Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

Đọc Lại Bài "Le Sonnet d'Arvers Bằng Cảm Nhận Của Một Tâm Thức Mới


Dung oi,
Cám ơn cô em đã chuyển cho đọc bài thơ của Felix Arvers cung các bản dịch của ba tác giả: Khái Hưng, Mai Lộc, Hoàng Nguyên Chương. Mới đầu anh định chỉ đọc lướt qua thôi, bụng nghĩ bài thơ này minh đọc không biết bao lần rồi tưởng chừng đã thuộc lòng như cháo. Nhưng khi có nhiều nhiều bản dịch khác nhau, mà bản nào cũng xuất sắc cả, anh đã phải chú ý đọc nguyên tác hơn để tìm hiểu ý nghĩa đích thực của nó. Nhờ vậy anh đã phát hiện ra được một vài cảm xúc mới lạ bất ngờ, tưởng chừng như vừa được đọc một phiên bản khác. Nhưng trước hết, anh muốn ghi lại một vài cảm xúc vừa thức giấc, qua phần chuyển ngữ bài thơ của F. Arvers ra lời Việt theo cảm nhận của anh mới đây.

         Chuyển ngữ bài "Le Sonnet d' Arvers" dựa trên bản dịch của Khái Hưng
                                                
                                                   Tình U Ưẩn  (Nỗi Niềm)

                                                 Lòng ta ôm một mối sầu,
                                           Tình đâu chợt đến sao thành thiên thâu:
                                                 Tình vô vọng, nỗi thảm sầu
                        4                    Mà người gieo thảm lại hầu không hay.

                                                 Hỡi ơi! người đó ta đây,
                                           Sao ta thui thủi đường trần chiếc thân?
                                                 Dẫu ta đi trọn đường trần,
                         8                   Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi?

                                                 Người dù ngọc nói, hoa cười
                                             Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
                                                 Đường đời khoan nhịp bước chân,
                         12                   Mà sao mỗi bước, ta tan nát lòng.

                                                 Một niềm tiết hạnh đoan trinh,
                                             Xem thơ nào biết có mình ở trong.
                                                 Vẩn vơ lòng tự hỏi lòng:
                         16                "Là ai, người ở mấy dòng thơ đây?"

                                           (Chuyển ngữ theo cảm tác của Khái Hưng)
                                                                                      NBH

     Trước hêt anh xin được xác minh  điều quan trọng như sau:
 Đây không phải là một bài thơ sáng tác, dù là dưới hình thức phỏng dịch. Anh không biết làm thơ, và cũng không có khả năng dịch một bài thơ tiếng nước ngoài ra thành những vần thơ Việt được. 
Tất cả các vần điệu trong bài "Tình u uẩn" trên đây anh đều phải dựa vào bản dịch của Khái Hưng, nhưng chi  đổi một số từ ngữ để nói lên cảm nhận vừa thức giấc nơi anh sau khi đọc kỹ lại nguyên tác. 
Chi "đổi", chứ không phải "sửa". đâu nhé. " Đổi" (modifier) là khi ta cần chọn một vài từ ngữ mới để đáp ứng nhu cầu diễn đạt của một tâm thức mới trong một khung cảnh sinh hoạt đã đổi thay. 
Còn "sửa" (corriger) là khi ta sử dụng chữ nghĩa của ta để thay thế một vài từ của tác giả mà ta cho là không hợp với cảm nhận hoặc không đúng với suy nghĩ của ta. Đối với Khái Hưng, một nhà văn tiên phong lão thành, cùng với nhóm Tự Lực Văn Đoàn, đã đóng góp lớn lao cho sự phát triển và hiện đại hóa văn học Việt Nam, mà đòi sửa thơ ông, anh coi đó không phải là việc làm của một « hậu sinh khả úy », mà là « hậu sinh khả ố ». Thanh minh thanh nga như vậy tưởng cũng đủ rồi. Giờ xin được  nói về phần chuyển ngữ  phản ánh cách tiếp cận mới của anh về bài thơ.


     Như mọi người đều biết, Félix d’Arvers (1806-1850) là nhà thơ đương thời với các nhà thơ nổi danh Pháp bấy giờ như Lamartine (1790-1869), A. de Vigny (1797-1863), A. de Musset (1810-1857)… nên được coi thuộc trường phái lãng mạn. Tuy nhiên ông lại là nhà thơ chết trẻ (44 tuổi) và sự nghiệp cũng ngắn ngủi, chỉ có tập thơ duy nhất mang tựa « Mes heures perdues » ra mắt công chúng năm 1833 khi ông được 27 tuổi. Có lẽ do tuổi đời đã ngắn, sự nghiệp thơ  còn ngắn hơn nên các sách giáo khoa hầu như không muốn dành cho ông một chỗ đứng trong phần giảng dạy về trào lưu văn học lãng mạn tây phương  thế kỷ 19. Ngay tập XIXè siècle trong Collection littéraire nổi tiếng của Lagarde &Michard do Bordas ấn hành, mà anh đã có gửi cho Dung, cũng không hề nhắc tới tác giả cũng như bài thơ này. Dầu vậy Félix d’Arvers vẫn sống mãi trong lòng giới yêu thơ ở bất kỳ thời điểm nào, không gian nào. Ấy là  nhờ vào bài thơ duy nhất không mang tựa đề, nhưng lại được người đời nhắc nhở dưới tên gọi « Le Sonnet d’Arvers ». Phải chăng nhờ cái tựa đề thuộc loại « có cũng như không » ấy mà tên tuổi ông được lưu danh thiên cổ?

      Điều không phủ nhận được, bài « Sonnet d’ Arvers »  ra đời vào đúng lúc cao trào văn học lãng mạn Tây phương, nên dù muốn dù không nó cũng được coi  thuộc trường phái lãng mạn. Riêng tại Viêt Nam, theo ông Hoàng Nguyên Chương, bản dịch thơ F. Arvers của Khái Hưng được ra mắt trước năm 1940, nghĩa là vào lúc người người đã làm quen và  bắt đầu ghiền những vần thơ lãng mạn trữ tình của Lamartine, Musset, Vigny..., tiêu biểu là hai câu thơ sau đây của Musset, mà thời đó ít ai không vừa đọc không vừa khăn tay chấm nước mắt:

                    « Les plus désespérés sont les chants les plus beaux
                      Et j’en connaîs d’immortels qui sont de purs sanglots. »
                                                  A. de Muset ( Nuit de Mai)
                   (Những câu than tuyệt vọng là những bài ca đẹp nhất
                   Tôi biết có nhiều bài bất tử chi thuần là lời thổn thức.)

Trong bối cảnh đó , bản dịch của Khái Hưng có được nồng nhiệt đón nhận cũng dễ hiểu; nhất là khi tựa đề "Tình tuyệt vọng" còn nói lên cái tâm thức thời đại đang chịu ảnh hưởng nhiều ảnh hưởng văn học lãng mạn tây phương. Bởi vậy người đời có thưởng ngoạn bài thơ này qua bản dịch bằng cảm nhận đương thời, cũng là điều dễ hiểu thôi. Và biết đâu bản dịch của Khái Hưng đã chẳng gợi hứng cho hai câu thơ của T.T.KH rát được truyền khẩu thời đó:

                      Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
                      Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.

Thế nhưng, nếu như tên tuổi của Arvers vẫn được người đời nhắc nhở, trong khi không biết bao nhà thơ đương thời từng được ca tụng nay lại chìm trong quên lãng, đâu có phải vì bài sonnet duy nhất ấy đã nói lên được cái tâm thức lãng mạn thời đại. Theo anh nghĩ sau khi đã đọc kỹ bài thơ, sự thành công ấy chủ yếu do Arvers đã sử dụng chữ nghĩa công phu, chọn lọc từng lời từng chữ  để diễn tả tâm tình chính xác bằng thứ từ ngữ đơn giản, quen thuộc nhưng giàu màu sắc âm hưởng nên đem lại cho toàn bài thơ tính chân thực (la sincérité), tính trung thực (l'authenticité), tính độc nhất (l'unicité) là những đặc tính ít tìm thấy nơi các bài thơ khác cùng loại. Cũng cần lưu ý thêm "độc nhất" (l’unicité) không đồng nghĩa với "độc đáo » (l'originalité). Độc đáo là khi muốn tìm kiêm cái mới lạ, đôi khi cố tình ra vẻ không giống ai. Một sự tìm kiếm thái quá như vậy dễ biến thành lập dị hay dị hợm. Còn độc nhất là khi ta khiến người ngoài thoạt nhìn  «thấy mình cũng chẳng khác ai, nhưng khi nhìn lại mới thấy chẳng ai giống mình.»
     Với những ai  từng làm quen với văn thơ lãng mạn, chỉ cần đọc  một lần cũng nhận thấy bài thơ của Arvers hội đủ chất tố của một bài thơ lãng mạn : về đề tài, về hình thức, về nội dung. Đó là bài thơ nói lên tâm sự của một mối tình câm, lời lẽ than thở sướt mướt khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi cảm thương cho nhân vật người hùng phải đơn côi hứng chịu một số phận nghiệt ngã. Nhưng nếu đọc kỹ, ta mới thấy, tuy cũng nằm trong luồng văn học lãng mạn, nhưng « Le Sonnet d’Arvers » lại mang dấu ấn đặc sắc riêng của nó.

     Ta có thể nhận ra dấu ấn này ngay trong câu thơ mở đầu:
             « Mon âme a son secret, ma vie a son mystère. »
Điều đập ngay vào mắt ta là  Arvers đã hai lần sử dụng động từ « avoir » trong một câu thơ có 10 chữ. Anh còn nhớ trong bài học đầu tiên về « Tập viết văn » (cours de Stylistique), ông thầy đã nhắc nhở phải cố tránh  hai động từ « être » và « avoir » là hai động từ chỉ dành cho trẻ thơ mới bi bô học nói, hoặc cho giới bình dân ít học. Và ông đã cho thí dụ : Thay vì «Dans le ciel, il y a un aigle», ta nên viết «Dans le ciel plane un aigle», như vậy câu văn mới hình tượng cụ thể và sinh động hơn. 
Nhớ lời thầy dặn, chắc anh sẽ đổi câu văn của Arvers như sau: « Mon âme enfouit un secret, ma vie endure un mystère ». Vậy mà Arvers đã không ngần ngại lập đi lập lại hai lần từ «a». Anh cho rằng hình thức diễn tả chân phương mộc mạc ấy là chính là kết quả của một tìm tòi co chủ đích nhằm làm nổi bật nội dung ý nghĩa của hai từ  secret» và « «mystère» vốn là hai từ chủ chốt, động lực gây cảm xúc cho toàn bài thơ.

    Hiểu theo nghĩa từ điển thông dụng, hay trong ngôn ngữ hàng ngày «secret» và « mystère » được coi như đồng nghĩa và được sử dụng đôi khi lẫn lộn. Ngay Khái Hưng  khi viết « Lòng ta chôn một khối tình », cũng có ý kết hợp « secret » và « mystère » vào cùng chữ « chôn » trong câu thơ mở đầu.  Động từ « chôn » (enterrer) ở đây gợi ý cho ta một nơi kín đáo để cất giấu một vật quí giá ta muốn giữ bí mật. Vậy là nghĩa « bí mật » trong câu thơ này được dành cho cả địa điểm cất giấu (lòng ta) và vật cất giấu (khối tình). 
Trong câu thơ mở đầu của Arvers trái lại, hai chữ secret mystère lại được hiểu theo nghĩa tách biệt, với sắc thái âm hưởng riêng của từng chữ một. Secret, theo nghĩa đúng của nó, để chỉ một cái gì thuộc về sở hữu riêng tư, chỉ dành cho một cá nhân hay một nhóm cá thể, và điều đó cần phải giữ kín, không để người khác biết. Thí dụ như mã số tài khoản ngân hàng (code bancaire) của ta. 
Khi chọn từ secret trong câu thơ Arvers chỉ muốn nói lên nỗi niềm u uẩn do mối tình câm của mình. Cũng trong câu thơ, mystère lại được dùng để chỉ một sự kiện mọi người đều có thể biết, như một vụ án mạng, nhưng lại  coi thuộc vòng bí mật (mystère) chừng nào còn chưa điều tra được lý do vì sao nạn nhân bị giết, ai là thủ phạm. 
Có nhận thức được cách sử dụng tài hoa hai chữ  secret mystère của Arvers theo nghĩa riêng của mỗi từ, anh mới phát hiện ra điều thú vị như sau: Khi viết ra bài « Le Sonnet d’Arvers », thực ra Arvers không có ý làm thơ mà chỉ  muốn nói lên tâm sự của mình. Và cái bàu tâm sự đem trút ra  ấy không chỉ cưu mang có một mà tới hai nỗi niềm .

     Trước hết là mối tình si câm nín (secret de mon âme) ; tiếp đến là nỗi trăn trở vì không tìm ra câu giải đáp cho cái duyên kiếp của mình (mystère de ma vie). Của đáng tội, trên đời thiếu gi những chuyện tình ngang trái. Nhưng rồi với thời gian, người ta cũng biết cách tìm quên đê mà sống. Như T.T. KH chẳng hạn. Nhưng với Arvers lại khác. Chỉ một lần được gặp, mà mới gặp thôi chứ không phải gặp gỡ, như có sợi dây định mệnh ác nghiệt nào đó đã kết chặt Arvers với người đẹp, biến nàng thành người yêu trong mộng để ông phải suốt đời tôn thờ. Một thứ tình yêu câm nín một chiều mà ông không tìm cách dứt bỏ. Trái lại, ông còn nuôi dưỡng nó, ấp ủ nó tưởng như  tìm thấy được nơi tình yêu thầm kín ấy một thứ lạc thú đau thương. 
Trong một chừng mực nào đó, ta có thể coi mối tình Arvers gửi gấm trong bài thơ của ông ít nhiều mang màu sắc macho (chi macho thôi, chứ không phải sado-macho đâu nhé). Và biết đâu chính cái tình yêu ít nhiều mang màu sắc macho ấy đã giúp cho bài thơ của Arvers  được mang dấu ấn của tính chân thật (sincérité), tính trung thực (authencité), tính độc nhất (unicité) để nó được sống mãi trong lòng người đọc?

     Thôi anh tạm ngừng ở đây để Dung có thì giờ đọc lại bài thơ của Arvers  xem một vài cảm  nhận anh ghi  trên có đúng không, hay chỉ quen thói tán dóc.

Thân mến.
Nguyễn Bảo Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét