Những ngày gần Tết, năm nào cũng vậy, Oanh vẫn loanh quanh với những chuẩn bị. Gia đình có ba người, nhưng đối với nàng, gia đình đầy ấp. Người đã khuất, người còn sống. Và cả những vị thần linh hiển thánh. Các ngài đã hiện diện cùng khắp, trong từng thước khối không gian. Để mỗi buổi tối, các ngài được gọi về giữa màn khói nhang nghi ngút, trong lời khấn vái thì thầm của vợ chàng. Chàng đã để vợ tự do chọn lựa các vị Thần nàng ưa thích. Người ta đã từng nói đôi khi niềm tin là một phương thuốc mầu nhiệm. Với Oanh, điều này là tuyệt đối. Nhất là sau chuyến vượt biên hãi hùng. Nàng luôn luôn kể về một sức mạnh vô hình nào đã chở che, dẫn dắt con thuyền đến bến bờ bình an sau những ngày lênh đênh trên biển cả, hết lương thực, cạn xăng dầu, bị cướp, bị bão. Nàng luôn luôn nhắc về một đấng quyền năng cao cả luôn luôn hiện diện trong cõi trần gian, nghe lời nàng cầu xin, thương hại giúp đỡ nàng lúc nàng bất lực. “Anh thấy không, tự nhiên một gia đình vô sản như gia đình chúng ta lại có mặt tại xứ này. Anh thấy không…” “Anh thấy không, em cầu ông Địa, ông Địa nghe lời em liền hà.” khi chiếc chìa khóa xe, cái bóp, cái bằng lái xe bị rớt, hay bị bỏ quên ở đâu đó, được tìm lại. Nàng đã chỉnh chàng khi chàng vô tình viết chữ trời không chữ T hoa. Phạm Trời không nên. Nàng cũng trách chàng khi chàng kêu lên Ôi Trời. Kêu như vậy là phạm thượng. Ngài ở trên cao đều nghe rõ. Sợ Ngài giận Ngài phạt. Chàng nghe lời nàng như tên lính tuân lệnh quan ba. “Như vậy cũng hay. Vừa lấy lòng vợ vừa đẹp dạ Ông Trời”.
Những ngày gần Tết, cơn khắc nghiệt của thời tiết đã lên cao điểm. Tuyết cứ đổ xuống hết trận này đến trận khác, đến nỗi những xe công lộ phải làm việc túi bụi. Gió cuốn từng đám tuyết bay trắng xóa. Bầu trời xám đục, ít nắng. Cây cối trơ vơ những thân cành trơ trụi. Tuy vậy, trong nhà, Oanh đã chuẩn bị tất cả để đón mùa xuân. Những nhánh hoa đào hoa mai nhân tạo cắm trong bình đặt trên bàn trong phòng khách. Mức bánh đặt gọn gàng trong hộp. Dưa hấu đỏ, và bánh chưng xanh đã sẵn sàng. Những phong bì đỏ để mừng tuổi, dù ở vùng này, không có lấy một gia đình đồng hương. Nàng đã cẩn thận ghi cả ngày giờ tốt để xuất hành. Nàng bắt chàng phải nghỉ ngày mồng một Tết, không được đi đâu. “Em xem lịch, xuất hành đầu năm không tốt đâu. Mồng hai là tốt nhất.” Nàng cảnh cáo chàng. Có lẽ nàng ngại chàng sẽ phá lệ ra quán cà phê nhìn cô nàng mắt xanh như mọi buổi sáng khác.
Đêm giao thừa, tuyết lại rơi. Trận bão tuyết đã bay ra biển Đại Tây Dương nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn lẩn quất trong nội địa. Tuyết rơi trắng xóa trên mái nhà, trên những hàng cây sồi, trên sân cỏ. Cả gió cũng vần vũ. Từ trong nhà, chàng nhìn ra ngoài. Oanh đã cảnh cáo chàng không được buồn, phải cười, phải vui, phải yêu đời, để cả năm vui cửa vui nhà. Nàng làm sao biết tâm trạng của chàng lúc này. Tê tái buồn. Chàng nhớ đến quê hương. Nhớ đến đêm giao thừa cũ. Nhớ đến bàn thờ tổ tiên. Nhớ đến tiếng reo lách tách của bếp lửa và nồi bánh tét ấm cúng. Nhớ đến người con gái hàng xóm đi lễ chùa, áo vàng xinh đẹp làm sao. Nhớ đến bạn bè luân lạc, đứa mất kẻ còn… Tại sao lại phải nhớ hoài về một nơi chốn chỉ thấy chiến tranh thù hận triền miên. Tại sao lại không bằng lòng với hiện tại. Thì ra, đời vẫn có những điều rất nghịch lý.
Oanh đã cúng rước ông bà xong. Chàng nghe nàng khấn: “Lạy ông bà, gia đình chúng con xin cúng mâm cơm chay để rước tổ tiên ông bà về vui xuân với chúng con.” Nàng lại hối chàng vái ông bà. Bây giờ chàng chẳng khác là cậu học trò. Chàng hỏi: “Vái sao em ?” “Thì cầu xin ông bà phù hộ anh được ngồi mãi cùng cái job, phù hộ cho con mình học hành tấn tới” Chàng nghe lời, nhưng thật sự chàng cảm thấy hết sức khó khăn, như mỗi lần chàng được yêu cầu dành một phút mặc niệm cho những chiến hữu, đồng bào, bà con ruột thịt trong các buổi lể. Không biết trong lòng những người có mặt, có ai để lòng thật sự mặc niệm hay chỉ nhắm mắt để mà nhắm mắt ?
Sau đó, chàng và nàng xuống phòng khách. Nàng lại nói: “Ngày mai, anh nhớ đừng mang rác ra như thường lệ. Anh cũng phải tránh nổi giận, chửi thề, không hút thuốc.” Chàng muốn kêu lên : “Thì như vậy, sống để làm gì hở em?” Nhưng chàng phải cố nén. Phải vui. Chàng tự hứa. ít ra đêm nay, khác với mọi đêm.
Kim đồng hồ sắp nhảy lên số 12. Chàng nhìn vợ, muốn nói một lời chúc tụng. Nhưng chàng thấy trên má nàng hai giọt lệ lăn xuống. Nàng chùi mắt, mếu máo: “anh ơi, em nhớ má quá đi.”
Trần Hoài Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét