Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

Chuyện Đời


Kính thưa quý anh chị!

Lâu nay Gia Khanh ít có thời gian giao lưu cùng quý anh chị, nay mở mail thấy bài thơ mời họa của anh Phạm Kim Lợi: TRỜI NỒNG theo thể “song thanh”. Đọc các bài họa của quý anh chị, Gia Khanh rất cảm kích và trân trọng. Tuy nhiên một số anh chị có lẽ chưa mấy tường tận luật của thể thơ này, nên nhiều người viết nhầm sang thể “Song điệp”“Song thanh điệp vận”.

Để giúp quý anh chị hiểu rõ thêm luật thể thơ này, Gia Khanh xin mạo muội chia sẻ những hiểu biết ít ỏi của mình về thể thơ này, với hy vọng giúp chúng ta viết đúng luật hơn.
Trước hết ta tìm hiểu về 2 thể thơ “Song điệp” và “Song thanh điệp vận”:

*Thể “Song điệp”:

Là thể thơ mà trong tất cả 8 câu thơ thì trong mỗi câu đều có 2 (SONG) từ được lặp lại (ĐIỆP) ví dụ trong bài:

CHUYỆN ĐỜI

Vất vất vơ vơ, cũng nực cười
Căm căm cúi cúi có hơn ai
Nay còn chị chị anh anh đó
Mai đã ông ông mụ mụ rồi
Có có không không lo hết kiếp
Khôn khôn dại dại ,chết xong đời
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy
Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi 


Nguyễn Công Trứ
***
*Thể“Song thanh điệp vận”:

Là thể thơ có từng cặp từ cùng thanh (hoặc cùng thanh trắc, hoăc cùng thanh bằng) cùng chung vần (Điệp Vận) ví dụ:

DẠO NÚI

Nước bước sa đà ngắm dặm đàng
Thừa ưa tốt một nẻo quan san
Tươi mươi nhụy túy bong trồng bạc
Lổ đổ ngành xanh lá mạ vàng
Lúc ngúc đầu trâu ngồi nhóm xóm
Lau nhau mỏ chó sủa vang làng
Đường trường lải rải dừng lưng nghỉ
Lẳng lặng chùa khua lốc cốc tang.

Nguyễn Khoa Vy
***
*Thể “Song thanh”

Là thể thơ có các cặp từ cùng thanh đồng thời cùng dấu, ví dụ: Nếu thanh trắc thì 2 từ phải cùng dấu sắc, hoặc cùng dấu hỏi, ngã, nặng
Nếu thanh bằng thì phải cùng dấu huyền hoặc cùng không dấu, có nghĩa là không được một từ dấu huyền + 1 từ không dấu.
Yêu cầu các thể thơ này đều phải viết theo CHÍNH LUẬT, không viết theo GIẢN LUẬT (“Nhất tam ngũ bl…”)

- Trong 1 câu thì dấu của cặp từ song thanh cùng loại ở sau, không trùng dấu cặp từ song thanh cùng loại ở trước để tránh lỗi PHONG YÊU , HẠC TẤT . Nói cách khác là trong 1 câu không có 4 từ cùng dấu.
- Trong câu có 3 thanh trắc ở giữa (tức là vị trí từ thứ 3,4,5) thì SONG THANH vào vị trí từ 3,4 từ thứ 5 phải khác dấu với 2 từ này
- Trong câu có 3 thanh bằng ở giữa (vị trí từ 3,4,5) cũng tương tự tức là song thanh ở vị trí 3, 4 từ thứ 5 cũng không trùng dấu với 2 từ này.
- Trong mỗi câu luôn có 2 từ được lặp lại, tức là 2 cặp SONG THANH

Xin mời quý anh chị đọc 3 bài thơ theo 3 thể trên của Nguyễn Gia Khanh:
1/
*Thể “Song Điệp”:

MỘNG BÚT NGHIÊN

(Song Điệp)

Đắng đắng cay cay phận trải rồi
Buồn buồn, chán chán cũng vầy thôi
Nào lo rủi rủi may may kiếp
Chẳng ngại nên nên hỏng hỏng đời
Rượu rượu thơ thơ hồn vẫn ngóng
Cờ cờ bạc bạc thói nào chơi
Cần chi lợi lợi danh danh ấy
Bút bút nghiên nghiên đủ tuyệt vời.

Nguyễn Gia Khanh

2/
*Thể “song thanh điệp vận”:

NGUYỆT KHUYẾT

(Song thanh điệp vận)

Ơi trời! có tỏ nỗi lòng mong
Phận vẫn trăm năm giữ chữ tòng
Kiếp thiếp đà qua đôi khúc đục
Thuyền quyên chẳng đặng một dòng trong
Sương vương gối trỗi cơn hờn mộng
Gió ngỏ thềm nêm cảnh lạnh phòng
Chạnh mảnh mai phai ngồi ngóng bóng
Âm thầm nguyệt khuyết đã lồng song.

Nguyễn Gia Khanh

3/
*Thể “Song thanh”:


MỘNG CHIỀU

(Song thanh)

Vẫn mãi ghìm lòng nén tứ thơ
Tay run mực cạn trí đà mờ
Tần ngần đợi bạn bao hôm đấy
Bẽn lẽn cười mình mấy lúc cơ
Xướng đến vui thay đành vội họa
Trông theo nhớ quá lại thầm chờ
Dù hồn đã rã tim đang ấm
Mượn mộng chiều tàn bút cứ quơ.

Nguyễn Gia Khanh
***
Bài Xướng:

CHẤM HẾT

(Song thanh)

Ngồi buồn đọc lại mấy trang thơ
Chữ nghĩa lăng nhăng ý tứ mờ
Lẩn thẩn thương ai vần đối xứng
Bần thần nhớ nó nghĩa căn cơ
Năm canh thức trắng ngồi thềm đợi
Sáu khắc chong đêm mở cửa chờ
Mộng mị tình trường ôi đắng chát
Vài dòng chấm hết những bâng quơ 


Thạch Hãn

Kính chúc quý anh chị thành công trong thể thơ này!
Trân trọng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét