Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Ngọn Nguồn Trường Trung Học Vĩnh Long

(Một góc trường Tống Phước Hiệp xưa)

Trước năm 1948 từ Biên Hòa dài về phương nam đến tận mũi Cà Mau, chỉ có ba trường trung học ở ba nơi.

Sài gòn trường Petrus ký
Mỹ Tho trường Nguyễn Đình Chiểu
Cần Thơ trường Phan Thanh Giản

Vào năm 1948 nơi Vĩnh Long là 1 tỉnh, ngày xưa gọi đất Dinh, cũng là trung tâm phát binh giúp Hà Tiên và các nơi, cũng văn hóa mà lại thiếu trường trung học, gia đình khá giả có con em qua tiểu học muốn tiếp tục phải sang Cần Thơ hoặc Mỹ Tho, còn như con nhà bình thường thì phải nghĩ học sau khi đã thi đậu bằng tiểu học. Nhận thấy người Pháp không để tâm đến giáo dục tỉnh nhà, vào một ngày trong năm 1948, ba vị ưu tư về giáo dục con em, cùng nặng lòng với đào tạo trí thức nước nhà cùng nhau hội họp bàn luận phương cách gồm:

Ông Thanh tra liên tỉnh Nguyễn Văn Kính
Cha Nguyễn Ngọc Quang, Cha bề trên giáo phận Vĩnh Long
Cha Trần Văn Thiện, Cha bề trên chủng viện Thánh Minh

Ý kiến đầu tiên như một vấn nạn của Cha Quang là làm sao giúp con em chúng ta được tiếp tục học lên cao nơi tỉnh nhà. Ông Đốc Kính trình bày là ý ông cũng muốn lắm song ngân sách chỉ vừa đủ cho điều hành sở giáo dục liên tỉnh, còn trường lớp thì không đủ tiền để mở, hơn nữa cũng không có thầy dạy. Ba vấn đề được nêu lên không cách giải quyết xin ý của hai Linh mục bề trên.

Cha Quang nói:
Nếu không giáo sư, anh em chúng tôi ra dạy giúp vài năm, chờ ông Thanh tra liên lạc với Sài Gòn tìm ngân sách, còn về trường lớp chúng ta đòi Pháp trả lại trường tiểu hoc đã bị Pháp chiếm, tạm thời chúng ta có một nhà dưỡng lão đã hư hỏng, mình xin sửa chữa lại rồi lập thành một trường trung học.

Sau đó một thời gian ngắn, một cuộc họp gồm bốn vị. Cha Nguyễn Ngọc Quang, Cha Trần Văn Thiện, ông Thanh tra Nguyễn Văn Kính, Đại tá De Castries “ chỉ huy trưởng trung đoàn 7 thiết kỵ Marocain “Ông Kính nhờ đại tá cho sửa chữa lại khu nhà dưỡng lão đã hư hỏng nhiều dùng làm trường trung học đầu tiên, đây là khu nhà rộng và dài, từ bên hông chủng viện đến cây da Cửa Hữu, và ông đại tá đồng ý, cũng như dành lại trường tiếu học của Pháp để làm trường trung học.

Khoảng năm 1948 khu dưỡng lão đã sửa xong, trong năm 1949, trường Cao Tiểu Vĩnh Long ra đời, khơi nguồn giáo dục trung học mà thuở ấy người dân gọi hoc sinh học lớp đầu tiên của trung học là “ năm thứ nhứt “, kế đó là “ đệ thất “ sau nữa cho liên tục từ tiểu học lên goi “ lớp sáu “.

Đến năm 1954 trường dạy liên tiếp từ đệ thất đến đệ tứ, được gọi trung học đệ nhất cấp. Năm này trường có tên “ Trung học Nguyễn Thông “

Năm 1956 trường dời về trường tiểu học của Pháp, được đại tá De Castries giao lại, và đã xây cất, sửa sang hoàn chỉnh. Trường trung học Nguyễn Thông, trường nhìn sang sở Công chánh và sông Long Hồ.
Hành lang trên lầu là Thư Viện, Phòng Thí nghiệm, và Phòng Sinh Ngữ
( Cửa gỗ, ngày xưa là cầu thang lên Thư Viện, đối diện dãy lớp này là Phòng Giáo Sư và Phòng Giám thị  )

Năm 1958 trường xậy cất thêm dãy lớp bên hông, lập thêm lớp trở thành trung học đệ nhị cấp

Năm 1961 nghị định đổi tên Nguyễn Thông thành trường trung học Tống Phước Hiệp

Năm 1963 bảng tên trường mới thực sự mang tên mới là Tống Phước Hiệp theo nghị định năm 1961.

Ngôi trường cũ, mang tên trường trung học bán công Nguyễn Thông.

Năm 1975 trường thay tên đổi họ lần nữa, trường Tống Phước Hiệp trở thành trường Lưu Văn Liệt, trường bán công Nguyễn Thông không còn bán công. Hiện nay tên trường là: Trường phổ thông cơ sở Lê Quí Đôn.

Vào năm 1949 trường trung học công lập do thầy Nguyễn Văn Kính làm hiệu trưởng, đồng lúc một trường trung học tư thục ra đời cùng lúc với trường công.

Trường Lyceum Nguyễn Trường Tộ, do Cha Nguyễn Ngọc Quang làm hiệu trưởng, ông Trần Văn Phong làm giám học, theo thông lệ điều hành của trường, vị giám mục trông coi địa phận tiếp theo đồng lúc nhận luôn chức hiệu trưởng. Vào năm 1964 cha Quang đổi sang trông coi giáo phận Cần Thơ, các vị hiệu trưởng kế nhiệm trông coi trường gồm các vị : Cha Trương Thành Thắng, Cha Trịnh Công Trọng, Cha Nguyễn Văn Tự { Vị này do giáo vụ phải sang Roma và kẹt luôn bên đó sau năm 1975 }. Sau năm 1975 Cha Ngô Văn Thuật trông coi giáo phận, giao lại trường cho hội đồng quản lý của trường ngày xưa, hội đồng giao lại cô Nhan { trước đây là giáo sư kiêm điều hành của trường }làm đại diện giao lại cho nhà cầm quyền địa phương vào tháng 06 năm 1975. Những năm sau đó trường vẫn mở tiếp tục dạy học, cơ sở xuống cấp, một ngôi trường cấp hai được xây dựng nơi phường 2 cũng được mang tên tường Nguyễn Trường Tộ, các học sinh được dời về trường mới này, nơi nền cũ của ngôi trường còn lại hai cây me trong khuôn viên trường Lyceum Nguyễn Trường Tộ xa xưa.

(Bên hong Nhà Thờ, gác chuông nằm phía bên trái)
(Cha Nguyễn Ngọc Quang và quý vị Giáo Sư Nguyễn Trường Tộ, trước Nhà Xứ của Cha Quang)
 Cha Quang chủ trì lễ phát thưởng năm 1964-1965, Cha sẽ rời địa phận Vĩnh Long sang địa phận Cần Thơ)
(Lớp Tứ phiá sau Nhà Thờ)
 
Sau năm 1949 một năm, 1950 trường trung hoc tư thục thứ hai mở ra sau trường trung học tư thục công giáo Nguyễn Trường Tộ. Trường trung học tư thục Lam Sơn, cũng ngụ trong nội ô thành phố, vị hiệu trưởng là thầy Lê Ngũ Sao.Khuôn viên trường là ngôi nhà cổ một lầu kiểu Pháp, có khoảng sân rộng phía trước, phía sau gần sát con rạch Cầu Lầu, khởi đầu cho trung học đệ nhất cấp, khi học sinh ngày một đông theo nhu cầu, thời gian sau đó trường mở thêm các lớp đệ nhị cấp, khu này tách rời nằm riêng khu vực phía dưới dốc cầu Khưu Văn Ba ngày xưa nay là cầu Phạm Thái Bường. Cuối năm 1963 trường ngưng hoạt động. Trường Lam Sơn tại thế được 13 năm.

(Khuôn viên trường trung học Lam Sơn ngày xưa, từ Đệ thất đến Đệ tứ. Thầy Lê Ngũ Sao làm Hiệu trưởng)
(Bên nay dốc cầu Phạm Thái Bường, ngay góc trái ngày nay, là các lớp đệ nhị cấp của trường Lam Sơn ngày xưa)

Năm 1953 trường trung học tư thục thứ 3 ra đời, trường Long Hồ, cũng như trường Lam Sơn, đầu tiên mở khu cao tầng cạnh cây da cửa hữu, miếu bảy bà, dành cho đệ nhất cấp, sau thời gian mở rông, đệ nhị cấp cùng văn phòng cách đó một con đường cũng cạnh miếu bảy bà. Hiệu trường là ông Lê Minh Trí, về sau trường đổi tên Nhân Tâm. Trường chấm dứt họat động trong năm 1975, trụ thế được 22 năm.

(Nơi đây ngày xưa là Trường trung học đệ nhất cấp Long Hồ từ Lớp 6 đến lớp 9)
(Ngày xưa, Khoảng hẻm nhỏ có hai 3 lớp trung học đệ nhị cấp và một văn phòng của trường trung học Long Hồ. Hiệu trưởng là ông Lê Minh Trí)

Tạm kết luận, sau cuộc họp của hai đức Cha một ông thanh tra giáo dục và một đại tá Pháp hổ trợ hết lòng cho giáo dục tỉnh Vĩnh long, kể từ năm 1949 về sau, một trường trung học công lập, một trường trung học bán công, ba trường trung học tư thục, tổng cộng tỉnh Vĩnh long có cả thảy 5 trường trung học

Sau 1975 mỗi phường đều phải đủ cơ sở giáo dục như sau:
Trường mầm non gồm 4 lớp, lớp lá là cuối chương trình mầm non.
Trường tiểu học đến lớp năm.
Trường trung học cấp hai đến lớp chín.
Từ lớp 10 trở lên được gọi cấp ba, học sinh các phường đều tập trung vào trường Lưu Văn Liệt.

Vào năm 2013, trường xây mới dãy đầu tiên phía hông bên trái của trường cạnh đường Hoàng Thái Hiếu, một trệt ba lầu, tiếp theo di dời trường mẫu giáo Huỳnh Kim Phụng, nằm góc đường Ba mươi tháng tư và đường Nguyễn văn Trỗi, đến nay 2016 dãy lớp phía trước song song với đường Ba Mươi Tháng Tư đã xong phần xây, đang trang hoàng bên ngoài. Dãy lớp cũ hình chữ L tiếp giáp đường Hùng Vương và đường Nguyễn Văn Trỗi cũng sẽ được phá dỡ và xây tiếp trong những năm tiếp theo, đáp ứng được số học sinh tăng trưởng mạnh nơi tỉnh nhà.

(Ngày xưa là Trường Trung học Bán Công Nguyễn Thông) 
(Đầu trường giáp Cây da cửa hữu, cuối trường giáp chủng viện Xuân Bích)
 (Dãy lớp xây mới nằm bên trái trường, cạnh đường Hoàng Thái Hiếu, xây hoàn tất trong năm 2013 của trường Lưu Văn Liệt - Tống Phước Hiệp khi xưa)
(Đang xây khu mặt tiền của trường và một bên hông sau khi di dời trường mẩu giáo)



(Công trình đêm trong 2 tháng cuối năm cho kịp hoàn thành trước tết âm lịch năm 2016)

Trương Văn Phú
Vĩnh Long 2016
***
Những chi tiết bổ túc cho phần Biên Khảo của anh Phú: 

1/ Huỳnh Hữu Đức góp ý:

Xin được góp ý về trường Long Hồ, Hiệu Trường Trường Long Hồ là Thầy Lê Minh Ký. Ông là thân phụ của Bác sĩ Lê Minh Trí, cựu Tổng Trưởng bộ Giáo Dục (bị ám sát chết). Đồng thời Lê Minh Ký cũng là Thầy của Cựu Thủ tướng Trần Văn Hương. 

Huỳnh Hữu Đức

2/ Đặng Anh Tuấn góp ý:

Về sự hình thành và tổ chức của Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ Vĩnh Long có lẽ nên biết rỏ hơn:
Lycéum Nguyễn Trường Tộ được thành lập bởi Lm.Nguyễn Ngọc Quang, cùng Hội Đồng Quản Trị của nhà trường gồm các nhân sĩ Công Giáo lúc đó: Ông Đỗ Đình Duy (ba của Tiến), Ông giáo Lê Văn Thiên (7 Thiên, ba của Trường), Ông Tư Lộc là Giám Đốc nhà in Long Hồ, Ông Phán Thiện và Ông Năm Gioan.  Chính ông Năm Gioan đề nghị Cha Quang dùng kho lúa của ông ở cầu Cái Cá để lập lớp đầu tiên của Nguyễn Trường Tộ. Em vợ của Ông Duy, Thầy Trần Phong vừa tốt nghiệp Đại Học Công Giáo Paris, được mời làm phó Giám Đốc kiêm Giám Học. 
Lycéum Nguyễn Trường Tộ VL là một “Trường Công Giáo”, được Giáo Quyền công nhận và hoạt động giáo dục theo Giáo luật.Giáo Luật điều 803 định nghĩa: “Trường học được gọi là Công giáo khi được nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội hay một công pháp nhân trong Giáo Hội điều khiển, hoặc được Giáo Quyền nhìn nhận như vậy qua một văn kiện.” ... Khoản (2) của điều 803 Giáo Luật còn qui định: “Việc huấn luyện và giáo dục trong một trường công giáo phải được căn cứ trên những nguyên tắc của giáo lý công giáo. Các giáo viên phải trổi vượt về giáo lý chân chính và đời sống thanh liêm.”
Nói gọn, Hiệu trưởng tức là chức danh điều khiển nhà trường được qui định phải là một pháp nhân trong Giáo hội.
Cha Quang, và các vị kế nhiệm là Chánh sở họ đạo Vĩnh long.
Vì nhà thờ họ đạo VL cũng là Nhà thờ Chánh Tòa của địa phận Vĩnh long, thế nên Linh mục Chánh sở họ Vĩnh Long cùng đồng thời là Linh mục Tổng đại diện Giáo phận Vĩnh Long, cũng còn gọi là Cha Chính Địa phận, giử trách nhiệm pháp nhân của Địa phận(Lưu ý: thẩm quyền quản lý trông coi địa phận là Giám mục).
Và như vậy, Cha Chính Địa phận VL hội đủ tư cách pháp nhân làm Hiệu trưởng một trường CG theo luật định!
Lm Ngô văn Thuật vẫn phải giữ quyền Hiệu trưởng đến phút cuối. Cô Nhan chỉ thừa lệnh Giáo quyền để thực hiện tiến trinh bàn giao một cơ sở giáo dục của Địa phận Vĩnh Long cho Chính quyền lúc đó.

TuanDang
***
3/Trung Nguyên góp ý:


a/  Trường trung học Bán Công Nguyễn Thông do hội phụ huynh học sinh Tống Phước Hiệp vận động thành lập. Trường được họp thức hóa do nghị định số 1781-GD-HV-NĐ ngày 9/12/1961 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục.
b/ Trường Tư Thục Long Hồ mở ngày 15/10/1951 họp thức hóa do nghị định số 285-GD-HV-NĐ ngày 19/1/1952
c/ Trường Tư Thục Nguyễn Trường Tộ mở ngày 29/9/1952 hợp thức hóa do Nghị định số 494-GD-HV-NĐ ngày 2/10/1952
(Sách tham khảo Vĩnh long xưa và nay – Huỳnh Minh – trang 369- NXb Cánh Bằng – 1967).

Trung Nguyên
***
4/ Nguyễn Gương nói: 
Theo chỗ em biết,Trường trung học Long Hồ của cụ Lê Minh Ký sáng lập Cụ là cha các Bác Sĩ,Dược Sĩ họ Lê Minh ở Vĩnh Long. 
Bác sĩ Lê Minh Trí là con của Cụ Ký, bị aḿ sát chết. Mộ của ông ở dốc cầu Công Xi heo. 
Em nhớ Trường Long Hồ mang tên Đạt Nhân vào những năm gần 1975.

Nguyễn Gương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét