Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

Khúc Nhạc Uyên Ương - Đàn Ca Tài Tử - Trúc Tiên


Hồi nhỏ, khi bên ngoài trời mưa, mưa rỉ rả, mưa bên nhà chứ không phải mưa Paris, nội Trúc Tiên thường đem cây đàn kìm ra so dây rồi nói : « Trúc Tiên đâu rồi bây, ra hát vài câu Tứ Đại Oán với nội con ơi ! »
Hồi đó tôi hay nhăn nhó, lẩm bẩm: « Mưa buồn thấy mồ mà nội kêu con hát Tứ Đại Oán, chắc bà con đi tự tử hết !… » Vậy, nhưng tôi vẫn miễn cưỡng sà đến ngồi kế bên nội, phụng phịu: « Lan và Điệp hở nội ? » Bài hát mà nội tôi yêu thích. 

Sau này qua Pháp sống, không còn nội nữa thì khi buồn ba tôi ưa nói: « Buồn quá, làm vài câu vọng cổ nghe cho vui đi Trúc Tiên. » Ba tôi đàn còn tôi hát, thỉnh thoảng tôi nghe trong tiếng đàn có lẫn tiếng thở dài rười rượi. “Buồn quá, làm vài câu vọng cổ nghe cho vui”, thật là tôi cũng không hiểu nổi, chắc như các nhà vật lý học nói : trừ với trừ thì ra cộng ; buồn với buồn nó ra vui thế mà. 

Paris mấy hôm nay se lạnh, lá vàng đã lià cành từng đàn, để lại thân cây trơ trọi một mình, đầu đông cuối thu rồi, buồn ! Bắt chước ông bà mình, Trúc Tiên mời các bác các anh chị nghe Trúc Tiên hát vài câu Tứ Đại Oán nhé. Một sáng tác của Hoàng Song Việt tên Khúc Hát Uyên Ương. Nhạc phẩm này chứa đựng nỗi niềm của những đôi uyên ương như vợ chồng ông Sáu Lầu thương nhớ nhau rồi cho ra đời bài Dạ Cổ Hoài Lang. 

Điệu Tứ Đại Oán là một trong hai mươi bản tổ của Đàn Ca Tài Tử, nằm trong 4 bài oán. Như có lần Trúc Tiên đã kể cho các anh chị nghe rằng 20 bản tổ được chia làm 4 mùa (xuân, hạ, thu, đông) và 4 hướng (Đông, tây, nam, bắc). Thì bài Tứ Đại Oán được xếp vào mùa đông, điệu nhạc buồn, hiền hoà chân chất. Như đã có lần nhắc qua, các bài bản Đàn Ca Tài Tử được các nhạc quan đem vào Miền Nam vào cuối thế kỷ XIX. Dựa vào âm hưởng Nhạc Cung Đình, Tứ Đại Oán là hậu thân của Tứ Đại Cảnh, tương truyền Tứ Đại Cảnh do chính vua Tự Đức sáng tác để ca ngợi cảnh sắc 4 mùa của trời đất là Xuân-Hạ-Thu-Đông, nhưng cũng có người cho là vua Tự Đức có ngụ ý tôn vinh 4 cảnh đời vua Gia Long, Minh Mạng, Triệu Trị và Tự Đức (chữ "đại" là đời); hay dựa trên thuyết Phật Giáo, Tứ Đại Oán như Tứ Đại Càn Khôn (nước, lửa, gió, đất) luôn bị khổ đau bởi sanh-lão-bệnh-tử. Các thuyết này đúng sai ra sao Trúc Tiên không biết, chỉ biết là mỗi khi hát lên điệu Tứ Đại Oán thì cảm thấy buồn sâu thẳm, sâu thẳm nhưng không bi lụy. 

Chắc vì thế mà từ khi xuất hiện (đầu thế kỷ XX) Tứ Đại Oán đã ngự trị trong lòng khán giả cho đến lúc bài Dạ Cổ Hoài Lang ra đời (1920) và tiếp nối các bài vọng cổ nhịp 4, 8, 16,… Đến nay, chúng ta ít nghe hát trọn bài Tứ Đại Oán (7 lớp, 38 câu), thỉnh thoảng chỉ được vài câu trong các trích đoạn Cải Lương. Hôm nay Trúc Tiên mời các bác các anh chị nghe lại điệu nhạc cổ một thời khiến ông bà mình say đắm, được tổng hợp bởi những tinh hoa thuần túy của nhạc ngũ cung chính thống Việt Nam, không hề bị ảnh hường của dòng nhạc Triều Châu, Quảng Đông hay Khờ Me như một số người đã nói : điệu Tứ Đại Oán. Trúc Tiên


Điệu Tứ Đại Oán: lớp 1, lớp hồi thủ (1 trong 20 bài tổ của Đàn Ca Tài Tử)
Trình bày: Trúc Tiên
Đàn kìm: Út Tỵ
Đàn tranh: Duy Kim
Đàn guitare phím lõm: Văn Môn
Đàn bầu: Huỳnh Tuấn
Đàn cò: Minh Hoàng

Thực Hiện: Trúc Tiên & Vũ Hạ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét