Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Hoàng Hạc Lâu - Những Cảm Nhận


Một viên ngọc quý thơ Đường là Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu.
Thôi Hiệu, một nhà thơ nổi tiếng thời Thịnh Đường, đầu thế kỷ thứ tám.
Theo sách "Thương Lang Thi Thoại", Nghiêm Vũ đời Nam Tống đã nói rằng: "Đường nhân thất ngôn luận thi, đương dĩ Thôi Hiệu Hoàng Hạc Lâu đệ nhất" (Thơ niêm luật đời Đường bảy chữ, phải xếp Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu vào hạng nhất).

黃鶴樓

昔人已乘黃鶴去
此地空餘黃鶴樓
黃鶴一去不復返
白雲千載空悠悠
晴川歷歷漢陽樹
芳草萋萋鸚鵡洲
日暮鄉關何處是
煙波江上使人愁。

Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tinh xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Đây là bài thơ được dịch sang Việt Ngữ nhiều nhất, từ Tản Đà, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Nguyễn Đức Hiển v.v…

Hoàng Hạc Lâu

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

Tản Đà

Bài thơ này cũng được Vũ Hoàng Chương, là thầy dạy Việt văn, đồng thời là một nhà thơ. Sau năm Một Ngàn Chín Trăm Bảy Mươi Lăm, trong nỗi bi phẩn trước cảnh ly tán của bạn bè, kẻ ở người đi, ông đã cảm dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu.

Hoàng Hạc Lâu

Xưa cánh hạc bay vút bóng người
Nay Lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc, bay bay mãi
Trắng một màu mây, vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiếu xuống đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!

Vũ Hoàng Chương


Bài này được một người học trò của Ông Vũ Hoàng Chương, nhưng được ông xem là người bạn vong niên, nhạc sĩ Cung Tiến đã xuất thần phổ nhạc. Tuy nhiên, mối thương tâm cho người nhạc sĩ là quá trễ, vì Thầy mình không bao giờ có dịp nghe được ca khúc này.
Qua nhạc phẩm của Cung Tiến đã đem đến cho Kim Phượng một cựu học sinh Tống phước Hiệp Vĩnh Long có những suy tư...

Chào Bà Con,

Hôm nay lang thang lạc vào thế giới Thơ, Kim Phượng tìm thấy một bài thơ gây cho mình, một kẻ sống lưu vong, nhiều xúc cảm, bồi hồi, hồn như lạc cõi đâu đâu... Tuy nhiên, Kim Phượng chưa rõ hết ẩn tình bên trong bài thơ, vì bởi phần Điển tích. Đó là bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu với hai bản dịch, một của Tản Đà và một của Vũ Hoàng Chương. Kim Phượng rất mong bà con nào có thể giúp Kim Phượng hiểu rõ hơn bằng những lời giải thích đơn giản, dễ hiểu và cùng đóng góp ý kiến hầu giúp cho Kim Phượng được tường tận hơn. Thành thật cám ơn.

Kim Phượng
* * *
Sau đó một cựu học sinh Tống Phước Hiệp là Huỳnh Hữu Đức với bút hiệu Quên Đi vẫn còn giữ lại chút thơm rơi về Hoàng Hạc Lâu, đã giải đáp…

Chào Kim Phượng,

Khi đọc bài Hoàng Hạc Lâu cùng các bản dịch, đúng như Kim Phượng nói:"hồn như lạc vào cõi đâu đâu".
Vì sao? Theo Quên Đi: chỉ tên gọi Hoàng Hạc Lâu thôi cũng có vẻ thoát tục rồi. Trên thực tế, Quên Đi được biết chỉ có Bạch Hạc và Hồng Hạc thôi. Hoàng Hạc có thể là biểu tượng cho cõi Tiên, chỉ xuất hiện ở lầu Hoàng Hạc và khi đã ra đi là vĩnh viễn. Như vậy từ đầu, có phải chủ nhân Hoàng Hạc Lâu muốn ví đây là bồng lai nơi trần thế? Hay chỉ là tình cờ? Hoặc vì một lý do nào khác mà có tên Hoàng Hạc Lâu? Hoàng Hạc Lâu có từ bao giờ?
Xin giới thiệu bài Tổng hợp về lầu Hoàng Hạc do Huỳnh Hữu Đức sưu tầm và bổ sung thêm ý kiến cá nhân.

1 - Nguồn gốc về Lầu Hoàng Hạc
2 - Nguồn gốc tên gọi Hoàng Hạc Lâu.

Trong phần nầy, Quên Đi sẽ giới thiệu câu chuyện về Huyền Thoại và câu chuyện Truyền khẩu.

1 - Nguồn Gốc Lầu Hoàng Hạc:

Theo truyền thuyết, lầu Hoàng Hạc vốn là một cái tháp quân sự. Tháp này do Đông Ngô thời Tam Quốc (Hậu Hán), xây dựng trên núi nhỏ Xà Sơn để quan sát một vùng rộng lớn thuộc Hồ Bắc, nằm cạnh bờ Trường Giang. Với phong cảnh thơ mộng như cõi tiên nên được các Tao nhân mặc khách thường xuyên lui tới ngắm cảnh đề thơ.
Lầu Hoàng Hạc được xây dựng sửa chửa tổng cộng mười hai lần. Khởi đầu, Lầu có ba tầng bằng gỗ. Đến nay, Lầu được xây dựng bằng vật liệu hiện đại với năm tầng nhưng vẫn giữ phong cách của Văn Hóa Trung Hoa. Có người cho rằng vị trí hiện giờ cách nền cũ khoảng vài trăm mét.

2 - Nguồn Gốc Tên Gọi Hoàng Hạc Lâu:

- Tìm hiểu tên gọi Hoàng Hạc Lâu phần 1:

Cho đến ngày nay, không ít người vẫn chưa hiểu tại sao một cái tháp quân sự lại có tên Hoàng Hạc Lâu, cái tên có vẻ trong truyện thần tiên hơn là dùng cho giới quân sự.
Dân tộc Trung Hoa thường có quan niệm "Thiên nhân hợp nhất" nên họ thường thiên về những câu chuyện thần tiên trong bất cứ câu chuyện lịch sử, đền đài hay bảo tháp. Vì vậy câu chuyện về ngọn tháp quan sát của Đông Ngô thời Tam Quốc, cũng đã được ít nhiều khoác vào những câu chuyện thần tiên liên quan tới ngọn tháp.
Người ta có thể dựa vào một câu chuyện mây bay quanh ngọn tháp, thấy chim bay lượn trên ngọn cây cao hay bay vút vào bầu trời xanh biếc, chỉ cần các yếu tố thế thôi cũng đủ để người ta nghĩ ra câu chuyện thần tiên về ngọn tháp Quan sát của Đông Ngô này.
Theo Vương Thượng Chi đời Bắc Tống viết trong "Dư địa kỳ thắng" ghi nhận rằng sở dĩ tháp Quan sát được gọi là Hoàng Hạc Lâu, vì tháp này nằm trên Hoàng Hộc Sơn, phía Tây Nam của Từ Thành ngày Xưa. Vào thời cổ đại, chữ Hộc (con ngỗng trời: Thiên Nga) trong ngôn ngữ Cổ Đại Trung Hoa cũng có nghĩa là Hạc, nên về sau người ta dùng chữ Hạc cho rõ nghĩa hơn. Từ đó Hoàng Hộc Sơn được gọi là Hoàng Hạc Sơn, nhưng ngọn núi nhỏ Hoàng Hạc này lại có hình thù ngoằn ngoèo, tựa hình con rắn, nên về sau lấy một tên khác là Xà Sơn thay vì Hoàng Hạc Sơn.
Thời gian trôi qua, người ta có thể quên đi cái tên Hoàng Hạc Sơn, nhưng tên tháp Hoàng Hạc Lâu đi vào lòng người, bất tử và trở thành một thắng cảnh, một di tích, một huyền thoại cho người đời sau. Có lẽ chỉ vì bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu mà thôi.

(theo trang Cỏ Thơm Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật)

- Tìm hiểu về tên gọi Hoàng Hạc Lâu phần 2:

Tương truyền ngày xưa có một người họ Tân bán rượu ở chân núi Hoàng Cốc (Xà Sơn ngày nay) kiếm sống qua ngày. Một hôm, có Đạo sĩ rách rưới đến xin rượu uống. Người bán rượu nghèo tốt bụng thấy ông lão đáng thương, bèn cho rượu uống. Từ đấy, ngày nào Đạo sĩ cũng đến xin rượu. Một hôm, Đạo sĩ đến từ biệt anh bán rượu và nói:" Một năm qua ngày nào anh cũng cho rượu uống, chẳng có gì đền đáp, lão có con hạc quý, tặng anh để tỏ lòng biết ơn ". Nói rồi Đạo sĩ lấy vỏ cam vẽ lên vách một con Hạc và căn dặn: "Chỉ cần anh vỗ tay, Hạc sẽ bay ra nhảy múa, cho khách mua vui". Dứt lời Đạo sĩ biến mất. Anh bán rượu làm theo lời dặn, quả nhiên có Hạc Vàng bay ra cất tiếng hót vang và nhảy múa rất đẹp mắt, thu hút người xem.
Từ đó khách hiếu kỳ kéo đến uống rượu rất đông. Chẳng bao lâu Anh trở nên giàu có. Một hôm vị Đạo sĩ quay trở lại và nói: "Mười năm qua, tiền anh kiếm được chắc đã đủ trả phần rượu anh cho lão uống", nói xong, Ông rút cây sáo ngọc thổi lên khúc nhạc, chẳng bao lâu xuất hiện một vầng mây trắng, sà xuống cạnh bên Ông và Hạc Vàng bay ra. Ông cỡi Hạc Vàng bay theo cụm mây trắng vào khoảng không mênh mông.
Ông chủ họ Tân thấy thế nên đóng cửa Quán rượu, gom tất cả tiền mình có được xây dựng một căn lầu để tưởng nhớ đến sự việc này. Vì thế về sau căn lầu mới này được gọi là Lầu Hoàng Hạc. Còn câu: "Bạch Vân Hoàng Hạc" dùng để chỉ sự tích này, như hai câu trong bài Hoàng Hạc Lâu:

Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch Vân thiên tải không du du.

- Tìm hiểu về tên gọi Hoàng Hạc Lâu Phần 3: (sưu tầm)

Câu chuyện Thần Tiên sớm nhất được ghi nhận là câu chuyện trong bộ " Thuật Đăng Ký " nói về nhân vật tên Tấn Thuật ở Giang Lăng. Tấn Thuật đã có dịp gặp và hầu chuyện với một vị Tiên Ông cỡi Hạc, nhưng Tiên Ông này là ai lại không thấy sách nói tới.
Về sau Tiêu Tử Hiền của nước Nam Tề thì cho rằng vị Tiên ấy là Vương Tử An, Ông cỡi Hạc Vàng bay trên ghềnh đá Hoàng Hạc của Hạ Khẩu.
Đến đời Đường thì vị Tiên Vương Tử An được biến đổi thành Phí Vĩ. Đời Đường Vĩnh Thái nguyên niên, trong "Hoàng Hạc Lâu Ký" của Diệm Bá Lý có trích dẫn Sự tích trong ĐỒ KINH: Phí Vĩ sau khi tu luyện thành Tiên, cỡi Hạc Vàng và đã dừng chân nghỉ trên Ngọn Tháp Quan Sát của Đông Ngô. Vì sự tích này Tháp được đặt tên là Hoàng Hạc Lâu.


 Tại Sao Bài Hoàng Hạc Lâu Được Gọi Là Tuyệt Tác?

Về bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, khi mới đọc, Quên Đi nhận thấy hay thì có hay nhưng đâu đến đổi coi như Tuyệt Tác.
Chúng ta đều biết thơ Đường luật Thất Ngôn Bác Cú rất nghiêm khắc về Luật Bằng Trắc, Niêm, Đối và Vần. Người làm thơ phải tuyệt đối tôn trọng những luật này. Tuy nhiên, về sau này, để cho các nhà thơ rộng đường múa bút, nên có sự cởi mở đó là "Nhất Tam Ngũ Bất Luận". Vào thời Thôi Hiệu, nhất nhất phải tuân theo qui luật. Thế nhưng, khi xem bài thơ Hoàng Hạc Lâu, bài thơ luật Bằng thanh Trắc, nếu theo đúng luật câu thứ 3 phải:
T T B B B T T
Đằng này Câu thứ 3 trong bài thơ:
- Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
B T T T T T T
Như thế là thất luật.
Ngoài ra, nhìn tổng thể chúng ta không thấy gì là Tuyệt, nhưng trên thực tế bài thơ trên xếp vào hàng tuyệt tác.
Lý Bạch thấy bài Hoàng Hạc Lâu là không dám múa bút đề thơ.
Không biết bao thi nhân Việt Nam chúng ta cũng ca ngợi và diễn Nôm bài thơ trên.
Từ những điều trên gợi cho ta một ý nghĩ để trở thành bất hủ với 8 câu thơ, cái hay thực sự được ẩn chứa trong 56 chữ ấy. Tác giả muốn chuyển tải đến mọi người một ý tưởng hay một điều gì thật thâm thúy. Muốn thấy được cái hay của bài thơ, chúng ta phải tìm ra những ý này.
Theo Quên Đi, muốn tìm được cái ý chính của bài thơ này, chúng ta phải tìm hiểu đâu là nguyên do tạo nên sự xúc động cho tác giả. Trước hết, Quên Đi tự hỏi :
- Cái gì đã hấp dẫn Thôi Hiệu đến với lầu Hoàng Hạc?

Quên Đi đưa ra hai lý do:

1 - Sự hấp dẫn của lầu Hoàng Hạc.
2 - Sự hấp dẫn về Huyền Thoại của Hoàng Hạc.

Trong lý do thứ nhất, Quên Đi nhận thấy
không thuyết phục. Cả bài thơ, từ đầu đến cuối Ông chỉ đề cập đến Hoàng Hạc Lâu duy nhất có một lần thôi, đó là câu thứ hai.

Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
(Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc)

Nhưng qua giọng thơ ta thấy rõ không phải tác giả tả hay ca ngợi lầu Hoàng Hạc mà là một tiếng than, một nỗi buồn, một sự tiếc nuối, khi ông chỉ thấy trơ trơ một lầu Hoàng Hạc vô tri vô giác.
Như thế đã chứng minh tác giả đến đây không phải bởi tòa lầu Hoàng Hạc mà chủ đích của Ông chính vì Huyền thoại của Hoàng Hạc Lâu.
Có thể từ nguyên nhân này mà Lý Bạch phải thốt lên:

Ngã thả vị quân chùy toái Hoàng Hạc Lâu
(Tôi vì Người mà đập nát lầu Hoàng Hạc)

Sau nhận xét trên, Quên Đi cho rằng ý nghĩa cao xa của bài thơ nằm trong Tích Nhân, Hoàng Hạc, Bạch Vân và ở câu thứ bảy:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
(Hoàng hôn về tự hỏi quê nhà ở nơi đâu)

Giải thích những ẩn ý trong các từ trên, chúng ta sẽ suy ra được mấu chốt của tuyệt tác Hoàng Hạc Lâu.
Như quan điểm của Quên đi ở phần trên, Thôi Hiệu tìm đến Hoàng Hạc Lâu vì Huyền thoại. Thế nhưng, thực chất Ông đến vì muốn tìm lại bóng dáng của Người Xưa.
Theo huyền thoại về quán rượu Hoàng Hạc Lâu, lão ăn mày tượng trưng cho Thánh Nhân. Hạc Vàng và Mây Trắng tượng trưng cho những phẩm chất cao quý, những tư tưởng cao siêu.

1 -Nhận xét về hai câu ĐỀ:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ (Người xưa cỡi hạc vàng bay đi mất)
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu (Nơi đây chỉ còn trơ lầu Hoàng hạc)

Tích nhân là bậc thánh hiền khi xưa,ý muốn nói đến Lão Tử, Trang Tử (*), những vị được xem là đại diện cho Đạo Giáo. Hạc Vàng là tinh túy, phẩm chất cao quý đã theo cùng Thánh Nhân.
Người xưa không còn, giờ chỉ còn lại những cái tầm thường, trơ trọi cái lầu Hoàng hạc vô tri vô giác không có giá trị gì đối với Tác giả.

2 - Nhận xét về hai câu THỰC:

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản (Hạc vàng một khi bay đi thì không quay lại)
Bạch vân thiên tải không du du (Mây trắng ngàn năm vẫn lênh đênh trên không)

Những phong thái thoát tục cùng Thánh Nhân đã vào cõi hư vô, nhưng một phần tinh hoa và nhũng triết lý cao xa vẫn còn để lại đó là triết lý về ĐẠO (**), Mây trắng tượng trưng cho điều này.
Bốn câu đầu cho ta biết tác giả đang tiếc nuối và mơ tưởng đến Người Xưa. Ý tác giả nói đến học thuyết cao thâm của Đạo Giáo.

(*) Sở dĩ Quên Đi chỉ đề cập đến Lão Tử Và Trang Tử, những người đại diện cho Đạo Giáo vì chỉ những người tu theo Đạo Gia mới nói đến chuyện tu Tiên. Bên Nho Giáo không có đề cập đến chuyện tu này(chỉ đến thời Tống Nho Chủ yếu có Chu Tử (Chu Hy) Trình Hạo, Trình Di...mới bổ sung thêm Triết lý của Đạo Giáo và Phật Giáo)
(**) ĐẠO: có trước tất cả, là nguồn gốc của Vũ Trụ, là cái bắt đầu của Vạn Vật. Đạo không phải là Vũ trụ cũng không phải là vạn vật nên coi như là VÔ ( không). Đạo không tách rời khỏi vũ trụ và vạn vật nên được xem là HỮU ( có). Đạo không thể định nghĩa được mà chỉ có thể hiểu là CÓ mà cũng là KHÔNG, HƯ mà lại THỰC.

Quên Đi xin tiếp tục ý kiến của mình về bốn câu cuối trong bài Hoàng Hạc Lâu.

3 - Nhận xét về hai câu LUẬN:

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ (Mặt sông lúc trời trong, phản chiếu cây cối ở Hán Dương thật rõ ràng)
Phương thảo thê thê Anh Vũ Châu (cỏ thơm thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi)
Sau giây phút mơ tưởng về cõi xa, Tác giả đã trở về với thực tế, đứng trên lầu Hoàng Hạc phóng tầm mắt nhìn, cảnh đẹp dường như thu hút thi nhân?

4 - Nhận xét về hai câu KẾT:

Nhật Mộ hương quan hà xứ thị (Trời về chiều tự hỏi quê nhà ở nơi đâu)
Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Trên sông khói toả, sóng gợn khiến người thêm buồn)

Những tưởng cảnh đẹp Hán Dương và Anh Vũ sẽ làm cho tác giả quên tất cả và vui trở lại.
Nhưng không, những cảnh trước mắt càng khiến Người buồn hơn, gợi đến nỗi nhớ quê hương trong lòng tác giả. Tác giả có thực sự nhớ về quê hương hay muốn hướng chúng ta đến cội nguồn của sự sống? Cũng có thể Người muốn dẫn chúng ta đến với cái Đức (*) trong học thuyết của Lão Tử.
Điều này, cũng cho chúng ta thấy rỏ thâm ý của Tác Giả, những cảnh thực đang hiện hữu không là gì, chỉ những gì thuộc về hư vô mới là chân giá trị.

(*) Đức : theo triết lý Đạo Giáo, ĐỨC không phải là Đức hạnh mà là mầm sống, ẩn chứa bên trong của Vạn vật. Nếu ĐẠO sinh ra Vạn Vật thì ĐỨC nuôi dưỡng vạn vật. ĐẠO ĐỨC chính là nền tảng căn bản trong học thuyết của Lão Tử.


Sau khi đưa ra một số ý kiến về Hoàng Hạc Lâu, giờ đây Quên Đi xin kết luận.
Chúng ta đều biết những tư tưởng của Đạo, Nho giáo có từ rất lâu, đến thời Xuân Thu Chiến Quốc. Lão Tử và Khổng Tử sắp xếp phân tích, giải thích trở nên những học thuyết uyên thâm và phổ biến rộng rãi. Đến đời Tần Thuỷ Hoàng gần như bị đốt hoàn toàn, còn những học trò thì bị chôn sống. Sang đời Nhà Hán, những tư tưởng Thánh Nhân mới được sưu tầm và biên soạn lại. Trong lúc biên soạn, có thêm có bớt, có chỉnh sửa nên không còn chính xác, đồng thời có nhiều quyển mạo danh Tiền Nhân.
Vì những lý do trên nên những tư tưởng xưa cũ của Tiền Nhân mất đi rất nhiều. Những gì còn lại chỉ có thể là Ánh Trăng so với Vầng Dương mà thôi.
Qua những nhận xét trên Quên Đi nghĩ, trong lòng Thôi Hiệu có sự tiếc nuối cái tinh túy của Thánh Nhân, nên Ông mượn Lầu Hoàng Hạc để nói lên tâm trạng của Mình. Chính cái sâu sắc đó nên Lý Bạch không thể đề thơ vịnh cảnh Hoàng Hạc Lâu:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu...

Dịch nghĩa:

Trước mắt thấy có cảnh không thể tả được
Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu rồi

Khi đi sâu vào tìm hiểu Thi Phẩm HOÀNG HẠC LÂU, Quên Đi cảm thấy một nỗi buồn như ngấm sâu vào tâm hồn, mang lại nhiều cảm xúc:

Người Xưa đà vắng bóng
Hạc Vàng chẳng còn đâu
Giờ chỉ có Tiên Lầu
Cô đơn cùng năm tháng
Ngậm ngùi mây trắng bay

và đồng cảm với Người Xưa:

Mây Trắng lang thang bao ngày tháng
Hạc Vàng mãi mãi tận nơi đâu
Tiền nhân mộng tưởng vì ý Đạo
Hậu bối ngày nay chỉ Tiên Lầu
Sông núi sau này còn biến đổi
Đạo Người muôn thuở vẫn thâm sâu

Quên Đi cũng xin theo bước Tiền Bối, Đàn Anh, dịch bài Thơ Hoàng Hạc Lâu:

Dịch thơ 1:

Hạc vàng Người cỡi về đâu
Còn trơ lầu đứng dãi dầu nắng mưa
Hạc vàng theo bóng người xưa
Ngàn năm mây trắng vẫn chưa bến về
Trời trong cây Hán sông mê
Cỏ tươi Anh Vũ chẳng hề đổi thay
Chiều buông dần khuất quê ai
Trên sông khói toả lòng đầy nhớ nhung.

Quên Đi

Bài Họa:

Một Chút Thơm Rơi

Người xa cánh hạc tìm đâu
Thơm rơi để lại cho dầu gió mưa
Bồi hồi nhớ thuở xa xưa
Lang thang mây vẫn sao chưa lối về
Dòng xưa bến cũ đam mê
Cỏ tươi Anh Vũ xanh hề chẳng thay
Cuộc tình thôi lỡ hỡi ai
Mà hình bóng mãi đong đầy mắt nhung

Kim Phượng

Dịch thơ 2:

Hạc vàng người cỡi mất từ lâu
Trơ trọi giờ đây một bóng lầu
Hạc đã một đi không trở lại
Ngàn năm mây trắng biết về đâu
Trời trong sông Hán cây soi bóng
Anh Vũ bãi xanh cỏ đậm màu
Ngày hết quê nhà đâu chẳng thấy
Trên sông khói sóng dạ thêm sầu

Quên Đi

Dịch Thơ 3:

Người xưa cỡi hạc về non
Lầu Hoàng đứng đợi mỏi mòn tháng năm
Chim vàng cũng đã biệt tăm
Ngàn thu mây trắng âm thầm vẫn trôi
Sông Dương trời tạnh cây soi
Cỏ tươi Anh Vũ bãi bồi toả hương
Chiều về quê cũ hà phương
Khói sông sóng gợn người vương thêm sầu.

Quên Đi

Lê Thị Kim Phượng và Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét