(Bài viết như một nén hương lòng tưởng nhớ người anh cả Quang Tuấn, một món quà nhỏ riêng tặng bạn bè cũ tại Gò Công).
Quang Tuấn, trong nửa quãng đời còn lại sống tha hương nơi xứ lạ quê người, mang tâm trạng sầu tư u uất. Ra đi là một bắt buộc, rời bỏ quê hưong là một định mệnh. Nghĩ tới thân phận như bị "quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh" ( thơ Vũ Hoàng Chương), ông ray rức trong lòng. Sinh ra giữa khung trời bát ngát, ruộng lúa mênh mông xã Đồng Sơn thuộc quận Hòa Đồng tỉnh Gò Công, ông mang hình ảnh quê nhà suốt cuộc hành trình của cuộc sống. Tâm thức dạt dào tình yêu quê hương như ăn sâu vào tim vào máu ông. Tuy ông có may mắn từ giã quê nhà để lên Sài Gòn học nhưng mái tranh nghèo vẫn in đậm trong tim . Hình ảnh dòng sông nhỏ chảy ngang nhà, ruộng lúa, con đê, cây xoài, cây ổi lúc nào cũng hiện diện trong tim ông nhất là những năm tháng xa xứ lúc tuổi xế chiều. Ông tốt nghiệp đại học Sư Phạm Sài Gòn, cử nhân văn chương đại học Văn Khoa, chọn nghề giáo làm sinh kế, cống hiến cho đời cho thế hệ trẻ trở nên người hữu dụng cho xã hội. Đã từng dạy học ở các trường trung học tại Sài Gòn, làm hiệu trưởng Trung học đệ nhị cấp Trần Hưng Đạo, Thủ Đức, Sài Gòn.
Anh định cư Hoa Kỳ năm 1992, theo diện ODP, lúc đầu ở Sanjose, CA. sau chuyển về thành phố Los Gatos, là một thị trấn trong quận Santa Clara, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Tôi gặp anh khoảng 10 năm trước trong quán cà phê đường Senter Sanjose, CA. Lúc đầu không nhận ra người đồng hương Gò Công, sau đó lâu ngày nói ra mới biết, từ đó trở nên thân thiện, ưu ái. Dạo đó anh còn khỏe mạnh đã lãnh tiền già nên rãnh rang tìm giải khuây ở quán cà phê bình dân. Anh em tâm sự nhắc chuyện cũ thời đi học rồi đi dạy, đôi khi anh đọc cho nghe bài thơ mới sáng tác. Thỉnh thoảng tôi gặp anh tại chợ trời nhỏ Capitol, anh cũng thích đi chợ trời mua vài món lặt vặt cũng để exercise cho cơ thể khỏe mạnh.
Về thơ văn anh sáng tác liên tục nhất là thơ, bao gồm nhiều lãnh vực mang chủ để: Quê Hương, Tình yêu, Thiền định (Cõi trần). "Sự nghiệp bút nghiên" khá đổ sộ anh có các tác phẩm : Hòa Điệu, Về nguồn ( thơ Quê Hương), Thơ tình Quang Tuấn, Thơ đăng trong LƯU DÂN THI THOẠI, tuyển tập 25 năm thơ hải ngoại cơ sở Cội Nguồn ấn hành năm 2003.
Mở đầu tập thơ tác giả cho rằng Quê hương là cái gì thiêng liêng cao quý, càng đi xa càng nhớ nhiều. Nó vô hình mà sao cứ đeo đẳng khôn nguôi, dùng bao lời thơ diễn tả cho vơi bớt nỗi buồn, vậy mà sao vẫn cứ nhớ! Nhớ cả đêm lẫn ngày:
Làm sao cắt nghĩa đựơc quê hương?
Xa cách lòng ta mãi vấn vương
Đã viết bao vần thơ tưởng nhớ
Mà đêm ngày vẫn nặng sầu thương!
(Quê Hương/ Quang Tuấn)
Tác giả xa quê hương quá lâu, không biết bao giờ mới trở lại thăm nhà. Tình hoài hương cứ chồng chất mãi theo năm tháng biết thuở nào nguôi !
“Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.”
(câu 247-248)
( Kiều/ Nguyễn Du)
Hai câu thơ nầy nói lên tâm trạng nhớ người yêu ( Thúy Kiều) của Kim Trọng. Thời gian như cứ dài mãi thêm ra khiến lòng Kim Trọng buồn da diết. Tâm sự của QT cũng là tâm sự buồn, không phải nhớ người yêu mà nhớ quê hương. Quê huơng cách trở ngàn dặm thì làm sao vượt qua được ? Anh muốn về thăm lại khóm trúc, giàn mướp giàn bầu, nghe lại tiếng võng ru con của người hàng xóm vào buổi trưa thanh vắng. Còn nữa, anh còn muốn nghe lại tiếng chày giã gạo đêm trăng. Những hình ảnh đơn sơ mà dễ thương ấy đã in sâu vào tim anh không bao giờ quên được. Ôi, ước mơ tuy tầm thường sao giờ đây trở nên to lớn quá ? Tác giả bằng lời thơ bình dị mà gợi cảm sâu sắc trong bài thất ngôn đầy màu sắc và hình ảnh, thật bùi ngùi!
Thăm thẳm đôi bờ cách đại dương
Làm sao thực hiện mộng hoài hương
Về thăm rặng trúc lung linh nắng
Đến viếng giàn bầu lấm tấm sương
Tiếng võng đưa còn ru xóm vắng
Nhịp chày khua có dỗ đêm trường
Vời trông quê Mẹ nào đâu thấy
Chỉ thấy lòng ta ngập nhớ thương.
(Hoài hương/ Quang Tuấn)
Trong những hình ảnh bình dị ấy bất chợt hình ảnh ngưởi con gái hiện ra, nàng đang đi ngang qua cầu tre, dáng thướt tha như muốn trêu chọc anh học trò nghèo hàng xóm, làm anh bồn chồn muốn tới gặp em nói dăm ba câu chuyện, dĩ nhiên câu chuyện không đầu không đuôi vì lúc ầy anh còn là một thư sinh, tuổi nhỏ học trò chưa từng trải chuyện yêu đương. Lời thơ nghe êm nhẹ như ru hồn vào cõi mộng:
Quê ta có ngọn gió đồng
Lồng hương hoa bưởi thơm nồng tóc em
Ngày lên nắng ấm xuống thềm
Em ngồi hong tóc má thêm ửng hồng
Cầu tre lắt lẻo qua sông
Bóng em tha thướt dưới dòng trong veo
Em đi trong tiếng gió reo
Hồn anh em đã mang theo qua cầu!
(Nhớ quê hương/ Quang Tuấn)
Những dòng thơ trữ tình trên chỉ là bước đầu, những vần thơ kế tiếp, đi hẳn vào chuyện yêu đương của tuổi 18,20. Thơ đậm nét màu thương nhớ chơi vơi của tuổi mới biết yêu. Người mà tác giả yêu chưa đáp ứng được tình cảm của chàng, nàng chỉ là cô bạn chung lớp chung trường không biết đẹp cỡ nào mà khiến chàng yêu mê say đắm ? Chàng làm thơ để bày tỏ tình yêu tha thiết, sâu kín trong lòng, để mong nàng hiểu thấu. Thơ viết hết trang giấy nầy đến trang khác cũng chưa bày tỏ hết nỗi niềm. Khổ một nổi là những bức thư tình chàng viết ra lại không dám trao thẳng cho nàng ! Vì tuổi trẻ còn khờ, còn ngu ngơ ! Đoạn chót đọc nghe cảm động, thương cho chàng: Sau cùng chàng đánh bạo hỏi nàng có thấy những bài thơ chàng đăng trên báo, có làm em cảm động không? Em thản nhiên trả lời: Người ấy là ai vậy ? Thì ra mối tình của thi sĩ Quang Tuấn lúc đó chỉ là tình yêu đơn phương, thật tội nghiệp! Tôi thương cho bạn mà cũng thương cho chính mình! Có ai trong chúng ta đã từng yêu và gặp trường hợp như vậy không?
Bằng tất cả con tim
Anh làm thơ tình ái
Để suốt đời nhắc mãi
Rằng anh rất yêu em
Anh làm thơ yêu em
Nhớ thương tràn giấy trắng
Những ngày em xa vắng
Sầu ngập bút mực đen
Làm thơ yêu em mãi
Chẳng cạn hồn anh say
Bàn tay đà viết mỏi
Chưa thấm chuyện tình dài
Thơ làm mãi chẳng xong
Bởi tình anh vời vợi
Không đủ lời để nói
Có nói cũng khôn cùng
Yêu em anh làm thơ
Tình mong lưu vạn thuở
Em có đọc bao giờ
Lời anh thương anh nhớ?
Anh kể hết nông nổi
Tình thầm kín bấy lâu
Quá vô tình em hỏi
Người ấy là ai đâu?
(Làm thơ yêu em/ Quang Tuấn)
Chuyện tình buồn giờ nhắc lại như một kỷ niệm khó quên của một thời tuổi trẻ. Hiện tại anh mang thêm nỗi buồn khác tuy không nức nỡ nghẹn ngào nhưng cũng thiết tha ray rức, nó kéo đến vây quanh anh. Mời bạn, đọc tiếp 8 câu thơ sau đây diễn tả tâm sự "buồn Thu" của tác giả:
Thu đã về theo làn gió lạnh
Trời trở mình ủ mặt xanh xao
Mây tiễn hạ quàng khăn tang trắng
Lững lờ trôi in bóng đáy ao.
Màu tươi thắm rừng ơi! đã nhạt
Lá vàng rơi ngập lối cỏ hoang
Chim bay đi bỏ cành xơ xác
Đêm đêm nghe tiếng gió gào ngàn.
(Thu buồn xa xứ/ Quang Tuấn)
Tác giả như cây cam đem trồng vùng đất lạ, cây không phát triển vì thổ nhưởng khác biệt, anh sống mà không thích nghi với hoàn cảnh xã hội và phong tục nơi đất Mỹ nầy nên cứ buồn nhớ quê hương mãi. Mặt khác khi qua đây, tuổi cũng đã xế chiều, khó bon chen với cuộc đầy năng động, quay cuồng. Bốn mùa xuân hạ thu đông, mùa nào cũng làm cho anh buồn, anh nhớ quê hương. Mùa thu tiễn mùa hạ qua mau vậy mà anh cũng bâng khuâng trong lòng. Chỉ trong 4 câu thơ mà biện pháp tu từ được sử dụng liên tiếp, câu "Trời trở mình ủ mặt xanh xao" trong đó anh nhân cách hóa hình ảnh mặt trời như một con người khi gió chuyển mùa thì mặt mày ủ rũ xanh xao như một người bịnh! một hình ảnh mới lạ sống động. Câu tiếp theo "Mây tiễn hạ quàng khăn tang trắng", là hình ảnh những dãy mây trắng mùa thu bay ngang lưng trời làm anh giật mình ngơ ngác tưởng đó là màu trắng khăn tang, sự tưởng tượng đó nhập vào hồn khiến anh viết nên những vần thơ tuyệt đẹp. Phép ẩn dụ đựoc sử dụng khéo léo làm nổi bật nỗi cô đơn hoang vắng trong lòng. Cụm tù "quàng khăn tang trắng" thật tuyệt vời về phương diện nghệ thuật dùng chữ trong thi ca. Vầng mây trắng khăn tang sao mà to lớn quá, phải chăng anh ngụ ý đó là màu tang tóc không những cho nhiều người mà cho cả một dân tộc khiến anh phải bỏ nước ra đi, bỏ lại người thân, ruộng vườn, dòng sông nhỏ?
Nỗi nhớ nhà nhớ quê hương của Quang Tuấn đâu có khác chi nỗi nhớ nhà của Thôi Hiệu ( thi sĩ nổi tiếng đời nhà Đừơng, Trung quốc) trong bài Hoàng Hạc Lâu? Khác biệt duy nhất là Thôi Hiệu xa nhà nhưng vẫn còn trong nước còn Quang Tuấn thì cách xa vạn dặm, hai bờ Thái Bình Dương, thì nỗi buồn ắt đậm nét hơn, ray rức hơn nhiều:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(日暮鄉關何處是
煙波江上使人愁)
(Hoàng Hạc Lâu/Thôi Hiệu)
Tạm dịch:
Chiều xuống quê nhà đâu chẳng thấy!
Khói vương trên sóng gợi sầu tây.
Màu sắc của thơ Đường được sáng tỏa trong 2 câu kết nầy. Trước cảnh trời chiều vắng lặng, nhìn về quê cũ bất chợt trong lòng Thôi Hiệu dâng lên mãnh liệt nỗi nhớ nhà khôn xiết. Nỗi nhớ cuồn cuộn như sóng Tràng Giang dâng lên bát ngát che khuất cả quê nhà, không biết phương nao mà tìm. Xin trích thêm 4 câu thơ nói lên tâm sự nầy của nhà thơ Huy Cận để chúng ta cảm thông nỗi buồn của người xa xứ:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dờn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
(Tràng Giang / Huy Cận)
Còn Bà Huyện Thanh Quan thì mượn hình ảnh chiều quê có tiếng mục đồng gõ nhịp sừng trâu để gọi nhau về nhà, ngư ông thì gác mái chèo đi về viễn phố. Trên trời nhiều con chim mỏi cánh bay về tổ ấm ở phương xa... để nói lên tâm sụ nhớ nhà của mình. Xin trích thêm bài NHỚ NHÀ cùa bà để bạn đọc thưởng thức nghệ thuật sáng tác thơ: vừa tả cảnh vừa tả tình của các thi nhân Việt Nam qua tâm trạng "nhớ nhà":
Nhớ Nhà*
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn
Gác mái, ngư ông về viễn phố
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn, chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa, khách buớc dồn
Kẻ chốn chương đài nguời lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.
(Nhớ nhà/ Bà Huyện Thanh Quan)
*Dị bản: "Cảnh chiều hôm"
Trở lại với nhà thơ Quang Tuấn, khi Mùa đông về nơi xứ người, cảnh vật buồn hiu. Trên đồi tuyết trắng phủ mênh mông, ngoài đường sương mù giăng kín lối, nghe lạnh cả núi rừng. Tác giả không những thấy lạnh bên ngoài mà lạnh cả trong tim nhưng trời đất như vô tình cứ lạnh buốt mãi về đêm mặc cho anh tê tái trong hồn. Anh "rùng mình nghe rét mướt sơn khê"! rồi cất tiếng than: sao "nắng vàng xưa chẳng thấy về" để an ủi sưởi ấm lòng anh? Tác giả sử dụng biện pháp nhân cách hóa thật linh động, sắc sảo. Cành cây trụi là đứng run rẩy như một con người đang đứng co ro bên đường đợi chờ ai đó trong buổi ban mai sương tuyết giăng mịt mù:
Đông đã về rồi Sanjose*
Mưa phùn lất phất gió lê thê
Tuyết sương mờ mịt tràn muôn nẻo
Trời đất vô tâm cũng não nề
Ngày tái tê ngày đêm ủ ê
Rùng mình nghe rét mướt sơn khê
Những cành trụi lá buồn run rẩy
Mà nắng vàng xưa chẳng thấy về.
---------------
(Mùa đông tha hương/ Quang Tuấn)
Những năm tháng đợi chờ "ngày về" khiến lòng anh mòn mỏi. May thay năm 2000, anh có chuyến thăm quê nhà lần đầu tiên sau hơn 10 năm xa xứ.
Lòng háo hức bao nhiêu thì khi về tới quê hương tại Đồng Sơn, quận Hòa Đồng tỉnh Gò Công, thăm lại mái nhà xưa, lòng anh lại nặng trĩu sầu đau bấy nhiêu. Tâm trạng anh thật khó tả: buồn vui lẫn lộn. Nhìn lại ngôi nhà xưa, không còn hình dáng cũ, tất cả đã đổi thay: trước cửa sau vườn cỏ dại gai gốc mọc bít lối đi, tường xiêu mái đổ bởi mưa gió tháng năm dài. Thềm cũ rêu phong bám đầy, khóm trúc sau hè nay đã già cỗi. Mai thì "nặng lòng thương nhớ", trúc thì "mỏi mắt chờ mong", tác giả sử dụng phép nhân cách hóa thật hay, sinh động. Mai, trúc là những cây cảnh trồng quanh nhà lúc tác giả còn nhỏ, trở thành thân quen, nay chủ nhân đi xa biền biệt, nó được tác giả nhân cách hóa như một con người, biết buồn nhớ, biết trông ngóng đợi chờ chủ nhân trở lại, lâu ngày nó trở nên tàn tạ héo úa. Phép đối trong luật thơ Đường trong hai câu 5&6 (luận) thật chỉnh, chặt chẽ, cân xứng! (mời đọc "Về mái nhà xưa bên dưới). Hôm nay, trước mắt bày ra một cảnh xác xơ hoang tàn mà chính tác giả cũng không ngờ tới:
Bấy lâu xuôi ngược mãi trời xa
Dừng bước phiêu lưu trở lại nhà
Ngõ trước vườn sau gai gốc choán
Tường xiêu mái đổ gió mưa sa
Nặng lòng thuơng nhớ mai tàn úa
Mỏi mắt chờ mong trúc cỗi già
Thềm cũ rêu phong vàng kỷ niệm
Trời xưa lờ lững bóng mây xưa.
(Về mái nhà xưa/Quang Tuấn)
Sau lần đầu về thăm quê, anh còn về thêm được vài lần nữa. Anh cho biết đã gặp lại bạn bè, học trò cũ, họ rất niềm nở khi gặp lại anh, rồi tổ chức tiệc họp mặt, sau đó đi làm công tác từ thiện v.v.
Từ 2013 sức khỏe anh yếu dần, anh không còn xuống đường Senter uống cà phê nữa, gia đình anh dọn về Los Gatos sau khi vợ anh mất. Cái tang của người vợ làm anh suy sụp tinh thần từ đó tôi không còn gặp anh nữa. Hãy nghe anh nói về người vợ của mình bằng bài thơ thất ngôn bát cú:
Từ lúc vắng em quạnh phố phường
Đất trời ôi cũng quá thê lương
Dòng sông năm cũ dâng triều nhớ
Rặng liễu ngày xưa nhỏ lệ buồn
Mắt biếc hồ thu còn luyến sắc
Tóc huyền gió hạ vẫn lưu hương
Em đi mang cả hồn mây nước
Và trọn hồn anh ngập mến thương.
(Em đi/Quang Tuấn)
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua ...Một hôm tôi ra quán uống cà phê ở đường Senter, bất ngờ gặp lại anh, tôi ngạc nhiên vì không hẹn mà gặp, tôi khó nhận ra anh vì thân anh giờ trở nên gầy còm, xanh xao, yếu ớt. Tôi hỏi anh vì sao lâu rồi không ra uống cà phê ? Anh đáp : Tôi bị bịnh nặng! Tôi hỏi tiếp: Anh bị bịnh gì mà trông ốm quá vậy ? Anh đáp bằng hơi thở yếu ớt : Bị ung thư ! Nghe xong tôi lặng người, thương cho anh, trời kêu ai nấy dạ! Vậy mà anh còn nhớ tới "những đứa con tinh thần" sợ mai nầy khi anh mất đi không còn ai "chăm sóc" nó, nên anh nhã ý tặng tôi 3 tập thơ (tổng cộng 120 bài), hẹn ngày hôm sau ra lấy cũng tại nơi nầy.
Hôm nay ngồi cạnh bàn phím chợt nhớ quê nhà và nhớ tới anh. Tôi lấy mấy tập thơ anh tặng đọc lại một lần nữa, chợt nẫy ra ý, viết một bài về anh và cũng để thưởng thức những vần thơ thật truyền cảm nặng tình quê mà anh đã ấp ủ cái món nợ "trời cho" nầy! Thơ Quang Tuấn rất đa dạng, bàn về nhiều vấn đề khác nhau nhưng tập trung vào ba chủ đề chính: Quê huơng, tình yêu và thiền định. Bài nào cũng có chủ đề rõ rệt, sắc nét, không mông lung, hời hợt. Hình như lúc nào anh cũng hoài cố hương, in đậm trong lòng về tình quê, tình yêu thời tuổi trẻ. Thơ tình yêu anh viết rất tha thiết, đậm đà. Từ ngữ sử dụng đắc vị, nhẹ nhàng mà sâu lắng, không cường điệu hay làm dáng. Tứ thơ dồi dào thể hiện bằng những giai điệu thi ca thật truyền cảm đi thẳng vào lòng người khiến người đọc dễ tiếp nhận và thích thú. Sau khi vợ mất lời thơ lây lất buồn sâu đậm, như luyến tiếc như sầu thương cho kiếp nhân sinh, cho cuộc đời hư ảo ( đậm nét trong tập thơ "Cõi Trần" của anh).
Vĩnh biệt Quang Tuấn, một người anh cả, một bạn thơ rất chân tình!
Vài hàng về nhà thơ Quang Tuấn:
Quang Tuấn là bút danh của Trần Quang Tuấn
Sinh quán: Gò Công.
Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Cử Nhân Văn Chương (Đại Học Văn Khoa Sài Gòn).
Dạy học tại các trường Tư thục Sàigòn: Đồng Nai, Lê Bá Cang, Hoài An, Huỳnh Khương Ninh.
Và các trường Công lập: Trung hoc Tân An, Trung học Thoại Ngọc Hầu Long Xuyên
Hiệu trưởng trường Trung Học Thủ Đức (Sài Gòn) từ năm 1971 đến 1975.
Năm 1992 định cư tại California (Hoa Kỳ) theo diện đoàn tụ gia đình.
Thi phẩm: Hòa Điệu,Về Nguồn, Thơ tình Quang Tuấn, Phù Du v.v...
Kỷ yếu 20 năm văn học hải ngoại (1993-2013): tuyển tập nhiều tác giả trong đó có Quang Tuấn.
Văn: Thú gác cu ( truyện ngắn), Bí quyết sống lâu ( sách 200 trang, chưa in).
Đã từ trần ngày 01 tháng 03 năm 2016 (nhằm ngày 23 tháng giêng năm Bính Thân ) tại San Jose (Bắc Cali), Hưởng thọ 89 tuổi.
Nguyễn Cang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét