Sông Long Hồ bắt nguồn từ sông Cổ Chiên. Ở vàm sông, theo tên gọi hiện nay, bên tả là bến đá đầu xóm Cầu Dài thuộc phường 5, bên kia là công ty du lịch, thuộc phường 1, Vĩnh Long, chảy qua các phường 4, phường 5 - Vĩnh Long, Xã Thanh Đức - Huyện Long Hồ , Xã Long Mỹ - Huyện Măng Thít , Xã Long Phước - Long Hồ.
Sông có chiều dài hơn 10km, rộng đến 100 m và sâu hơn 9m. Sông có các nhánh rẽ như rạch Cầu Lầu, rạch Cầu Kho, rạch Cầu Đào, rạch Cầu Mít, rạch Ông Me Lớn, rạch Cầu Kè, rạch Bùng Binh, rạch Cái Chuối rạch Cái Nứa, rạch Long Mỹ, rạch Chanh, và hai nhánh lớn. Một nhánh chảy vào Hòa Tịnh và Bình Phước (Măng Thít), nhánh rẽ phải theo sông Cái Cau đến ngã ba Xã Xỉ, rẽ trái đến Cái Ngang.
Sông Long Hồ là một trong năm con sông lớn được Đại Nam Nhất Thống Chí đề cập đến và mô tả như sau : ”ở phía đông huyện Vĩnh Bình 5 dặm; gốc nước ở sông Đại Tuần, chảy đến thì khuất khúc, chảy đi thì là đà, chảy ngang thì quanh co, tích tụ lại thì đứng trong trẻo, 4 mùa nước ngọt, quanh lộn trong các châu chử thôn lạc, có chỗ như lâm động, có chỗ thành vực đầm, nên gọi là Long Hồ. Chảy quanh trước tỉnh thành hiệp với Tiền Giang, hình thế như một hùng quan thiên tạm vậy. Lòng rộng 25 trượng, sâu 2 trượng, phía đông nam có lạch cạn, thắt nhỏ dần lại qua 30 dặm rưỡi xuống đến ngã ba sông Ba Kè, thủ Kiên Thắng, thuộc Tỉnh Vĩnh Bình. Ngã sông phía hữu chảy về hướng nam 26 dặm đến đà Trà Ôn rồi hiệp lưu với Hậu Giang. Ngã sông phía tả chảy về hướng đông 85 dặm rưỡi đến thủ Mân Thít, Tân Thắng lại cùng hạ lưu Tiền Giang nhóm lại chảy ra cửa biển Cổ Chiên”.
Khoảng trước năm 1767, sông này mang tên Tầm Vồ (bởi chảy qua xứ Tầm Vồ); khi đất này được mang tên dinh Long Hồ, thì sông cũng mang tên Long Hồ.
Ở Vĩnh Long còn lưu lại câu hò trong dân gian:
”Tầm Vồ giờ đã đóng đô, xin quan đổi lại Long Hồ cho xinh”.
Ngày nay, sông Long Hồ vẫn giữ vị trí quan trọng: là đường giao thông thuận tiện từ sông Cổ Chiên đi về sông Hậu hay những vùng Tiểu Cần, Trà Cú… và dẫn nguồn nước từ sông Cổ Chiên về cho những cánh đồng của các huyện Long Hồ, Tam Bình.
Trương Kỳ Quốc
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét