Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Việt Nam Văn Học Sử Yếu - Dương Quảng Hàm.(Chương Thứ Năm)

THIÊN THỨ HAI
ẢNH HƯỞNG CỦA NƯỚC TÀU 
CHƯƠNG THỨ NĂM



HỌC SINH NGƯỜI NAM SANG DU HỌC Ở TÀU

Sự truyền bá Hán học ở nước ta trong thời kỳ Bắc thuộc. Từ khi nước ta nội thuộc nước Tàu (111 tr.TL) chữ Nho cùng Hán học dần dần truyền bá sang nước ta. Sự truyền bá ấy nhờ mấy duyên cớ naỳ: 

A) Các lương lại Tàu đã có bụng tốt mở mang việc học trong xứ ta. Trong số ấy, sử còn ghi tên những ông sau này: 
1. Tích Quang, làm thái thú quận Giao chỉ về đờ Hán Bình đế, dạy dân lấy điêù lễ nghĩa 
(CM. tiền biên, q.2, tờ 9b) 
2. Nhâm Diên làm thái thú quận Cửu chân từ năm 29 đến năm 33, dạy dân lễ giá thú 
(CM. tiền biên q.2 tờ 9a) 
3. Sĩ Nhiếp làm thái thú quận Giao chỉ từ năm 187 đến năm 226. 
Ông là một người có văn học, lại chăm mở mang việc học, nên vẫn được suy tôn là “Nam bang học tổ". (Ông tổ việc học ở nước Nam). Nhưng ta không nên lầm tưởng ông là người đầu tiên đem chữ Nho sang dạy dân ta; ông chỉ là một người có công to trong việc truyền bá Hán học ở xứ ta thôi. 
4. Đỗ Tuệ Độ làm thứ sử Giao châu về cuối đời nhà Tấn (đầu thế kỷ thứ V) , chăm việc mở trường dạy dân học (CM. tiền biên, q.3, tờ 24b). 

B) Các sĩ phu Tàu chạy loạn sang nước ta. 
1. Về thời Vương Mãng (1) (8-23), có nhiều quan lại và sĩ phu nhà Hán, không muốn thờ kẻ tiếm nghịch, chạy sang đất Giao chỉ theo Tích Quang , rồi khuyến khích và giúp đỡ quan Thái thú trong việc truyền bá văn hóa Tàu ở xứ ta. (Theo H. Maspèro, BEFEO, XVIII, số 3, tr.12) 
2. Lại sau khi vua Hán Linh đế mất (189) nước Tàu rối loạn, chỉ có đất Giao chỉ là yên ổn, bởi thế bấy giờ có nhiều người danh vọng ở bên Tàu chạy sang ở bên ta (Theo P.Pélliot, T’oungpao, 1918-1919, tr.273) 
Xem hai việc ấy đủ biết trong khi nước ta nội thuộc nước Tàu, có nhiều bậc học thức người Tàu sang ở bên ta, rồi truyền bá Hán học ở đấy. 
C) Các nhà sư Tàu (sẽ nói rõ trong Chương sau). 
D) Các học sinh người Nam sang du học ở Tàu: đó là vấn đề ta sẽ xét ở đoạn dưới. 



Học sinh người Nam sang du học ở Tàu.
A) Nguyên nhân.- tuy các nhà cầm quyền người Tàu có lo đến việc dạy dân ta học chữ Nho thật. Nhưng nền học ấy vẫn ở một cái trình độ thiển cận: mục đích chỉ cốt luyện lấy người dùng làm lại thuộc ở các ty, các nha, chứ không phải là đào tạo nhân tài. Vì thế những người tuấn tú trong nước ta muốn học cho thành tài tất phải sang bên Tàu.
B) Các người hiển đạt và nổi tiếng. – Trong số các người sang du học ở bên Tàu, sử sách còn ghi tên mấy người hiền đạt và nổi tiếng là những người nầy: 
1. Trương Trọng đi du học ở đất Lạc dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam) về đời Hán Minh đế (58-75), sau được bổ làm quan thái thú ở Kim thành (tên quận, nay thuộc tỉnh Cam túc) (theo Chu bội Liên, tựa sách Thánh mô hiền phạm của Lê Quý Đôn) . 
2. Lý Tiến được bổ làm thứ sử ở Giao chỉ năm 187 (Hán Linh đế, Trung bình thứ 4). Ông có dâng sớ xin cho người Giao chỉ được bổ làm quan như người ở trung châu bên Tàu. Vua Tàu chỉ cho những người đỗ mậu tài (2) hoặc hiếu liêm (3) được làm lại thuộc ở trong xứ, chứ không được làm quan ở trung châu. 
3. Lý Cầm làm túc vệ trong điện vua nhà Hán lúc bấy giờ, thấy việc của Lý Tiến xin không được, mới rủ mấy người đồng hương ra cùng kêu xin. Vua nhà Hán bèn bộ một người Giao chỉ đổ mậu tài làm quan lệnh ở Hạ dương, và một người đổ hiếu liêm làm quan lệnh ở Lục Hợp . Sau Lý Cầm làm quan đến Tư lệ hiệu úy (CM, tiền biên, q.2. tờ 26) 
4. Khương Công Phụ ở về đời Đường Đức Tôn (78-804), đậu tiến sĩ, làm quan đến chức bình chương (An nam chí nguyên, bản in PQVĐHX, tr.178-180) 



Ảnh hưởng về việc học sinh ta sang du học bên Tàu. 
Việc học sinh ta sang du học ở Tàu có ảnh hưởng đến sự truyền bá Hán học ở nước ta. Cái ảnh hưởng ấy phát triển ra có hai cách: 
A) Các học sinh thành tài về nước đem những điều mình đã học được mà truyền dạy cho người đồng bang. 
B) Cái gương các học sinh thành tài được hiển đạt, vinh dự làm cho các người trong nước nức lòng mà chăm chỉ học tập, nhờ đó mà Hán học càng ngày càng lan rộng trong nhân gian.
Các tác Phẩm kê cứu.
(1) Nguyễn Bá Trác, Bàn về Hán học, N.P.VII , số 10 tr.324-336 

(2) Lê Thước. L’Enseignement des caractères chinois: Ext. de la Revue indochinoise, 1921, Hanoi, Imp, d’Extrème-Orient. 
-- 
Chú thích :
(1) Vương Mãng: nguyên làm quan với nhà Hán, rồi giết vua Bình đế mà tiếm ngôi vua sau bị vua Hán Quang Vũ giết chết. 
(2) Mậu tài: tức là tú tài. Sau vì vua Hán Quang Vũ tên là Tú, nên đỗi chữ tú là chữ mậu. 
(3) Hiếu liêm: vua Hán Vũ đế bắt đâù truyền lệnh cho mỗi quận trong nước cử một hiếu liêm; các đời sau cũng theo lệ ấy: châu thi cử tú tài, quận thi cử hiếu liêm.


Dương Quảng Hàm





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét