Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Tản Mạn Về Mỹ Thuật Vĩnh Long

     Hơn hai mươi năm qua, kể từ sau khi đất nước đổi mới, đường lối “DÂN TỘC-HIỆN ĐẠI”(...) vẫn luôn là hướng đi tích cực, sáng suốt, giữ gìn được bản sắc trong xu hướng hội nhập toàn cầu cho đội ngũ Họa sĩ, Điêu khắc gia tỉnh Vĩnh Long. Các đề tài phong phú đề cập đến mọi khía cạnh của đời sống từ truyền thống đến đương đại đã được triển khai để các nghệ sĩ thể hiện qua các tác phẩm của mình.


Vào năm 1988, chính các họa sĩ Vĩnh Long đã đi tiên phong trong việc mở cuộc Triển lãm Mỹ thuật đầu tiên trên toàn quốc tại Sài Gòn, mở đầu  phong trào Triển lãm Mỹ thuật cho các tỉnh phía Nam. Và trong suốt một thời gian dài, Mỹ thuật Vĩnh Long luôn đứng ở vị trí quán quân với lực lượng Họa sĩ, Điêu khắc gia hùng hậu cùng với những tác phẩm hội họa, tranh, tượng, phù điêu… Thế nhưng, vào thời điểm hiện tại, Mỹ thuật Vĩnh Long đã có dấu hiệu chựng lại. Dường như các nghệ sĩ chỉ dừng chân ở cách trang trí miên man, sơ sài, thể hiện những tình cảm cá nhân vụn vặt và ít có tác phẩm hoành tráng, lớn lao về nội dung, hình tượng.

Nguyên nhân vì sao Mỹ thuật Vĩnh Long bị rơi vào tình trạng lội ngược dòng như vậy? Làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng luẩn quẩn ở ngả ba bế tắc, thiếu định hướng như hiện nay?
Chúng ta đang ở vào thời kỳ mà nghệ thuật đương đại, hay còn gọi là nghệ thuật Hậu Môđéc đang phát triển rộng khắp toàn cầu. Xu hướng Nghệ thuật Không gian, bao gồm Sắp đặt, Biến đổi, Trình diễn, Sáng tạo Không gian bằng mọi phương tiện chất liệu và xu hướng High-tech áp dụng kỹ thuật số, màn hình, đèn chiếu… vào các trò chơi nghệ thuật thị giác mới lạ, đặc trưng của xã hội trí tuệ và khoa học công nghệ trình độ cao hầu như không còn xa lạ với công chúng thưởng ngoạn. Trong khi đó,  đại bộ phận các nghệ sĩ trong ngành Mỹ thuật Vĩnh Long vẫn sáng tác theo cách suy nghĩ cho rằng sự quay về cảm thức dân gian, khai thác bản sắc dân tộc từ nghệ thuật cổ truyền chính là cách thể hiện tinh thần “DÂN TỘC-HIỆN ĐẠI”(!) Lại có một số vị chối từ các công thức và lối vẽ chính xác theo tinh thần khoa học của trường lớp vốn không hợp với mỹ cảm tượng trưng ước lệ của người Việt Nam. Thêm nữa, sự bắt chước, đi tắt vội vàng, tránh né kỹ thuật và lao động, với suy nghĩ, mơ hồ nông cạn cho rằng “DÂN GIAN CHÍNH LÀ HIỆN ĐẠI”; hoặc với hy vọng theo tấm gương của một số họa sĩ trong nước đã thành danh nối nhanh tức thì “CÁI DÂN TỘC VỚI CÁI HIỆN ĐẠI” mà không nghĩ rằng thành quả của các họa sĩ ấy chính là cả một quá trình làm việc, nghiên cứu miệt mài cộng với tài năng và sự hiểu biết sâu sắc về truyền thống!

Vấn đề tiếp theo là sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ kế thừa trong ngành Mỹ thuật. Ở Vĩnh Long, các nghệ sĩ trẻ có năng khiếu về Mỹ thuật, Điêu khắc đa phần có gốc gác xuất thân là giáo viên đã tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long hoặc Đại học Đồng Tháp ngành Họa. Vì được đào tạo để giảng dạy, nên họ chỉ được học một chút Hội họa, một chút Điêu khắc, một chút Lịch sử Mỹ học… Và kết quả là, có một thầy giáo dạy môn Mỹ thuật tại một trường Phổ thông Cơ sở  đã tuyên bố hùng hồn với các học trò của mình rằng Họa sư nổi tiếng Salvado Dali là họa sĩ vẽ theo lối Cổ điển(!)


Thực tế, NGHỆ THUẬT VÀ CÁI ĐẸP luôn không ổn định mà thay đổi cùng với cuộc sống và nhu cầu tinh thần của con người, thời đại. Các giá trị của nghệ thuật cũng có nhiều cấp độ khác nhau, tùy vào hàm lượng nội dung, ý tưởng và tính đại diện của nó. Nghệ thuật “DÂN TỘC-HIỆN ĐẠI” phải là nghệ thuật nhập cuộc với cuộc sống, mang thông điệp và nội dung hiện thực cao. Làm nghệ thuật là để lên tiếng, bày tỏ tư tưởng, trí tuệ và thái độ cá nhân trước các vấn đề của cuộc sống. Có như thế, các nghệ sĩ trong ngành Mỹ thuật Vĩnh Long mới có cơ hội thoát khỏi sự trì trệ, bế tắc như hiện nay.

Bài viết trên đây chỉ là ý kiến của một cá nhân, được viết ra có tính cách để độc giả cùng tham khảo. Nó không nhằm mục đích chê bai, đả kích bất cứ ai! 

 (Tháng 12-2011)
Tín Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét