Dinh Phiên Trấn (Phiên An) đất rộng và phì nhiêu mầu mỡ so với các vùng đất khác của xứ Đàng Trong thời bấy giờ. Phía Bắc giáp với Biên Trấn, phía trên từ sông Thủ Đức, đến sông Bến Nghé, chạy xuống sông Nhà Bè. Phía Nam giáp với Định Tường Trấn, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp Cao Miên. Lúc mới thành lập trấn nầy gọi là Dinh Phiên Trấn, có 1 huyện và 4 tổng, lỵ sở đóng tại thông Tân Lân, tổng Bình trị, huyện Bình Dương. Ngày 12 tháng giêng năm Mậu Thìn, 1808, vua Gia Long năm thứ 7, đổi thành Trấn Phiên An, lấy huyện làm phủ, lấy tổng làm huyện. Đến năm Gia Long thứ 15 (1816), thì lỵ sở được dời qua Hòa Mỹ, phía Bắc Thành Gia Định, bấy giờ trấn Phiên An có 1 phủ, 4 huyện và 8 tổng.
Thời đó huyện Tân Bình được đổi làm phủ Tân Bình, các tổng Bình Dương, Tân Long, Thuận An và Phước Lộc đều được nâng lên làm huyện. Đời vua Thế Tổ nhà Nguyễn là vua Gia Long và mãi đến đời các vua kế tiếp như Minh Mạng và Thiệu Trị vẫn cho áp dụng chánh sách thật dễ dãi đối với lưu dân đi khai khẩn đất hoang ở miền Nam. Năm 1830, vua Minh Mạng cho ban hành một chỉ dụ quy định rõ những vùng đất hoang vu như rừng núi, gò đống, bờ sông, bờ suối, vân vân đều có thể được cấp một cách dễ dàng cho lưu dân khai khẩn như sau: “Quan lại các cấp khắp nơi trong nước đều phải giúp sức cho toàn dân và binh lính bất kể chính hộ hay khách hộ, hãy làm đơn trình xin khai khẩn cày trồng theo thổ ngơi thích hợp, tất cả những chỗ đất nào còn bỏ hoang. Dù trước đó là công hay tư, ai xin lãnh trưng trước thì được.
Sau 3 năm tính từ ngày nộp đơn, các quan sở tại kiểm tra thực tình làm tờ trình lên tỉnh. Ba năm tiếp theo nữa, đối với các ruộng đất trồng lúa, bắp, đậu, mè, vừng thì không kể trước đó là công hay tư đều cho người khai khẩn nhận làm của riêng, cho theo hạng ruộng đất tư bắt đầu thu thuế để tỏ lòng khuyến khích.” Bài học về chánh sách ruộng đất của các tiên hoàng đế triều Nguyễn vẫn còn đó. Chính nhờ việc khuyến khích chiếm dụng, sở hữu của các chúa Nguyễn nên việc khai khẩn và canh tác đất đai dưới thời các chúa Nguyễn tiến triển dễ dàng. Vào thời đệ nhị Cộng Hòa, miền Nam cũng cho áp dụng chánh sách “Người Cày Có Ruộng” với một loạt truất hữu đất ruộng của những đại điền chủ để cấp cho nông dân nghèo, không có ruộng cày cấy. Đây là phương cách khả dĩ mang lại ruộng cày cho đông đảo nông dân, nhất là những nông dân nghèo mà phương tiện sinh sống duy nhất của họ chỉ là nông nghiệp.
Năm 1802, sau khi lên ngôi, ban đầu vua Gia Long vẫn giữ nguyên sự phân bố hành chánh có sẵn từ trước với 3 dinh và 1 trấn là Biên Trấn dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn dinh, và Gia Định cũng thuộc một phần của phủ Tân Bình cũ, Vĩnh Định, và Hà Tiên trấn.
Sau đó nhà vua cho đổi thành 5 trấn trong vùng Gia Định Thành(46). Dinh Phiên Trấn đất rộng và phì nhiêu mầu mỡ so với các vùng đất khác của xứ Đàng Trong thời bấy giờ. Phía Bắc giáp với Biên Trấn, phía trên từ sông Thủ Đức, đến sông Bến Nghé, chạy xuống sông Nhà Bè. Phía Nam giáp với Định Tường Trấn, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp Cao Miên. Lúc mới thành lập trấn nầy gọi là Dinh Phiên Trấn, có 1 huyện và 4 tổng, lỵ sở đóng tại thông Tân Lân, tổng Bình trị, huyện Bình Dương.
Khi Gia Long dời ‘kinh’ về thành Phú Xuân, thì vùng Gia Định đã trở nên thịnh vượng và trù phú lắm rồi. Lúc nầy thành Gia Định về phía Đông giáp với sông Thị Nghè, về phía Nam giáp với sông Bến Nghé (Sài Gòn), phố phường đông đúc, sầm uất, chợ búa buôn bán tấp nập, trên bến dưới thuyền. Mặc dầu về phía Tây thành Gia Định dân cư thưa thớt, nhưng đi xa hơn một chút nữa về phía Tây (khoảng 6 cây số) là thành phố Đê Ngạn (Chợ Lớn) của người Hoa, tập trung rất đông dân cư, phần lớn là người Minh Hương, đây là một trung tâm thương mãi và thủ công nghệ rất phồn thịnh. Chợ Lớn và Sài Gòn nối liền nhau bằng cả đường bộ lẫn đường sông.
Thành Gia Định dưới thời Tổng trấn Lê văn Duyệt đã được nhiều người Tây phương trầm trồ khen ngợi là có phong cách của một kinh thành châu Âu. Năm 1819, một viên đại úy hải quân Mỹ đã ghé lại Sài Gòn, và năm 1824 đã xuất bản một quyển sách ở Luân Đôn có tựa đề ‘Một Chuyến Du Hành Sang Nam Kỳ’ (A Voyage to Cochinchina), đã mô tả Sài Gòn, mà sau nầy nhà khảo cổ học người Pháp tên Louis Malleret cho là chính xác: “Từ một cây cầu xinh đẹp làm bằng đá bắc ngang qua một hào rộng và sâu, chúng tôi đến cửa Đông Nam của thành, hay có lẽ nói đúng hơn là thành phố quân sự, bởi vì những bức tường và gạch của nó được làm bằng đất và gạch cao 6 mét và rất dày, bao bọc một mặt bằng và vuông góc, mỗi cạnh dài bằng 3 đến 4 dặm. Ở đó là nơi cư ngụ của các quan tổng trấn cùng các võ quan, và có những doanh trại rộng rãi, tiện nghi, đủ chỗ cho 50 ngàn binh lính. Tòa vọng cung nằm ngay trung tâm khu nhà ở, trên một bãi cỏ đẹp cùng với các khu vườn. Nó chiếm khoảng 3,25 mẫu, bao quanh một hàng rào cao... Ở mỗi bên, phía trước tòa vọng cung, cách chừng 40 mét là một tháp canh vuông vức, cao khoảng 12 mét, có một quả chuông to. Sau tòa vọng cung, cách khoảng 60 mét, là một tòa nhà khác to gần bằng, gồm các căn hộ dành cho phụ nữ và các công chức phục dịch đủ loại, mái lợp ngói tráng men trong, trang trí hình rồng và những con vật đáng sợ khác giống như ở Trung Hoa.
Tòa nhà nầy dùng để cho nhà vua và hoàng tộc sử dụng, nhưng từ cuộc nội chiến chấm dứt đến nay, họ chưa từng trở lại Sài Gòn... Khi đi ngang qua những tòa nhà nầy, các quan hướng dẫn hạ thấp lọng xuống cho chúng tôi làm theo để chào kính nơi ở trống vắng của bậc thiên tử. Trong dinh của Phó Vương(47), trên một bức tường thấp có đặt nhiều đồ vật bằng sứ xinh xắn. Bên ngoài trồng nhiều loại cây ngoại nhập và bản xứ trông thật đẹp, bên kia bức tường là một khu vườn được tổ chức theo một sở thích đáng khen ngợi, trong đó có rất nhiều loại cây trái, phần lớn đang ra quả... Lúc trở lại cổng lớn phía Nam, cũng là lúc chúng tôi đi vào, chúng tôi men theo một cái trại lớn, bên trong chứa tới 250 khẩu đại bác đủ cỡ, nhiều khẩu bằng đồng và hầu hết theo kiểu Tây phương... Khi tới chòi canh chính gần cổng, chúng tôi thấy nhiều người lính đang bị phạt đeo gông, nhân dịp nầy chúng tôi mới được biết gông dành cho lính làm bằng tre, còn gông dành cho người khác thì làm bằng gỗ nặng và đen, Về phía Bắc cổng thành có một công sự với cột cờ lớn, quốc kỳ An Nam được kéo lên vào ngày đầu tháng âm lịch và nhiều dịp khác.” Năm 1822, một người Anh tên Crawfurd(48) đã nhận xét trong nhật ký của mình như sau: “Thành Gia Định gồm hai thành phố khác nhau, cách nhau 3 dặm.
Bến Nghé là trụ sở của chính quyền và thành trì trên bờ phía Tây của con sông lớn và Sài Gòn nằm trên một con sông, thông thương trực tiếp với Bến Nghé. Sài Gòn là trung tâm thương mãi chính và là nơi cư trú của người Trung Hoa.” Một người Anh khác tên Finlayson, cũng thuộc phái bộ của ông Crawfurd, đã mô tả thành Gia Định như sau: “Bến Nghé ở kề cận một thành lũy, được xây dựng từ ít năm qua, theo những nguyên tắc của phòng tuyến Âu châu. Nó có hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng nửa dặm, nhưng thành chưa hoàn tất, người ta chưa làm lỗ châu mai, cũng không đưa súng đại bác lên tường thành.” Ông Finlayson cũng phải trầm trồ khen ngợi về 2 thành phố của vùng đất nầy như sau: “Mỗi cái trong hai thị trấn(49) đều to bằng kinh đô Bangkok của nước Xiêm. Nhà cửa rộng lớn, thích hợp với phong thổ, mái lợp ngói, cột làm bằng gỗ đỏ, vách thì trét đất sét lên sườn tre rồi tô hồ lên. Nhiều nhà cao cẳng, sàn bằng ván, xếp hàng dọc theo bờ kinh, bờ sông hay dọc theo đường cái quan rộng rãi quang đãng. Phố xá ngay hàng thẳng lối hơn là ở nhiều kinh thành châu Âu.”
Năm 1832, sau khi Tả Quân Lê văn Duyệt từ trần, vua Minh Mạng bãi bỏ chức tổng trấn, và chia miền Nam ra làm 6 tỉnh trực thuộc triều đình(50): Gia Định (Phiên An), Biên Hòa (Biên Trấn), Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, và Hà Tiên. Mỗi tỉnh nhà vua đặt chức Tuần Phủ, Bố Chánh, Án Sát, và Lãnh Binh cai quản. Kể từ đó Gia Định chỉ còn là một trong 6 tỉnh của Nam Kỳ Lục Tỉnh mà thôi. Vua Minh Mạng lại cắt đặt Nguyễn văn Quế làm Tổng Đốc An Biên cai trị 2 tỉnh Phiên An và Biên Hòa. Riêng mỗi tỉnh có quan Bố Chánh và Án Sát. Bạch Xuân Nguyên và Nguyễn Chương Đạt là 2 vị quan Bố Chánh và Án Sát đầu tiên của tỉnh Gia Định.
Đến năm 1833, Lê văn Khôi(51) nổi dậy chiếm thành Phiên An và chống lại triều đình suốt 3 năm liền. Năm 1835, sau khi dẹp xong vụ Lê văn Khôi, để quên đi nỗi nhục nhã cứ mãi ám ảnh, vua Minh Mạng cho đổi tỉnh Phiên An ra làm tỉnh Gia Định. Sau vụ Lê văn Khôi, vua Minh Mạng đã cho san bằng thành Gia Định, chỉ vì ông không muốn thấy một nỗi nhục đã để bị thành mất vào tay Lê văn Khôi trong suốt bốn năm ròng rã. Cùng năm 1835, tỉnh Phiên An được đổi làm tỉnh Gia Định. Như vậy, tên Gia Định được thay đi đổi lại trải qua nhiều thời kỳ (năm 1698, nó mang tên phủ Gia Định, từ năm 1790 đến năm 1802 nó mang tên Kinh Gia Định, năm 1832 là tỉnh Phiên An, và đến năm 1835 lại đổi thành tỉnh Gia Định). Năm 1836, vua Minh Mạng cử quan đại thần Trương Đăng Quế vào Nam kinh lý để tuyển lính và đo đạt đất đai nhằm thiết lập sổ đinh bạ và địa bạ cho các thôn xã tại vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh. Tỉnh thành Gia Định được đặt tại vùng Sài Gòn, gọi là tỉnh Phiên An.
Năm 1837, vua Minh Mạng cho xây lại thành Gia Định trong thôn Nghĩa Hòa, huyện Bình Dương. Dân số Gia Định vào thời Gia Long có chừng khoảng 28.200 người, đến cuối đời Minh Mạng lên đến 32.800 người, thống kê trước năm 1975 Gia Định có khoảng 900.000 dân. Bây giờ thì không biết dân số hiện tại là bao nhiêu. Dưới thời Minh Mạng, các vùng bây giờ là Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Bình Dương, và một phần của Tân An đều thuộc về đất Gia Định. Ngày đó tất cả các chợ Bến Thành(52), chợ Bến Sỏi(53), chợ Tân Cảnh(54), chợ Điều Khiển(55), chợ Nguyễn Thức(56), chợ Thị Nghè, chợ Sài Gòn(57), vân vân, đều nằm trong phạm vi tỉnh Gia Định. Đất Gia Định xưa là nơi sản sanh chẳng những thi nhân mặc khách, mà còn sanh ra những võ tướng đã từng theo phò tá Gia Long như Võ Tánh, Phạm Đăng Hưng, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Tống Viết Phước, Trương Phúc Luật...
Năm 1836, vua Minh Mạng lại cho đổi tỉnh Phiên An ra làm tỉnh Gia Định, lỵ sở được đặt tại Sài Gòn. Thời đó, tỉnh Gia Định có 3 phủ gồm 7 huyện:
1) Phủ Tân Bình có 3 huyện là Bình Dương, Tân Long và Bình Long.
2) Phủ Tân An có 2 huyện là Thuận An và Phước Lộc.
3) Phủ Tây Ninh có 2 huyện là Tân Ninh và Quang Hóa. Huyện Tân Ninh đặt huyện lỵ tại vùng Tây Ninh bây giờ, và huyện Quang Hóa đặt huyện lỵ tại làm Cẩm Giang. Dinh Phiên Trấn vốn là thủ phủ của miền Nam vào thuở cha ông chúng ta mới mở cõi về phương Nam. Trải qua các triều đại, địa danh dinh Phiên Trấn đã từng thay đổi từ Phiên Trấn dinh, Phiên An trấn, Gia Định Thành và tỉnh Gia Định. Lịch sử mở cõi đất Gia Định gắn liền với lịch sử Nam Tiến của dân tộc Việt Nam, nên khi chúng ta nói về Gia Định là chúng ta đang nói về một địa danh mà tầm quan trọng của nó cũng không kém gì các địa danh Thăng Long (bây giờ là Hà Nội) và Thuận Hóa (bây giờ là Huế). Nếu Thăng Long là linh hồn của vùng đất thiêng Bắc Hà, và nếu Thuận Hóa là cố đô, là đất dựng cờ của dòng họ Nguyễn đi về phương Nam, thì Gia Định phải là địa linh của miền Nam.
Địa danh nầy không còn đơn thuần chỉ nói đến tỉnh Gia Định ngày nay hay dinh Phiên Trấn ngày xưa, mà nó là biểu tượng, là linh hồn của vùng đất phương Nam. Nên chi khi chúng ta nói về Gia Định, chúng ta không đơn thuần nói về đất Đồng Nai, mà chúng ta còn có ý khơi dậy sức sống mãnh liệt của cha anh chúng ta thời mở cõi Đồng Nai-Cửu Long. Thời nầy tỉnh Gia Định trải dài theo bờ sông Sài Gòn trên chiều dài hơn 100 cây số từ ranh giới tỉnh Tây Ninh đến tận cửa biển Cần Giờ(58), phía Bắc giáp Sài Gòn và Biên Hòa, tại vùng mà bây giờ là Thủ Dầu Một, nam giáp Gò Công và Biển Đông, phía tây giáp Chợ Lớn, Long An, và Tây Ninh(59), và phía đông giáp Biên Hòa và Bà Rịa. Diện tích của tỉnh Gia Định (theo La Cochinchine năm 1921) là 180.000 mẫu Tây. Đất đai tỉnh Gia Định chia làm hai vùng rõ rệt: vùng thấp phù sa mầu mỡ dọc theo bờ sông Sài Gòn chạy ra đến biển, vùng này sản xuất lúa gạo cũng như thủy sản và hải sản, tuy nhiên hãy còn rất nhiều đầm lầy hoang vu gần biển chưa được khai khẩn; vùng cao là vùng đất pha cát nằm về phía bắc chạy dài đến Biên Hòa và Tây Ninh, vùng này chuyên sản xuất rau quả, thuốc lá, cau, dừa, tiêu, bắp, các loại đậu và mía làm đường để cung cấp cho nhu cầu của vùng Sài Gòn. Về phía đông bắc của Gia Định thời Pháp thuộc, hãy còn nhiều mảng rừng nhỏ trồng cao su. Gia Định là một trong những tỉnh kỳ cựu nhất của Nam Kỳ. Trước thời Nam Kỳ Lục Tỉnh thì Gia Định là thủ phủ của thành Phiên An.
Dưới thời Tự Đức, nhà vua đặc biệt để ý đến Gia Định sau những biến cố dồn dập cho miền đất nầy, từ lúc Lê văn Khôi đứng lên chiêu tập binh mã chống lại sự bạo ngược của triều đình Minh Mạng. Ngay từ khi quan Tả Quân Lê văn Duyệt không đồng ý với Gia Long trong việc phế chánh lập thứ(60), Minh Mạng đã đem dạ oán thù quan Tả Quân, nên ngay sau khi quan Tả Quân từ trần vào năm 1832, Minh Mạng đã cho xiềng mã của ngài với 8 chữ đề : “Quyền Yểm Lê văn Duyệt phục pháp xứ”, có nghĩa là nơi đây là chỗ quan hoạn lộng quyền Lê văn Duyệt chịu hình phạt theo phép nước. Bởi lẽ đó mà con nuôi của Lê văn Duyệt là Lê văn Khôi mới nổi lên bắt quan Bố Chánh Bạch Xuân Nguyên và chiếm cứ thành Gia Định. Năm 1851, vua Tự Đức cử Nguyễn Tri Phương vào Nam làm quan Kinh Lược Đại Sứ Nam Kỳ, có Phan Thanh Giản và Phạm Thế Hiển phụ tá. Ba vị nầy đã áp dụng chính sách khai khẩn đồn điền một cách khôn khéo đã khiến cho miền đất Gia Định khởi sắc hẳn lên, nhưng chưa được bao lâu thì giặc Pháp đã kéo đến xâm chiếm miền Nam. Ngày 2 tháng 2 năm 1859, Hải quân Trung tướng Pháp Rigault de Genouilly đã đem binh thuyền vào cửa Cần Giờ bắn phá các pháo đài hai bên bờ sông Đồng Nai, rồi đổ bộ lên đánh phá thành Gia Định. Với tất cả các bản đồ xây cất thành Gia Định trong tay, Rigault de Genouilly tiến chiếm thành Gia Định không mấy khó khăn, mặc dầu quân Nam đông hơn quân Pháp rất nhiều.
Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét