Trong gia đình, cha tôi thứ tư. Tôi còn có một bác trai thứ hai đang định cư tại Mỹ. Bác ấy có vợ là một du học sinh người Nga. Vợ chồng bác có 2 con, một gái và một trai, đã đi học. Ngoài ra, tôi còn có ông bà Nội và 4 bà cô, đã có gia đình ổn định. Đa số các bà cô là giáo viên.
Ba tôi có vợ hơi trễ. Tôi chào đời trong sự tưng tiu của cả một đại gia đình. Vì tôi là cháu nội trai đích tôn đầu tiên, nên ông nội rất thương yêu tôi. Ông chụp cho tôi không biết cơ man nào là hình ảnh từ ăn đầy tháng đến các dịp lễ Tết. Tuy nhiên, người thương tôi nhất không phải ông Nội, không phải Ba Mẹ mà lại là bà Cóc của tôi. Có lẽ tại vì hoàn cảnh : Ba hành nghề tài xế, Mẹ buôn bán ở chợ suốt ngày, nên mọi sự săn sóc ở nhà do một tay bà Cóc chu toàn. Từ đút cơm khi còn bé đến tắm rửa cho tôi mỗi ngày.
Bà Cóc là người đàn bà lao động ruộng đồng sau khi có chồng. Sống trong lam lũ và vất vả của việc đồng áng thường xuyên. Hai bàn tay bà chai sần. Nước da rám nắng, phong trần pha lẫn với những đốm đen đồi mồi trên hai tay của người già.
Gia đình bà Cóc tôi ở một vùng quê chỉ cách chợ Cái răng ( Cần Thơ ) khoảng 2 cây số. Chung quanh nhà là 8 công vườn xưa đủ loại cây trái tạp nham như : xoài, dừa, cau, nhản, chuối, tre, dâu, cóc, ổi, bưởi, sầu riêng và nhất là tre.…Bà luôn nói rằng không gì bằng trồng tre. Dễ trồng. Bán tre người mua tự đốn. Trồng tre không sợ mọi người ăn cắp và nó cho mụt măng ăn rất ngon.
Tối ngày bà Cóc ở ngoài vườn và rất chịu khó. Chỉ cần thấy một trái dừa bị sóc ăn rơi xuống mương vườn là bà Cóc nhảy xuống quăng lên bờ. Đợi khi rảnh gom về chặt làm tư, phơi khô làm củi. Nếu vô tình thấy một con cá bóng dừa trong trái dừa lủng là y như rằng Nội lấy rổ ào xuống mương đi bắt cá. Chính những hành động ham thích lao động của bà Cóc làm cho bà thấy già đi trước tuổi…
Khi tôi bắt đầu đi học và có em, Ba Mẹ tôi xin ra riêng về sống tại xã An Bình để cho Mẹ có điều kiện buôn bán, chạy hàng cung cấp cho bạn hàng ở chợ. Ba cũng nói thêm là để chúng tôi có điều kiện đi học gần nhà. Lúc đã chuyển nhà đi, người bị hụt hẩng không phải ai khác mà là bà Cóc. Bà luôn tìm nguyên nhân nào đó như : đi bán vài nãi chuối sẵn qua thăm cháu cóc, và nói Cóc nhức mõi quá lên chợ mua thuốc sẵn qua đây thăm con… Bà luôn cầm theo vài trái ổi hoặc khi là vài cái bánh lá dừa để tận tay trao cho tôi.
Lúc đầu, khi xa bà tôi cũng thấy nhớ bà Cóc nhưng dần dần tôi như quên đi khi được tiếp xúc với nhiều bạn mới, hoàn cảnh mới nhất là khi được hưởng những trò chơi lạ, hấp dẫn trên Internet…
Thỉnh thoảng, tôi rủ vài thằng bạn cùng lớp đạp xe về thăm bà Cóc. Gặp tôi, bà mừng lắm. Bà luôn bắt ở lại ăn cơm và lăn xăn cho những ý tưởng chuẩn bị của mình. Có cái lạ là khi về bên bà Cóc, tôi với chúng bạn ăn cơm nhiều lắm và rất ngon.
Chúng tôi thường tắm sông, hái dừa, bẻ cóc và đôi khi tát cá trong các mương vườn. Bữa cơm bà Cóc dọn ra luôn là mắm chưng cá lóc bầm đôi khi với ít miếng thịt heo nhưng thường là trứng vịt, canh bông sua đủa hoặc rau dền. Đôi khi có cá ròng ròng kho tiêu mà bà Cóc phát hiện chúng ngớp ngoài mương vườn. Nhiều lúc tụi tôi quậy mương bắt tép vào bà Cóc chấy khô rất mặn nhưng ăn rất ngon… Có lần bà Cóc dọn lên 1 nồi cháo gà. Tội nghiệp con gà trống tơ trong bầy phải hy sinh vì chúng tôi hôm đó. Nhưng rồi tôi cũng quên con gà đi vì nồi cháo ngon quá…
Tuần nào chúng tôi không về thăm bà Cóc là y như rằng trưa hoặc chiều hôm đó bà Cóc lội bộ qua thăm tôi. Và lúc nào cũng như lúc nào tôi luôn có quà của bà Cóc…
Nghe nói trước tháng 4/75. bà Cóc là thành viên của nhóm Hưng Cỗ Văn Đàn tại Cần Thơ với bút hiệu Bạch Liên nữ sĩ. Dù bà Cóc chỉ học hết tiểu học thời Pháp nhưng bà Cóc rất thông minh, giỏi làm thơ và nói rành tiếng Pháp, tiếng Quảng, tiếng Tiều. Vì ông Cóc Ngoại là người Quảng, bà Dì lấy chồng Tiều ở chung nhà nên bà Cóc nói chuyện rất lưu loát.
Bà Cóc thường kể rất buồn phải nghỉ học vì bà Cóc Ngoại mất. Bà phải ở nhà – con gái mà – học nhiều cũng phải lấy chồng. Đó là quan niệm xưa cháu ạ. bà Cóc kết luận…Bà Cóc ở nhà lảnh đồ thêu cho đến khi lấy chồng…
Bà Cóc làm thơ hay và nhanh nhất trong nhóm đến nỗi các cụ như Nguyễn văn Đối, Nguyễn tài Năng, Nguyễn sanh Kim phải bái phục.
Có một lần, nhân dịp xây dựng xong trường Trung Học Cái răng tại Đầu Sấu (bây giờ là PTTH Nguyễn việt Hồng) được ông Đại tá Mã sanh Nhơn, tỉnh trưỡng tỉnh Phong Dinh đến cắt băng khánh thành. Lúc đang nói chuyện với Thầy cô giáo , cha mẹ học sinh đột nhiên ông đọc một bài thơ thất ngôn bát cú và mời các cô giáo dạy Văn họa lại. Không ai dám lên. Ông đại tá thách cả hội trường. Bà Cóc xin phép lên máy vi âm đọc lại y chang bài thơ ông đại tá xướng và đọc bài thơ mình vừa họa vận. Quá ngạc nhiên ông đại tá và bà Cóc xướng họa bằng cách viết lên bảng đen gần 2 tiếng đồng hồ. Cuối cùng ông đại tá xin thua. Vào bàn tiệc, ông đại tá mời bà Cóc ngồi một bên và hỏi bà là ai ? Bà Cóc hỏi lại phải đại tá họ Mã không ? Ông nói đúng rồi. Bà Cóc cho biết lúc còn tiểu học bà là bạn cùng lớp với ông đốc Mã sanh Long ở Cái Răng. Ông đại tá đứng dậy nghiêng mình :” Mã sanh Long là anh trai của tôi, tôi chỉ là đứa em út bất tài của người. Tôi quấy quá, không biết bà là bạn của ông anh tôi. Xin bà thứ lỗi !“...
Những năm gần đây bà Cóc bị tai biến và không còn qua thăm tôi nữa. Hàng tuần, gần 2 năm nay, ông Nội tôi hẹn vào Chủ nhật lúc 10 giờ sáng đến 11 giờ là tổ chức bữa cơm cùng ăn chung với bà Cóc. Tất cả 4 bà cô và nếu có các ông dượng càng tốt không được viện lý do gì vắng mặt. Lệnh của ông Nội tôi được các bà cô tôi chấp hành rất nghiêm chỉnh.
Ông Nội tôi bế bà Cóc ngồi đầu bàn, có chêm gối chung quanh. Bốn bề là các bà cô cùng ăn cơm. Bà Cóc vui lắm. Nhưng tiệc vui rồi cũng có lúc tàn. Đến gần chiều, Nội tôi và các bà cô ra về, bà khóc.
Những ngày đầu khi bà Cóc dự buổi cơm đầu tiên, bà Cóc kêu tôi lại và đọc cho tôi chép một bài thơ, như sau:
Tự Thán
Thà thác còn hơn sống thảm phiền
Đau sầu căn bệnh cứ triền miên
Trung quân hiếu phụ ghi thành sử
Tứ đức tam tòng vẫn chính chuyên
Con cháu ngày nay đều hiển đạt
Cũng nhờ đức mẫu được bình yên
Mặc ai mưu sĩ trời soi xét
Hưởng lộc an vui phỉ ước nguyền.
Đau sầu căn bệnh cứ triền miên
Trung quân hiếu phụ ghi thành sử
Tứ đức tam tòng vẫn chính chuyên
Con cháu ngày nay đều hiển đạt
Cũng nhờ đức mẫu được bình yên
Mặc ai mưu sĩ trời soi xét
Hưởng lộc an vui phỉ ước nguyền.
Bà Cóc Nội
Đây là bài thơ cuối cùng bà Cóc đọc cho tôi chép. Mấy lúc sau này, bà Cóc cũng kêu chép nhưng câu thơ đứt khúc, không tròn ý và thường bỏ lửng giữa chừng vì chứng quên đột ngột làm bà Cóc ngồi ngơ ngẩn, như không còn nhớ chuyện đang đọc cho tôi chép một bài thơ.
Năm rồi, tôi lên Sài Gòn học. Cố gắng lắm 2 tháng tôi về thăm Ba Mẹ một lần. Lần nào cũng vậy, tôi dành gần hết thời gian qua thăm bà Cóc của tôi.
Tuần rồi, tôi về thăm bà Cóc, bà lúc nầy nằm một chỗ. Không còn phát âm được. Tôi đến. Bà Cóc dùng bàn tay đập đập dưới chiếu cạnh bên như ý bảo tôi ngồi xuống. Cặp mắt Nội long lanh nước mắt. Miệng ú ớ, bàn tay bà Cóc túm chặt lấy tay tôi. Bà Cóc chỉ còn biểu lộ tình cãm với tôi bằng đôi mắt còn tôi thì nấc nghẹn, nước mắt lưng tròng...
Tôi trở về Sài Gòn với một tâm trạng bi thãm như vừa mất bà Cóc. Nhưng không, bà Cóc tôi vẫn còn đó. Chỉ có từ đây, tôi không còn nhận quà đơn sơ của bà Cóc mà thôi. Không còn ăn những bữa cơm với mấm chưng do bà Cóc tự làm. Hoặc tôi không còn ngồi cạnh trò chuyện với bà Cóc... Nhưng có điều, tôi chắc chắn là tôi sẽ luôn về thăm bà Cóc nhưng không biết được mấy lần nữa đây. Có ai dám quả quyết rằng lần sau tôi về còn gặp lại bà Cóc của tôi... ?! Thật tình tôi không dám nghĩ tới khi về mà không có bà.
Bà Cóc ơi! Bà Cóc hãy ráng sống thêm vài năm nữa nghe bà Cóc. Con thương bà Cóc nhiều lắm.
Dương Hồng Thủy
(18/01/1995)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét