(Má - Úc Châu năm 2000)
Nhớ như in, lúc ấy ở độ tuổi lên 4…
- Má con khoái ăn mít.
Dù rằng vừa ăn xong, nhưng tôi vẫn còn thèm thuồng múi mít vàng ươm, thơm lừng, được ba mang về từ vườn nhà nội.
Má nhìn mà không nói, người ngồi xuống, đối diện với tầm mắt tôi và ôn tồn:
- Con nói “thích ăn” sẽ hay hơn, là con gái lại càng không nên dùng chữ “khoái”.
Sau đó, má không quên cho tôi thêm một múi mít nữa. Kể từ lúc đó, nếu mong muốn một điều gì, tôi luôn dùng chữ “thích”.
Lớn thêm một chút, má dạy con học ăn học nói học gói học mở.
- Con không nên nói “ngu quá”, tiếng này nghe nặng nề lắm. Con có thể nói “dại quá” hay “khờ quá” sẽ dễ nghe hơn.
- Đi vệ sinh, con dùng chữ “đi tiểu”, “đi tiêu”.
- Má cấm ngặt, con trai, con gái cũng không được nói “quá đã”, chữ này nghe không thanh bai chút nào.
Thật ra, ý nghĩa của 2 chữ “quá đã” này, lột tả trọn vẹn, tận cùng khi đạt thành một ước nguyện hoặc một sự việc mong muốn nào đó. Đến bây giờ, mỗi khi viết để đùa giởn, thì bên cạnh chữ “quá đã” sẽ có hàng chữ trong dấu ngoặc (chữ này má cấm không cho nói).
Khi đối nhân xử thế, biết bao câu hoa thơm cỏ lạ má trao cho, nhưng có lẽ 2 câu nói luôn theo tôi từ thuở bé, đến khi chập chững bước vào đời và tận bây giờ.
- “Người ta ăn còn mình ăn hết”.
Câu nói này đã ghi vào trí óc non nớt 5 tuổi của tôi, sau lần đám giỗ. Đó là lúc má bảo tôi mang đồ ăn cho dì Hai hàng xóm. Khi ấy, tôi thắc mắc mình ăn mới còn, chứ người ta ăn là hết rồi. Và câu thứ 2, lúc ấy, tôi hoàn toàn không hiểu, nhưng vô cùng thấm thía khi va chạm với đời, nhất là trong 1 xã hội xa hoa, đầy vật chất nhưng thiếu tình người này.
- Kẻ thù của mình đôi khi là người ơn của mình.
Sống trong thời đại con gái không được đi học, nhưng má may mắn được ông ngoại cho đến trường và học hết Lớp Nhất, là bậc cao nhất trong trường, nay gọi là Lớp 6. Dù kiến thức chỉ chừng ấy, nhưng má học hỏi từ sách vở, từ trường đời, từ kinh nghiệm cá nhân, nên có thể nói là khá đủ để dạy dỗ anh chị em chúng tôi.
Từ lúc nhỏ, chúng tôi không được la cà nhà hàng xóm. Đến tuổi dậy thì, con gái không được chưng “táp lô”, nghĩa là chiều chiều không được ngồi trước hàng ba nhà mà ngóng ra ngoài đường.
Cuộc sống, cứ ngỡ êm đềm lặng lẽ trôi, nhưng biến cố đầu xuân 1968, làm thay đổi. Tất cả các căn nhà của cư dân ở Giồng Ké, thuộc tỉnh Vĩnh Long, đã bị đốt và chìm trong biển lửa. Lúc ấy, chúng tôi về quê sum họp, cùng đón Tết, bỗng chốc dắt dìu nhau chạy về quê nội lánh nạn. Sự sống và cái chết trong đường tơ kẻ tóc, ấy vậy mà một thời gian sau, cả gia đình chúng tôi, lội bộ về lại Vĩnh Long, sống trong căn nhà nhỏ hẹp do ba má xây cất cho anh chị em chúng tôi, là nơi ăn chốn ở để lo việc đèn sách. Nhưng Vĩnh Long, lúc này chẳng khá hơn, tang thương và chưa được ổn định. Một lần nữa gia đình chúng tôi di tản sang Rạch Giá, nơi chị thứ Hai của tôi đang cư ngụ.
Theo lời yêu cầu của các anh Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, hiện đóng nơi đây. Và tránh cảnh ăn không ngồi rồi, ba má tôi bày ra bán cà phê, trước cửa chung cư của chị tôi. Chúng tôi, là những cô cậu còn ngồi ghế nhà trường, nên rất ngại ngùng hay nói khác hơn là mắc cỡ trong việc bày ra buôn bán. “Quán cà phê” lộ thiên chỉ độc nhất 1 chiếc bàn tròn trước sân. Khách đến, chúng tôi chẳng đứa nào dám xuất đầu lộ diện, nên mọi việc lau bàn, bưng cà phê đều giao khoán cho cô giúp việc của bà chị. Không biết vì tài pha cà phê của ba, hay đoàn người đông đảo đến xin gia nhập khoác màu áo đen xây dựng nông thôn, hay vì các cô gái con ông chủ quán, khách ngày một đông thêm.
Nhu cầu tăng, thời gian mở cửa kéo dài thêm, đến tối. Từ 1 chiếc bàn tròn độc nhất, số lượng bàn tăng thêm và đôi khi còn lấn hẳn vào phòng khách của căn chung cư. Tiếng “ngon” được đồn xa, tài pha chế cà phê của ba, thu hút thêm các chàng lính xa nhà của những binh chủng khác, tìm đến. Theo lời 1 người dưới quyền của vị chỉ huy tại địa phương, cho biết. Các quân nhân đến quán chúng tôi, tuyệt đối không được phá phách và theo lời vị ấy “Đây là 1 gia đình đàng hoàng, các con của bà chủ quán là cô giáo và là học sinh”. Có lẽ thế, số người đến khá đông, nhưng chưa 1 lần có chuyện xây xát. Cùng cho lắm, có những cây si đến uống chỉ 1 ly cà phê mà ngồi đến “chết” cái ghế của người ta. Dần dần, theo yêu cầu của những thực khách, ba má tôi bán thêm món điểm tâm, rồi đến thức ăn trưa.
Ngoài chuyện bán cà phê làm kế sinh nhai trong thời ly loạn, má còn dạy cho chúng tôi về tình người qua lần các anh lính sư đoàn, sau chuyến hành quân trở về, áo trận còn vương bụi đường. Họ nhờ má tôi nấu giùm bữa cơm tối. Nhìn các anh lính, má chạnh lòng nghĩ đến con trai mình.
Thế là cả gia đình chúng tôi nhộn lên. Các chị lo nhóm bếp, tôi và Oanh đi chợ chiều mua thức ăn. Món ăn cho người về từ cuộc chiến là cá kho và canh chua nấu với “khóm Tắc Cậu rẻ rề bà rề”. Còn ba, dĩ nhiên là quần quật với pha pha chế chế cà phê cà pháo, hương thơm đầy quyến rũ bên làn khói thuốc nhẹ tỏa mờ mờ.
Các anh chàng nhà binh được một bữa ăn tối no nê, hả hê. Má tôi, nụ cười tươi mãn nguyện với niềm vui trọn vẹn, khi chào tiễn đưa các anh, người của gió sương trở về cùng sương gió.
50 năm rồi còn gì, các anh trong bữa cơm đạm bạc ấy, giờ nơi nao!?
Quả đất tròn, nhưng làm sao mà biết được!?
Trở lại với các chàng Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, có lẽ các anh chưa quá dãi đầu mưa nắng, làn da không đủ sạm, có chàng còn lộ rõ nét thư sinh. Đó là người tôi muốn nhắc đến. Nét mặt thanh tú của anh nổi bật qua chiếc áo bà ba đen. Anh ít nói, hay mỉm cười, khi ngồi cùng bàn với các bạn. Tôi chẳng biết vô tình hay cố ý, anh thường ngồi ở chiếc bàn, mắt hướng về má tôi, và dĩ nhiên là đàng sau lưng má là các con đang quây quần chuẩn bị thức ăn. Chúng tôi không biết tên, nhưng tự tiện đặt và gọi là anh “Tân”. Đó tên người anh họ con của bác, vì anh có nét hao hao. Nghe gọi tên, anh chỉ cười cười mà không phản ứng.
Mấy tháng sau, tình hình ở Vĩnh Long khả quan hơn, học sinh được kêu gọi trở về trường. Ba dắt các con lớn về lại Vĩnh Long, chuẩn bị ôn bài thi. Má và các em nhỏ ở lại tiếp tục buôn bán.
Bỗng ngày đẹp trời, từ Rạch Giá xa xôi, 1 cánh nhạn bay về. Lá thư của “anh Tân” viết cho tôi. Vô cùng ngỡ ngàng!
Hú hồn! Lúc ấy tôi còn vô tư quá, chả biết gì mà anh đã ...“lù khù vác thùng phuy mà chạy”. Tôi đem chuyện lá thư kể lại với má.
- Nếu con không thương thì viết thư trả lởi, đừng để người ta hy vọng mà tội nghiệp.
Đó lời má dạy dỗ cho con gái đến tuổi dậy thì, khi được người ngắm nghé.
Tôi gửi thư đi và đầu thư gọi anh ấy bằng “chú”. Thư hồi âm của anh đáp lại, lời thống thiết làm sao. Đến nay, tròn 50 năm, nội dung toàn lá thư của anh, tôi không nhớ hết, nhưng có một câu tôi chưa hề quên. Đó là... “Mỗi tiếng chú là 1 sợi râu dài lỏm chỏm.”
Đừng Gọi Anh Bằng Chú!
Nhiều lần bảo:
Đừng gọi anh bằng chú!
Bởi tiếng lời…làm mất ngủ đêm thâu
Chợt nghe…
sao cảm giác rầu rầu
“Mỗi tiếng chú…
là 1 sợi râu dài lỏm chỏm”*
Còn gọi chú
là còn lo âu thấp thỏm
Giết nhau bằng chừng ấy thú thương đau
Em biết chăng?
Tim tức tưởi nghẹn ngào
Bật tuôn trào dòng máu đỏ
Em nghe không?
Từng hơi thở ngắn, nhỏ, đớn đau
Nhưng em ơi!
Trong từng giọt máu đào
Hình bóng ấy…
Như máu ra vào nuôi thân xác
(Kim Phượng)
*Lời của người ấy.
Tuổi mới lớn, lời hồi âm của anh không khỏi làm tôi xúc động, nhưng anh chưa thể là kẻ trôm lẻn được vào tim tôi và tôi không muốn đùa để làm tổn thương anh.
Nếu lần nào đó trên đường đời tấp nập, có dịp gặp lại, có lẽ anh và tôi chẳng ai nhìn ra ai, nhưng nếu may mắn nhận ra, thì đó cũng là kỷ niệm đẹp của 1 cuộc tình đơn phương, không thành, trong thời chinh chiến.
Má hơn ai hết, là người hiểu rõ tâm lý các con của mình. Má cho phép tiếp các bạn khác phái tại nhà hơn là rảo rảo bên ngoài, nhưng má tinh tế lắm, đôi câu xã giao thăm hỏi thăm các bạn của con trước khi trả lại khoảng trời tự do cho tôi thoải mái tiếp xúc bạn bè.
Hoặc là má giải nguy cho con trong mọi tình huống. Vào khoảng thập niên 70, một chuyện khó tin nhưng có thật. Cũng vào 1 ngày đẹp trời, có một bác, tôi chưa hề quen, đến “tìm cô Phượng”.
Qua khe cửa, người trông lạ hoắc, và dĩ nhiên má thay tôi tiếp bác. Trong lần đầu xa lạ, nhưng bác ngồi lại khoảng nửa giờ, bác cho biết có một thầy giáo trong xóm tôi, khen má hết mực. Và bác tìm đến, xin phép cho con trai của bác được làm quen với “cô Phượng”. Tôi lại thầm nghĩ “Con trai mà cù lần quá trời, để cho ba mở đường làm quen!”.
Cứ vài hôm, bác ấy lại đến.
- Má cũng lấy làm lạ khi bác ấy tìm bạn cho con trai, nhưng thôi con ra gặp bác ấy một lần nói cho rõ, kẽo bác cứ nuôi hy vọng.
Dĩ nhiên, tôi vâng lời, nhưng cố tạo một hình tượng bên ngoài, cho bác rút lui, bằng cách đeo 1 chiếc vòng tay bằng kim loại bản to. Cứ nghĩ rằng bác ấy sẽ “sợ”. Nào ngờ, bác xin phép má cho tôi xem hình con của bác, đồng thời, bác xin tôi một tấm ảnh.
Trông ảnh mà bắt hình vong, anh chành trông bảnh, mặc lễ phục trắng. Thì ra anh là sĩ quan Hải Quân. Tôi kín đáo liếc má, má nhìn tôi mỉm cười mà chẳng nói chi.
- Dạ thưa bác, từ trước đến nay, con chưa tặng hình cho ai.
Bằng giọng nói nhẹ nhàng hơn như thể bác lay động lòng tôi.
- Vậy cô có thể cho tôi mượn một tấm hình được không?
- Dạ con cũng chưa cho ai mượn hình bao giờ.
Nhìn dáng cao cao gầy gầy, bước chân nằng nặng khi bác rời khỏi nhà, tôi cảm thấy tội nghiệp làm sao.
- Má là bác ấy, thấy con đeo cái vòng tay này là má sợ không dám vô rồi, huống hồ chi lại xin hình, cho con bác ấy xem mặt.
Nhưng có lẽ, lối cư xử nhã nhặn của má, bác vẫn tiếp tục đến nhà tôi với tràn trề hy vọng, dù rằng lần tôi gặp mặt và chào hỏi bác cũng là lần cuối cùng.
Bởi, con tim có những lý lẽ riêng của nó!
Má là người rất tuyệt vời luôn thông cảm cho con cái từ thuở bé cho đến tuổi mới lớn hoặc đã an bề gia thất. Mười đứa con, mỗi đứa đều có kỷ niệm riêng với má. Bao nhiêu vốn liếng yêu thương, cư xử với đời của má đều trao lại cho chúng tôi.
Những ngày cuối đời, những đêm nằm chung trên chiếc giường ấm hơi má, những ngày ở lại với má trong bệnh viện, là dịp may nhất trong đời tôi, má con cùng tâm sự, kể lể.
(KimHiệp 3tuổi (sau lưng), KimPhượng 5tuổi, KimHội 1tuổi- Giồng Ké1950)
Tôi hỏi má lúc nhỏ, sao tóc tôi lại cắt ngắn theo kiểu con trai. Má cho biết đó là ý muốn của tôi và má chìu vì tính cương nghị “một là một, hai là hai” của tôi. Má còn cho biết, ngày ấy người dượng thứ bảy, anh rể của ba tôi, góp ý, cho tôi nghỉ học, lo chăm sóc các em và phụ việc nhà, nhưng với má, việc đi học là ưu tiên, con cái muốn học tới đâu, má cho học tới đó, dù rằng má phải tảo tần, vất vả sớm hôm. Tôi không khỏi xúc động, ôm má mà khóc như một đứa trẻ. Giá mà má nghe lời dượng, có lẽ bây giờ tôi không là tôi của hôm nay.
Buổi chiều hôm ấy, 23 tháng 9 năm 2002, của 16 năm trước. Chúng tôi đến thăm má. Tôi cúi người ngang tầm mắt má, qua song chiếc giường bệnh…
- Má có biết con là ai không?
- Con Phượng chớ ai!
Đây là câu nói sau cùng và chỉ trong tít tắc, đôi mi khép lại, má nhẹ nhàng ra đi, vào cõi thiên thu...đến cùng với ba.
Cám ơn má còn chở đợi cho con được nhìn má và nghe tiếng nói cuối cùng của má.
Kim Phượng
Mười sáu năm xa má.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét