Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Tết Này Tìm Được Bạn - Ái Hữu 72 Tống Phước Hiệp


      Xuân Giáp Ngọ năm nay 2014, một món quà bất ngờ và rất có ý nghĩa gửi tặng cho ái hữu 72 chúng tôi vào những ngày cận Tết,đó là cú điện thoại đường dài từ phương xa của ái hữu 16 Nguyễn Văn Tánh. Thật ra vài ngày trước, vào một buổi chiều em họ tôi Hồng Minh Kim đến nhà nói rằng : bạn của chị bên Mỹ hỏi thăm chị.
      Tôi lẹ miệng : Phùng Thị Hồng Mỹ hả?(tại sao tôi nghĩ liền đến cô bạn thân học chung lớp ĐHSP này, vì Mỹ và Kim là anh em họ bên nội còn tôi và Kim là chị em họ bên ngoại của Kim) Kim lắc đầu: không phải, người này tên Tánh, nhờ xin số điện thoại của chị để liên lạc. Tôi mừng rỡ la lên: anh Tánh trong nhóm ái hữu 72 của chị,sao anh Tánh biết Kim mà liên lạc?

      Sao vài câu giải thích của Kim thì ra cũng nhờ trang Tongphuochiep71 và tongphuochiep.com mà anh Tánh trao đổi qua điện thoại với Kim mới có buổi chiều đặc biệt này. Ái hữu 72 cám ơn các trang mạng tongphuochiep và Kim nhiều. Riêng tôi rất cám ơn Kim Oanh khi còn trong Ban biên tập Tongphuochiep.com đã làm cầu nối trong gần một năm qua khi đưa lên trang những bài viết đơn sơ, mộc mạc, xuất phát từ những tình cảm chân thật của những cô cậu học sinh 17,18 tuổi lớp ban B,văn chương, thơ thẩn không sánh với các bạn ban C, nhưng với nhóm ái hữu đó là tài sản quí giá còn lại hơn 40 năm. Kim Oanh biết không? Anh Tánh được đọc lại tất cả những bài trong nội san ái hữu 72 đã được Oanh đưa lên trang Tongphuochiep.com trong suốt thời gian dài trước khi có dịp tìm lại được bọn chị đó. Công em lớn lắm nhe.

       Nhìn số điện thoại gọi về tôi nghĩ liền là anh Tánh, nhưng cũng không chắc, khi nghe giọng nói của anh tôi nhận ra ngay, tôi hay không? Biết bao nhiêu chuyện để nói sau thời gian quá dài anh và bạn bè trong nhóm không gặp nhau,phải qua vài cú điện thoại anh em mình mới nắm sơ qua tình hình tất cả các bạn trong nhóm. Trong bài “ Kỷ niệm 40 năm ái hữu 72” Tôi có viết …Nếu có phép màu hy vọng anh sẽ xuất hiện tìm lại Ái hữu…….anh khi nào xuất hiện hay gửi tin tức về, các bạn vẫn nhắc về anh. Khi tôi viết những lời này tôi cũng hy vọng nơi đâu đó sẽ có dịp anh đọc được, nhưng quả thật hy vọng rất mong manh.Trời không phụ lòng người anh Tánh nhỉ? Vì anh đã trở về với nhóm rồi .

       Tết hơn bốn mươi năm trước, các bạn nhà ở thị xã Vĩnh Long thường tập trung lại rồi mới đến tôi (ở Trường An) năm nào cũng thế ba tôi thường đặt một quyển tập trên ghế tràng-kỷ để khách tới chúc Tết đều ký tên vào kỷ niệm và các bạn tôi cũng không ngoại lệ(tình cờ sau này tôi còn nhìn lại được những trang giấy ấy với tên và chữ ký của các bạn) Kế đó trực chỉ đến cầu Cái Tàu quẹo phải vào nhà Duyên, nơi này thường có màn văn nghệ vì chị em Duyên đều có máu văn nghệ đàn hát rất hay, tiếp theo đến nhà ông bà ngoại của anh Tánh, được uống nước dừa mới hái từ trên cây xuống,đúng như Tâm viết trong bài “Du Xuân”( nội san tập 1): những ly nước thật huyền diệu, chúng cháu đang khát đây ông bà ạ. Sau khi rời nhà các bạn, trực chỉ vườn hồng Sađéc, hoặc chạy thẳng qua Long Xuyên ngồi uống nước vòng về hướng Cần Thơ….Trời nắng chan chan vậy mà hơn chục cô cậu vẫn bon bon xe trên đường nhựa nóng rát để làm 1 vòng DU XUÂN VĩnhLong - Long Xuyên - Cần Thơ -VĩnhLong (năm sau thì đi ngược lại), lúc đó làm gì có đeo khẩu trang, mặc áo khoát che kín từ đầu đến chân để tránh nắng như bây giờ, vì thế chiều về tới nhà mặt đen thui, xe cũng không đủ cho nhiều bạn, nên vài bạn không thể tham gia, có bạn phải mượn của người thân, để chiều về đầu xuân bạn ấy phải nghe lời trách phạt, vậy mà ai cũng thấy vui. Bây giờ ở tuổi này mỗi khi nhìn thấy lớp trẻ (trong đó có con cháu của tôi) cũng chơi Tết như thế, tôi cằn nhằn, nắng chan chan mà khùng sao chạy ngoài đường, chúng cười nói “Tết mà mẹ”, tôi cũng nhớ ra “mấy mươi năm trước mình cũng khùng như chúng sao?”, nhưng có như thế mới là trẻ con, mới là Tết chứ, dù sao bây giờ chúng cũng trang bị đầy đủ để không bị nắng làm xấu đi da mặt mà.

 (Ảnh Tết Long Xuyên 1972)
      Tết năm rồi 2013, nhóm ái hữu còn lại ở Vĩnh Long thực hiện chúc Tết các gia đình ái hữu :
- Thầy Nguyễn Văn Cai (giáo sư hướng dẫn năm lớp 11B3),
- Cha mẹ ái hữu 7 Mai Thị Tâm
- Mẹ ái hữu 11 Nguyễn Văn Hồng
- Mẹ ái hữu 13 Nguyễn Hữu Hải
- Chị Nguyệt chị của ái hữu 9 Nguyễn Văn Tùng
- Gia đình ái hữu 5 Nguyễn Anh Dũng
- Gia đình ái hữu 14 Phan Thị Sương.
- Gia đình ái hữu 15 Phan Tấn Lộc ( lâu rồi Lộc không liên lạc mặc dù ở Vĩnh Long,lý do bị bịnh,Tâm và tôi phải hỏi thăm tìm đến nhà,vì nhà Lộc gần dưới chân cầu Mỹ Thuận tôi chưa đi lần nào nên lúc về từ nhà Lộc chạy ra con đường dẫn lên cầu thay vì quẹo trái để vòng chân cầu về Vĩnh long,tôi quẹo phải mới chạy một đoạn tôi giật mình: sao giống đang chạy trên cầu Mỹ Thuận về Sài Gòn thế ? tôi chạy chậm lại.
       Tâm mới vọt lên nói: Sương chạy lộn rồi qua cầu Mỹ Thuận đó, ngừng quẹo lại thôi.

      Tôi chỉ chạy xe qua cầu Mỹ Thuận một lần duy nhất là đi đám tang cha của thầy hiệu phó trường tôi dạy thôi và tôi cũng rất ngán chạy xe qua cầu này vì cao quá,tôi cũng yếu tay lái,nhưng quẹo lại thì chạy ngược chiều trên cầu rất nguy hiểm,rủi gặp công an giao thông thì tiêu,Tâm bảo không sao đâu ,nhưng tôi nhát gan thấy nhiều xe chạy quá nên quyết định tiếp tục làm người dân thực hiện đúng luật giao thông là vượt cầu Mỹ Thuận dạo chơi xuân cùng Tâm.


     Tết Giáp Ngọ 2014 này,tiếp tục phát huy tinh thần năm rồi, mùng 4 Tết cũng ba người Dũng,Tâm,Sương trực chỉ Cái Tàu đến chúc Tết cha mẹ ái hữu 16 Nguyễn Văn Tánh, người mà biệt tích mấy chục năm nay. Đường đi năm nay khác xa 40 năm trước nhiều, xe cộ tấp nập người người cùng nhau đi chơi Tết, hai bên đường nhà cửa san sát, nhà nào cũng có vài chậu hoa cúc, vạn thọ, dài suốt các con đường là màu đỏ của cờ nước, tất cả tạo nên một không khí nhộn nhịp vui tươi.
       Cám ơn một năm chúng ta có một cái Tết Nguyên Đán để đa số mọi người dù đi đâu cũng cố trở về đoàn tụ gia đình, còn nếu một mình ở đâu đó thì đêm giao thừa dẹp hết những bận bịu lo toan để nhớ về người thân và hứa thầm năm sau “sẽ về”.

       Tết! Cũng là dịp để con cháu đi thăm bà con nội ngoại. Tôi nhớ lúc còn bé gia đình tôi ở Saigon, gần Tết chị em tôi đếm lịch từng ngày trông mau tới ngày nghỉ để về quê Vĩnh Long, ngày về đi xe xích lô máy ra bến xe đò lục tỉnh (đường Lê Hồng Phong bây giờ) xe mới quẹo chạy chậm để tìm xe đò Nhan Nhựt về Vĩnh Long là ôi thôi các lơ xe chạy ra chặn đầu xe mời vào mua vé, phải khó khăn lắm mới tới được xe mình cần đi ( ngày xưa xe chạy Vinh Long – Saigon có 2 hảng xe đò là Nhan Nhựt và Hiêp Thành nhưng gia đình tôi thường đi xe Nhan Nhựt vì đây là bên chồng của cô 7 tôi ), bảo đảm tới cầu Mỹ Thuận cũng kẹt phà, vì nhà nội tôi qua cầu Mỹ Thuận là gần tới nhà rồi, nên chúng tôi thường bỏ xe xách đồ đi bộ qua phà, đón xe lôi tới nhà nội. 
      Trong các ngày Tết cha mẹ tôi đều dẫn cả nhà thành hàng dài ( vì anh chị em tôi tới chín người lận)đi bộ theo đường làng đến thăm bà con.Đi chơi Tết phải đi về vùng quê mới thấy vui, dọc đường quê đa số nhà nào cũng có ít nhất một cây mai vàng nở rộ chưa kể xen các loài hoa mồng gà,vạn thọ,cúc,hồng v.v. mọi nhà thường mở toan các cánh cửa, vọng ra đủ âm thanh cười nói rôm rả, ly chén chạm nhau, nếu nhìn ra thấy người quen là vội lên tiếng chúc mừng mời gọi vào nhà uống một ly rượu Tết,suốt đường đi cha mẹ tôi phải gật chào liên tục đôi khi phải dừng lại hỏi thăm nhau vài câu với bà con làng xóm.Thỉnh thoảng mẹ tôi giật mình vì tiếng pháo nổ “đùng” do lũ trẻ con chụm lại đốt trước sân, khi đó má tôi rất hoảng hốt vội bịt tai lại trông bà rất tội nghiệp.

      Điểm đến cuối cùng xa nhất là nhà bà 6(em ông nội tôi) cũng hiện ra trước mắt, tôi rất thích tới nhà nào mời dưa hấu vì ngày xưa chỉ Tết mới có dưa hấu mà thôi không như bây giờ quanh năm dưa hấu đều có,vì gia đình tôi quá đông và đi tới đây cũng mất gần tiếng chứ mau gì nên bà luôn đải chúng tôi món dưa, ăn vào thật đã cơn khát. Lúc đi háo hức bao nhiêu lội bộ xa cũng không mệt,khi về mới biết khổ: nắng, mệt, mỏi mạnh ai nấy đi không nói tiếng nào anh chị lớn thì đi nhanh về nhà trước, nhóm bé từ 10 tuổi trở xuống (có tôi) thiểu nảo bước đi với sự giám sát của cha tôi,tôi thầm mong có 1 chiếc xe lôi chạy qua để mà leo lên nhưng đường làng lúc đó rất ít có xe lôi lui tới,thôi thì “từng bước, từng bước thầm “ cũng tới nhà. Hôm sau cả nhà tiếp tục về thăm bên ngoại tại Long Mỹ, phải 3 xe lôi mới chở hết gia đình tôi,nhưng xe chỉ tới chân cầu, chúng tôi phải tiếp tục đi bộ, nơi này không nắng vì đường đất chạy sát bờ sông,có nhiều cây dừa to mát nhưng khó khăn cho mẹ tôi và cho lũ trẻ con như tôi là phải qua 2 cây cầu khỉ dài 3 nhịp nối nhau bởi 3 cây tre,tuy có tay vịn nhưng bước lên là có nhịp đu đưa rồi, má tôi quấn áo dài, bỏ dép ngồi xuống lần từng bước để qua,bọn tôi đứa nào quá bé thì cha tôi bồng qua vậy mà cứ sợ lọt xuống nước, có chị sợ không chịu qua cầu, đòi ở đó chờ về, nhưng sau cùng cũng phải chinh phục được các cây cầu khỉ này để đến nhà bà 3,bà 4,ông7 ( em ông ngoại tôi). Bận về chờ nước lớn chúng tôi được xuồng đưa ra thoát cảnh bò qua cầu.Những năm sau ám ảnh bởi cây cầu khỉ, lủ nhỏ chúng tôi không chịu đi, nhưng rất may cây tre cũng phải hư, họ thay bằng cây cầu dừa to lớn có lẽ họ không muốn các cháu vì sợ cầu tre lắc lẻo mà không về thăm quê ngoại mỗi dịp xuân sang. 

      Tết! Bạn bè hẹn gặp nhau để thăm thầy cô,để đến thăm nhau,giống như chúng tôi bây giờ đang bon xe trên đường đến thăm nhà các bạn ái hữu vậy.Tới chân cầu Cái Tàu rồi
       Tôi chạy sau hai bạn nói vọng tới: Quẹo trái đi dọc trước ngân hàng chạy thẳng vào chợ tìm theo địa chỉ nhe.
      Ôi! xe quá,quốc lộ mà dưới chân cầu nữa chứ,tranh thủ theo các xe qua lộ,chậm chậm để tìm,tuy quê bà nội tôi cũng tại đây,chú 3 của tôi ngày xưa là thầy thuốc bắc tại chợ này,nhưng đã lâu tôi không có dịp bước chân vào chợ(mặc dù đã từng ngồi xe đò chạy ngang đây nhìn xuống) nên thấy nhiều đổi thay,con đường nhỏ ngày xưa bây giờ trở thành rộng lớn và là trung tâm chợ,các giỏ quà Tết bày bán dọc đường tô điểm nét đẹp cho ngày Tết .

       Đang dõi mắt tìm từng tên cửa hàng,xe Dũng dừng lại,đúng rồi đó là em anh Tánh đây.Thế là buổi họp mặt đầu năm mùng 4 Tết năm Giáp Ngọ của ái hữu 72 tại Cái Tàu Hạ nơi nhà ái hữu 16 Nguyễn Văn Tánh với sự hiện diện Dũng,Tâm,Sương,vợ chồng anh Tánh( qua màn ảnh )cùng ba mẹ anh Tánh.Đã hơn 40 năm không gặp lại,nhưng anh vẫn nhận mặt được từng người,còn tụi này nhận diện anh không ra,có lẽ bơ sữa phủ đầy người nên thay đổi chút xíu ( đừng giận nhe).Biết bao chuyện để nói với nhau,tuy chúng ta cách nhau nửa vòng trái đất nhưng xuân này anh có dịp nâng “ly rượu mừng” cùng Ái Hữu khác với mấy mùa xuân qua anh Tánh nhỉ?

       Tôi chợt nghĩ ra phải mở một nhà hàng có phòng đặc biệt,trong đó một bàn không phải mười ghế ngồi vây quanh, mà như hôm nay bốn ghế dành cho Dũng,Tâm,Hồng,Sương,và năm màn hình dành cho vợ chồng các ái hữu như Tùng, Ích-Yến,Tánh, Hải,Thái Sơn. Mà không, phải chín màn hình, thêm cho những ái hữu ở Saigòn như Tiên, Hà-Nở, Duyên,Trường nữa. Khi đó phục vụ bàn nghe nói cười ầm ỉ nhưng ghé mắt nhìn vào chỉ lèo tèo có vài người thôi, chắc họ hoảng sợ làm rơi ly chén quá. Như thế các bạn ở phương xa vẫn chơi Tết ở VĩnhLong như mấy mươi năm trước, nhưng khác là không có cái nắng đốt cháy người, không có những bắt tay chúc mừng nhau được.

       Bây giờ phương tiện hiện đại các bạn ở xa thường xuyên liên lạc được với cha với mẹ giúp ông bà đỡ nhớ con, (tôi nhìn thấy được qua chuyện trò cùng mẹ anh Tánh),dù Tết đến các bạn không được nắm lấy đôi bàn tay đã từng bồng ẳm, chăm sóc, nuôi dạy các con nên người,nhưng vẫn có thể nhìn thấy nhau để các bạn “chúc mừng tuổi cha, tuổi mẹ, mong muốn cha mẹ sức khỏe dồi dào “ . Không như má tôi thời còn khó khăn, mỗi tháng chỉ nói chuyện qua điện thoại một lần tới lúc bà qua đời vẫn không thấy được mặt các chị của tôi kể từ lúc các chị xa nhà.

       Tết năm nay ái hữu phát huy tinh thần du xuân mạnh quá có lẽ niềm vui tìm được bạn hiền là anh Tánh thêm sức mạnh hay bản tánh ham vui?? Mùng 8 mọi người đã trở về công việc thường ngày mặc dù dư âm ngày Tết vẫn còn nhưng vẫn phải chấp hành nhiệm vụ chứ. Khi còn dạy lớp ngày đầu xuân lớp nào sĩ số học sinh cũng hao hụt, giáo viên bảo nhau tại vì chúng ở vùng sâu vùng xa thói quen ăn Tết “ hết mùng”. Dũng tuy không ở vùng sâu vùng xa nhưng cuối tháng này là đã nghỉ hưu
       Dũng cười nói: “không lẽ nghỉ một ngày họ cho mình nghỉ hưu sớm hơn, dù sau lương tháng này cũng lãnh rồi hi…hi..

       Thế là mùng 8 chúng tôi còn trực chỉ Chợ Lách (Bến Tre),ghé qua Thành Sơn,đến chúc Tết cha của ái hữu 2 Trần Thị Kim Hà, tại đây chúng tôi họp mặt cùng gia đình chị Hà, anh Nở từ Saigon về.Tuy quá lâu để gặp lại Bác trai( từ khi tiệm kem Thanh Bình dưới dốc cầu Lộ không hoạt động nữa), nhưng chúng tôi nhận ra ngay như vậy chứng tỏ Bác vẫn trẻ, tráng kiện so với tuổi 90 hiện tại 
(giống như Thầy Nguyễn Ngọc Diệp dạy Toán chúng tôi năm lớp đệ ngũ và đệ tứ,mà Tết rồi chúng tôi có đến chúc Tết Thầy Cô) Hơn bốn mươi năm trước lần đầu tiên các bạn cùng nhau đến nơi này thay vì dừng lại dưới chân cầu, một số chạy xe trước vọt luôn qua cầu nhưng eo ôi khi đó đối với tôi cầu cao quá, Tâm chở tôi bằng xe PC không thể lên cầu nổi,xuống đi bộ vậy,nhưng lên tới trên cao,thì xe chị Hà mới tới và kêu tụi tôi trở xuống, khi lên đã khó lúc xuống cũng không dễ gì. Sau này mỗi lần có dịp đi qua cầu Chợ Lách tôi đều nhớ đến kỷ niệm này.Trở về kết thúc chúc xuân năm nay tại nhà cha của aí hữu 5 Trần Anh Dũng, xem như hoàn thành nhiệm vụ đề ra cho các ái hữu tuổi Giáp Ngọ trong những ngày xuân Giáp Ngọ.

       “ Tết này tìm được bạn” hy vọng Tết sau còn vài bạn chưa gặp lại sẽ nhắn tin về để chúng tôi có kế hoạch tìm cho được một nhà hàng có một phòng đặc biệt với nhiều màn hình thay vì ghế ngồi như tôi đã nói phần trên, nhưng ai đang ở những nơi trái với múi giờ, phải ráng thức khuya hơn và hôm sau nếu không đủ sức để “đi cày”(từ của các bạn) cũng ráng lên vì một năm chỉ có một ngày Tết để chúng ta vui bên nhau cùng CHÚC TÌNH THÂN ÁI HỮU 72 TỐNG PHƯỚC HIỆP MÃI MÃI VỮNG BỀN.


Ái Hữu 14 - Phan Thị Sương


          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét