Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Về Miền Tây - Phần 2



Đến thời Pháp thuộc, sau khi xâm chiếm toàn bộ Nam Kỳ, chúng chia vùng này ra làm 20 tỉnh để dễ bề kiểm soát. Pháp chia Biên Hòa ra làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Biên Hòa (một phần của phủ Phước Long cũ), Bà Rịa (phủ Phước Tuy cũ), và Thủ Dầu Một (một phần của phủ Phước Long cũ); chia Gia Định làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Tây Ninh (phủ Tây Ninh cũ), Chợ Lớn (một phần của phủ Tân Bình cũ), và Gia Định (một phần của phủ Tân Bình cũ); chia Định Tường ra làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Mỹ Tho (huyện Kiến Hưng cũ), Gò Công (huyện Kiến Hòa cũ), và Sa Đéc (huyện Kiến Đăng cũ); chia tỉnh Vĩnh Long cũ ra làm ba (04) tỉnh gồm Vĩnh Long (phủ Định Viễn cũ), Bến Tre (phủ Hoằng Trị và phủ Hoằng An cũ), Trà Vinh (phủ Lạc Hóa cũ), và tỉnh Tam Cần (một phần vùng Trà Ôn thuộc phủ Lạc Hóa và một phần vùng Cần Thơ thuộc Trấn Giang); chia tỉnh An Giang ra làm ba (02) tỉnh gồm Long Xuyên và Châu Đốc; chia tỉnh Hà Tiên cũ ra làm bốn (04) tỉnh gồm Long Xuyên (phần đất Cà Mau thuộc huyện Long Xuyên cũ), Hà Tiên (huyện Hà Châu cũ), Rạch Giá (huyện Kiến Giang cũ), và Bạc Liêu (một phần đất của huyện Long Xuyên cũ).

Về sau vì nhu cầu trị an, Pháp lại cắt một phần của tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên ra để sáp nhập vào hai tỉnh An Giang (tỉnh Long Xuyên bây giờ) và tỉnh Châu Đốc. Sau đó ít lâu thì tỉnh Tam Cần bị xóa tên và sáp nhập vào tỉnh mới thàngh lập là Cần Thơ (gồm quận Trà Ôn và một phần Trấn Giang cũ). Cũng trong thời gian này Pháp cho thành lập tỉnh Sóc Trăng (lấy từ một phần đất của Bạc Liêu). Năm 1944, khi Nhật đã chiếm đóng toàn bộ Việt Nam, vì lý do an ninh, họ bắt người Pháp thành lập thêm tỉnh Tân Bình ở vùng Gia Định, lấy một phần đất của Gia Định, Thủ Thiêm và Nhà Bè để thành lập, và tỉnh lỵ đặt tại Tân Bình, tuy nhiên, sau khi Nhật thất trận, năm 1946 thì tỉnh Tân Bình lại bị xóa tên.

Trong thời Đệ nhứt Cộng Hòa, tỉnh Hà Tiên trở thành quận và sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá. Năm 1956, vì nhu cầu trị an và hành chánh, Tổng Thống Ngô Đình Diệm lại cắt tỉnh Biên Hòa ra để lập thêm 3 tỉnh mới nữa là Long Khánh (phần đất của quận Xuân Lộc), Phước Long (quận Bà Rá) và Bình Long (quận Hớn Quản). Cùng năm ấy, Hà Tiên và Phú Quốc bị sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang). Năm 1959, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cắt quận Tân Uyên, Hiếu Liêm và Phú Giáo của tỉnh Bình Dương để thành lập tỉnh Phước Thành. Cũng năm đó, Bà Rịa được nhập vào Vũng Tàu để thành tỉnh Phước Tuy. Cùng năm ấy, tỉnh Sa Đéc bị tách phần tả ngạn sông Tiền Giang ra để thành lập tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh), sau đó chính quyền lại lấy một phần của Tân An và một phần của Kiến Phong để thành lập tỉnh Kiến Tường (Mộc Hóa). Năm 1963 (ngày 15 tháng 10) chánh quyền cho thành lập hai tỉnh Chương Thiện và Hậu Nghĩa. Tỉnh Hậu Nghĩa gồm các quận Đức Huệ, Đức Hòa (tách ra từ tỉnh Long An), Củ Chi (tách ra từ tỉnh Bình Dương) và Trảng Bàng (tách ra từ tỉnh Tây Ninh). Tỉnh Chương Thiện gồm các quận Đức Long (khu trù mật Vị Thanh cũ), Long Mỹ, Kiên Hưng (Gò Quao), Kiên Long và Kiến Thiện. Có lẽ ngày đó người Pháp muốn dễ dàng kiểm soát tàu bè đi lại trên sông rạch miền Nam nên chúng đã đặt số cho từng tỉnh một và bắt ghe tàu phải sơn chữ tắt và số của tỉnh, như Gia Định mang số một (01) và ghe tàu phải sơn chữ GĐ-01, Châu Đốc (CĐ-02), Hà Tiên (HT-03), Rạch Giá (RG-04), Trà Vinh (TV-05), Sa Đéc (SĐ-06), Bến Tre (BT-07), Long Xuyên (LX-08),Tân An (TA-09), Sóc Trăng (ST-10), Thủ Dầu Một (TDM-11), Tây Ninh (TN-12), Biên Hòa (BH-13), Mỹ Tho (MT-14), Bà Rịa (BR-15), Chợ Lớn (CL-16), Vĩnh Long (VL-17), Gò Công (GC-18), Cần Thơ (CT-19), và Bạc Liêu (BL-20). Sau này, khi chánh quyền VNCH cho thành lập thêm 9 tỉnh nữa là Long Khánh, Phước Long, Bình Long, Phước Thành, Phước Tuy, Kiến Phong, Kiến Tường, Chương Thiện và Hậu Nghĩa nữa không biết ghe tàu ở năm tỉnh này có phải mang số 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 và 29 hay không?


Nói về địa danh của các vùng thuộc Nam Kỳ Lục Tỉnh và Nam Kỳ thời cận đại với 29 tỉnh có nhiều sự thay đi đổi lại như thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho lấy lại các tên cũ đã từng được gọi trong Đại Nam Nhất Thống Chí như quận Núi Sập lấy lại tên Huệ Đức (An Giang), Quận Cái Nhum lấy lại tên Minh Đức (Vĩnh Long), quận Bãi Xàu thành Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), quận Mộc Hóa thành Kiến Tường (tỉnh Kiến Tường), quận Cái bè thành Sùng Hiếu (Mỹ Tho), quận Cai Lậy thành Khiêm Ích (Mỹ Tho), quận An Hữu thành Giáo Đức (Mỹ Tho), tỉnh Bà Rịa thành Phước Tuy, tỉnh Sóc Trăng thành Ba Xuyên, tỉnh Cà Mau thành An Xuyên, vân vân. Nói chung, đất Nam Kỳ đến năm 1945, đa phần đã thành đất thuộc và có cư dân từ lâu đời, chứ không còn hoang vu như thời các Chúa Nguyễn cho lưu dân và quan quân vào định cư hồi những thế kỷ thứ 17, 18 và 19 nữa. Tuy về sau này, dưới thời VNCH, chính quyền có phân định lại ranh giới và đặt thêm những tỉnh mới, nhưng đó chỉ vì lý do hành chánh và trị an mà thôi, chứ không vì lý do dân số hay khai hoang nữa. Khi quân Pháp lấn chiếm Nam Kỳ thì toàn bộ dân số vùng này là 1.850.034 người (1.732.316 người Việt và Hoa, và 117.718 người Khmer). Đến năm 2.000 thì dân số trong vùng đã lên đến hơn 31.000.000. Như vậy trong vòng chưa đầy một thế kỷ rưởi dân số Nam Kỳ tăng gấp 28 lần.

Một đặc điểm của miền Tây Nam Việt, đặc biệt là vùng sông Tiền và sông Hậu, vì đây là một vùng sông nước bao la, kinh rạch chằng chịt, nên thời ông cha ta mới đi khai khẩn đất hoang, chưa có đường giao thông trên bộ, phương tiện duy nhất của mọi người thời ấy là chiếc xuồng hay chiếc ghe. Trong buổi hồng hoang đi mở nước, hầu như nhà nào cũng có một trong hai thứ ấy, thậm chí có những gia đình chỉ sống trên chiếc ghe và tự do rong ruổi đó đây. Chính vì thế mà đa phần chợ búa đều được xây dựng ngay bên bờ sông, gần đầu cầu, hoặc bên này hoặc bên kia đầu cầu. Rất nhiều nơi người ta họp chợ ngay trên sông, gọi là “Chợ Nổi”. Từng đoàn ghe thương hồ neo lại tại bờ sông, ghe nào cũng dựng lên một cây sào cao khoảng sáu bảy thước, trên ngọn sào treo tất cả những sản phẩm mà người ta muốn bán, như rau cải, bắp cải, củ cải, khoai lang, cà rốt, cà tím, bí rợ, bí đao, bầu, mướp, cá kho, vân vân. Truyền thống “chợ nổi” được tiếp nối cho mãi đến hôm nay tại miền Tây Nam Việt, như ở Cái Bè (Mỹ Tho) có chợ nổi Tân Phong, ở Vĩnh Long có chợ nổi Bình Minh (Cái Dồn) và Trà Ôn, ở Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng, Phong Điền và Phụng Hiệp, và ở Cà Mau có chợ nổi Cà Mau. Trong suốt chiều dài lịch sử khai khẩn miền Nam, phù sa sông Cửu Long đã hun đúc và tạo ra biết bao nhiêu lớp người của đồng bằng miền Nam trải qua hơn ba thế kỷ nay, từng lớp người đã được sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, đã đổ mồ hôi nước mắt và đem công sức mình ra trộn với phù sa của hai vùng Đồng Nai và Cửu Long, chẳng những biến vùng đất này thành một vùng trù phú thịnh vượng, mà còn là một vựa lúa cho toàn thể đất nước.Trong tiến trình Nam tiến, các chúa nhà Nguyễn đã dùng phương cách thứ nhất là đưa lưu dân Việt Nam đến các vùng có người Chân Lạp cư ngụ để làm “tằm ăn dâu,” và thứ hai là lợi dụng vào sự suy yếu của các triều vua Chân Lạp thời bấy giờ. Sở dĩ các chúa chấm dứt cuộc Nam tiến ở đây, không phải vì các chúa không muốn tiếp tục xâm lấn thêm những vùng còn lại của Chân Lạp, mà vì vùng Thủy Chân Lạp quá bao la, các chúa cần một thời gian để khai khẩn và ổn định để biến vùng này trở thành đất thuộc của Việt Nam. Vì có lúc các chúa đã chiếm cứ hết các vùng Kompong Som và Kampot, nhưng không giữ nổi vì không đủ người đến khai khẩn, nên cuối cùng những vùng này lại trở về với Chân Lạp. Đến khi đất Nam Kỳ đã ổn định, có lúc Việt Nam đã đô hộ và biến toàn bộ Lục Chân Lạp thành Trấn Tây Thành. Tuy nhiên, lúc đó vương triều nhà Nguyễn đã suy yếu, dù nhiều lần đã chinh phục nốt phần đất còn lại của Chân Lạp, nhưng rốt rồi cũng không giữ được. Kịp đến liên quân Pháp và I pha Nho xâm chiếm Việt Nam, thì hầu như các vua chúa nhà Nguyễn không còn sức chống cự nữa, mà chỉ biết buông giáo buông mác để đầu hàng. Nói gì thì nói, không ai phủ nhận được công lao của các chúa Nguyễn với công cuộc Nam tiến và mở mang bờ cõi về phương Nam. Tuy nhiên, đất nước này nào phải của riêng ai! Nếu Nguyễn Phúc Ánh nhận thức được như vậy mà không rước Xiêm, rước Tàu rồi rước Tây về dày xéo đất nước, làm cho chẳng những quân đội của ấu chúa Tây Sơn suy yếu và cuối cùng sụp đổ và dân tình đồ thán thì có lẽ giờ này đất nước Việt Nam chúng ta đã có một bộ mặt khác hơn bây giờ nhiều lắm. Trong suốt thời gian 26 năm cố giành giựt lại giang san trong tay nhà Tây Sơn, rồi ấu chúa Tây Sơn, từ năm 1777 đến 1802, Nguyễn Ánh đã gây ra không biết bao nhiêu là cảnh núi xương sông máu cho nhân dân Nam Kỳ Lục Tỉnh, khói lửa chiến tranh của một dòng họ đã vùi dập không biết là bao nhiêu xương máu của nhân dân miền Nam, tham vọng “bá đồ vương” của một con người ích kỷ hẹp hòi đã gây ra vô vàn tang tóc đau thương cho dân chúng miền Nam với những trận đánh đẫm máu, nhứt là dân chúng các vùng Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ và Cà Mau. Nói chung ở miền Nam, hễ nơi nào có dấu vết của Nguyễn Ánh là nơi đó có xảy ra những cuộc chiến đẫm máu với Tây Sơn. Nguyễn Ánh đã không từ bỏ bất cứ một phương cách nào trong việc giành giựt lại giang sơn trong tay nhà Tây Sơn, kể cả việc rước voi về dày mả tổ hay cõng rắn cắn gà nhà. Chính vì thế mà hết rước Xiêm rồi rước Tây, thậm chí có lần Nguyễn Ánh đã ăn “ké” với sự cầu viện của Lê Chiêu Thống, bằng cách gửi 500 xe lương cho quan quân xâm lược nhà Thanh khi họ tiến vào Thăng Long. Có người đã ngụy biện nhằm khỏa lấp những tội lỗi của Nguyễn Ánh, họ cho rằng Nguyễn Ánh là người có công thống nhất đất nước. Thật sự ngoài cái công giành giựt lại toàn bộ giang san cho dòng họ mình từ trong tay ấu chúa Tây Sơn, Nguyễn Ánh chả có công cán gì khác cho quốc gia dân tộc. Những kẻ ngụy biện ấy quên rằng chính vị anh hùng áo vải đất Tây Sơn mới là người đánh lộng thần Trương Phúc Loan cũng như giặc Xiêm và lũ cõng rắn Xiêm ở phương Nam tại trận Rạch Gầm Xoài Mút, rồi sau đó phải kéo quân về Bắc để một lần nữa dẹp tan lộng chúa Trịnh và Mạc và giặc Thanh do Lê Chiêu Thống cõng về, để gom toàn bộ giang san về một mối. Họ lại còn hàm hồ cho rằng sự phân chia quyền hành cai quản đất nước cho hai người anh em khác của Nguyễn Huệ là Nguyễn Nhạc ở vùng Qui Nhơn và Nguyễn Lữ ở vùng Gia Định là sự phân chia Việt Nam ra làm ba nước, quả là một nhận định hàm hồ và thiên lệch có dụng ý làm lợi cho ý đồ giành giựt lại giang sơn của Nguyễn Ánh (nếu nói như họ thì hóa ra ngày trước VNCH có bốn vùng chiến thuật do bốn ông tướng cai quản là bốn nước khác nhau à?). Thôi thì lịch sử đã sang trang, việc đó hãy để cho lịch sử suy xét, bây giờ chúng ta hãy nói về miền Tây thân yêu của chúng ta.

Về phía Nam Đông Nam Sài Gòn Gia Định khoảng 50 cây số là vùng Tân An. Tân An là cửa ngỏ của đồng bằng sông Cửu Long, đi về miền Tây trù phú, với những cánh đồng ngút ngàn. Tân An nằm giữa lưu vực hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nối liền với Đồng Tháp Mười. Dưới thời các chúa Nguyễn thì Tân An trực thuộc châu Định Viễn của dinh Long Hồ và dân số trong vùng chưa đầy 5.000 người. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây vào năm 2.000, thì dân số toàn tỉnh Tân An đã lên tới 1.306.202 người. Dưới thời Tự Đức, Tân An trở thành phủ thuộc tỉnh Gia Định với hai huyện Cửu An và Phước Lộc. Tân An nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, với phần lớn đất đai của Đồng Tháp Mười. Về vị trí thì phía Bắc Tân An giáp Cao Miên (vào thời Pháp thuộc, họ tách một phần phía Bắc của tỉnh Tân An để thành lập tỉnh Chợ Lớn), Nam giáp Mỹ Tho (Tiền Giang), Đông giáp Sài Gòn và Tây giáp Cao Lãnh và Sa Đéc (bây giờ là tỉnh Đồng Tháp). Thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ, khi họ mới bắt đầu chia miền Nam ra làm 20 tỉnh, thì diện tích toàn tỉnh Tân An là 380.000 mẫu Tây, nhưng chỉ có 80.000 mẫu Tây ruộng đất ở phía Nam của tỉnh có đất đai phì nhiêu, còn lại đa phần là những vùng trũng thấp, ủng nước trong nhiều năm, với những đầm lầy đầy cỏ lác, cỏ năng, hoặc những loại sen mọc hoang dại. Đồng bằng sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây) nằm giữa hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Cửu Long, nên đất đai của Tân An rất mầu mở, phong phú và được thiên nhiên ưu đãi về mọi mặt. Ngay khi giặc Pháp chiếm Nam Kỳ, nhất là sau vụ anh hùng Nguyễn Trung Trực tấn công tàu Espérance trên sông Vàm Cỏ, Pháp bèn chia tỉnh Định Tường ra làm ba tỉnh Mỹ Tho, Tân An và Gò Công. Pháp cắt các vùng Bến Lức, Bình Phước, Thủ Thừa, và Mộc Hóa (cả 4 vùng ấy có cả thảy 10 tổng và 64 xã) để thành lập tỉnh Tân An, để có đủ cấp số quân đội, hầu dễ dàng kiểm soát vùng đất mà chúng cho là có nhiều quân phiến loạn (quân kháng chiến chống Pháp) hoạt động. 


Hết Phần 2 (trang 5-7) 
Người Long Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét