Trước đây, người ta thường cho rằng giáo lý Nguyên Thủy là giáo lý
Tiểu Thừa không đưa đến quả vị tối hậu thành Phật, mà chỉ có giáo lý Đại Thừa
mới là giáo lý chân chính của Phật giáo. Ngược lại, một số khác lại cho rằng
giáo lý Nguyên Thủy mới chính truyền là của Phật, còn giáo lý Đại Thừa là ngoại
đạo. Sự bất đồng quan điểm ấy đã làm băng giá mối quan hệ cả hai truyền thống đến
hàng ngàn năm!
Ngày nay, với những phương tiện tiến bộ, quan điểm như thế về Tiểu
Thừa và Đại Thừa đã không còn thích hợp! Phần lớn các nhà nghiên cứu Phật giáo đều
chấp nhận một số tư tưởng Đại Thừa là những tư tưởng của Phật giáo Nguyên Thủy.
Nếu chúng ta chịu khó so sánh bốn tập A Hàm của Trung Quốc với các tập Pàli
Nikàya tương đương, chúng ta sẽ thấy có nhiều đoạn văn A Hàm lại nguyên thủy
hơn các đoạn văn Pàli.
Thái độ của một số Phật tử Đại Thừa xem tư tưởng Tiểu Thừa là thiển
cận, nhỏ hẹp, không đáng học hỏi, cũng như phủ nhận ba tạng Pàli, bốn bộ A Hàm
và các Luật, Tạng không phải là những tinh hoa tốt đẹp và nguyên thủy nhất của
lời Phật dạy, cũng là một thái độ nguy hiểm, nông nổi, nếu không phải là ngây
thơ, phản tri thức!
Trong lịch sử Phật giáo, thời kỳ Phật giáo Nguyên Thủy cho đến thời
kỳ Bộ Phái (sau Thích Ca Mâu Ni 400 năm) chưa có danh từ Đại Thừa hay Tiểu
Thừa! Hai danh từ này xuất hiện đồng thời với kinh điển Đại Thừa khoảng thế kỷ
I trước hoặc sau Công nguyên. Các danh xưng Tiểu Thừa và Đại Thừa chỉ là sự tranh
chấp về đường lối hành đạo do lúc bấy giờ người ta quá chú trọng về lý luận và
hình thức.
Vào năm 1950, Hội Phật tử Thân hữu Thế giới (World Fellowship
Buddhists) đã họp tai Colombo (Tích Lan-Sri Lanka ngày nay-) đã nhất trí quyết
nghị loại bỏ danh từ “Tiểu Thừa” khi nói đến Phật giáo Nam Tông. Từ đó đến nay,
Phật giáo được phân thành hai truyền thống: truyền thống Nguyên Thủy (Phật giáo
Nam Tông) và truyền thống Phát Triển (Phật giáo Bắc Tông). Từ ngữ “Nguyên Thủy”
và “Phát Triển” khi sử dụng, đã nói lên tính xuyên suốt, giống như một cây đại
thọ (tức giáo lý Phật giáo) mà với phần gốc rễ là Nguyên Thủy và phần thân cành
là Phát Triển! Không một cây nào có thể gọi là cây khi không có gốc hay ngọn!
Sự nhất quán trong hệ thống giáo lý phải được thiết lập và không ra ngoài hai
hệ thống Nguyên Thủy và Phát Triển, bởi vì cả hai đều cần thiết phải bổ sung
cho nhau! Nói cách khác, mọi tư tưởng của Phật giáo Phát Triển đều phải mang
tính kế thừa giáo lý Nguyên Thủy; nếu không, giáo lý Phát Triển sẽ mất đi giá
trị của nó!
Với nhận định trên, khi học tập và nghiên cứu, chúng ta cần phải
thoát ra khỏi những tượng đài quá lớn của các học giả có một bề dày nghiên cứu,
nhưng chưa có quá trình tu tập; cần phải có sự độc lập trong nhận thức để tránh
tình trạng nô lệ kiến thức -bởi một con sư tử được làm bằng vàng thì râu hay
đuôi, cũng đều có giá trị như nhau trong mắt của người thợ kim hoàn- và cũng
bởi vì Phật giáo là một tôn giáo “khi tìm đến để nắm bắt chứ không phải để
chiêm ngưỡng”!
(26/11/2014)
Hà Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét