Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

Vần Thơ Hay Vầng Thơ? Và Sự Lan Man Của Tiếng Việt!



Trong thời gian gần đây, trên các diễn đàn thơ, chúng ta thấy một số nhà thơ sử dụng từ "vần thơ mang nghĩa là bài thơ".

1/ Vần:

- Gốc là chữ Vận ( 韻 ) từ Hán Việt. Có nghĩa hai chữ đồng âm như bông, không, mộng... 

- Là từ nôm có nghĩa là những nguyên âm và phụ âm ghép lại thành chữ hay còn gọi là Ráp Vần trong cách ghép chữ Việt . Thí dụ : chữ bông do b ghép với vần ông.

Họa vận 和 韻: (vần họa) làm thơ, tìm tòi cho đúng âm điệu, hòa hài vận cước để đáp tặng lại bài thơ của người khác.

Thi Vận 詩 韻 (Vần thơ): Nguyên tắc gieo vần mà người làm thơ phải tuân theo.

Như vậy, 'vần thơ" không hề có nghĩa là "bài thơ hay câu thơ". Từ trước đến nay chưa có tự điển, sách hay nhà thơ nào dùng chữ "Vần thơ" thay cho chữ "bài thơ" cả. 

2/ Vầng còn được gọi là Vừng: Vầng trăng, vừng trăng...

3/ Vầng: được các văn nghệ sĩ ở Miền Nam sau 1954 đến 1975 sử dụng Và ngày nay vẫn tiếp tục sử dụng:

- Vầng mây: đám mây

- Vầng thơ: bài thơ... 

Thí dụ: 

a/ Khi Phạm Duy phổ nhạc bài "Thơ Sầu Rụng" của Lưu Trọng Lư. Ông đặt tên bài hát là "Vầng Thơ Sầu Rụng". (Có đính kèm link dưới đây để chứng minh).


b/ Báo điện tử Người Lao Động:

và còn rất nhiều dẫn chứng nữa không cần thiết phải nêu thêm.

Do chế độ chính trị thay đổi, xã hội thay đổi, nên ngôn từ cũng có thay đổi phần nào. Vì vậy chúng ta thấy có những từ thông dụng trước 75 khi sử dụng sẽ bị cho là sai.

Thí dụ như chữ "giòng sông", ngày nay chỉ sử dụng dòng mà thôi (chữ giòng chúng ta không thấy trong tự điển kể cả quyển Tự Điển Khai Trí Tiến Đức). Hay là chữ "chìu chuộng", mà ngày xưa chúng ta sử dụng, nhưng ngày nay lại viết là "chiều chuộng" như thế từ " chìu" bị loại bỏ (Từ "chìu"cũng không có trong quyển tự điển Khai Trí). 

Hay từ "dùm" trước 75 vẫn sử dụng trong thi văn dù không có trong tự điển. Nhưng ngày nay không được viết thế mà phải viết là "giùm"

Còn rất nhiều Chữ trước năm 1975, Miền Nam sử dụng trong sách giáo khoa, nhưng ngày nay thì bị nhiều người cho là sai vì không có trong tự điển. 

Có người viện dẫn từ quyển tự điển Khai trí để chứng minh (Quyển tự điển này được coi như là kim chỉ nam của Tự Điển Việt), chúng ta nên nhớ, quyển "Việt Nam Tự Điển" của nhóm Khai Trí Tiến Đức này được phát hành năm 1931. Vì thế thiếu sót rất nhiều, nhất là những từ trong Nam.

Như thế những từ không có trong tự điển khi sử dụng chưa hẳn đã sai. 

Nói đúng ra, hầu hết các tự điển đều do người gốc Miền Bắc biên soạn, họ dựa vào cách phát âm và ngôn từ thông dụng của Miền Bắc làm căn bản để soạn, chính vì thế nên thiếu sót nhiều ngôn từ trong Nam.

Ngoài ra có những từ không đúng, nhưng vì của người Miền Bắc, nên khi viết kể cả in sách, mọi người không cho là sai, như chữ "giời", hay "ông giăng" trong khi đúng ra là "trời, trăng", nhưng nếu ta viết "chời, chăng" theo giọng của người miền Tây thì sẽ bị cho là sai hoàn toàn...

Các trang mạng xã hội hiện giờ, hầu hết đều sử dụng chữ Việt theo tự điển ngày nay, nên đương nhiên chúng ta sẽ ít, hoặc không thấy một số từ ngữ trước 75.

Song song đó, ngày nay xuất hiện cách ghép chữ tùy tiện, khá mơ hồ, không rõ ràng, không đúng với nghĩa cũng như công dụng của nó, nhưng có nhiều người xem như đây là một sáng kiến, làm mới cách dùng chữ, nên bắt chước theo... ví dụ như chữ "chùm", công dụng chính là dùng cho rau quả như chùm nho, chùm khế, hay những món đồ buộc chung lại với nhau thành một chùm... nếu ta dùng cho "chùm thơ", vẫn biết là ai thích thì xài, nhưng xem có vẻ thô kệch và mất đi nét đẹp, nét lãng mạn trữ tình của chữ thơ...thay vì gọi "chùm thơ" sao ta không sử dụng từ "những vầng thơ" nghe tao nhã hơn.

Quách Tấn từng viết trong bài thơ Đường Luật "Trơ Trọi" 

"...Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ 
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ... "

Qua câu thơ trên của Quách Tấn, chúng ta thấy Thơ đối với thi nhân trân quý biết dường bao.

Tóm lại, đối với những người cả thời học sinh hấp thụ nền giáo dục của Miền Nam trước 75, và với những người tiếp thu nền giáo dục sau 75, hay những ai tìm hiểu về từ ngữ, văn học qua những quyển sách ấn hành sau 75, hoặc tìm tòi qua trang mạng internet, sẽ có những khác biệt về ngôn từ, nếu tranh luận sẽ không có lối ra, vì ai cũng bảo thủ với những gì mà mình đã học hay mới vừa học hỏi.

Huỳnh Hữu Đức

1 nhận xét:

  1. Vầng: vầng trăng, vầng dương...vầng ở đây chỉ sự đầy đặn, tròn trịa, viên mãn.
    Vầng thơ: bài thơ hoàn chỉnh, đầy đặn, hoàn thiện, đẹp!

    Trả lờiXóa