Có lẽ các ông này định cư nơi đây thuở ba tôi còn thiếu thời lận, có nghĩa là không biết tôi đang ở đâu, bởi khi biết nhớ như in, thuở tám chín tuổi hàng còng đã cao to, che rộp khoảng đường Trưng nữ Vương cùng một đầu sân vận động nằm trong nội ô thị xã Vĩnh long. Hàng ngày qua rồi lại, vẫn không thấy hàng còng, cho đến sáng này đưa con cháu đến liên hệ công việc, văn phòng mới này nằm dưới bóng mát tàn che, chợt thấy nao lòng, cảnh cũ còn một góc này đây, người xưa qua đi mấy lượt, thấy thì xôn xao qua lại mà chẳng có ai thân quen cho mình cúi đầu chào. Ấy vậy mà hôm rồi, một bạn trạc tuổi tôi song khá yếu vì phải nằm vạ thường xuyên hết bệnh viện tuyến tỉnh, rồi lên Saigon nằm vạ tiếp, nằm chán chê về gặp tôi chuyện chưa xong lại cãi nhau, cũng chuyện những cây còng lớn nhỏ năm xưa còn tại thế, lại vừa giúp nhau nhớ chuyện ngày xưa..
Khoảng giữa hai cây còng này, về sâu trong căn nhà, hơn 60 năm trước là một hàng còng gốc cở hai người ôm, bên dưới bóng cã đó một xà đơn cao dành cho người lớn, hai bên là hai xà đơn thấp hơn dành cho thiếu niên, một xà kép bằng cây, trông rất cũ nhìn thoáng dường dễ gãy lắm, không thấy ai đến thử xà kép cã!.
Cây còng cùng thời với hàng còng to trong sân banh, sọng độ lớn kém hơn rất nhiều, còn lưu lại được bảo dưỡng theo định kỳ, cư trú trong khuôn viên bảo tàng, ngang nhà máy nước Vĩnh Long
Là sân banh cũ giữa những con đường trong nội ô, hình chữ nhật dựa theo thế đất thời Minh Mạng lập phủ, nay là phường 1 thuộc TP Vĩnh long, với bốn góc chính xác nằm bốn hướng- Hướng bắc ngã ba sông tiền và sông Long hồ với cầu Bạch đằng- Hướng đông ngã ba sông Long hồ và rạch Cầu lầu có hai cầu là Thiềng đức và Cầu lầu- Hướng nam ngã ba rạch Cầu lầu và rạch Công xi heo ( còn gọi là Kênh cụt ) có cầu Công xi- Hướng tây rạch Cái cá và sông tiền với cầu Cái cá. Sân vận động trong nội ô cũng theo hướng đất phường 1 nằm gọn trong 4 con đường, với góc là ngã ba hoặc ngã tư
Con đường Trưng nữ vương ngày xưa vẫn là đường nhựa, hẹp chỉ vừa hai xe lưu thông ngược chiều, hồi đó rất ít xe bốn bánh, xe hai bánh là loại xe mobilette, mà cũng rất ít chỉ dành cho công chức có địa vị kha khá. Từ mé lộ trở vô hàng còng là đất bằng luôn ẩm ướt, đầy lá còng khô mục, cỏ không mọc nổi vì ành sáng không xuống được khoảnh đất này, trong sâu nữa là khung cầu môn bằng cây chôn cố định. Mặt này của sân banh hướng tây nam với hàng còng, hướng tây bắc và đông bắc toàn cây bả đậu, đến giờ vẫn còn. Tuy nhiên, nơi góc tây tây bắc, không trồng được cây nào, vì ngày xưa là một con mương cận đường, chứa nước thải đen xì, luôn bốc hơi nóng cùng mùi hôi nồng do nhà máy điện chạy bằng than đá bên kia đường đang hoạt động. Nhà máy sản xuất điện 110 vott, thuở đó dân trong nội, ngoại ô dùng đèn bóng tròn vì chưa có đèn neon, mà nhà máy chỉ chạy từ chạng vạng đến sáng mai là nghĩ mệt, nhu cầu thắp sáng là chánh, lý do không có công nghiệp kỹ nghệ trong tỉnh, thỉnh thoảng nghe lại bản nhạc < Ngoại ô đèn vàng > vào những hôm trằn trọc, ôi có bao nhiêu kỷ niệm ùa về rõ mồm một
Hàng cây bả đậu khoảng 60 năm trước, trên đường Hoàng Thái Hiếu, bên phải là trường nữ tiểu học ngày xưa, xa hơn gần cuối đường, cùng bên là nhà máy đèn chạy bằng than, thải nước đen đậm hơi nóng hừng hực khi đi ngang qua.
Thân cây với nhiều khối u cho một nét đẹp lão rất riêng.
Mời các bạn xem một đoạn hồi thư của người bạn thân ngày xưa, ngụ ngang sân banh. nhân tôi hỏi về những cây còng. Mạn phép bạn Tuấn tôi đưa lên nguyên văn, cùng nhớ lại.
"Nếu tui nhớ không lầm thì dọc theo sân vận động Vĩnh Long ngày xưa, đối diện nhà 74 Trưng Nữ Vương có đến 2 hàng còng, nằm so le nhau.
Hàng bên trong to lớn, già cỗi, gốc phải đến 2 vòng ôm người lớn!. Hình như sau này chỉ còn lại hàng bên ngoài (sát lề đường), cây nhỏ hơn.
Nhớ lại khi xưa, trời mưa nước ngập. Tui và đám con nít lối xóm thich xếp tàu giấy qua đó thả chơi.
Ngập cả mùa mưa nên quanh sân banh có nhiều ểnh ương, cà cuống. Đầu mưa rất nhiều dế cơm, dế đá :).
Đặc biệt khi chiều về, vô số chim se sẽ tụ trên hàng còng, kêu réo điếc tay cả tiếng đồng hồ. Khoảng 70, có mấy thằng đói, tối tối dùng súng hơi soi đèn bắn chim. Từ đó, chim vắng tiếng dần..."
Cám ơn bạn Tuấn viết rõ thêm một địa điểm xưa, mà hiện nay còn lưu lại còng và bả đậu dành cho dân u 60 đổ lên đang khuyết dần.
Dường như đầu năm 60, chính quyền thời này xây tòa hành chánh tỉnh trong khu vực sân banh và những cây còng hai người ôm không còn nữa, chỉ còn lại những cây còng nhỏ hơn nằm cận mặt đường. Trong thời kỳ này, nhà máy đèn chạy than đá hết thời nên đóng cửa, một nhà máy cung cấp điện cho toàn tỉnh chạy bằng dầu gazole, an tọa bên hông phi trường Vĩnh Long, cách trung tâm TP khoảng 3 Km, gần quốc lộ 1 đi hướng saigon, nhà máy phát nguồn điện 220 volt và có điện suốt ngày. Động cơ điện áp dụng vào công nghệ nhẹ tăng dần lên, cũng như đồ gia dụng điện gia tăng nhiều chủng loại.
Khoảng những năm 1958 trở đi, khu chợ Long Châu ngày nay, ngang đó là dãy phố do đức cha Ngô Đình Thục cất, là đất dành cho người quá cố, với cơ man là mộ, được giải tỏa mở rộng khu dân cư. Khu vực hiện nay là trường Cao đẳng sư phạm, cùng ký túc xá, trước là bãi rác khá bề thế, được san phẳng dành phát triển dân trí tỉnh, liền kề là sân vận động Vĩnh long được thành lập sau khi sân banh trong nội ô trở thành tòa hành chánh. Từ ngã ba Cần Thơ, bên phải vừa giải tỏa mộ, được xáng thổi đất sình bằng ngang mặt lộ dài lên đến cầu Tân Hửu, năm sau đã thấy nhiều dãy theo tên gọi thời bấy giờ là ( nhà song lập lầu ), thành từng đôi, khoảng cách mỗi đôi độ chừng chục thước, thời bấy giờ nhìn rất lịch sự trang nhã.
Do nhu cầu phát triển đô thị những cây sao, me, còng, gừa..các cây tuổi từ 80 năm đổ lên, nằm cạnh đường đã không còn. Tuy nhiên có những khu thuộc lịch sử trong nội ô vẫn được giử lại cùng với hàng cây trăm năm, ngày xưa dinh tỉnh trưởng, nay là khu bảo tàng lịch sử, vẫn còn hàng cây trăm năm nhìn xuống những thế hệ tiếp nối chuyễn động quanh mình.
Hàng cây, con đường bên cạnh sông Tiền
Trương Văn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét