù chị đậu rất muộn thi đến bốn lần. Cái truyền thống xứơng danh kết quả thi vào đệ thất này sau đó không còn nữa, thật là tiếc.! Theo tôi sự kiện này là ấn tượng nhất và đáng ghi nhớ nhất trong bảy năm mài đủn quần ở trường Tống phước Hiệp thân yêu. 

Ứơc nguyện của mình đã thành hiện thực vì lúc này tôi là học sinh của trường Trung học Nguyễn Thông. Sau những ngày chuẩn bị quần áo sách vở , và háo hức chờ đợi ngày khai trường đến, các bạn biết không có đêm tôi không ngủ được, để chờ sáng ra được bứơc vào cáicổng trường mà mình hằng ao ước….. 

* Năm tôi thi đậu vào Đệ Thất là năm 1960,trường còn tên Nguyễn Thông
đến năm sau 1961 mới đổi tên Tống Phước Hiệp. 

Nguyễn Thế Bình 
Sài gòn, ngày 30/11/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét