Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Trần Quang Quờn - Người Gợi Hứng Cho Bài "Dạ Cổ Hoài Lang"

Tại góc đường 2 tháng 9 và Trưng Nữ Vương ở thành phố Vĩnh Long, có một quán café nhỏ mang tên “Triêu Dương”. Chủ nhân của quán café này là ông Trần Thế Vĩnh, hậu duệ của ông Trần Quang Quờn, còn gọi là Kinh lịch Quờn (1875-1946), người được xem là “người gợi hứng cho bài “Dạ cổ hoài lang”, tiền thân của bài Vọng cổ.

(Quán Triều Dương - Ảnh Trương Văn Phú)

Không có tài liệu chính xác để biết rõ từ lúc nào và những ai đã sáng tác ra những bản đờn, những bài ca, nhưng đến những năm đầu của thế kỷ XX, những nhà yêu nhạc miền Nam đã phân chia âm nhạc Nam Bộ làm hai loại: nhạc nhà nghề và nhạc tài tử.
Nhạc tài tử là tên gọi của những người chơi nhạc không chuyên để phân biệt với những người chơi nhạc nhà nghề. 
Nhạc tài tử miền Nam trong giai đoạn thành lập, có một số bài bắt nguồn từ những bài ca Huế, ca Quảng và chia thành hai điệu chính: điệu Bắc và điệu Nam. Sau đó, các nghệ sĩ miền Nam đã đặt thêm những làn điệu khác nhau: hơi Đảo, hơi Xuân, hơi Ai và hơi Oán. Trong âm nhạc tài tử, bài Bắc dùng ngũ cung đúng như ở miền ngoài. Bài Nam vẫn dùng ngũ cung đúng, nhưng có thêm hơi Đảo và hơi Xuân. Tuy nhiên, bản Nam Ai (theo hơi Ai) của miền Nam khác với bản Nam Ai của ca Huế. Riêng hơi Oán là làn điệu đặc biệt, nó dùng một ngũ cung khác hẳn với ngũ cung của ca Huế. Sự khác biệt này, chứng tỏ hùng hồn sự có mặt của các nghệ sĩ tài tử của Nam Bộ.

Tại Vĩnh Long, vào khoảng 1920, một người tài hoa xuất chúng về cầm, kỳ, thi, họa tên là Trần Quang Quờn đã dành thời gian và tiền bạc để phát triển ngành nhạc tài tử. Ông sinh năm 1875 tại làng Thiềng Đức (nay thuộc Phường 5-thành phố Vĩnh Long), thường được người cùng thời gọi là Kinh lịch Quờn, vì từng làm chức Kinh lịch (Letté), người chuyên dịch những văn bản của tòa án từ chữ Hán ra chữ Việt.
Kinh lịch Quờn vốn là nhà nho, giỏi tiếng Pháp, hay làm thơ và chơi đàn nổi tiếng. Ông chơi được nhiều loại đàn: tỳ bà, đàn kìm, đàn tranh. Riêng ngón đàn tỳ bà của ông, ai cũng khen là hay tuyệt!

Ông đã sáng chế ra một số nhạc cụ mới nhưng không thành công vì không ai dùng đến, ngoài nhóm tài tử ở Vĩnh Long trong thời đó. Từng chế ra một cây đàn kìm thế cho cây nguyệt cầm cổ điển với ước vọng là muốn cho cây đàn mà ông sáng chế ra kêu hơn, có âm thanh nhiều hơn cây đàn đã có sẵn. Nhưng tiếc thay, cây đàn do ông chế ra kềnh càng, không quen mắt nên lâu ngày bị bỏ quên vì không đúng như quan điểm công chúng quen sử dụng.
Mộng ông to lớn, muốn làm một cuộc chỉnh lý quan trọng trong giới âm nhạc. Ông đã dành nhiều thì giờ, công phu nghiên cứu nhạc cổ, với phương pháp: phải chọn lựa, sửa đổi bài bản cũ, cái nào hợp thời thì để, không thì bỏ. Những bài bản nào đã chọn lựa, phải khảo sát cho kỹ cáng từng câu, từng chữ. 
Ông đã dựa trên cơ sở âm điệu nhạc cổ để sáng tác ra một số bản nhạc tài tử mang những cái tên rất đẹp, gồm:

+ Loại Bắc: 
- Hiệp điệp xuyên hoa (đàn bướm hút nhụy)
- Thanh đình điểm thủy (chuồn chuồn vờn mặt nước)
- Kim oanh trịch liễu (chim oanh làm cong cành liễu)
- Song cưu đối ngữ (hai chim cú nói chuyện)
- Anh võ năng ngôn (con vẹt hay nói)
- Cơ miêu quắc thử (mèo vồ chuột)
- Tước dược (chim sẻ nhảy cao)
- Cứ hổ báo nhập trọng địa (hổ báo vào đất dữ)
- Tróc mã (giữ ngựa)
- Đàn tâm (mở trái tim)

+ Loại Nam:
- Đông hoàng (mùa Đông nghỉ)
- Thu thinh (tiếng mùa thu)

+ Loại Oán:
- Thừa nhan (gặp gỡ)
- Hàn huyên (thăm hỏi)

+ Loại Ai oán:
- Dạ bán chung thinh (tiếng chuông nửa đêm)
- Tẩu lẫn phi oanh (chạy theo đom đóm)

Đặc sắc nhất là hai bàn Tứ đại oán và Văn thiên tường, mà cho đến nay hai điệu ấy là bài bản lớn cho các sân khấu cải lương. Riêng bản Dạ bán chung thinh (tiếng chuông nửa đêm) - gọi trại là “Dạ bán chung tình”- được người đời sau cho rằng chính nó đã gợi hứng cho ông Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) sáng tác ra bài Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bài Vọng cổ!

Ông mất năm 1946 tại Vĩnh Long, thọ 72 tuổi.

(6/5/2016)
Tín Đức
Nguồn: Dựa theo tài liệu của gia đình Hàn nho Lương Tử Mạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét