Đến rặng đèo Blao núi chập chùng
Đường lên dốc đứng uốn vòng cung.
Thông chê đồi thấp vươn lên đỉnh
Thác ngại non cao đổ xuống rừng.
Vách đá mây chen sầu chót vót
Hàng cây sương đẫm lệ rưng rưng.
Suối reo điệp khúc buồn sơn cước
Cho gió cao nguyên khóc lạnh lùng.
Quang Tuấn
***
Các Bài Họa:
Đà Lạt Mơ Buồn
Non cao tạo hoá xếp như chùng
Lối lượn theo triền tựa cánh cung
Ru giấc mây về ôm ấp núi
Trêu duyên gió lẻn yếm âu rừng
Đồi thông xưa chứng lời minh thệ
Hai mộ nay kề khiến lệ rưng
Đà Lạt mơ buồn bao bí ẩn
Mãi luôn quyến rũ khách xa lùng
Quên Đi
***
Tây Bắc
Màn sương mờ mịt mãi buông chùng
Uốn khúc đường đèo lượn cánh cung
Róc rách non cao vang tiếng thác
Điệp trùng núi biếc phủ cây rừng
Cô đơn - cảm giác làm tim thắt
Lặng lẽ - cảnh tình khiến lệ rưng
Rờn rợn đâu đây sau kẽ lá
Những đôi mắt thú bị săn lùng.
Phương Hà
***
Qua Đèo
Vịnh đèo Hai Lúa bút tay chùng
Bởi thiếu tang bồng thiếu tiễn cung
Gắn bó đồng bằng hay lội nước
Chống chèo ghe cộ chửa lên rừng
Non cao núi thẳm còn xa lạ
Trí mọn tài hèn cũng chút rưng
Ráng họa theo vần câu chất phát
Hơn là bay bổng ý truy lùng.
Cao Linh Tử
28/8/2015
***
Nhớ Đèo Hòn Giao
Chiều xuống Hòn Giao núi chập chùng
Đèo cao dốc đứng vẽ hình cung
La đà sương móc che thung lũng
Lặng lẽ lều tranh ẩn khói rừng
Vách đá thông ngàn rêu mãi bám
Nước mưa cành lá lệ còn rưng
Khói ngo sơn cước ai nhen nhúm?
Hương gió cao nguyên nhớ lạ lùng
Mailoc
(2)
Nhớ Tầm Dương
Bến vắng đàn ai mấy sợi chùng
Tiếng tỳ, nức nở khóc dây cung
Trầm trầm dây nhỏ, ngân dòng suối
Rầm rập sợi to, thét gió rừng
Thoăn thoắt tay ngà làn tóc xỏa
Mơ màng mắt biếc lệ mi rưng!
Bâng khuâng lau lách buồn không nói
Sông nước Tầm Dương nhớ lạ lùng
Mailoc
( Cảm tác qua bài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị )
***
Tiếng Đàn Trong Đêm
(Mượn vận bài thơ "Qua Đèo Blao" của QT)
1
Đêm vắng,đàn ai réo rắc chùng?
Buồn rơi nảo nuột thấu thâm cung!
Lúc trầm,cá lội lờ đờ lặn
Lúc bổng,chim sa cạnh mé rừng
Khi nhặt như mưa rơi tí tách
Khi khoan tự gió thoảng rung rung
Bá Nha sững sốt mơ làm bạn
Khúc nhạc du dương đến lạ lung
2
Đàn ai đêm vắng tiếng tơ chùng?
Khúc nhạc êm đềm tấu bậc cung!
Khi bổng khi trầm mưa rã rít
Lúc khoan lúc nhặt suối tuông rung
Bàn tay thoăn thoắt theo dây vuốt
Đôi mắt mơ màng nốt nhạc rung
Đem sánh Thuý Kiều** nào kém cỏi
Tử Kỳ nghe thấy chắc truy lùng
Song Quang
** SQ đem so sánh tiếng đàn của Thúy Kiều trong chuyện Kiều của cụ Nguyễn Du đã có 2 câu mà lâu quá SQ đã quên mong quý bạn bổ xung cho 2 câu nầy để nhớ thì cám ơn lắm lắm..
SQ chỉ nhớ đại ý là :
" Nhặt khoan như gió thoảng ngoài
lúc nhanh xầm xập như trời đỗ mưa"
***
Chuyến Dân Công Hỏa Tuyến
Chiều xuống đồng xa sóng nhẹ chùng
Những khu Gò nỗi nối vòng cung
Ngẩng trông chấm thả trôi loang nước
Chạnh nghĩ trâu đang chạy tránh rừng
Xơ xác cảnh làng biên giới lặng
Ngậm ngùi thân phận tiếng hồn rưng
Khói lam vắng ngắt sầu binh biến
Ngọn gió đêm sang thổi lạnh lùng!
Nguyễn Đắc Thắng
20150828
* Giải thích tổng quát về bối cảnh và các từ dùng đặc biệt:
- Những khu Gò là các khu đất nổi lên giữa đồng bằng có tên là Gò Chùa, Gò Bói, Gò Rượu, Gò Tre … nằm ở miệt bên giới Campuchia – tỉnh Đồng Tháp thuộc địa phận huyện Hồng Ngự . Mùa nước nổi 1978 là mùa nước lớn nhất toàn bộ khu vực bị ngập trừ các khu Gò đó. Nước ngập trông như là biển nước mênh mông chỉ thấy mấy đọt cây ở xa xa theo từng hàng (theo các bờ đê của các khu làng xung quanh). Mọi phương tiện di chuyển đều dùng xuồng ghe hay tàu hết.
- Khi đó cuộc chiến VN-CPC chưa chính thức xãy ra nhưng ở dài theo khu vực biên giới trong địa bàn tỉnh Đồng Tháp, lính Khmer đỏ thường xâm phạm các làng biên giới bên VN để bắn giết và cướp bóc súc vật, thực phẩm tạo ra tình trạng chiến tranh. Lần đó chúng tôi bị bắt buộc phải đi theo một chiến dịch gọi là đi Dân Công Hỏa Tuyến (DCHT) thời gian là 20 ngày để phục vụ cho nhu cầu quân sự (đào giao thông hào, tải thương, tải đạn … ) nhằm đáp ứng tình hình chiến sự lúc đó.
- Trước khi đến điểm DCHT, chúng tôi ghé ở Khu 12 (một địa danh khác bên ngoài khu chiến sự nằm trên đường chuyển quân từ điểm trung tâm tỉnh lỵ Cao Lãnh đến vùng chiến sự) chờ lệnh cho phép từ bên trong vùng chiến sự. Khi đó nhìn về hướng biên giới, thấy những chấm đen li ti trên mặt nước ngày một lớn dần và đến gần hơn mới biết đó là những con trâu đang chạy loạn trên biển nước lũ.
Ghi chú : Tôi giải thích nhiều thế này để Thầy Cô và các Anh Chị hiểu về bối cảnh chung và các ngữ cảnh hay các từ dùng lạ lẫm. Còn khi post lên thì có thể không cần hay giản lược thế nào cũng được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét