Ngày
xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán
rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng
bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai
thì dốc cán cân về đằng quả. Như vậy một cái cân vừa nặng vừa nhẹ được,
và bao giờ phần lợi cũng về mình.
Không bao lâu nhà ấy trở nên giàu có, vì buôn bán lọc lừa. Nhà này sinh ra được hai đứa con mặt mũi khôi ngô, học hành thông thạo. Thiên hạ ai nấy đều khen là nhà có đại hồng phúc. Một hôm hai vợ chồng ngồi bàn với nhau: "Nhà ta bây giờ đã giàu có nhiều, lại được hai đứa con khôn ngoan học giỏi. Bây giờ ta đem phá bỏ cái cân điên đảo kia đi, để dành đức lại cho con về sau".
Bàn xong hai vợ chồng thuận tình làm lễ sám hối, trên thì cúng Phật,
dưới cáo cùng tổ tiên, rồi đem cái cân ra chẻ. Khi chẻ ra, thì thấy
trong cái cân có đọng một cục máu đỏ.
Từ đó hai vợ chồng bảo nhau ăn ở tu nhân tích đức, tránh điều dữ, làm
điều lành. Nhưng cách đó hai tháng, bỗng một hôm một đứa con lăn ra
chết, rồi không bao lâu, đứa con còn lại cũng lăn ra chết nốt. Hai vợ
chồng kêu gào khóc lóc thảm thiết, nghĩ rằng mình đã có bụng cải ác vi
thiện mà Trời Phật không chứng quả. Rồi hai vợ chồng rầu rĩ khổ sở, cứ
ngồi than dài thở vắn, không buồn động đến việc gì nữa.
Một đêm, hai vợ chồng cùng nằm mơ có ông Bụt đến bảo rằng: "Vợ chồng
hãy nên lo toan làm ăn tu tỉnh lại, chớ vội ngồi vậy mà trách Trời không
có mắt. Trước Trời thấy chúng mày buôn bán lọc lừa, Trời đã sai hai con
quỷ xuống đầu thai phá tan cho hết những của phi nghĩa chúng mày chắt
bóp nhặt nhạnh bao nhiêu năm nay. May mà chúng mày sớm biết hối hận, cải
tà quy chánh, tránh dữ làm lành, Trời mới sai bắt hai con quỷ ấy về.
Đừng thương tiếc chúng nó làm chi nữa. Chúng mày cứ ăn ở ngay lành rồi
Trời lại đền cho hai đứa con khác để ngày sau mà nhờ".
Hai vợ chồng biết thế, không thương khóc con nữa, lại làm ăn như cũ, và
lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm, cố gắng làm bao nhiêu điều từ thiện,
phúc đức. Quả nhiên sau lại sinh được hai đứa con trai khác. Hai đứa con
hiền lành tử tế, văn hay chữ tốt, rồi sau lớn lên, làm cho cha mẹ được
vẻ vang sung sướng trong cảnh già.
(Theo http://vanhoc.xitrum.net)
Huỳnh Hữu Đức sưu tầm
Huỳnh Hữu Đức sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét