Lời đầu cho nhau…
Các bạn mến,
Chúng ta rất hân hoan khi đón nhận một nội san với sự góp mặt của tất
cả. Nó ghi lại được mối thâm tình bằng hữu của chúng ta ngày hôm nay và
sẽ khó phai mờ ở một tương lai xa cách nhau.
Tờ nội san này cũng là một bước đầu hoạt động của hội trong tinh thần
tìm hiểu lẫn nhau để càng ngày càng thắt chặt thêm dây thân ái. Hội “Ái
Hữu” chúng ta thành lập được là nhờ tình thân cư xử với nhau suốt các
niên học và những ngày sinh hoạt. Chúng ta hy vọng rằng hội “Ái Hữu
“nầy sẽ tồn tại mãi mãi để chúng ta có dịp sống lại những ngày xưa thân
ái bên nhau. Vạn vật này có thể dâu bể nhưng tình bằng hữu của chúng ta
thì vĩnh viễn bất diệt. Chúng ta sẽ sống trong chân tình tha thiết hôm
nay và ở sự tương trợ ngày mai. Bên cạnh tờ nội san này, chúng ta cố
gắng tổ chức những dịp sinh hoạt khác và mong rằng tất cả các bạn đều
nhiệt liệt hưởng ứng. Giao tình bằng hữu này muốn tồn tại và khắng khít
hơn thì cần phải có những hoạt động liên tục bên nhau./.
Thay mặt Ban điều hành
Anh Cả Nguyễn Thái Sơn
Lời nầy cho các con… (Má TÙNG)
Các con,
Đây chỉ là một bức thư thật giản dị và chân thành ta gởi cho các con.
Có lẽ phải thú thực với các con ta chẳng muốn viết cho các con kiểu này.
Tình cảm đã chẳng là điều viết ra cho đủ và cho đúng, ta sợ lời làm hại
ý, nhất là những lời có thể phổ biến, có thể được đọc bởi những người
không phải là các con. Ta chẳng thích tí nào, nhưng các con cứ bắt buộc
ta. Lại một lần ta chiều ý các con đó.
Các con của ta!
Những dòng này không phải chỉ viết cho hiện tại ta còn viết cho tương
lai, cho một ngày mai đọc lại, khi các con đã ra đời – cuộc đời, hơn
một lần ta đã nói, vốn không phải như trường học, và ngoài đời, sẽ chẳng
phải chỉ là bạn bè.. Lúc đó biết đâu những dòng chữ xa xưa này sẽ trở
thành một loài hoa, sẽ tạo thành một bóng mát trong nóng bỏng cát bụi
thế tình, vài giọt nước mắt của các con sẽ nhỏ xuống cho quá khứ đời
mình sống dậy, dịu dàng và bùi ngùi…Phải, biết đâu trong nỗi nhớ xót xa
và thanh thoảng đó, ta chẳng sẽ đem lại cho các con một cái gì.
Các con những đứa học trò ta “cưng“ nhất trong sáu năm miệt mài tại cái
tỉnh lẻ quạnh hiu này, có lẽ ta nên nhắc lại nơi đây những kỷ niệm của
một thời quá vãng. Nó sống trong ta lộn xộn…
Những giọt nước mắt của thằng Quang trong tiệc đón Thành Sơn trở về.
Thành Sơn lính hơn cả lính lúc nào cũng thấy nói tới lính – chẳng khác
nào chưa chi Thái Sơn đã méo mó nghề nghiệp. Câu đầu lưỡi “Sinh hoạt
cộng đồng“. Ta ít khi ngờ được nó trở thành một thứ giáo viên gương mẫu
các con ạ! Hùng mập thường xuyên khỏe ăn, cũng như Hùng Sơn luôn luôn
trầm tư mặc tưởng qua một bề ngoài thật babilac-nhắc tới babilac ta lại
nhớ tới Lương văn Trường, chẳng bao giờ dám đi chơi, có nên chia buồn
với thằng nhỏ không? Còn chú Hải thì y như “chú Hải “”cụ Hải “ thì đúng
hơn các con nhỉ?...Đặng Phùng Ích hay liên lạc có thể tới bất cứ nhà bạn
gái nào mà không bị nghi ngờ thiện chí, hắn có bề ngoài ngây thơ vô tội
đó chứ ? Nhưng sự thực thiên hạ đồn rằng..
Thật thiếu sót nếu ta không nói tới “hồi chánh viên “Dũng – hắn tốt lắm
và ngoan nữa - đó là môt đứa con có hạng. Còn thằng mười ba chữ xấu như
gà bới nhưng viết văn được Thằng Tánh, tên học trò nhảy dù một lớp,
thằng Hồng hiền nhưng đa tình, Hữu Phước ba hao xạo với các cô giáo, ham mê đá gà thường thiếu tiền nên…
Còn bọn con gái thật nhu mì và cũng vì hiền quá nên chăm học vô cùng,
thường đứng đầu lớp. Thủy Tiên, Tâm, Sương, Kim Hà. Ngọc Yến, Duyên… bên
cạnh mấy đứa con trai đã tạo nên một thế giới muôn màu sắc, ta coi là
của riêng ta, vì chỉ ta mới biết rõ từng đứa, ta biết mà ta ít nói ra,
thành thử …
Trong số các con, có đứa mới học ta năm ngoái (71-72) có nhiều đứa
chứng kiến ngày đầu tiên ta chính thức đi dạy (26-9-67)… Mỗi đứa hoặc
ít nhiều, đều gợi lại cho ta vài kỷ niệm khi ta vô tình gặp lại ở một
nơi nào đó trong Vĩnh Long bé nhỏ này.
Các con ở đây
đã tụ họp với một số khác tạo thành cái lớp 11B3, cái lớp mà mỗi khi
bước vào ta sẵn sàng chửi mắng, la hét, giận dữ, cho số không, (có ngày
ta đã ghi tới 26 hột vịt đó các con ạ!). Có lần ta tưởng ta khóc được vì
các con. Tuổi trẻ đã thúc đẩy các con chọc phá, đập bàn đập ghế nói
năng bừa bãi, đôi khi tới vô lễ, lười học làm ta bực mình. Nhưng có điều
ta biết các con nghịch ngợm không ác ý, đùa một cách vô tâm, nếu có ác ý
thì chỉ là vô tình, ta hiểu rõ nguyên nhân sâu xa đã khiến đứa này làm
thế này, đứa kia nói thế nọ, cho nên ta sẵn lòng tha thứ và bao giờ cũng
hết lòng dạy dỗ, hơn nữa ta vẫn đọc thấy trong mắt các con, cảm thấy
trong thâm tâm các con một điều các con không ghét ta lắm đâu- có phải
thế không?
Ta vui vì sự kiện này. Ta cảm thấy được đền bù lẫn an ủi các con ạ!
Trong những dịp đi chơi đây đó, đi ăn uống chung với các con ta càng cảm
nhận rõ điều này, nào những lần đi lội cồn, buổi chèo thuyền vào Ngã
Tư, lần ăn thịt bò nhúng dấm, bữa
các con hộ tống ta ra Bắc Mỹ Thuận về Sàigòn, lần về Chợ Lách phải xách
dép dò dẫm từng bước, bữa tất niên ở nhà Kim Hà… trong ta xôn xao những
rộn ràng của một cô giáo biết rằng mình được các con thương mến chiều
chuộng.
Sống gần các con ta nhận thấy rõ rệt là các con thương yêu nhau rất
chân thành, rất tự nhiên đến chính các con không biết không nhận thấy
như vậy. Dù có nhiều khi nói bậy, nói bạ (chẳng hạn như Lộc) các con vẫn
dễ thương vì các con rất ngay thẳng, ngây thơ đến độ đáng ngạc nhiên
nếu căn cứ vào bề ngoài to đầu của các con. Một nữ giáo sư có dịp tham
dự một buổi du ngoạn của chúng ta đã nhận xét như vậy và ta đã hết sức
tán đồng… Các con dễ mến và đáng yêu vô cùng…
Nói như thế không phải ta không biết một vài “tật xấu“ của các con, từ
Thái Sơn cho tới Hữu Phước sang Lộc, Hùng mập… Ta biết rõ là đằng khác,
nhưng ta không chú ý tới điều đó - bao giờ các con cũng là những đứa
học trò thông minh, nghịch ngợm , thỉnh thoảng lười và phá phách trong
sự kính mến thầy cô.. các con là những tia sáng của cuộc đời dạy học
buồn tẻ, là những học trò đặc biệt của ta ở đây, làm ta vui nhiều và
thấy rằng mình đã không chọn lầm nghề, các con là niềm an ủi của ta giúp
ta tin tưởng rằng vẫn có những bông hoa trên một thân cây có thừa gai
góc.. Vậy các con hãy cố gắng là các con bây giờ và cả sau này nữa…
Ta không viết văn ở đây, ta cũng chẳng cần đến những câu chuyển ý hay
thi ca dẫn chứng, ta muốn gởi đến cho mỗi đứa một đóa hồng của lòng ta
thắm thiết.
Rồi đây, chúng ta sẽ mỗi người một ngả, thời gian sẽ hằn lên chúng ta
những đổi thay về thể xác, cuộc đời sẽ khiến cho ta vô vàn mỏi mệt và
chán chường trong tâm hồn. Chúng ta nhìn nhau sẽ thấy khác và đối với
nhau sẽ chẳng như bây giờ, các con và ta có lẽ đều không muốn thế, nhưng
ai ngăn được nhân sinh trở về với cát bụi???
Sự xa cách cũng như cơn gió, tình bạn tình thầy trò như ngọn lửa, gió
sẽ thổi tắt những đóm lửa nhỏ nhưng làm bùng cháy các ngọn lửa lớn (ta
muốn thay đổi câu danh ngôn một chút như vậy..) hy vọng rằng chúng ta sẽ
làm cho ngọn lửa nhỏ bừng sáng, bừng sáng để chiếu tỏa một quảng đời
các con trẻ dại và sưởi ấm những ngày có thể là tẻ lạnh sau này…
Các con, các con phải cảm ơn lẫn nhau vì sự có mặt của kẻ này cho kẻ khác. Cảm ơn sự hạnh ngộ một đời các con trân trọng…
Các con của ta ơi, ta gửi đến các con những trìu
mến đang bồi hồi trong ta và lần đầu ta bộc lộ…Tình thương yêu trong
sáng cho các con là thứ tình cảm không đi kèm với đau khổ, băn khoăn. Ta
hãnh diện vì các con./..C.T
Giáo Sư Việt Văn DƯƠNG VƯƠNG THỊ TÙNG
(Phan Thị Sương gửi đăng)
* Chị Sương quý mến
Chúng em chân
thành cảm ơn chị đã gửi đến em bài viết của Cựu Giáo Sư
Văn Dương Vương Thị Tùng, Lời mở đầu cho quyển Nội San 72
Một kỷ vật vô cùng quý giá cách nay hơn 40 năm.
Chúng em sẽ giữ gìn và trân quý như những gì chị đã trân quý.
Năm Mới kính chúc Cô và quý anh chị cùng gia đình Một Mùa Xuân Quý Tỵ 2013, nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và thịnh vượng
Hy vọng Cô ở phương trời xa sẽ được đọc lại những lời Cô gửi gấm cho các "Con của Má Tùng".
* * Chị Sương ơi.
Thắm thoát một năm trôi qua.
Xuân Giáp Ngọ 2014 được chị báo tin vui có anh Tùng, anh Tánh từ nước ngoài đã tìm về với Ái Hữu 72/
Một điều em bất ngờ anh Kim Hội của em cũng là bạn học cùng lớp với các anh chị.
Kính chúc Má Tùng và tất cả con của Má Tùng sẽ đoàn tụ một ngày không xa, nguyện cầu Cô và anh chị luôn an vui và dồi dào sức khoẻ.
Em Kim Oanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét