Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Nhẫn Nhục Nếm Phân: Việt Câu Tiễn

Câu "Sĩ khả sát bất khả nhục" đã nói lên tiết tháo của kẻ sĩ ngày xưa. Tuy nhiên vẫn còn đó những tấm gương nhẫn nhục lưu danh hậu thế.
Chúng ta cùng đến với Việt Vương Câu Tiễn, một trong ngũ bá vào cuối thời Xuân Thu.

Việt Vương Câu Tiễn

Vào thời Xuân Thu, nước Việt một nước láng giềng và luôn có bất hòa với nước Ngô cũng dần dần trở nên lớn mạnh, đã tạo thành mối uy hiếp đối với nước Ngô. Năm 496 trước công nguyên, Vương Doãn vua nước Việt bị bệnh qua đời, vua Ngô nhân lúc nước Việt bận việc tang, bèn phát động tấn công, hai bên mở trận kịch chiến ở Huề Lý, rút cuộc quân Ngô bị thất bại thảm hại, Ngô vương Hạp Lư do bị thương, lại vì tuổi già sức yếu nên khi trở về đến nửa đường thì mất, con là Phù Sai lên nối ngôi. Phù Sai luôn luôn ghi nhớ lời cha dặn trước lúc qua đời. Nhằm tự răn mình, nhà vua đã cử một người đứng trước cửa cung, mỗi khi mình ra vào thì người này đều hô to lên rằng; " Phù Sai, người đã quên mối thù nước Việt giết cha rồi ư ?". Phù Sai liền khóc nói: "Không, không dám quên, ba năm sau nhất định báo thù". Nhà vua ra lệnh cho Ngũ Tử Tư và Bá Hi khẩn trương thao luyện binh mã, để chuẩn bị tấn công nước Việt.

Hai năm sau, Ngô vương Phù Sai vì nóng lòng muốn báo thù, liền thống lĩnh đại quân tiến đánh nước Việt. Đại phu Phạm Lãi nói với Việt vương Câu Tiễn rằng: " Nước Ngô đã luyện tập binh mã trong hai năm, họ nóng lòng muốn báo thù, nên khí thế rất lớn mạnh, chúng ta chỉ nên giữ thành, chứ không ra nghênh chiến". Câu  Tiễn không chịu nghe theo, liền dẫn quân ra Tiêu Sơn mở một trận kịch chiến với quân Ngô, rút cuộc quân Việt bị thất bại, Câu Tiễn chạy trốn lên núi Cối Kê, quân Ngô thừa thắng đuổi riết rồi bao vây chặt núi Cối Kê. Câu Tiễn cuống cuồng liền cùng Phạm Lãi bàn cách đối phó, Phạm Lãi nói: "Đã đến nước này, chúng ta chỉ còn cách cầu hòa mà thôi". Câu Tiễn nghe theo, liền cử đại thần Văn Chủng sang dinh trại quân Ngô cầu hòa.

Vua Ngô sắp xếp cho hai vợ chồng Câu Tiễn đến ở trong một ngôi nhà đá bên cạnh mộ Hạp Lư, họ hàng ngày chăn ngựa, quần áo lam  lũ, ăn toàn cám và rau dại. Câu Tiễn ngày ngày đi chăn ngựa, vợ ở nhà giặt giũ nấu cơm, còn Phạm Lãi thì kiếm củi, họ tỏ ra rất an phận, nền nếp, một lòng một dạ cung kính đối với vua Ngô.
Mỗi khi Phù Sai đi chơi hay đi đâu, đều bắt Câu Tiễn cầm roi ngựa đi chân đất trước đầu xe. Người nước Ngô đều trỏ mà bảo nhau:
- Đấy là vua nước Việt.
Câu Tiễn chỉ lặng lẽ cúi đầu mà đi.
Một hôm, được tin Phù Sai bệnh, Phạm Lãi bàn với Câu Tiễn xin vào thăm bệnh, vừa lúc Phù Sai vừa đi ngoài, theo lời Phạm Lãi khuyên, Câu Tiễn nếm phân của Phù Sai để phán đoán bệnh tình, nhằm tỏ lòng trung.
Sau khi nếm phân xong, Câu Tiễn thưa với Phù Sai những gì Phạm Lãi đã căn dặn:
- Chúc mừng Đại Vương, bệnh Đại Vương đến ngày kỷ tỵ thì bớt, sang tháng ba ngày nhâm thân thì khỏi hẳn.
- Sao ngươi biết?
- Tôi nghe y sư nói phân là cốc vị, hể thuận thời khí thì sống, trái thời khí thì chết. Nay kẻ tù này nếm phân của Đại Vương, thấy vị đắng và chua, chính hợp cái thời khí phát sinh, bởi thế mà biết.

Chính việc làm này khiến Phù Sai rất cảm động và cho rằng Câu Tiễn đã thực lòng quy thuận mình, nên ba năm sau phóng thích vợ chồng Câu Tiễn về nước.

Sau khi về đến nước Việt, Câu Tiễn liền gắng công xây dựng đất nước, chờ đợi thời cơ để rửa hận, nhà vua lo mình thỏa mãn với hiện trạng, mà làm nhụt ý chí báo thù rửa hận của mình, nên đã tự sắp xếp cho mình một môi trường sống rất gian khổ, ông treo một chiếc mật ở giữa nhà ăn, trước khi ăn cơm đều nếm vị đắng của mật và tự nhắc nhở mình "Chớ quên nỗi nhục ở Cối Kê", còn ban đêm thì ngủ trên đống củi rơm. Đây chính là xuất xứ của câu thành ngữ "Nếm mật nằm gai".
Câu Tiễn hàng ngày đi làm ruộng, vợ ở nhà dệt vải, khuyến khích nông dân ra sức phát triển sản xuất, tăng thêm của cải cho nước, quy định trong 7 năm không thu thuế, giảm gánh nặng cho nông dân. Đồng thời còn đặt ra chính sách dân số, người già không được lấy vợ trẻ, thanh niên không được lấy vợ già, sinh đẻ được nhà nước chiếu cố, sinh con trai từ một đứa trở lên đều do nhà nước nuôi dưỡng. Do đó, chỉ trong mấy năm mà dân số nước Việt tăng lên nhanh chóng, nước cũng từ yếu chuyển sang mạnh. Câu Tiễn lại ra lệnh cho Phạm Lãi huấn luyện binh mã, Văn Chủng quản lý việc lớn và không ngừng tiến cống cho nước Ngô, loại trừ được sự hoài nghi của Phù Sai, buông lỏng việc phòng bị đối với nước Việt, tình hình vẫn trong trạng thái hòa bình, nhưng nước Việt đã nhân cơ hội này trở nên ngày càng lớn mạnh.

Sau 10 năm phục hưng và cải cách chính trị, Việt Quốc đã trở nên hùng mạnh. Câu Tiễn được sự tin tưởng của Phù Sai, không chú ý tới sự phục hồi của nước Việt mà mang quân lên trung nguyên giao tranh với nước Tề, nước Tấn.
Đầu năm 483 TCN, Phù Sai họp chư hầu ở Hoằng Trì, muốn tranh ngôi bá chủ của nước Tấn . Trong khi hội chư hầu chưa xong thì tháng 6 năm đó, Câu Tiễn mang quân đánh úp nước Ngô. Thế tử nước Ngô là Hữu ra cự bị quân Việt bắt sống và tự sát. Quân Việt tiến vào nước Ngô.
Phù Sai mang quân về nước. Quân Ngô theo Phù Sai đi đường xa mỏi mệt, bị quân Việt đánh bại. Phù Sai phải mang nhiều của cải sai sứ sang giảng hòa với nước Việt. Câu Tiễn cho giảng hòa.
Năm 478 TCN, Câu Tiễn lại mang quân đánh Ngô. Hai bên giáp trận ở Lập Trạch. Quân Ngô đại bại. Năm 476 TCN, Câu Tiễn lại tấn công đánh bại Ngô lần thứ ba. Năm 475 TCN, Câu Tiễn lại mang quân đánh, vây nước Ngô. Đến tháng 11 năm 473 TCN, quân Việt đại phá quân Ngô. Ngô Phù Sai sau nhiều lần bại trận không còn khả năng kháng cự, xin quy phục như nước Việt trước đây. Câu Tiễn định chấp nhận nhưng Phạm Lãi can không nên. Vì vậy Phù Sai phải đâm cổ tự sát.
Cuối cùng Câu Tiễn đã tiêu diệt được Ngô Phù Sai, rửa được cái nhục ở Cối kê. Phù Sai tự vẫn không đầu hàng, Câu Tiễn sai chôn Ngô vương tử tế và giết thái tể Bá Hi phản chủ.
Sau khi Câu Tiễn đã bình định được nước Ngô, bèn đem quân về hướng bắc, vượt sông Hoài cùng các nước chư hầu là Tề Tấn, họp ở Từ Châu, nộp cống cho nhà Chu. Vua Bguye6n Vương nhà Chu ban thịt đến Câu Tiễn, cho ông làm bá.

Sau khi đã vượt qua phía nam sông Hoài, Câu Tiễn bèn lấy đất trên sông Hoài cho nước Sở, trả cho nước Tống đất Ngô đã lấy của nước Tống, trả cho nước Lỗ dải đất một trăm dặm ở phía đông sông Tứ. Bấy giờ quân của Việt làm bá chủ ở phía đông sông Giang, sông Hoài. Chư hầu đều mừng gọi Câu Tiễn là bá vương.

Sự nhẫn nhục phi thường của Việt Câu Tiễn đã giúp ông trả được mối thù, đồng thời đạt được danh hiệu Bá Vương, đứng trong Ngũ Bá thời bấy giờ.

Huỳnh Hữu Đức biên soạn
(Theo: Đông Châu Liệt Quốc - vikipedia.org - maxreading.com).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét