Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Nữ Tướng Tây Sơn

Truyện Lịch Sử
                                (Trích đoạn truyện "Thần Tướng")
              
            Chớm thu. Trời quang đãng không một gợn mây. Ðêm khuya. Ngọn Kim Sơn sẫm màu âm u, cỏ cây say ngủ bên dòng Hữu giang sóng nhẹ vỗ về như ru giấc. Gió mát trời xanh, khung cảnh tịch mịch vừa thơ mộng lại vừa u hoài.
            Từ phía thượng nguồn bỗng xuất hiện một đoàn năm chiếc thuyền buồm to lớn, nối đuôi nhau thành hàng chữ nhất. Buồm no gió nhưng đoàn thuyền vẫn trôi chậm chạp, như cái mệt mỏi của người đàn bà thai nghén sắp đến ngày ở cữ. Quả vậy, lòng thuyền chất đầy hàng hóa, cao vượt như cái bụng có chửa. Những sản vật quý giá của núi rừng từ ngà voi, sừng tê, nhung nai cho đến trầm hương, kỳ nam, mật ong ... chất khẳm cả lòng thuyền. Buồm căng, gió mạnh nhưng vẫn không làm thuyền rẻ sóng mau hơn. Ði giữa đoàn, trên chiếc thuyền bốn buồm lớn nhất treo kỳ hiệu hình vuông nền xanh, giải đỏ, thêu bốn chữ vàng nổi bật: Ðại Tổng Lý Bùi. Dưới khoang thuyền rộng rải, có mui che mưa nắng đan bằng cật tre già, bên ngoài phết dầu rái bóng láng không thấm nước. Bên trong trang trí đơn sơ nhưng tiện nghi. Chiếc đèn dầu chai treo bên án thư, ở giữa là một cái bàn nhỏ bốn ghế, dính liền vào khoang là một sạp nằm bằng gỗ có trải chiếu hoa điều. Ánh sáng yếu ớt, vàng vọt nhưng cũng đủ cho thấy một phụ nữ thân hình thon thả, mặc váy áo màu xanh chàm của dân tộc người Bah Nar, tóc xõa dài trên gối, đang say sưa ngũ. Mành cửa trúc khẻ lay động, từ bên ngoài bước vào một người con gái xinh đẹp khoảng đôi mươi, dáng mạnh khoẻ, bờ mông nở nang, cặp chân dài bước đi nhẹ nhàng nhưng vững chắc. Nàng vấn lại mái tóc bị gió sông thổi xỏa tung. Hai cánh tay tròn lẳn chắc nịch, làn da phơn phớt màu nâu non, dấu vết của những ngày lặn lội trên ngàn tìm mua đặc sản quý hiếm núi rừng. Khuôn ngực người con gái thẳng đứng đầy đặn, dường như chật chội trong bộ võ phục gọn gàng màu thiên thanh. Ống quần quấn xà cạp nhà võ, chiếc đai thắt lưng là cặp nhuyển tiên mềm mại không biết làm bằng gì đã lên nước đen bóng, cuốn tròn quanh chiếc eo thon nhỏ nhắn. Trên tay cầm song kiếm. Dưới ánh đèn lung linh nàng hiện thân là một giai nhân nhưng không kém phần uy nghi, kỳ vĩ của dũng tướng. Nàng ngồi xuống vói tay nhắc ấm chè xanh rót vào chiếc bát sành có điểm hoa văn sặc sỡ. Cùng lúc người phụ nữ Bah Nar cũng vừa thức giấc. Thấy cô gái, nàng mỉm cười ngồi dậy vấn gọn lại mái tóc dài óng mượt. Nhan sắc người đàn bà trẻ miền núi cũng đẹp không kém gì cô gái, còn có phần mặn mà quyến rủ hơn. Nàng bước đến ngồi bên cạnh và hỏi cô gái:
            - Sao em không ngủ thêm?
            Người con gái mặc võ phục trả lời: 
            - Em cũng vừa thức giấc, ra ngoài xem có gì lạ không? 
            Ðưa tay đón bát nước chè xanh cô gái trao, người phụ nữ Bah Nar hỏi tiếp:
            - Thế thuyền đã đến đâu rồi em? Liệu chúng ta có kịp về trong phiên chợ ngày mai không?
          - Ở đây thuộc địa phận gần vùng núi Kim Sơn. Trước kia, nơi nầy là ổ cọp. Dân lục lâm, thổ phỉ gây án bị truy nã bí đường, thường trốn lên đây kết bè kết đảng làm ăn cướp. Quan quân sợ không dám bén mãng. Mãi đến ngày Tây Sơn Vương dấy nghĩa và Trần huynh theo lịnh, đã mấy lần vào đây tảo trừng, chiêu dụ chúng theo về dưới cờ, nay thì không còn nạn cướp bóc nữa.
            Cô gái ngừng lời, bước đến bên cửa vén mành trúc nhìn ra ngoài. Trời vẫn trong và lưa thưa ánh sao đêm. Nàng tiếp lời :
            - Bây giờ mới đầu canh ba. Nếu có gió nồm nổi lên thì thuyền ta về đến Kiên Mỹ sớm nhất cũng vào lúc trời đứng bóng.
             Cô gái quay lại bên bàn, uống bát nước rồi nhìn người phụ nữ Bah Nar tiếp lời:
            - Cô Hầu cũng biết đó, sắp đến ngày lập đàn tế cáo trời đất xuất quân nên cần nhiều kim ngân lo việc quân vụ. Chuyến nầy hàng thu mua rất nhiều nhưng chẳng có ai giám định được giá trị để bán, nên Vương mới bảo Cô Hầu cùng về với em. Vả lại, cũng đã lâu ...

            Cô gái bỏ lửng câu nói, cười vang. Người phụ nữ Bah Nar nguýt dài, dứ dứ nắm đấm dọa thiếu nữ áo xanh. Nghe nhắc đến Tây Sơn Vương, lòng cô gái Thượng bỗng rung động dạt dào. Nàng thì thầm tâm sự, như tự bảo lòng:
            - Ðã mấy mùa trăng rồi ta không được kề cận đấng phu quân. Vì chàng, vì nghiệp lớn dân tộc, ta đành bóp bụng gác lại tình riêng, chứ có mấy ai vừa lấy chồng, chưa mặn nồng hơi hướm lại muốn chia tay, phải không em?
            Lời nói làm cô gái áo xanh cảm động. Nàng chưa có chồng, chỉ mới có người yêu thôi mà khi xa nhau đã thấy xốn xang nhớ nhung, chứ nói gì đến vợ chồng mới cưới.
            Như một điều thật cao quý trội hơn tất cả mọi thứ quý giá trên đời, để người con gái yêu của vị tù trưởng lừng danh phải chấp nhận hy sinh, có chồng lại phải xa chồng. Có chăng đó là vì tình yêu đối với tổ quốc, dân tộc. Một thứ tình yêu chỉ mua được bằng xương máu, không bằng con tim. 

            Quả vậy, vốn mồ côi mẹ từ bé, cha là thủ lảnh sắc dân Bah Nar nằm sâu trong rừng nên nàng được cha cưng chiều, đón thầy về dạy học tử tế. Ngoài văn, cha còn dạy cả võ nghệ và thuật bắn tên, bắn ná cho nàng. Vừa đến tuổi cập kê, Cô Hầu đã hiểu được thế nào là tình yêu khi gặp Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc. Có chồng là một vị anh hùng chí lớn, đứng ra nhận lãnh trách nhiệm của dân tộc giao phó, nên chi nàng cũng sớm nhận thức được thế nào là tình yêu đối với tổ quốc, an nguy đối với muôn dân. Cô Hầu nhận công tác khai hoang vùng Mộ Ðiểu, rừng Cổ Yêm thành một khu canh tác ruộng lúa nơi thấp và khoai bắp trên cao. Chẳng bao lâu nghĩa quân đã có một kho lương thực phì nhiêu rộng hàng nghìn mẫu, tự canh tác tự bảo vệ, nổi tiếng là khu an toàn như lời dân gian vẫn thường truyền tụng:
               
Cánh đồng Cô Hầu,
Đàn trâu ông Nhạc,
Ngựa lạc vang rừng,
Voi dừng Tượng Đẫm.


            Về sau, khi Nguyễn Nhạc xưng đế, Cô Hầu được đón về Qui Nhơn phong làm thứ phi, nhưng vốn không quen chốn phồn hoa náo nhiệt và những ràng buộc lễ nghi quan cách rườm rà nơi cung đình, nên Cô Hầu xin phép chồng trở về rừng Cổ Yêm sống thảnh thơi tự do với lâm tuyền, thôn bản. Thỉnh thoảng mới xuống thành thăm chồng.
            Năm 1793, khi vua Thái Ðức băng hà, con là Nguyễn Bảo nổi dậy nhưng rồi cũng thất bại, chịu chết. Bà Chánh cung họ Trần đem hai con là Văn Ðức, Văn Lương chạy lên Mộ Ðiểu tỵ nạn ở với Cô Hầu. Cô đối xử thân ái chí tình, lo lắng hết lòng như chị em. Quan quân nhà Nguyễn đã nhiều lần lân la dọ thám, nhưng đều bị bà bắt được trị tội. Từ đó về sau chúng không còn dám bén mảng đến nữa.
            Võ văn Dũng đã nhiều lần đến thăm và đề nghị Cô Hầu chiêu binh mãi mã để khôi phục nhà Tây Sơn, nhưng Cô Hầu chỉ mỉm cười, đưa tay chỉ núi rừng chung quanh và nói :
            - Chuyện dân tộc, tổ quốc là việc quan đại, hệ trọng  dành cho người có chí lớn. Còn tôi chỉ là đàn bà, muốn sống với giang sơn riêng của mình thôi. Ðịa vị, danh vọng thật xa lạ hão huyền hơn là nương rẫy, buôn làng ...
            Danh tướng Võ văn Dũng đành từ tạ ra đi.       
* * *

            Quen nhau chưa được bao lâu nhưng cô gái áo xanh rất mến phục người đàn bà Thượng xinh đẹp nầy. Tuy là vợ của Tây Sơn Vương nhưng tấm lòng lúc nào cũng chất phát, mộc mạc như thưở còn sống trong bản làng sơn cước.
            Ðang miên man suy nghĩ, bỗng vọng trong thinh không nỗi lên tiếng tù-và rền rĩ. Âm thanh trầm đục, không khoan nhặt, từ tốn như mọi lần mà lại giục dã hối thúc, dường như báo nguy .
            Ù... ù... ù ... ừm... ừm ... ừm ... ù ù ù ... ừm ừm ...
            Nghe tiếng tù-và nổi hiệu cấp báo, hai người đàn bà bật đứng lên. Cô gái mặc võ phục chụp vội song kiếm, vén mành cửa nhảy vút lên mui thuyền, đảo mắt nhìn quanh bốn phía. Những phu thuyền đã thức giấc và túc trực ngay tại vị trí, tay đuốc tay đao sẵn sàng nghinh chiến. Chiếc thuyền đi đầu vừa nổi hiệu báo nguy, đèn đuốc thắp sáng rực đã dừng lại bố trí tại chổ chờ các thuyền theo sau cùng lên. Người con gái ngước nhìn lên đài chỉ huy đặt trên cao gần đỉnh buồm, đánh dấu tay ra hiệu. Lập tức tiếng tù-và ban lệnh được phát đi lồng lộng trong gió. Chung quanh có tiếng đáp lại. Hai thuyền đi sau được lệnh liền chỉnh buồm bỏ hàng chữ nhất, chạy chếch về phía bên trái và phải dàn thành hàng ngang, bảo vệ chiếc thuyền "Soái" của cô gái rồi ba chiếc cùng song song tiến lên. Chẳng mấy chốc đã thấy rõ trong khoang thuyền đi đầu, khoảng chục tên mặc quần áo dạ hành, bịt kín mặt, dùng vũ khí nhị khúc và đoản côn, đang đánh vùi với các phu thuyền. Gần đó, một tên bịt mặt cao lớn có lẻ là thủ lảnh, đứng chống trường côn thản nhiên lượt trận. 

            Cô gái áo xanh lẩm bẩm: "Bọn thảo khấu nào mà đần độn quá, dám chạm đến quân Tây Sơn. Phải cho chúng biết oai mới được". Các phu thuyền phản công kịch liệt và chưa bị một tổn thất nào. Thật ra, họ chính là những chiến sĩ tinh nhuệ trong đội quân "bảo an sơn phòng chiến khu" của Tây Sơn Vương. Họ được huấn luyện chính quy và xử dụng đoản đao thuần thục để ứng phó trong những vị trí chật hẹp và cận thân địch thủ. Lần nầy họ được bí mật giao công tác quan trọng là chuyển và bảo vệ hàng quý giá về đến căn cứ địa. Có thể đối đầu ngang tay với họ là đã được xếp vào hạng khá. Tuy nhiên các tay lục lâm nầy quả thật không phải hạng xoàng, chúng đã đá ngã được vài ba quân sĩ. Những phu thuyền khác còn lại lập tức nhào lên rước địch trám chổ. Cô gái yên lòng khi thấy nhân số của địch không đông. Rồi như để giải quyết nhanh chóng trận đấu và cũng muốn thử tài tên thủ lảnh, cô gái quyết định nhập trận. Nàng thét lớn một tiếng lanh lảnh thị oai, rồi dùng thế "Yến tử xuyên vân" tung người bay vèo từ mui thuyền soái đến khoang thuyền đang lâm chiến. Hai tay dang rộng, đầu hơi chúi xuống, thân nàng tựa như chim én đang bay liệng trong mây. Ðôi song kiếm rút ra khỏi vỏ sáng lấp lánh dưới ánh đuốc, bỗng tỏa thành tán rộng phủ chụp xuống đầu tên thủ lảnh lục lâm bằng thế võ sấm sét "Phong lôi động thiên". 

           Tay thủ lảnh cũng không vừa, bình tỉnh chờ ánh kiếm rơi xuống gần, lập tức dùng thế "Thiềm thừ thoát xác" tràn người né tránh, đồng thời cây trường côn trở ngọn xé gió đánh thốc vào mặt cô gái. Nàng lẹ làng thu kiếm về che mặt. Song kiếm trường côn chạm nhau toé lửa. Cô gái nương theo sức va chạm, bật người ra xa hạ chân nhẹ nhàng xuống lòng thuyền. Ðòn trao đổi đầu tiên xảy ra trong chớp mắt, rồi cô gái và gã lục lâm lại lăn xả vào nhau trổ tài, quyết tranh phần thắng. Tiếng la hét cổ vũ huyên náo. Lát sau, bỗng từ chiếc thuyền đoạn hậu một bóng vàng chao mình phóng vụt qua. Chân chưa chạm thuyền, cây nhuyển tiên trong tay đã vút ra như ánh chớp. Lại một giai nhân nữa xuất hiện. Nàng mặc võ phục toàn một màu vàng, tóc bím thắt nơ bỏ thành hai lọn gọn gàng trên bờ vai trẻ trung, mạnh khỏe. Nàng xông vào trận như hổ đói vào đàn dê, gặp đâu đánh đó. Cây nhuyển tiên như con rắn vàng, quẩy mình lồng lộn vun vút tứ phía, rình mổ bọn thảo khấu. Chỉ trong vài hiệp, xử dụng mươi thế võ, nàng đã đá ngã loại ra khỏi vòng chiến hai tên lục lâm. Hàng ngũ địch bắt đầu rối loạn. Trong khi đó cô gái áo xanh và gã đầu lĩnh đã đấu nhau đến hồi kịch liệt, bất phân thắng bại. Tài nghệ tên cầm đầu bọn cướp quả thật cừ khôi, đáng gờm. Tuy đang đối địch nhưng vẫn để tâm theo dỏi đám thủ hạ, nên lúc cây nhuyển tiên của cô gái áo vàng sa xuống đầu một tên thảo khấu thập phần nguy hiểm. Trong lúc tên cướp bó tay, chỉ còn nhắm mắt chờ chết thì gã thủ lỉnh đã kịp thời hoành thân gạt mạnh đôi song kiếm của cô gái áo xanh, rồi thi triển một loại khinh công kỳ bí, thân hình như một vệt khói mờ, chập chờn bay vút đến đở kịp ngọn roi trong gang tấc. Một tiếng "chát" khô khan nhưng dữ dội vang lên. Cô gái áo vàng ngã nhào ra sau, cây nhuyển tiên rời khỏi tay rơi xuống thuyền. Chiến trường chợt lặng đi một giây rồi lại tiếp tục. Nhưng cùng lúc đó cô gái áo xanh đã nhảy ra khỏi vòng chiến, thét lớn:
            - Tất cả hãy ngừng tay. 
            Rồi thình lình nàng vất cặp song kiếm xuống lòng  thuyền kêu loảng xoảng. Trong khi ai nấy đang trố mắt ngạc  nhiên không hiểu chuyện gì xảy ra, thì nàng đã quay sang gã thủ lãnh lục lâm, hờn dỗi nói to:
            - Trần huynh đừng đùa nữa. 
              đầu  lĩnh  bật  ra tiếng cười dòn dã, đưa tay lên tháo chiếc khăn bịt mặt. Dưới ánh đuốc hiện rõ là một thanh niên tướng mạo khôi vĩ, khuôn mặt vuông vức, chiếc cằm bạnh cương trực và đôi mắt sáng quắc như sao băng. Phong độ hiên ngang, uy vũ ngời ngời làm người đối diện phải nể sợ. Chàng cung tay hướng về cô gái áo xanh và nói:
            - Khá khen cho muội đã sớm nhận ra được huynh.
            Rồi quay qua đám lục lâm, lúc nầy cũng đã tháo khăn bịt mặt, thanh niên tiếp lời:
            - Tất cả các đệ hãy đến ra mắt nữ tướng Tây Sơn.
            Ðám lục lâm vòng tay quyền cung kính hướng về cô gái, đồng thanh nói to:
            - Chúng thủ hạ xin ra mắt Bùi Tổng Lý.

            Ðúng vậy, cô gái mặc võ phục màu thiên thanh võ nghệ siêu quần bạt chúng kia chính là nữ tướng lừng danh Tây Sơn, người cầm đầu Ngũ Phụng Thư tên là Bùi thị Xuân. Riêng cô mặc võ phục màu vàng là Hoàng phụng Huỳnh thị Cúc, một trong bốn đại đệ tử cũng là những bộ tướng thân tín của nàng.
            Ðến đây người thanh niên được cô gái gọi là Trần huynh, mới quay sang đám quân sĩ sơn phòng giả làm phu thuyền, cất tiếng nói sang sảng:
            - Ta được lệnh của chủ soái đến hộ tống đoàn thuyền về căn cứ, đồng thời cũng nhân dịp thử tài kiếm côn và tinh thần cảnh giác của các ngươi đến đâu. Ta có lời khen ngợi tất cả và sẽ có ban thưởng sau. Tuy nhiên, đừng vì thế mà lơ là rèn luyện, phải luôn luôn nhớ câu : "văn ôn, võ luyện".
            Tiếng hoan hô reo mừng vang lên tở mở. Quay qua hai nữ tướng, thanh niên tiếp lời:
            - Hoàng phụng khá lắm, đã đá ngã được hai bộ tướng của ta, quả thật là bậc anh thư. Ta sẽ về trình với chủ soái khen thưởng xứng đáng. Riêng với nữ tướng, quả không hổ danh người đứng đầu Ngũ Phụng thư. Mãi đến bây giờ tay ta vẫn còn ê ẩm vì sức mạnh của song kiếm.
            Nói đến đây, thanh niên cười cười rồi hạ thấp giọng, chỉ vừa đủ cho cô gái họ Bùi nghe :
            - Riêng nàng, chủ soái đã quyết định ban thưởng ta cho nàng. Vậy từ nay ta sẽ là nô lệ, đời đời thuộc về nàng và tùy nàng xử dụng nhé.
            Nghe người thanh niên nói, mặt cô gái bỗng đỏ bừng e thẹn, nguýt dài quay đi không nói. Ai ai cũng biết họ là đôi tình nhân khắng khít. Có thân thiết nhau mới biết được rõ loại khinh công thượng thừa vô địch, dường như đã thất truyền trên giang hồ mà thanh niên họ Trần vừa xử dụng, đó là "Hầu phong hành". Cô gái đã nghe và từng xem người yêu biểu diển. Gặp tình thế nguy cấp, buộc lòng chàng phải xử dụng để giải nguy cho thủ hạ, do đó đã để lộ chân tướng.  

            Bùi thị Xuân quay trở về Soái thuyền, tiếp tục giong buồm. Cô Hầu có dịp trêu ghẹo trả miếng. Nữ tướng một mực làm thinh, xấu hổ. Thế mới hay "nhi nữ thường tình". Có dầu là bậc cân quắc anh thư hay nữ tướng anh hào, nhưng một khi đề cập đến tình yêu trai gái vẫn thẹn thùng, bẻn lẻn.  
            Hôm sau, đoàn thuyền về đến căn cứ địa an toàn. Ðúng như lời thanh niên họ Trần nói trong đêm thử tài trên dòng Hữu giang, bên dãy núi Kim Sơn định mệnh; Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc đứng ra tác thành cho đôi thanh niên nam nữ anh hùng thành vợ chồng. Ðám cưới họ tiến hành đơn giản trước ngày Nguyễn Nhạc lập đàn cáo bái Trời Ðất, tế cờ xuất quân tại đèo An Khê, dưới bóng hai cây đại thọ. Ðó là ngày rằm tháng tám năm Quý Tỵ (1773). Người thanh niên anh hùng được làm chồng vị nữ tướng tài sắc, lừng danh Tây Sơn đó là Thiếu Phó Trần Quang Diệu.
* * *
            Bùi thị Xuân quê quán thôn Xuân Hoà, Phú Phong, Bình Định. Nữ công khéo, chữ viết đẹp. Mày ngài, mắt phượng. Ðã đẹp người lại còn có sức mạnh phi thường nên rất thích luyện tập võ nghệ. Lúc nhỏ thích mặc quần áo con trai, lớn lên xem sách, ảnh rồi tự mình phát thảo, chế ra những kiểu mẫu quần áo dành riêng cho hiệp nữ. Cha mẹ thương chìu, không nỡ rầy la nên Xuân được theo nghề kiếm cung. Ban đầu Bùi thị Xuân học võ với ông Ngô Mãnh là ông nội của tướng Ngô văn Sở, nhưng chỉ được ba năm thì thầy mất. Năm lên 15 tuổi, thì ngộ kỳ duyên. Ðêm đêm có một bà lão đến truyền thụ võ nghệ từ đầu hôm đến gà gáy lần thứ nhất thì ra đi. Không ai biết gốc gác lai lịch của bà lão, chỉ biết bà là một nữ lưu có võ công rất thâm hậu. Ngoài giờ học tập quyền thuật, bà chuyên luyện cho Bùi thị Xuân phép đánh nhuyển tiên (roi mềm) và song kiếm. Năm thứ nhất bà lão bắt buộc học trò phải tập nhảy từ gần đến xa rồi nhảy cao, bằng cách cột bao cát nơi hai chân, từ nhẹ đến nặng. Lúc đầu nhảy trên đất bằng rồi kế đến nhảy ở hào cạn và hào sâu. Còn nhảy xa thì ban đầu dùng sào, sau dùng tre tươi vít ngọn uốn cong xuống thấp rồi nương theo sức bật của tre mà nhảy. Cứ thế, đêm ngày Bùi thị Xuân kiên trì tập luyện, rồi gian nan cũng qua, thành công cũng đã đến. Bà lão dạy: "nữ giới dẫu có mạnh đến đâu cũng không bì kịp với nam nhân. Vậy muốn thắng chỉ còn nhờ vào tài lanh lẹ, dẻo dai. Lúc lâm chiến, chờ khi địch thủ đã mệt nhọc lơ là phòng bị, ta xuất kỳ bất ý ra đòn sẽ nắm chắc phần thắng".

            Cứ thế ròng rã suốt ba năm, bà lão ra công dạy, Bùi thị Xuân gắng sức học. Ðến năm lên 17 tuổi, thì tài nghệ nàng đã tinh thông, điêu luyện.
            Một đêm bà lão từ biệt ra đi. Bùi thị Xuân theo khóc lóc năn nỉ, bà lão mới nói:
            - Ta ở gần đây. Trong ba hôm nữa thì con sẽ biết nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật.
            Nói rồi bà nhảy vụt vào bóng đêm mất dạng.
            Ba hôm sau, tại thôn An Vinh có một bà lão goá bụa, sống với vợ chồng người con gái, vừa mới qua đời. Khi bà Xuân tìm đến nơi thì biết đây chính là ân sư của mình nhưng nhớ lời căn dặn, bà chỉ điếu tang như một người quen. Khuya hôm đó, Bùi thị Xuân thiết bàn hương án nơi vườn dạy võ, làm lễ xin chịu tang sư mẫu.
            Nhớ ơn dạy dỗ nhưng không thể làm cách nào đền ơn, nên Bùi thị Xuân dốc lòng rèn luyện võ nghệ. Nàng thu nhận đệ tử, mở đầu phong trào võ nghệ cho phái quần thoa. Ban sơ chỉ năm, bảy người, sau lên đến vài chục người. Tài nghệ tinh thông, cách dạy dỗ đứng đắn, nàng luôn lấy tình chị em mà đối xử nên ai ai cũng kính yêu.  
            Ðể đền ơn dạy võ con gái, một phú ông họ Ðinh ở
Lai Nghi đã tặng bà Xuân một con ngựa toàn sắc màu trắng, to lớn, mạnh khoẻ, chạy suốt buổi không biết mệt, không đổ mồ hôi. Nhờ thông thạo cách luyện ngựa, do đó sau nầy bạch mã đã trở thành một chiến mã, theo chân nàng dong ruổi khắp nơi, xông pha trên mọi chiến trường.
* * *
            Sở dĩ Bùi thị Xuân biết được phương pháp luyện ngựa cũng là một kỳ duyên. Một hôm nàng đang đứng ở trường trầu Kiên Mỹ, chợt thấy một tráng sĩ trẻ tuổi tay cầm đồng côn, chân mang hài sắt, cỡi ngựa ô, từ Thuận Nghĩa chạy lên Phú Lạc thuộc vùng Tây Sơn Hạ. Tướng mạo người ấy hiên ngang nhưng khuôn mặt hiền lành. Bùi thị Xuân bí mật theo sau. Ðến Trưng Sơn, thanh niên cho ngựa chạy lên núi, quanh quất một hồi rồi dừng lại ở lưng chừng núi. Tráng sĩ thả ngựa tự do, xăn tay áo múa côn. Bài côn lạ mắt, tiếng gió vun vút, khí lạnh rợn người, côn đến đâu sương sớm ban mai tan dần ra đến đó. Hết thảo nầy đến thảo khác, luyện liên tiếp mấy bài mà mặt không hề đổi sắc, hơi thở vẫn như thường. Bỗng tráng sĩ ngưng múa đưa tay lên miệng huýt  một tiếng dài. Từ xa, tuấn mã nghe lịnh liền phi đến chủ. Chờ ngựa chạy ngang, tráng sĩ tung mình nhảy lên lưng rồi ra roi phi nước đại. Ðường núi khúc khuỷ gập ghềnh, đá lớn nhỏ chất chồng lung tung, thế mà ngựa chạy như trên bình địa. Ngồi trên lưng ngựa, tráng sĩ nhào lộn, xoay trở đủ thế đứng, nằm, nghiêng, ngữa, trái, phải dể dàng như đùa. Chợt  đâu một bầy quạ bay ngang, tráng sĩ liền giương cung bắn liên tiếp hai phát, hai con quạ rớt xuống đất tức khắc.
            Bùi thị Xuân suýt buột miệng la lên, khen tài thanh niên xuất chúng phi thường. Sau đó điều tra mới biết được lai lịch của người tráng sĩ tên là Ðặng xuân Phong. Còn con ngựa đen thần mã có tên là Ô Du. Nữ tướng liền trở về chiến khu rồi bàn bạc với Ðại Tổng lý Vũ đình Tú, xuống Dũng Hòa mời họ Ðặng cùng tham gia đại cuộc. Sau nầy nhờ Ðặng xuân Phong chỉ dẩn, Bùi thị Xuân biết được thêm một số phương pháp bí truyền trong cách luyện ngựa.

            Bùi thị Xuân cũng học được cách luyện ngựa chiến với một người khác trong hàng ngũ Tây Sơn Thất Hổ Tướng, đó là Lý văn Bưu. Ông còn có tên là Mưu, người làng Ðại Khoang huyện Phù Cát, Bình Ðịnh. Nổi danh từ thưở niên thiếu, có biệt hiệu là Phi Vân Báo (con beo bay trong mây). Gia đình họ Lý chuyên việc chăn nuôi ngựa chiến truyền từ đời ông cao tổ. Ngựa của họ đem bán khắp nơi, cả tỉnh Phú Yên đến Quảng Ngãi. Nhà giàu có, làm ăn qui mô, ở vùng thảo dã hẻo lánh nên trong nhà nuôi nhiều thầy võ bảo vệ. Do đó, từ nhỏ Lý văn Bưu đã được luyện tập võ nghệ và huấn luyện chăn nuôi ngựa. Lý văn Bưu có tài cỡi ngựa không yên cương, vừa phi nước đại vừa múa kiếm, phóng lao, bắn tên trăm phát trăm trúng. Nhờ địa thế Ðại Khoang, Thuận Truyền qua đến Thuận Ninh đất toàn gò nỗng, đồi núi cỏ hoang rất thích hợp cho việc chăn nuôi, săn bắn, luyện ngựa, tập kiếm cung và nghiên cứu binh thư đồ trận. Nhờ tài thao lược, ông được phong chức Ðô đốc cầm binh tham gia các trận đánh trong Nam và giải phóng thành Thăng Long.
            Sau khi vua Quang Trung băng hà, tình cảnh nhà Tây Sơn ngày càng suy sụp. Vua Cảnh Thịnh tranh dành quyền lực với vua Thái Ðức. Bùi đắc Tuyên lộng quyền, các võ tướng trung dũng lừng lẫy như Võ văn Dũng, Trần quang Diệu đều bị nghi ngờ, thất sủng. Lý văn Bưu chán nản, viện cớ tuổi già sức yếu xin được trở về cố hương, sống những ngày thảnh thơi với cỏ đồng hương nội, thanh thản với trời mây non nước. Từ đó ông và ngựa biệt tích giang hồ. 
* * *
            Một hôm Bùi thị Xuân cùng bộ thuộc tổ chức đi săn ở khu vực Ðồng Sim, Ðồng Trăng Thuận Ninh, bỗng bà  nghe tiếng voi gầm thét trầm thống, bi thảm. Lấy làm lạ, bà Xuân giục bạch mã phi nhanh về hướng có tiếng voi kêu cứu. Ðến vùng thung lũng xanh tươi, bên một khe suối nước bạc tuôn chảy cuồn cuộn, Bùi thị Xuân trông thấy một con voi trắng ngà dài cong vút hơn thước, đang bị một con trăn núi to lớn khủng khiếp quấn chặt, vô phương vùng vẫy. Thân hình to lớn, bề thế của voi bị trăn cuốn chặt, từ từ siết dần, siết dần đau đớn và yếu hẳn đi. Chiếc vòi voi không làm gì được trăn núi, nó giận dữ quật tứ tung làm ngã gãy tất cả cây cối chung quanh. Bùi thị Xuân bỏ ngựa men theo cây rừng lần đến bên trăn núi, rồi cẩn thận lựa thế bắn ngay một mũi tên vào mắt trăn. Bị trúng hiểm, trăn vùng vẫy nới lỏng vòng siết, quăng mình hả miệng tấn công bà Xuân. Chỉ đợi có thế, nữ tướng liền triển khai thần công, phóng ngay mũi lao đang cầm sẵn trên tay. Cây lao xé gió, tiếng rít nghe rờn rợn. Ngọn lao cắm phập vào đầu trăn núi, xuyên suốt và ghim chặt vào gốc cây to lớn. Quá đau đớn, trăn quấn mình vào thân cây lăn lộn vùng vẫy làm cây đổ. Trăn duỗi mình nằm chết, thân hình to lớn và dài thượt. Bà Xuân quay nhìn voi lâm nạn. Voi trắng đưa vòi cạ cạ vào vai bà Xuân ra chìu thân mật, rồi vươn lên cao thét mấy hồi dài làm rung động cả núi rừng. Có tiếng chân chạy rầm rập từ hướng xa, cây rừng xào xạc ngã rạp. Một đàn voi xuất hiện chung quanh voi trắng. Thêm một tiếng thét dài nữa của bạch tượng, một hiện tượng kỳ lạ diển ra, cả đàn voi đồng loạt xếp chân quỳ xuống co vòi như hành lễ bái kiến nữ tướng Bùi thị Xuân. Vốn chuyên luyện voi nên bà biết rõ đặc tính của nó. Trước cảnh đàn voi rừng làm lễ tạ ơn người đã cứu chúa đàn, ban đầu bà còn bở ngở nhưng về sau lòng vui mừng vô hạn, vì bà biết đây là cử chỉ ơn tình và thuần phục của giống vật thông minh, trung nghĩa. Ðàn voi kéo nhau theo bà về làng. Thế là nhờ cơ duyên may mắn hi hữu, Bùi thị Xuân đã có được một đàn voi trung thành, dũng cảm hàng chục con.
            Sau khi Tây Sơn khởi nghĩa, các sắc dân miền núi đem tặng thêm nhiều thớt voi nữa, cọng với số voi cống phẩm, chiến lợi phẩm, chẳng bao lâu đàn voi chiến của bà Xuân đã lên đến hàng trăm con. Về sau theo lệnh vua Quang Trung, đội tượng binh của bà được điều ra bảo vệ thành Phú Xuân, chỉ khi cần thiết mới xuất trận. Ðoàn tượng binh đã lập được nhiều chiến công lừng lẫy, nhất là trận đại phá quân Thanh ở Ngọc Hồi. Tượng binh đã đánh tan kỵ binh của Hứa thế Hanh và dày chết hàng ngàn quân Thanh ở Ðầm Mực.
            Ngoài ra bà Bùi thị Xuân đã tuyển mộ, tổ chức và huấn luyện tinh nhuệ 4 lữ đoàn nữ binh. Một lữ đoàn gồm 5 tốt tức 500 người. Trợ giúp mọi việc quân cơ có bốn nữ tướng thân cận trong Ngũ Phụng Thư là: Bùi thị Nhạn, Trần thị Lan, Nguyễn thị Dung và Huỳnh thị Cúc.  

         Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn phúc Ánh xưng đế, hiệu Gia Long, kéo đại binh ra đánh Bắc Hà. Trần quang Diệu, Võ văn Dũng cùng tướng sĩ vượt thượng đạo trở ra Nghệ An. Trên đường hành quân Diệu lâm bệnh nặng, đến Hương Sơn thì bị đột kích và bị bắt. Bùi nữ tướng hay tin liền đem nữ binh đi giải cứu. Ðến Giáp Sơn thì cứu được chồng và Võ văn Dũng cùng các tướng sĩ, nhưng chạy đến sông Thành Chương thì bị đại quân nhà Nguyễn chận đánh. Quân Tây Sơn liều chết chống cự kịch liệt, dần dần yếu thế, lớp chết lớp bị thương, lần lượt bị bắt trở lại, chỉ có Võ văn Dũng và vợ chồng bà Xuân thoát được. Song, hai chân của Diệu bị bệnh sưng phù đi không nỗi. Bùi nữ tướng vừa cõng chồng, vừa đánh mở đường máu, nhưng quân nhà Nguyễn đông quá, phần bà bị thương tích chưa lành, đành sa cơ chịu giặc bắt. Riêng tướng Võ văn Dũng thoát được chạy đến Thanh Hoá thì bị bắt lại. Cả ba bị đóng cũi giải ra Nghệ An. Trên đường đi Võ văn Dũng phá cũi thoát thân và giải cứu được cả hai bạn, nhưng Diệu không đi nỗi, Bùi nữ tướng không nỡ bỏ rơi chồng, nên quyết định ở lại cùng chịu chết. Võ văn Dũng đành thoát đi một mình. Tháng 11 cùng năm, tất cả võ tướng nhà Tây Sơn đều bị thọ án tử hình. Riêng Bùi thị Xuân, Gia Long truyền dẩn đến xem mặt. Trước bá quan văn võ, Ánh hiu hiu tự đắc hỏi xách mé nữ tướng:
            - Ta và Nguyễn Huệ, ai hơn?
            Nữ tướng Bùi thị Xuân dõng dạc trả lời:
            - Nói về tài ba, thì tiên đế ta bách chiến bách thắng, với hai bàn tay trắng xây dựng nên cơ đồ. Còn nhà người thì trốn chui trốn nhủi, quỵ lụy cúc cung cầu viện hết quân Xiêm đến Pháp. Chỗ hơn kém rõ ràng như ao trời nước vũng. Nói về đức độ, thì tiên đế ta lấy nhân nghĩa mà chiêu hiền đãi sĩ, kể cả những kẻ trung thần thất thế của nhà ngươi như Nguyễn huỳnh Ðức. Còn ngươi thì ngược lại, dụng cái tâm tiểu nhân mà đối xử với những bậc nghĩa liệt, hiền tài. Chỗ hơn kém rõ ràng như ban ngày với đêm tối. Nếu tiên đế ta không sớm vãng long thì dễ gì nhà ngươi đặt chân trở lại được non sông tổ quốc nầy.
            Gia Long hỏi gằn:
            - Ngươi có tài sao không giữ được ngai vàng cho Cảnh Thịnh?
            Nữ kiệt ung dung đáp:
            - Giá như Tây Sơn có thêm một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ sẽ không bao giờ lạnh lẽo. Cửa Nhật Lệ không bỏ trống thì dễ gì nhà người đặt chân lên được đất Bắc Hà. Ta đâu sợ chết mà phải hạ mình trước kẻ tiểu nhân ti tiện như nhà người để nói những lời van xin tha thứ.
            Quả như lời nữ tướng Tây Sơn nói, Gia Long căm gan, truyền lệnh đem bà về Qui Nhơn, cởi bỏ hết quần áo, cột đứng trên tù xa, dong đi khắp nơi khắp chốn. Mọi người bất nhẫn ngoảnh mặt ngó lơ. Mọi nhà đều cửa đóng then cài kín mít. Khi xe đến Ðập Ðá, nơi nổi tiếng về nghề dệt lụa, bỗng có trận gió lạ thổi tung những tấm lụa trắng tinh khôi phủ lên chung quanh tù xa. Ðám tướng sĩ hộ tống vung gươm chém đứt tả tơi lụa. Từng mảnh vải tung bay vào xe, phủ kín thân hình lỏa lồ của vị nữ tướng trung dũng bất khuất.
            Gia Long lại hỏi:
            - Ðã biết nhục chưa?
            Bùi thị Xuân mỉm cười khinh bỉ, đanh thép đáp:
            - Nhục đâu có vương vào thân ta tí nào mà chỉ tổ đổ thêm trên đầu nhà ngươi. Hãy nhìn khắp thiên hạ mà hỏi xem có đúng thế không? Quả tâm địa nhà ngươi còn độc hơn cả sài lang, bẩn thỉu hơn cả loài cẩu trệ.
            Bị nguyền rủa Gia Long tức giận, hèn hạ bắt đứa con gái của nữ kiệt đem ra giết trước mặt mẹ để cho voi dày, cốt làm nữ tướng đau lòng phải hạ mình van xin.
            Thấy voi đến, đứa con gái sợ sệt kêu lên:
            - Mẹ ơi ! mẹ cứu con với.
            Nữ kiệt trừng mắt hét lớn:
            - Con nhà tướng dẫu có phải chết cũng không được một phút khiếp nhược, hèn nhát.
            Ðến lượt xử nữ kiệt. Chúng trói bà để nằm trên cỏ rồi thúc voi đến dày. Con voi hung hãn chạy đến giơ chân trước toan chà nữ tướng. Bà Xuân trợn mắt nhìn voi, hét lớn một tiếng như sấm nổ. Voi thất kinh chùn bước thụt lui, mặc nài thúc búa chan chát lên đầu cũng không chịu tiến tới. Lính lấy giáo đâm, voi quay mình bỏ chạy.
            Gia Long bực tức sai thủ hạ áp dụng hình phạt tàn bạo là "điểm thiên đăng". Chúng lấy vải nhúng sáp lỏng rồi đem quấn vào người bà, sau đó cột nữ tướng vào trụ sắt giữa trời châm lửa đốt. Lửa cháy phừng phực như cây đuốc người. Bà Xuân vẫn bình thản không hề kêu than một lời nhỏ. Một hồi sau có tiếng nổ vang. Sọ nữ kiệt vỡ tung. Bỗng một lằn thanh quang bay vút lên trời xanh. Trưa đang nắng chang chang chợt mây đen từ đâu kéo về mờ mịt. Chốc lát mưa tuôn xối xả phủ kín bầu trời. Người dân truyền miệng rằng  nữ tướng Bùi thị Xuân đã hóa Thánh bay về trời cao, theo chồng là Trần quang Diệu về phò Tiên đế Quang Trung.

            Hàng năm vào ngày mồng sáu, tháng mười một âm lịch, người dân thành kính bày bàn hương án, tưởng nhớ vị nữ tướng Tây Sơn, nhân vật đứng đầu Ngũ Phụng Thư. Người nữ lưu xinh đẹp, hiền thục nhưng cang cường dũng liệt, đã biết vượt qua cái thường tình của nhân thế trong cuộc sống danh lợi, dẫy đầy những toan tính vị kỷ hẹp hòi dể làm con người trở nên tầm thường, nhỏ nhoi đối với mọi thử thách gian nan trong cuộc đời ... để hiến dâng trọn vẹn sinh mệnh cho tổ quốc, dân tộc. Người nữ lưu ấy đã trở thành bất tử với thời gian lịch sử, mãi mãi lưu danh thiên cổ và đời đời được ngưỡng vọng, tôn thờ. Vị anh thư kiệt xuất của triều đại Tây Sơn ấy chính là nữ tướng: Bùi thị Xuân.
              
                                                     
Atlanta, Ðông 2002
Lê Luyến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét