Các Phần Đã Đăng :
Việt Nam Sử Lược Quyển 1
NƯỚC VIỆT NAM
-
-
- 1. Quốc-hiệu
- 2. Vị-trí và diện-tích
- 3. Địa-thế
- 4. Chủng loại
- 5. Gốc-tích
- 6. Người Việt-nam
- 7. Sự mở-mang bờ-cõi
- 8. Lịch-sử Việt-nam
-
1. QUỐC-HIỆU. Nước Việt-nam 越 南 ta về đời Hồng bàng (2897-258 tr.
Tây-lịch) gọi là Văn-lang 文 郎, đời Thục An-dương-vương (257-207 tr.
Tây-lịch?) thì gọi là Âu-lạc 甌 駱. Đến nhà Tần 秦 (246-206 tr. Tây-lịch?)
lược định phía nam thì đặt làm Tượng-quận 象 郡, sau nhà Hán (202 tr.
Tây-lịch 220 sau Tây-lịch) dứt nhà Triệu, chia đất Tượng-quận ra làm ba
quận là Giao-chỉ 交 趾, Cửu-chân 九 真và Nhật-nam 日 南. Đến cuối đời nhà
Đông-Hán, vua Hiến-đế đổi Giao-chỉ 交 趾 làm Giao-châu 交 州. Nhà Đường
(618-907) lại đặt là An-nam Đô-hộ-phủ 安 南 都 護 府.
Từ khi nhà Đinh (968-980) dẹp xong loạn Thập-nhị Sứ-quân, lập nên một nước tự-chủ, đổi quốc-hiệu là Đại-cồ-việt 大 瞿 越. Vua Lý Thánh-tông đổi là Đại-Việt 大 越, đến đời vua Anh-tông, nhà Tống bên Tàu mới công-nhận là An-nam quốc 安 南 國.
Đến đời vua Gia-long, thống-nhất được cả Nam Bắc (1802), lấy lẽ rằng Nam là An-nam, Việt là Việt-thường mới đặt quốc-hiệu là Việt-nam 越 南. Vua Minh-mệnh lại cải làm Đại-nam 大 南.
Quốc-hiệu nước ta thay-đổi đã nhiều lần, tuy rằng ngày nay ta vẫn theo thói quen dùng hai chữ An-nam 安 南, nhưng vì hai chữ ấy có ngụ ý phải thần-phục nước Tàu, vậy thì ta nên nhất định lấy tên Việt-nam 越 南 mà gọi nước nhà.
2. VỊ-TRÍ VÀ DIỆN TÍCH. Nước Việt-nam ở về phía đông-nam châu Á-tế-á,
hẹp bề ngang, dài bề dọc, hình cong như chữ S, trên phía Bắc và dưới
phía Nam phình rộng ra, khúc giữa miền Trung thì eo hẹp lại.
Đông và Nam giáp bể Trung-quốc (tức là bể Nam-hải); Tây giáp Ai-lao
và Cao-miên; Bắc giáp nước Tàu, liền với tỉnh Quảng-đông, Quảng-tây và
Vân-nam.
Diện-tích cả nước rộng chừng độ 312.000 ki-lô-mét vuông chia ra như sau này:
-
-
- Bắc Việt : 105.000 km2
- Trung Việt : 150.000 km2
- Nam Việt : 57.000 km2
-
3. ĐỊA-THẾ. Nước ta hiện chia ra làm ba cõi: Bắc-Việt, Trung-Việt và
Nam-Việt. Đất Bắc-Việt có sông Hồng-hà (tức là sông Nhị-hà) và sông
Thái-bình. Mạn trên gọi là Thượng-du lắm rừng nhiều núi, ít người ở. Mạn dưới gọi là Trung-châu, đất đồng bằng, người ở chen-chúc đông lắm.
Đất Trung-Việt thì chỉ có một giải ở men bờ bể, còn ở trong có núi
Tràng-sơn chạy dọc từ Bắc-Việt vào gần đến Nam-Việt, cho nên người chỉ ở
được mạn gần bể mà thôi.
Đất Nam-Việt thì ở vào khúc dưới sông Mê-kông (tức là sông Cửu-long),
lại có sông Đồng-nai chảy ở mé trên, cho nên đất tốt, ruộng nhiều,
dân-gian trù-phú và dễ làm ăn hơn cả.
4.
CHỦNG-LOẠI. Người Việt-nam có nhiều dân-tộc ở, như là ở về miền
thượng-du Bắc-Việt thì có dân Thái, (tức là Thổ), Mường, Mán, Mèo; ở về
miền rừng núi Trung-Việt thì có dân Mọi, và Chàm, (tức là Hời), ở về
miền Nam-Việt thì có dân Mọi, Chàm, Chà-và và Khách, vân vân. Những dân
ấy ở trong ba nơi tất cả đến non một triệu người. Còn thì dân-tộc
Việt-nam ở hết cả.
Số người Việt-nam ở trong ba nơi có thể chia ra như sau này:
-
-
- Bắc-Việt : 8.700.000 người
- Trung-Việt : 5.650.000 người
- Nam-Việt : 4.616.000 người
-
Cả thảy cọng lại được độ chừng non 19 triệu người[1].
5. GỐC-TÍCH. Theo ý-kiến của những nhà kê-cứu của nước Pháp, thì
người Việt-nam và người Thái đều ở miền núi Tây-tạng xuống. Người
Việt-nam theo sông Hồng-hà lần xuống phía đông-nam, lập ra nước Việt-nam
ta bây giờ; còn người Thái thì theo sông Mê-kông xuống, lập ra nước
Tiêm-la (tức là Thái-lan) và các nước Lào.
Lại có nhiều người Tàu và người Việt-nam nói rằng nguyên khi xưa đất
nước Tàu có giống Tam-miêu 三 苗 ở, sau giống Hán-tộc (tức là người Tàu
bây giờ) ở phía tây-bắc đến đánh đuổi người Tam-miêu đi, chiếm giữ lấy
vùng sông Hoàng-hà lập ra nước Tàu, rồi dần dần xuống phía nam, người
Tam-miêu phải lẩn núp vào rừng hay là xuống ở miền Việt-nam ta bây giờ.
Những ý-kiến ấy là theo lý mà suy ra đó thôi, chứ cũng chưa có cái gì
làm chứng cho đích-xác. Chỉ biết rằng người Việt-nam ta trước có hai
ngón chân cái giao lại với nhau, cho nên Tàu mới gọi ta là Giao-chỉ; mà
xem các loài khác, không có loài nào như vậy, thì tất ta là một loài
riêng, chứ không phải là loài Tam-miêu.
Dẫu người mình thuộc về chủng-loại nào mặc lòng, về sau người Tàu
sang cai-trị hàng hơn một nghìn năm, lại có khi đem sang nước ta hơn bốn
mươi vạn binh, chắc là nòi giống cũ của mình cũng đã lai đi nhiều rồi,
mới thành ra người Việt-nam ngày nay.
6. NGƯỜI VIỆT-NAM. Người Việt-nam thuộc về loài da vàng, nhưng mà
người nào phải đi làm-lụng dầm mưa dãi nắng lắm, thì nước da ngăm-ngăm
đen, người nào nhàn-hạ phong-lưu, ở trong nhà luôn, thì nước da
trăng-trắng như màu ngà cũ.
Trạc người thì thấp nhỏ hơn người Tàu, mà lăn-lẳn con người, chứ
không to-béo. Mặt thì xương xương, trông hơi bèn-bẹt, trán thì cao và
rộng, mắt thì đen và hơi xếch về đàng đuôi, hai gò má thì cao, mũi hơi
tẹt, môi hơi dày, răng thì to mà lại nhuộm đen. Râu thì thưa mà ít, tóc
thì nhiều và dài, đen và hơi cứng. Dáng-điệu đi-đứng thì nhẹ-nhàng và
xem ra bộ vững-vàng chắc-chắn.
Áo-quần thì dài rộng, đàn-ông thì búi tóc và quấn khăn vành rây, áo
mặc dài quá đầu gối, tay áo thì chật, ống quần thì rộng. Đàn-bà ở
Bắc-Việt và phía bắc Trung-Việt thì đội khăn, mà ở chỗ thành-thị thì mặc
quần, còn ở nhà quê thì hay mặc váy. Ở phía nam Trung-Việt và Nam-Việt
thì đàn-bà mặc quần cả, và búi tóc, chứ không đội khăn bao giờ.
Về đàng trí-tuệ và tính-tình, thì người Việt-nam có cả các tính tốt
và các tính xấu. Đại-khái thì trí-tuệ minh-mẫn, học chóng hiểu, khéo
chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự
học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín
làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tình vặt, cũng có
khi quỉ-quyệt, và hay bài-bác nhạo-chế. Thường thì nhút-nhát, hay
khiếp-sợ và muốn sự hòa-bình, nhưng mà đã đi trận-mạc thì cũng có
can-đảm, biết giữ kỹ-luật.
Tâm-địa thì nông-nổi, hay làm liều, không kiên-nhẫn, hay khoe-khoang
và ưa trương-hoàng bề ngoài, hiếu danh-vọng, thích chơi bời, mê cờ-bạc.
Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ-bái,
nhưng mà vẫn không nhiệt-tin tông-giáo nào cả. Kiêu-ngạo và hay nói
khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.
Đàn-bà thì hay làm-lụng và đảm-đang, khéo chân, khéo tay, làm được đủ
mọi việc mà lại biết lấy việc gia-đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng,
nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quý là tiết, nghĩa, cần, kiệm.
Người Việt-nam từ Bắc chí Nam, đều theo một phong-tục, nói một thứ tiếng[2] cùng giữ một kỷ-niệm, thật là cái tính đồng-nhất của một dân-tộc từ đầu nước đến cuối nước.
7. SỰ MỞ-MANG BỜ-CÕI. Người nòi-giống Việt-nam ta mỗi ngày một nẩy-nở
ra nhiều, mà ở phía bắc thì đã có nước Tàu cường-thịnh, phía tây thì
lắm núi nhiều rừng, đường đi lại không tiện, cho nên mới theo bờ bể lần
xuống phía nam, đánh Lâm-ấp, dứt Chiêm-thành, chiếm đất Chân-lạp, mở ra
bờ-cõi bây giờ.
8. LỊCH-SỬ VIỆT-NAM. Từ khi người Việt-nam lập thành nước đến giờ, kể
hàng mấy nghìn năm, phải người Tàu cai-trị mấy lần, chịu khổ-sở biết
bao nhiêu phen, thế mà sau lại lập được cái nền tự-chủ, và vẫn giữ được
cái tính đặc-biệt của giống mình, ấy là đủ tỏ ra rằng khí-lực của người
mình không đến nỗi kém-hèn cho lắm. Tuy rằng mình chưa làm được việc gì
cho vẻ-vang bằng người, nhưng mình còn có thể hy-vọng một ngày kia cũng
nên được một nước cường-thịnh.
Vậy ghi-chép những cơ-hội gian-truân, những sự biến-cố của nước mình
đã trải qua, và kể những công-việc của người mình làm từ đời nọ qua đời
kia, để cho mọi người trong nước đều biết, ấy là sách Việt-nam sử.
Nay ta nên theo từng thời-đại mà chia sách Việt-nam sử ra 5 phần để cho tiện sự kê-cứu:
-
-
- Phần I : Thượng-cổ thời-đại.
- Phần II : Bắc-thuộc thời-đại.
- Phần III : Tự-chủ thời-đại.
- Phần IV : Nam-bắc Phân-tranh thời-đại.
- Phần V : Cận-kim thời-đại.
- -------------------
- Ghi Chú : Việt Nam Sử Lược được Trần Trọng Kim Biên Soạn vào những năm đầu của Thế Kỷ 20, đến năm 1919 mới hoàn thành. Do đó bài viết " Nước Việt Nam " so với hiện nay có nhiều sai lệch, nhưng vẫn là tư liệu giúp ích trong việc khảo cứu.(Huỳnh Hữu Đức)
CHƯƠNG I- HỌ HỒNG-BÀNG
- 鴻 龐 氏
- (2879-258 tr. Tây-lịch)
-
-
-
- 1. Họ Hồng-bàng
- 2. Nước Văn-lang
- 3. Truyện cổ-tích về đời Hồng-bàng:
- Phù-đổng Thiên-vương; Sơn-tinh Thủy-tinh
-
1. HỌ HỒNG-BÀNG. Cứ theo tục truyền thì vua Đế-minh là cháu ba đời
của vua Thần-nông, đi tuần-thú phương nam đến núi Ngũ-lĩnh (thuộc tỉnh
Hồ-nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc
Tục 祿 續. Sau Đế-minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế-Nghi làm vua
phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là
Kinh-dương-vương 涇 陽 王, quốc-hiệu là Xích-quỷ 赤 鬼.
Bờ-cõi nước Xích-quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động-đình-hồ (Hồ-nam),
phía nam giáp nước Hồ-tôn (Chiêm-thành), phía tây giáp Ba-thục
(Tứ-xuyên), phía đông giáp bể Nam-hải.
Kinh-dương-vương làm vua nước Xích-quỷ vào quãng năm nhâm-tuất (2879
trước Tây-lịch?) và lấy con gái Động-đình-quân là Long-nữ đẻ ra Sùng Lãm
崇 纜, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc-long-quân 駱 龍 君.
Lạc-long-quân lấy con gái vua Đế-lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai[1].
Lạc-long-quân bảo Âu Cơ rằng: « Ta là dòng-dõi Long-quân, nhà ngươi là
dòng-dõi thần-tiên, ăn ở lâu với nhau không được; nay được trăm đứa con
thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam-hải ».
Gốc-tích truyện này có lẽ là từ Lạc-long-quân về sau, nước Xích-quỷ
chia ra những nước gọi là Bách-Việt. Bởi vậy ngày nay đất Hồ-quảng (tỉnh
Hồ-nam, tỉnh Quảng-đông và tỉnh Quảng-tây) còn xưng là đất Bách-Việt 百
越. Đấy cũng là một điều nói phỏng, chứ không có lấy gì làm đích-xác
được.
2. NƯỚC VĂN-LANG. Lạc-long-quân phong cho người con trưởng sang làm vua nước Văn-lang 文 郎, xưng là Hùng-vương 雄 王.
-
- Cứ theo sử cũ thì nước Văn-lang chia ra làm 15 bộ:
- 1. Văn-lang 文 郎 (Bạch-hạc, tỉnh Vĩnh-yên)
- 2. Châu-diên 朱 鳶 (Sơn-tây)
- 3. Phúc-lộc 福 祿 (Sơn-tây)
- 4. Tân-hưng 新 興 (Hưng-hóa – Tuyên-quang)
- 5. Vũ-định 武 定 (Thái-nguyên - Cao-bằng)
- 6. Vũ-ninh 武 寧 (Bắc-ninh)
- 7. Lục-hải 陸 海 (Lạng-sơn)
- 8. Ninh-hải 寧 海 (Quảng-yên)
- 9. Dương-tuyền 陽 泉 (Hải-dương)
- 10. Giao-chỉ 交 趾 (Hà-nội, Hưng-yên, Nam-định, Ninh-bình)
- 11. Cửu-chân 九 真 (Thanh-hóa)
- 12. Hoài-hoan 懷 驩 (Nghệ-an)
- 13. Cửu-đức 九 德 (Hà-tĩnh)
- 14. Việt-thường 越 裳 (Quảng-bình, Quảng-trị)
- 15. Bình Văn 平 文 (?)
Hùng-vương đóng đô ở Phong-châu 峰 州 (bây giờ ở vào địa-hạt huyện
Bạch-hạc, tĩnh Vĩnh-yên), đặt tướng văn gọi là Lạc-hầu 駱 侯, tướng võ gọi
là Lạc-tướng 駱 將, con trai vua gọi là Quan-lang 官 郞, con gái vua gọi là
Mị-nương 媚 娘, các quan nhỏ gọi là Bồ-chính 蒲 正 [2]. Quyền chính-trị thì cứ cha truyền con nối, gọi là phụ-đạo 父 道.
Về đời bấy giờ, sử Tàu có chép rằng năm tân-mão (1109 tr. Tây-lịch),
đời vua Thành-vương nhà Chu 周 成 王, có nước Việt-thường 越 裳 ở phía nam xứ
Giao-chỉ sai sứ đem chim bạch-trĩ sang cống, nhà Chu phải tìm người làm
thông-ngôn mới hiểu được tiếng, và ông Chu-công Đán 周 公 旦 lại chế ra xe
chỉ-nam để đem sứ Việt-thường về nước. Vậy đất Việt-thường và đất
Giao-chỉ có phải là đất của Hùng-vương lúc bấy giờ không?
Họ Hồng-bàng làm vua được 18 đời, đến năm quí-mão (158 trước Tây-lịch) thì bị nhà Thục lấy mất nước.
Xét từ đời Kinh-dương-vương đến đời Hùng-vương thứ 18, cả thảy 20 ông
vua, mà tính từ năm nhâm-tuất (2879) đến năm quí-mão (258 trước
Tây-lịch) thì vừa được 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị-vì
được non 150 năm! Dẫu là người đời thượng-cổ nữa, thì cũng khó lòng mà
có nhiều người sống lâu được như vậy. – Xem thế thì đủ biết truyện đời
Hồng-bàng không chắc là truyện xác thực.
3. TRUYỆN CỔ-TÍCH VỀ ĐỜI HỒNG-BÀNG. Sử chép rằng đời Hùng-vương thứ
nhất, người nước Văn-lang làm nghề chài lưới, cứ hay bị giống
thuồng-luồng làm hại, vua mới bắt dân lấy chàm vẽ mình để những giống ấy
tưởng là đồng loại không làm hại nữa[3].
Sử lại chép rằng thuyền của ta ở đằng mũi thường hay làm hai con mắt,
cũng có ý để cho các thứ thủy-quái ở sông ở bể không quấy-nhiễu đến.
Trong đời Hùng-vương lại có hai truyện mà ngày nay người ta thường
hay nói đến, là truyện Phù-đổng Thiên-vương và truyện Sơn-tinh,
Thủy-tinh.
Phù-đổng Thiên-vương. Đời Hùng-vương thứ 6 có đám giặc gọi là
giặc Ân, hung-mạnh lắm, không ai đánh nổi. Vua mới sai sứ đi rao trong
nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng
Phù-đổng, bộ Võ-ninh (nay là huyện Võ-giàng, tỉnh Bắc-ninh), có đứa trẻ
xin đi đánh giặc giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi
vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho một con ngựa và cái roi bằng sắt. Khi
ngựa và roi đúc xong thì đứa trẻ ấy vươn vai một cái, tự-nhiên người
cao-lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc.
Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi đến núi Sóc-sơn 朔 山 thì biến đi
mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù-đổng, về sau phong là
Phù-đổng Thiên-vương 扶 董 天 王 [4].
Truyện này là truyện tục truyền như vậy, chứ không có lẽ tin làm sự
thực được. Họa chăng đời bấy giờ có người tướng giỏi, đánh được giặc, về
sau người ta nhớ ơn làm đền thờ thì hợp lẽ hơn. Hiện bây giờ có đền thờ
ở làng Gióng tức làng Phù-đổng. Năm nào đến mồng 8 tháng tư cũng có hội
vui lắm, tục gọi là đức Thánh Gióng.
Truyện Sơn-tinh, Thủy-tinh. Tục truyền rằng vua Hùng-vương thứ
18 có người con gái tên là Mỵ-nương, nhan-sắc tuyệt trần. Sơn-tinh và
Thủy-tinh đều muốn hỏi làm vợ. Hùng Vương hẹn rằng ngày hôm sau ai đem
đồ lễ đến trước thì gả cho người ấy. Ngày hôm sau Sơn-tinh đến trước lấy
được Mỵ-nương đem về núi Tản-viên (tức là núi Ba-vì ở tỉnh Sơn-tây).
Thủy-tinh đến sau, thấy Sơn-tinh lấy mất Mỵ-nương, tức giận vô cùng,
mới làm ra mưa to gió lớn, rồi dâng nước lên đánh Sơn-tinh. Sơn-tinh ở
trên núi không việc gì: hễ nước lên cao bao nhiêu, thì Sơn-tinh làm núi
cao lên bấy nhiêu. Sơn-tinh lại dùng sấm-sét đánh xuống, Thủy-tinh phải
rút nước chạy về. Từ đó Sơn-tinh và Thủy-tinh thù nhau, mỗi năm đánh
nhau một lần, dân-gian thật là cực-khổ.
Truyện này là nhân vì ở Bắc-Việt năm nào đến tháng 6, tháng 7 cũng có
nước lũ ở trên mạn ngược chảy xuống tràn vào trong đồng-áng, ngập mất
cả ruộng đất. Người ta không hiểu là tại lẽ gì, mới tưởng tượng mà đặt
ra câu chuyện Sơn-tinh Thủy-tinh đánh nhau vậy.
Tóm lại mà xét, nước ta khởi đầu có quốc-sử từ cuối thập-tam thế-kỷ:
đến đời vua Thánh-tông nhà Trần, mới có quan Hàn-lâm học-sĩ là Lê văn
Hưu 黎 文 休 soạn xong bộ Đại-Việt sử-ký 大 越 史 記, chép từ Triệu
Võ-vương 趙 武 王 đến Lý Chiêu-hoàng 李 昭 皇. Hai trăm rưỡi năm về sau lại có
ông Ngô Sĩ-Liên 吳 士 連, làm quan Lễ-bộ tả-thị-lang đời vua Thánh-tông
nhà Lê, soạn lại bộ Đại-Việt sử-ký: chép từ họ Hồng-bàng đến vua Lê Thái-tổ. Nghĩa là từ ông Ngô Sĩ-Liên, ở về thập-ngũ thế-kỷ trở đi, thì sử ta mới chép truyện về
đời Thượng-cổ. Xem thế thì đủ biết những truyện về đời ấy khó lòng mà
đích-xác được. Chẳng qua nhà làm sử cũng nhặt-nhạnh những truyện
hoang-đường tục-truyền lại, cho nên những truyện ấy toàn là truyện có
thần-tiên quỉ-quái, trái với lẽ tự-nhiên cả.
Nhưng ta phải hiểu rằng nước nào cũng vậy, lúc ban đầu mờ-mịt, ai
cũng muốn tìm cái gốc-tích của mình ở chỗ thần-tiên để cho vẻ-vang cái
chủng-loại của mình. Chắc cũng bởi lẽ ấy mà sử ta chép rằng họ Hồng-bàng
là con tiên cháu rồng v.v...
Nay ta theo sử cũ mà chép mọi truyện, người xem sử nên phân-biệt
truyện nào là truyện thực, truyện nào là truyện đặt ra, thì sự học mới
có lợi vậy.
Chú thích cuối trang
- ▲ Có sách chép là Âu Cơ đẻ ra một trăm cái trứng nở ra một trăm con.
- ▲ Bây giờ có nơi gọi chánh-tổng là Bồ-đinh, chắc là bởi Bồ-chính mà ra.
- ▲ Sử chép rằng người Việt-nam ta có thói vẽ mình mãi đến đời vua Anh-tông nhà Trần mới bỏ.
- ▲ Có người chép truyện này nói rằng: Giặc Ân là quân của nhà Ân bên Tàu sang đánh nước ta. Nói như thế thật là một điều lầm. Về đời nhà Ân nước Tàu chỉ ở vào mạn sông Hoàng-hà là đất tỉnh Hà-nam, Trực-lệ, Sơn-tây và Thiểm-tây bây giờ mà thôi. Còn những đất ở bên này sông Trường-giang là man-di hết cả. Từ Trường-giang sang đến Bắc-Việt ta xa cách bao nhiêu đường đất. Dẫu lúc ấy ở bên ta có họ Hồng-bàng làm vua nữa, thì chắc cũng chưa có kỷ-cương gì, có lẽ cũng giống như một người làm quan-lang trên Mường mà thôi, như thế thì đã có giao-thiệp gì với nhà Ân mà đánh nhau. Vả lại, sử Tàu cũng không có chỗ nào chép đến truyện ấy. Vậy thì lẽ gì mà nói rằng giặc Ân là người nhà Ân bên Tàu?
Hết Chương 1
Huỳnh Hữu Đức sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét