Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Mùa Lễ Tạ Ơn



Khi những chiếc lá vàng cuối cùng rơi và khí trời càng trở lạnh cũng là lúc cả đất nước Hoa Kỳ đang chuẩn bị bước vào những ngày lễ trọng đại và thiêng liêng. Một trong những ngày lễ quan trọng đó là Lễ Tạ Ơn . 

Lễ Tạ Ơn như đem những người sống trên đất nước Hoa Kỳ trở về với những ngày đầu của tổ tiên họ… Vào ngày 6 tháng 9, 1620, có 102 người, vừa đàn ông, đàn bà, trẻ con cùng một số vật dụng bước lên con tàu Mayflower rời Anh Quốc, vượt đại dương để tiến về Tân-thế-giới. Họ ra đi và mang trong lòng một nỗi khao khát: tìm tự do tôn giáo (seeking religious freedom). Họ được gọi bằng tên mới “Những người hành hương” (Pilgrims). Một vài nhà sử học coi đây là Lễ Tạ Ơn đầu tiên mặc dầu không có tiệc tùng, ăn uống, vui chơi… 

Mùa đông đầu tiên quá lạnh, thật vô cùng khắc nghiệt, đến với họ. Thực phẩm lại thiếu thốn trầm trọng. Tháng 12 năm ấy có sáu người qua đời, qua tháng Giêng có tám người, tháng Hai tăng lên 17 người, và 13 người qua đời trong tháng Ba. Những người này đã âm thầm chôn cất những thi hài trong đêm tối vì sợ Thổ Dân (Native Indians) biết được có thể tấn công họ chăng! May mắn thay, không có một xung đột nào đáng kể giữa Người Da Đỏ và Người Hành Hương như họ dự đoán. Trái lại Thổ Dân rất thân thiện và tận tình giúp đỡ những Người Hành Hương trong cuộc sống mới về việc dạy cách trồng tỉa, săn bắn, nấu nướng các thứ hoa quả lạ… 

Tháng Tư họ cùng nhau trồng bắp dưới sự chỉ dẫn của một Người Da Đỏ tên là Squanto. Những luống bắp nầy quyết định sự sống còn của họ trong mùa Đông sắp tới. Họ vui mừng vì mùa Xuân và mùa Hè năm 1621 thật quá tuyệt đẹp! Bắp lên tươi tốt hứa hẹn một vụ mùa no nê như lòng họ mơ ước. Mùa Đông lại về, nhưng bây giờ không còn là một đe dọa nữa. Mùa màng đã gặt hái xong, họ có dư thực phẩm để sống qua những ngày đông giá rét. Cũng không còn sợ lạnh vì đã làm được 11 cái nhà vững chắc đủ chỗ để quây quần sum họp. Họ quyết định tổ chức một Hội Ngày Mùa (Harvest Festival) để tạơn Thượng Đế cho họ sống sót qua mùa đông đầu tiên. Đó là lễ Tạ Ơn đầu tiên trên đất Mỹ. Ngày tháng chính thức của "First Thanksgiving" nầy không được chép lại, chỉ biết đầu tháng 11 năm 1621. 

Thực phẩm chính trong Lễ Tạ Ơn nầy gồm: Bắp, bí đỏ, chim, vịt, ngỗng và gà tây. Họ cũng mời khách là các Thổ Dân. Tù trưởng Massasoit dẫn 90 dũng sĩ đến dự "party" và cũng đem biếu Thống Đốc của nhóm Người Hành Hươnglúc bấy giờ là Bradford năm con nai nhân ngày Lễ Tạ Ơn đó. Họ ăn uống vui chơi suốt một tuần lễ. 

Lịch sử ngày Lễ Tạ Ơn của người Mỹ cũng thăng trầm, trôi nổi theo vận nước của họ. Các tiểu bang thuộc địa đầu tiên không thống nhất được ý kiến chung về một ngày Lễ Tạ Ơn. Họ giữ ngày lễ tùy ý mà họ cho là thích hợp. Khi cuộc cách mạng giành độc lập từ tay Người Anh thành công họ mới nghĩ đến một Lễ Tạ Ơn chung cho 13 tiểu bang. Tổng Thống đầu tiên của nước Mỹ, George Washington, kêu gọi dân chúng giữ ngày thứ năm 26 tháng 11 năm 1789 làm ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên cho toàn quốc (First National Thanksgiving). Nhưng sau đó lễ tạ ơn cũng không được mọi người công nhận theo một ngày tháng nhất định. Dầu vậy, càng ngày càng có nhiều người đưa ra ý kiến nên có một ngày nhất định, đưa lễ Tạ Ơn thành quốc lễ (National Holiday) và đưa quyền quyết định cho chính phủ Liên-Bang. 

Một trong những người có công trong việc thúc đẩy việc thành hình ngày Lễ Tạ Ơn là bà Sarah Josepha Hale. Vào năm 1837 bà Sarah trở thành chủ bút của một tạp chí phụ nữ nổi tiếng có tên "Godey's Lady's Book". Bà đã viết hàng trăm lá thư gởi đến các nghị sĩ Quốc Hội và những người có thế lực lúc bấy giờ hầu vận động đưa ngày Thanksgiving vào quốc lễ. Trong thời kỳ nội chiến (Civil War) năm 1861, bà viết một tâm thư kêu gọi hai phe buông súng một ngày để giữ Lễ Tạ Ơn, nhưng không phe nào chịu nghe cả. Bà thất vọng! 

Mãi đến năm 1863, Tổng thống Abraham Lincoln nhận thấy chiến tranh đã đến hồi kết thúc nên chỉ định ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11 làm ngày Lễ Tạ Ơn cho toàn quốc. Chẳng may ông bị ám sát, Andrew Johnson lên làm Tổng Thống, tiếp tục truyền thống cũ, nhưng đổi lại ngày thứ năm tuần lễ thứ 4 của tháng 11 làm Lễ Tạ Ơn. Rồi trong khoảng thời gian từ năm 1939 đến 1941, Tổng Thống Franklin Roosevelt chỉ định ngày thứ năm của tuần lễ thứ ba trong tháng 11 làm lễ Tạ Ơn thay vì thứ năm trong của tuần lễ thứ 4.Nhưng lần nầy Roosevelt bị các thương gia và các đảng viên Đảng Cộng Hòa chống đối dữ dội, cho rằng Tổng Thống đã đi ngược lại truyền thống cũ. Hai năm sau Tổng Thống Roosevelt rút lại quyết định và đặt ngày thứ năm tuần lễ thứ 4 của tháng 11 làm ngày Lễ Tạ Ơn cho toàn quốc mãi cho đến ngày hôm nay.


Lễ Tạ Ơn là dịp để chúng ta đếm các ơn lành Trời ban. Nhìn lại những ngày tháng tại quê nhà, cuộc hành trình tị nạn đầy gian nan vừa qua và những thành quả mà Người Mỹ Gốc Việt đạt được ngày hôm nay để chúng ta dânglên Thượng Đế lời Tạ Ơn sâu xa nhất. Tạ ơn Trời vì Ngài đã ban cho ta sự sống, hơi thở, sức khoẻ và bao nhiêu là ân huệ. Chúng ta cũng nên cảm ơn nhau. Cảm ơn thân quyến, bạn bè, những người thân quen và ngay cả những người chưa từng biết về sự chan hòa của họ trong cuộc sống của mỗi chúng tatrong cộng đồng nhân loại. 

Kính chúc mọi người, mọi nhà một kỳ Lễ Tạ Ơn tràn đầy ý nghĩa.


Mai Xuân Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét