Tình bạn bốn mươi năm sau
“Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”
(Cung oán ngâm khúc)
“Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”
(Cung oán ngâm khúc)
Trước hết định nghĩa chữ bạn rất rộng, bạn một đằng có thể là một người rất thân thiết, có liên hệ hai chiều cùng một sở thích thân mật như bạn đời, bạn cố tri, bạn tri kỷ. Ngược lại hay đằng khác bạn là một người bằng hữu như bạn trong sở làm, bạn học, bạn đồng hành, bạn đồng đội, bạn văn nghệ v.v… Có một loại bạn khác tuy gọi là bạn nhưng là bạn giai đoạn, bạn chính trị, chiến thuật, chiến lược, bề ngoài thì cười đùa rất thân thiện nhưng trong bụng thì dấu gươm dao gầm ghì nhau có thể thanh toán lẫn nhau khi không còn lợi lộc, hay hẹp hơn là bạn cờ bạc cùng trong một sòng bài như xì phé sát phạt lẫn nhau. Còn một loại bạn khác là khi giàu sang có chức tước thì có thiếu gì kẻ tự nhận là bạn hay ngược lại khi khốn khổ thì bạn bè trốn mất như trong câu latin:
“Donec eris felix, multos numerabis amicos”
Nhớ thuở nào khi mới mất nước, người Việt ta khi gặp nhau trên đất Mỹ xa lạ này thì rất lấy làm vui mừng. Tuy chỉ là bạn cùng học chung một trường biết nhau sơ qua gặp lại được là rất sung sướng, tíu tít gợi chuyện ngày xưa hay chuyện trốn thoát khỏi Việt nam mà hàn huyên. Còn thân biết hơn một tí là mời tới nhà, vồn vã mời ăn uống lẫn mời ngủ lại. Nhà xập xệ không sao, thiếu chỗ ngủ không thành vấn đề, bao bố ngủ giải quyết dễ dàng, ăn uống vài con tôm, bát phở hay vài ngọn rau chia nhau bát cơm ăn rất là đầm ấm thắm thiết, dùng đĩa bát ly bằng plastic cũng xuề xòa vui vẻ.
Nhiều khi lái xe tới một tỉnh hay tiểu bang khác, ghé lại không biết đường lối thì mở quyển điện thoại kiếm các tên có họ Nguyễn, Lê, Trần, Phạm v.v… là thường được chỉ tới chỗ nào có bán phở, cơm Việt nam hay chợ Á đông, người Việt lúc đó rất dễ dàng thật tình chỉ bảo lẫn nhau.
Hơn bốn mươi năm sau, vạn vật thay đổi thì tình bạn cũng thay đổi. Lái xe tới một tỉnh là trước hết là bạn quen phần đông giấu số điện thoại, còn người lạ thì rất dè dặt không muốn chỉ điểm lại hỏi tại sao gọi họ. Nếu còn liên lạc được bạn hơi thân ngày trước thì khác với lúc trước rất vồn vã mời gặp nhau, nay thì trở mặt khi gọi qua điện thoại thì có vẻ lơ là tuy rằng trong thâm tâm người bạn ghé thăm là quý bạn bè nên mới hỏi han thăm viếng chứ cũng chả cần như muốn xin ăn hay xin ở. Đó là chưa kể bây giờ với cell phone (điện thoại di động, không còn kiosk điện thoại với quyển điện thoại dày cộm) lại càng khó khăn hơn vì thiếu gì cách không muốn gập mặt như không trả lời điện thoại vì cho là số điện thoai lạ hay là không đem theo điện thoại hay điện thoại hết pin hay điện thoại hư hay không có WiFi v. v. v. Cũng có thể lúc người bạn viếng thăm đó cũng không đủ thời giờ tới viếng thăm bạn vì họ còn phải đi xem thắng cảnh hay gặp gỡ gia đình.
Có ông bạn kể lại là cùng bạn thân ngày xưa mà khi gọi điện thoại báo tin là sẽ tới thăm thì ông ta bèn giới thiệu khách sạn gần nhà ông ta. Có thể là ông ta rất bận, không thể tiếp đón cả ngày được hay cũng có thể ông ta cho là nhà ông ta không xứng (hay quá xứng) mà tiếp đón bạn cũ. Hay biết đâu trong gia đình người bạn đó có lủng củng trong nhà? Ngược lại ông bạn viếng thăm cũng có thể ngại ở nhà bạn vì sợ làm xáo động đời sống hằng ngày của ông bạn, thành ra khi tới thăm mà ngại muốn nối tiếp lại tình bạn cũ, bị đặt vào một trường hợp khó xử, không gọi điện thoại báo thăm thì bị trách móc, còn gọi lại bảo thì e ngại bị phiền nhiễu.
Dần dần loại bạn đó xa dần dần và phai nhạt.
“Loin des yeux, loin du coeur” (Xa Mặt Cách Lòng)
Thời gian cũng làm thay đổi tình bạn như lúc trẻ có cùng sở thích với nhau lúc đi học, lúc đi chơi, đi ăn nhậu, đi đá banh, đi tán gái v.v… Nghĩ tới đây không hiểu các cụ đọc bài này có để ý là thời ở Việt nam khi tới thăm bạn bè nhất là khi đi “cua” bạn gái nhiều lúc càng ngồi lâu càng lấy làm sung sướng, nhiều khi ngồi hơn cả buổi mà chả có anh nào dám xin vào trong nhà bạn gái để đi tiểu chẳng hạn. Có thể lúc đó rất sợ hay rất e ngại viếng thăm nhà cầu cô bạn gái hay là lúc đó hạch prostate vẫn còn tốt chưa bị bệnh són đái phải đi giải quyết ngay ! Ngược lại ở xứ Âu Mỹ này nhà nào nhà nấy đều có “toilet” gần ngay phòng khách nên vụ xin đi “tè” không lấy gì mà phải e ngại sợ khám phá ra mất “bí mật quốc gia.”
Sau khi lập gia đình thì lại có sự thay đổi khác: có khi tình bạn sẽ lạnh nhạt dần dần như trường hợp một bà bạn rất thân cùng trong một nhóm học xưa kia với một bà bạn khác. Nhưng khi hai bên lập gia đình thì dần dần xa nhau (không được phép phối ngẫu nhất là với khác phái?). Tuy vậy cũng có trường hợp khi có gia đình lại vẫn mời nhau cùng chia sẻ chuyện vui buồn gia đình con cái với nhau.
Nhưng khi con cái thành thân có cháu chắt lại khác. Lúc đó như có một bà bạn kể là ngày thường đi làm, đến cuối tuần là lái xe hai ba tiếng tới tiểu bang khác đến đón cháu về nhà ở chơi qua cuối tuần nên bạn bè đều bị dẹp bỏ. Họ quan niệm lúc đó là không biết ngày nào họ sẽ “rụng” nên còn được sống nhiều lúc nào với cháu, chắt thì càng tốt: niềm vui hạnh phúc là được vui với con với cháu, còn bạn văn nghệ, xã giao đều cho vào hạng thứ không cần thiết phải gặp nhau.
Ngay trong trường đời cũng khôngcũng không tránh khỏi sự thay đổi như có câu ca dao:
“Giàu đổi bạn, sang đổi vợ.”
Có vài bạn sang Âu Mỹ không được thành công cho lắm, hoặc thi không đậu không trở lại được nghề cũ, hoặc làm ăn không khá thì có mặc cảm, xa lánh bạn bè mặc dù người bạn cũ vẫn muốn giữ tình bạn xưa. Còn người làm ăn rất khá rất giàu có thì lại không muốn cho bạn bè tới thăm nhà lấy cớ là rất bận, ở xa v.v…, tới tỉnh thăm điện thoại là lơ là, nếu thân hơn lắm là cho hẹn ở một quán ăn trên đường đi làm về không như hồi hai mươi năm trước thì đi lại rất thường mời ăn mời uống mời đi mời lại rất thân.
Lại có trường hợp là ở xa có bạn tới thăm thì phải tiếp đón, nhưng sau đó có rất nhiều người bạn hỏi thăm quá thành ra thông thường nên cảm thấy bị tình trạng “fatigue” mệt mỏi không muốn tiếp đón nữa vì thấy là sau khi thăm hỏi xã giao vài câu là không có chuyện gì muốn nói nữa. Cũng vì có nhiều anh chị bạn nói là đi dự hội bạn họp mặt lần đầu tiên thì rất sốt sắng vì muốn gặp lại bạn bè lâu năm xa cách nay đã gặp mấy lần rồi thành nhàm không còn hứng thú nữa. Nhất là họ lại nói là họp bạn là một chuyện nhưng đi lại thăm một chỗ mà họ đã tới du lịch rồi nay lại tới lại tốn tiền tốn thì giờ họ không còn hăng hái nữa.
Bạn bè (bạn phải có “bè”), chữ ghép đôi này rất có lý nhất là khi tiêu cực hơn hết (tri kỷ) hiểu nhau như Bá Nha Tử kỳ nhưng ngược lại cũng có loại “schadenfreude” (tiếng Đức) là khi thấy một bạn gập một chuyện khó khăn đau đớn thì bạn lại thấy một cách thích thú sung sướng ngấm ngầm.
“Thất thập cổ lai hy”
Hiện tại thời Cô Vít 19 này, tình bạn lại gập một chông gai lớn là không dễ dàng gập mặt bạn để đấu láo hay ăn nhậu nữa: đâu còn ra quán cà phê (như ở Cali quán Cà Phê Factory ở Quận Cam, một loại như Café Catinat thời Sài gòn xa xưa). Đã thế lại phải đeo mặt nạ, tiếng nói nghe khó khăn lại các cụ bị điếc tai ít hay nhiều vì tuổi già mới đau chứ! (hay thấy buồn cười vì trông thấy nhau bịt mặt mũi như thuở chơi bắn súng bịt mặt cao bồi Zorro)! Mà gập nhau qua Zoom hay Facebook hay Skype cũng không còn hấp dẫn nữa!
Đó là chưa kể vụ thích hay chống Trump cũng thành một vấn đề ngấm ngầm hay bộc lộ bút chiến chửi nhau trên diễn đàn hay qua điện thoại làm chia rẽ tình bạn trầm trọng. Ngay cả trong gia đình cũng bị xào xáo vì vụ “pro hay con Trump” này.
Thế mới đau là khi nghĩ là những ngày sắp tới sẽ dần dần ít đi khi so với những ngày đã qua mà các bạn già cũng không tránh khỏi các lục đục đó.
Bốn mươi năm sau hay bốn mươi lăm năm sau, nhiều biến đổi, tóc đen thành muối tiêu, dần dần muối nhiều hơn tiêu trở thành bạc trắng. Đó là có phúc sống tới lão chứ không như vài bạn bè bị đau nặng, bệnh hiểm nghèo, ung thư chẳng hạn thì dần dần tự ý xa lánh bạn bè và rụng mất quy tiên mặc dù bạn bè vẫn hỏi han thăm hỏi chia sẻ. Chung qui là thời gian làm vạn vật biến đổi không chừng. Mọi sự đều như là bức tranh vân cẩu biến hóa vô chừng. Cây cối mỗi năm thay đổi lá cành, năm nay khác năm ngoái, cây già rồi sụp đổ nên sự tình bạn cũng không thể tránh khỏi, chỉ mong rằng đừng biến thành như:
“Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Nguyễn Du)
Nguyễn Dương (2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét