Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Chiếc Áo Bà Ba

Nét đẹp duyên dáng của cô gái miền Nam sông nước Việt.
      Tôi ngắm bức tranh có cô gái mặc chiếc áo bà ba mầu tím hoa cà, cô gái trông vui tươi duyên dáng chèo thuyền trên sông nước. Trong ánh mắt tôi cả một quê hương vùng dậy. Những hình ảnh thân thương, quen thuộc lại hiện về tiếng khua nước ghe chèo trên bến sông, chốn chợ nghèo cuối thôn, hay chiếc cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi đều thắm đượm hồn quê trong từng ánh nhìn, sắc áo bà ba ẩn hiện. Như thể người thôn nữ ấy chưa từng rời xa chốn miệt vườn, miệt ruộng biền biệt những tháng năm dài xa xăm đằng đẳng...
      Áo bà ba vốn không có cổ, thân áo phía sau may từ một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống, chiết eo và xẻ tả vừa phải ở bên hông. Cùng kết hợp với áo bà ba là chiếc quần đen satin dài chấm gót, làm tăng thêm nét đẹp mềm mại, thanh thoát của người phụ nữ.
      Trải qua bao nhiêu năm tháng, chiếc áo bà ba ngày nay vẫn gắn bó với biết bao người con gái miền Nam và trở thành một nét văn hóa truyền thống dân tộc hết sức có giá trị. Đây chính là nét đẹp văn hóa ngàn đời khó quên của dân tộc Việt Nam, một đất nước có truyền thống văn hóa đầy tính sáng tạo, chuộng nét thẩm mỹ, luôn đổi mới để tồn tại vượt qua thời gian và không gian...
      Ngược dòng lịch sử, chiếc áo bà ba xuất hiện đầu tiên ở miền Nam vào thời kỳ Hậu Lê. Áo bà ba vốn là áo không cổ, được may bằng loại vải một, vải ú, vải sơn đầm vốn mau khô và dễ giặt. Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba được xẻ ở hai bên hông tạo sự thoải mái cho người mặc, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như cặp tóc, khăn tay, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng miền Nam mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi. Riêng lúc đi chơi, họ thường chọn màu sắc nhẹ hơn như màu trắng, màu xám tro. Còn các cô, các bà thì chọn màu mạ non, xanh lơ nhạt... với chất liệu vải đắt tiền hơn như the, lụa. Sau này áo bà ba truyền thống được phụ nữ thành thị cải tiến, vừa phổ thông hòa theo tinh thần văn hóa dân tộc, vừa đẹp vừa có nét mỹ thuật hiện đại hơn. Áo bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa, mà được may hẹp, nhấn thêm eo bụng cho ôm sát lấy thân hình. Ngoài ra, người at còn sáng tạo các kiểu cổ lá sen, cánh én, đan tôn. Áo bà ba kết hợp với chiếc quần đen bằng vải Satin dài chấm cổ chân hoặc gót chân đã tôn lên vẻ đẹp, hình hài vóc dáng của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng, thanh thoát, mềm mại.
      Nói tới chiếc áo bà ba, chúng ta không thể không đề cập tới ca khúc tôn vinh “Chiếc áo bà ba” của Nhạc Si Trần Thiện Thanh.

Chiếc áo bà ba trên giòng sông thăm thẳm
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh
Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ
Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời

Nhớ chiếc xuồng xưa năm nào trên bến cũ
Thương lắm câu hò kêu gọi khách sang sông
Áo trắng xuồng đưa mắt cười em khẽ gọi
Người thương ơi em vẫn đợi chờ.

Đẹp quá quê hương hôm nay đẹp vô ngần
Về Sóc Trăng một ngày ca điệu lâm thôn
Đàn én chao nghiêng xôn xao mùa lúa nhiều
Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu

Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba
Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm
Qua bến Bắc Cần Thơ

Nhớ kỷ niệm xưa nông xuồng đêm trăng tỏ
Em gái Ninh Kiều tóc dài chấm lưng thon
Đất nước mình đây dẫu xuồng ghe bé bỏng
Mà không thôi nhớ thương nên đầy vơi.

Dẫu qua đây một lần
Nói sao cho vừa lòng
Nói sao cho vừa thương.


      Nét đẹp nhu mì, dịu dàng, giản dị và duyên dáng của chiếc áo bà ba đã là nguồn cảm hứng cho bao nhiêu ngòi bút trong những áng thi ca và những nốt nhạc ca ngợi vẻ đoan trang thẩm mỹ của chiếc áo bà ba.
      Vào thập niên 70, các thành phố miền Nam phổ biến kiểu ráp tay raglan, đã tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho chiếc áo bà ba truyền thống. Hai thân áo trước và sau tách rời khỏi vai và tay áo, trong khi tay và áo lại liền từ cổ tới nách. Áo bà ba vai raglan được may rất khít, vừa vặn với eo lưng, không quá thắt như kiểu áo trước đó. Tay áo dài hơn, hơi loe, hai túi ở vạt trước được bỏ đi để tạo cho thân áo nhẹ nhõm, mềm mại hơn.
* * *

      Trải qua bao thăng trầm của đất nước, chiếc áo bà ba vẫn tồn tại và chiếm được trơn vẹn tình cảm yêu mến của tất cả các tầng lớp trong xã hội. Chiếc áo bà ba, chiếc khăn rằn hay với chiếc nón lá nghiêng nghiêng khuôn mặt vẫn mang đậm nét đặc trưng truyền thống của người con gái vùng đồng bằng sông nước Cửu Long.
      Trải qua bao biến cố đổi thay của lịch  sử, những thăng trầm của đời sống, áo bà ba vẫn là bộ trang phục bình dị, đơn giản, và phải nói là rất phù hợp với người dân chân chất, thật thà ở những nơi vùng sông nước này như miền Tây Đô. Những người con dù có xa xứ đến nay khi nhìn lại chiếc áo bà ba quê hương, không khỏi chạnh lòng.
      Cái đơn giản, mộc mạc của chiếc áo cho thấy cả một nền văn hóa quê hương gồm những thứ thật hiền hòa, nhu mì và lại gần gũi dễ thương. Vẫn áo bà ba thấp thoáng bên dòng nước xanh, hay trên chiếc xuồng ba lá. Áo bà ba vương mùi bếp khói, thơm mùi lúa mới trổ bông. Áo bà ba len lỏi giữa chợ nổi ven sông, vắt vẻo trên cây cầu nối hai đầu thương nhớ. Áo bà ba được dãi nắng dầm mưa quê hương, trong những vụ mùa bội thu còn rộn rã hân hoan tiếng vui cười. Áo bà ba lung linh trên sông nước có ánh trăng cho đôi lứa hẹn hò.
Chiếc áo bà ba trên giòng sông thăm thẳm
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh
Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ
Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời


Lý Tòng Tôn
11/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét