Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Già Ơi, Ta Chào Mi!


Có lẽ niềm sung sướng của tuổi già là biết mình đã già, già như trái chín cây, ngọt thơm hơn trái cây giú ép. Tuổi già, mình phải nên vui vẻ, lạc quan đón mừng:"Già ơi, ta chào mi!" (Bonjour la Vieillesse) giống như nữ văn sĩ Françoise Sagan đã đề tựa một cuốn sách (Bonjour Tristesse). 

Nếu mình hiểu biết, nhận thức, chăm sóc tuổi xế chiều thì tuổi này sẽ trở thành nguồn hạnh phúc to lớn! Khi sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại thì có thể nói là không có già, không có trẻ, không có quá khứ cũng không có vị lai vì chúng ta chấp nhận cái già, thương yêu nó, trân quý nó, hưởng thụ nó. Già hay không già cũng tùy vào nhận thức trong đầu mỗi người". Tuổi già tâm không già, là già mà không già. Tuổi trẻ không già, mà tâm già, là không già mà già".Tuổi tác là chuyện của tâm, nếu chúng ta không để ý tới, thì cũng chẳng có vấn đề về tuổi tác! 

Ngày xưa ở Việt Nam, cha mẹ sống đến 50 tuổi được xem là già, là thọ . Con trai trưởng hoặc con gái lớn đứng ra tổ chức Lễ Thọ cho cha mẹ để tạ ơn Trời Đất đã cho cha mẹ sống thọ. Tuổi thọ còn gọi là tuổi hạc vì hạc được coi là chim tiên sống rất lâu, rất thọ. Con cái cầu chúc cha mẹ sống lâu để có điều kiện báo hiếu:

"Một mai tuổi hạc càng cao, - Tấm lòng báo đáp biết sao cho vừa?
Phải nên khuya sớm phụng thừa - Hiếu nầy đối với ơn xưa vẹn toàn"

Tuổi hạc chính là giai đoạn cuối đời người mà ai ai cũng cần giữ cho tâm hồn thư thái, bỏ lại sau lưng tất cả những phiền muộn của bao nhiêu năm tháng lăn lộn với cuộc sống để lo miếng cơm, manh áo.

Bây giờ “tam đại đồng đường” rất hiếm nhưng không phải là không có. Ba thế hệ cùng sống quây quần dưới một mái nhà, ông bà, cha mẹ và cháu. Ông bà chăm lo săn sóc cháu với tình yêu thương, còn cháu cho ông bà sự ngây thơ, tươi mát của trẻ thơ, cha mẹ thì yên tâm đi làm việc. Câu ca dao xưa cần phải thay thế từ “giữ” bằng từ “vui” cho hợp hoàn cảnh này:

“Sinh con rồi mới sinh cha 
Sinh cháu “vui” nhà rồi mới sinh ông.”

Có con thì mới thành cha, có cháu thì mới lên bà lên ông, cháu là không những là sự tiếp nối mà còn là niềm vui của cả gia đình. Đây là mô hình khá lý tưởng cho các gia đình ở hải ngoại vì ông bà, ngoài sự săn sóc và tình thương, còn giúp cháu nói được tiếng mẹ đẻ , hiểu văn hoá dân tộc và bảo tồn gốc rễ nữa. Nếu không sống chung một nhà thì cũng nên mua hoặc mướn nhà ở gần con cháu để có điều kiện nương tựa lẫn nhau, người già không bị rơi vào cảnh cô đơn hụt hẩng, nếu một trong hai người lớn tuổi, ông hay bà, ra đi trước.

Nhìn lại quãng đời đã trải qua, chúng ta dường như chưa hề thực sự sống trong hiện tại bao giờ cả! Lúc còn trẻ, khi mới bước vào đời, chúng ta mơ ước về tương lai, sống cho tương lai. Khi thành đạt, đã có được cái này, cái nọ, thì chúng ta lại sống cho quá khứ! Nhỏ thì mong cho mau lớn, lớn thì mong cho nhỏ lại.

Tóm lại, chúng ta chưa biết sống trong giây phút hiện tại mà luôn luôn sống trong ảo mộng. Khi ý thức được những điều tầm thường đó, chúng ta sẽ trân quý thời gian còn lại, sống trọn vẹn, sâu sắc bây giờ và ở đây. Niềm vui tiềm ẩn, tản mát trong những sự việc vụn vặt của cuộc sống hằng ngày mà mình phải tự khám phá để thụ hưởng như sáng thức dậy, mà còn duỗi tay, duỗi chân, bước xuống giường được, thong thả đi pha một ly cà phê hay một bình trà uống, chào mừng buổi ban mai và cám ơn đời đã cho mình 24 giờ tinh khôi để không lỗi hẹn với sự sống:

"Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy 
Ta có thêm một ngày nữa để yêu thương".(Khalil Gibran)


Còn hạnh phúc nào to lớn hơn khi mình lớn tuổi mà trái tim, buồng phổi, tứ chi vẫn hoạt động tốt...Nếu mình không biết sung sướng hưởng thụ bây giờ, mà lại chờ đến khi những bộ phận đó có vấn đề rồi mới tiếc nuối thì đã muộn màng!

Mỗi người đều có đồng hồ sinh lý (horloge biologique) của riêng mình, không ai giống ai, cũng như chỉ tay của mỗi cá nhân vậy, cho nên không cần bắt chước ai, chỉ cần lắng nghe cơ thể (écouter son corps), rồi áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể tâm lý và sinh lý của mình, “đói ăn, mệt ngủ” mà thôi! (1)

Bữa kia, tôi có tham dự một buổi thuyết giảng ở một trung tâm thiền tập tại Paris, nhưng tôi lại có một cái răng mới nhổ còn khá đau, tôi quán chiếu nên nhận thấy là "răng đau" cũng có cái hay là mình không nói năng gì cả mà chỉ lắng nghe thôi, không sợ phạm khẩu nghiệp! Nhưng nhìn sâu hơn một chút, tôi chẳng buồn chi lắm vì một cái xe hơi sử dụng khoảng hơn chục năm còn bị hư bộ phận này, bộ phận kia, huống hồ mình đã sống quá ¾ ( ba phần tư)) thế kỷ rồi! Nếu có những cơ quan trong thân thể bị lão hoá thì cũng là việc đương nhiên, mình phải chấp nhận mà thôi! Tốt hơn mình nên lạc quan tự nhủ là tai kém nhạy bén để bớt nghe những điều chướng tai; mắt kém tinh anh để bớt thấy những điều gai mắt; đầu óc bớt sắc sảo, quên trước, quên sau... để từ từ quên đi những nỗi khổ, niềm đau hoặc nếu mất rất nhiều thì giờ mà tìm không ra vật mình muốn tìm, thì hãy mĩm cười tự an ủi "Các nhà bác học cũng mất thì giờ để tìm tòi như thế mà!", chỉ khác là họ tìm để "phát minh," còn mình tìm để "phát bực"....thôi thì đi nằm theo dõi hơi thở hoặc đi dạo chờ cho hết bực!

Tiền không phải là "tất cả" nhưng cũng không phải là "không là gì cả"; đừng quá coi trọng nó, cũng đừng quá so đo, nếu ta hiểu được "nó chỉ là thứ ngoại thân, khi chào đời không đem đến, khi chết cũng chẳng mang theo". Nếu cần làm việc thiện nguyện, bạn nên rộng mở hầu bao. Tiền vốn là con dao hai lưỡi, người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền, biết làm chủ đồng tiền mà không làm tôi tớ cho đồng tiền. (L'argent est un bon serviteur mais un mauvais maître). 

Cuộc sống tuổi già cần được phong phú đa dạng hóa, đi chơi với gia đình đã hạnh phúc rồi nhưng thêm vài bạn thân lại càng vui hơn … Đừng thụ động ngồi gậm nhấm, nhơi lại, nhơi lại quá khứ để chìm đắm trong biển sầu khổ, rồi trở thành chủ nhân đại lý “than”, thường xuyên khuyến mãi, bán lẻ cho một, hai người hoặc bán sỉ cho nhiều người, cho tập thể!(2) 

Than thở, thổ lộ được những gì bị dồn nén trong lòng thì tâm hồn sẽ nhẹ nhõm, thư thái, nhất là lại gặp người biết lắng nghe bằng tai lẫn con tim.Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng diễn đạt được nỗi khổ, niềm đau đó bằng một bài viết để chia sẻ cho mọi người thì lại càng hay hơn! Theo nghiên cứu của Bác Sĩ Ornish. khi bị căng thẳng tinh thần, cơ thể sẽ tiết ra một hóa chất làm cho mọi sinh hoạt ứ đọng, ăn không ngon, đầu khó suy nghĩ, mạch máu trì trệ, mất sức đề kháng, dễ bị cảm cúm. Lạc quan là thuốc bổ mà chúng ta cần luôn luôn mang trong người, vì thế bạn đừng bao giờ bi quan nghĩ là mình già nuôi, yếu đuối,vụng về ... Nếu bạn đã cố gắng hết sức để làm một việc gì mà làm không nổi vì lực bất tòng tâm thì cứ “ mackeno” (3), coi đó như là một sự giải thoát!

Ði tập thể dục, tắm sauna, bơi lội, tập tài chi, học nhạc, học vẽ, học viết thư pháp...giúp cho người lớn tuổi giữ được thăng bằng về thể chất lẫn tinh thần và nếu có bệnh, uống thuốc sẽ công hiệu hơn, mau lành hơn. 

Sinh, lão, bệnh, tử, là qui luật ở đời. Chính mình phải là người chủ động lựa chọn cách đi cho mình, sống sao cho ngay thẳng, không hổ thẹn với lương tâm, sống vui, sống đẹp, sống sâu sắc, sống trọn vẹn ... thì khi thần chết gọi, mình thanh thản an nhiên, tự tại ra đi :

«Một mai từ giã « cuộc chơi » (4) - Thong dong, thanh thản, mỉm cười ra đi!»

Gương người xưa và nay vẫn còn đó vì một khi đã quán triệt qui luật trên, họ chuẩn bị kỹ càng chuyến viễn du cuối cùng này nên mua quan tài trước, lo xây kim tỉnh sẵn hoặc mua bảo hiểm hậu sự (contrat-obsèque) hay làm giấy hiến xác ...như chúng ta bây giờ dự tính đi xa thường đặt mua trước giấy máy bay đó mà!

Tôi xin chia sẻ bài này với các thân hữu chẳng qua là tôi quán chiếu cuộc sống của mình và tham khảo thêm một số tài liệu rồi viết những dòng trên đây, giống như người mua được bột, đường, sữa đem nhồi nặn thành bánh bỏ vào lò nướng. Lúc ăn thấy hợp khẩu vị nên mời các bạn cùng thưởng thức "lấy thảo"!

Hoài Việt (DHĐ)

Ghi chú:
(1) trích trong bài "Cư trần lạc đạo" của vua Trần Nhân Tôn:
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên -Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên.
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên - Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền.
( 2) “than” ở đây là “than thở” không phải là than để nấu ăn. 
(3) “ mackeno” : mặc kệ nó
(4) theo một thiền sư, đời chỉ là một « cuộc chơi », còn duyên thì biểu hiện, hết duyên thì ẩn tàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét