Tôi xin chia sẻ với các thân hữu những câu chuyện ngắn sau đây, đã xảy ra khi xưa lẫn ngày nay, vừa là chuyện có thật, vừa là chuyện hài hước nhưng nội dung hàm chứa những điều hữu ích, đáng để cho chúng ta suy nghĩ.
1-Vị quan thanh liêm.
Ngày xưa có một vị quan nổi tiếng là thanh liêm. Ông đã xử một vụ kiện giúp ông nhà giàu kia trắng án, ông này muốn đền ơn nên đi tham vấn vợ quan, bà này nói « Quan nhà tôi rất thanh liêm, không nhận lễ vật đâu nhưng ông ấy tuổi tý vậy ông nên làm một con chuột bằng vàng, sơn đen rồi đem tặng, chắc ông ấy không nỡ từ chối đâu !». Ông nhà giàu y lời, làm theo ý kiến quan bà. Một thời gian sau, vị quan này bị thất sủng, về quê sống nghèo nàn, khi đó bà vợ mới cắt chân, đuôi chuột vàng đem bán để sống qua ngày.
Khi hỏi bà vợ thì mới biết việc này, quan liền than: « Tại sao bà không nói tôi tuổi sửu thì bây giờ đỡ khổ hơn ! »
Lời bàn: Khi ở hoàn cảnh cùng cực con người thực mới biểu hiện ra, như khi say mới lỡ lời vì lúc đó mình không làm chủ được mình.Tương tự như ở trong trại cải tạo, con người bị tù đày, giam hãm, đẩy vào hoàn cảnh đói khổ, quá sức chịu đựng nên có thể vì một miếng cơm cháy nhỏ mà làm hại bạn bè!
2/- Hành lang cám dỗ
Câu chuyện tương tự do nhà văn Pháp Voltaire diễn tả trong bài « hành lang cám dỗ » (le corridor de la tentation). Một nhà vua muốn tìm một vị quan liêm khiết, thay thế vị quan đương nhiệm đột ngột qua đời, để quản lý ngân khố nên hỏi ý kiến một vị cận thần tin cẩn. Ông này khuyên vua mời các quan đi qua hành lang nơi vua trưng bày rất nhiều châu báu ngọc ngà và để họ thong dong ngắm nghía, nhìn no con mắt rồi ông này lén ra lịnh làm tắt hết đèn khá lâu, mới cho thắp đèn trở lại. Sau đó, nhà vua mời các quan sang một phòng khác khiêu vũ. Ông quan cận thần liền chỉ cho nhà vua thấy người nhảy nhịp nhàng, uyển chuyển chính là vị quan liêm khiết mà nhà vua muốn tìm kiếm!
Lời bàn: Người ta thường nói « bóng tối là đồng lọa với tội lỗi và cám dỗi».Một người không tham một vài trăm, vài ngàn nhưng đứng trước một số tiền to tát hơn là vài trăm ngàn, vài triệu, vài viên hột xoàn thật to… chắc cũng có thể động lòng, nhất là xảy ra trong bóng tối và lại bị gài bẫy!
3/- Tâm tà hay tâm chánh?
Trong đạo Kitô, trước khi lên nước Chúa bắt buộc phải tới một nơi để được phán xét cuối cùng (purgatoire). Muốn đến nơi này thì phải vượt qua một chiếc cầu tĩnh tâm, bắc ngang vực thẳm ; người nào có tâm niệm xấu thì sẽ rơi xuống vực thẳm, đày vào địa ngục.Trong số những người muốn qua cầu này có một vũ nữ sexy và một ông cha đạo mạo. Ông cha khuyên cô vũ nữ không nên đi nếu chưa chuẩn bị cho lòng thật tinh khiết. Cô này trả lời là mình đã sẵn sàng, không thể chờ lâu được nữa nên quyết định đi trước, còn cha theo sau. Cô đi nhún nhảy, ẹo qua, ẹo lại, làm sao không biết nhưng khi đi được giữa cầu thi bỗng nghe tiếng « ùm » thật lớn, mọi người nhìn kỹ thì thật rất bất ngờ vì không thấy cha đâu cả!
Lời bàn: Cái áo không làm nổi thầy tu. Vẻ đạo mạo bên ngoài chưa hẳn đã thanh tịnh bên trong, làm nhiều người hiểu lầm . Ông cha đi sau người vũ nữ bỗng nẩy tà tâm nên mới bị rơi xuống vực thẳm!
4/- Một câu chuyện thi nộ
Hai huynh đệ đồng hành, đến một chỗ có một vũng nước lớn cả hai dừng lại và người thứ ba đến sau là một cô gái không biết làm sao để đi qua. Sau một lúc lưỡng lự, vị sư anh quyết định giúp cô gái, cõng cô ta qua vũng nước. Trên đường về chùa, người sư em luôn luôn không ngớt cằn nhằn sư anh đã phạm giới. Sư anh, hơi bực mình, mới lên tiếng trả lời: « Sư huynh chỉ cõng cô ấy qua vũng nước rồi thôi, còn sư đệ về đến chùa mà vẫn còn cõng cô ấy trong tâm ! »
Lời bàn:Vị sư huynh đã giúp cô gái vì lòng nhân còn vị sư đệ cũng muốn giúp nhưng với dụng ý khác Do đó khi thấy sư huynh mình đã làm rồi thì đem lòng ghen tức nên hằn học trách móc, về đến chùa mà dạ vẫn chưa nguôi!
5/- Cha của con cũng là cha của mẹ!
Đây là một câu chuyện có thật đã đăng trên báo Le Parisien (người dân thủ đô Pháp) mà tôi đã đọc, cách nay mười mấy năm rồi, khi đó tôi làm chủ một tiệm sách báo nhỏ. Chuyện kể là một thanh niên kia, lúc còn bé thường bị bạn cười chê là không có cha nên hay hỏi mẹ là cha con đâu nhưng bà mẹ không có trả lời như thiếu phụ Nam Xương mà chỉ nói là "Cha con đi làm xa " và khi đứa con hỏi nữa thì lại đáp "Chắc là mất tích, không có tin tức gì cả!" Những câu trả lời này không làm cho đứa trẻ hài lòng nên khi khôn lớn thì tự mình tìm hiểu. Sau một thời thời gian tìm tòi, người thanh niên mới khám phá ra được là cha ruột của mình chính là cha xứ bản đạo mà mẹ mình cũng gọi là cha!
Lời bàn:Việc cha xứ vụng trộm tư tình với con chiên cũng có thể tha thứ được vì cha cũng là con người với « thất tình nhục dục » nếu cha cởi áo dòng và sống đời sống bình thường. Điều đáng trách là vẫn bận áo thầy tu, giảng giáo lý cho mọi người mà chính mình lại phạm giới !
6/- Chuyện xa cũng là chuyện nay!
Cuộc đời là một dòng chảy liên tục, những gì xảy ra thuở xưa cũng có thể tái diễn lại ngày nay.Vị quan cũng có lúc bồi hồi luyến tiếc ngày xưa đã thanh liêm ; ông cha đạo mạo cũng có giây phút khởi niệm xấu trong tâm ; bóng tối vốn đồng loại với tội lỗi, cám dỗ nên làm các quan động lòng tham; vị sư em nhớ giới nhưng tâm không thấm giới ; ông cha xứ tu hành giảng đạo nhưng lòng lại không tu. Việc đời vô cùng vi tế, kẻ gian hùng, người ngụy quân tử, thay đổi thường xuyên bộ mặt và cách ứng xử như con tắc kè (camélion) thay đổi màu sắc tùy theo thời tiết và môi trường, không biết đâu mà lường! Những con người này nếu không bị đặt vào trong tình huống đặc biệt nào đó mới để bộc lộ mặt nạ ra thì chúng ta khó lòng biết được con người thật của họ mà xưa nay họ đã khéo léo che dấu! Ngay trong chốn thiền môn cũng xảy ra những câu chuyện không thể ngờ được! Một vị Thiền sư nổi tiếng nước ta đã từng là nạn nhân của hạng người này nên mới viết mấy câu thơ sau đây: Đời vô thường vô ngã Người khẩu Phật tâm xà Niềm vui còn gửi gắm Ta vui lòng đi xa!
Lời bàn: Thiền sư còn phải « đi xa », mình thì phải làm sao nhỉ? Nếu trong bạn bè, người thân mà có loại người như thế thì mình phải «tránh xa » và coi như thấy bãi phân to trong vườn hoa đẹp, chờ khi nào phân rã tan theo mưa gió, hết mùi hôi thúi mình trở lại ngắm hoa đẹp xinh tươi, thưởng thức hương thơm vị lạ!
Hoài Việt DHĐ
(Sưu tầm và ghi thêm lời bàn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét