Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Bài Học Rút Từ Bữa Ăn

Mỗi ngày chúng ta ăn ba bữa cơm; mỗi bữa, trừ ăn sáng, thường có ba món: món mặn, món xào và món canh. Nếu chúng ta dành một ít thì giờ suy nghĩ khi ăn, chúng ta sẽ rút ra được nhiều điều hay để học hỏi, tu tập vì ăn uống và tu tập bổ xung, tương tức với nhau nên mới có câu «có thực mới vực được đạo».

Trên thế giới và ở quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta, biết bao nhiêu người lâm vào cảnh nghèo khó, thiếu ăn, thiếu mặc! Được ăn no, mặc ấm là cả một sự may mắn, một hạnh phúc to lớn! Vậy khi ăn, chúng ta phải nghĩ đến công ơn của những người đã tạo ra cơm gạo như câu ca dao: « Ai ơi nâng bát cơm đầy Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần ». Người ăn với tâm chánh niệm còn thấy trong bát cơm tất cả vũ trụ như trời, đất, nắng, mưa, gió…đóng góp trong quá trình sinh trưởng từ lúc còn là cây mạ, cây lúa đến khi trở thành hạt gạo, hạt cơm nên chúng ta phải có bổn phận bảo vệ gìn giữ để đất mẹ, môi sinh, không cho bị ô nhiễm. 

Chúng ta cũng biết ơn công lao khó nhọc của người nông dân vất vả « một nắng, hai sương » để sản xuất ra lúa gạo, ý thức tài nội trợ của người bạn đời làm bếp, nấu nướng cho chồng con ăn, cảm phục người phụ nữ Việt Nam đảm đang buôn bán tảo tần, kiếm sống cho gia đình như bà vợ của Tú Xương: « Quanh năm buôn bán ở mom sông Nuôi nổi năm con với một chồng » Bữa ăn là lúc cả gia đình cùng đoàn tụ bên nhau, nhiều khi phải chờ đến cuối tuần hoặc lễ lớn, cả nhà mới có cơ hội gặp gỡ nhau, truyền thông với nhau. Đó cũng là giây phút mà mình phải trân quý, tránh để các việc không vui xảy ra. «Trời đánh còn tránh bữa ăn » mà ! Bữa ăn cũng cho chúng ta bài học về cách hành xử ở đời vì «ăn trông nồi, ngồi trông hướng». Người ăn phải ý thức lượng cơm trong nồi và thức ăn trên bàn mà lấy vào bát, để cùng chia ngọt sẻ bùi với nhau. Khi đang dùng bữa, nếu có người quen tới, chúng ta có thể mời ngồi cùng ăn vì người mình rất hiếu khách, quan niệm là«thêm người, thêm đũa», khác hẳn với người Tây phương, khẩu phần đã được dự định trước nên khi khách đến không đúng lúc thì không được mời ăn. 

Tôi có dịp giải thích nét đẹp văn hóa này của dân tộc ta cho người nước ngoài hiểu đây là mình muốn chia sẻ niềm vui, tình bạn với khách, chớ không phải vì lo thiếu đủ phần ăn, nên họ rất ngưỡng mộ. Người Việt mình thường nói «ăn uống», nghĩa là sau khi ăn hoặc trong khi ăn thì có uống. Bạn chỉ cần uống một ly nước lạnh hoặc một tách nước trà với chánh niệm cũng là tu tập vì khi bạn quán chiếu hoặc tưởng tượng mình là một người đi giữa sa mạc hoặc trên một chiếc ghe nhỏ trôi dạt giữa biển cả thì khi uống được một ngụm nước, bạn sẽ hạnh phúc biết chừng nào! Một cư sĩ hoặc một tu sĩ cũng vậy, vẫn có thể bị trôi dạt lênh lênh trên biển đời mênh mông, nếu không hạ thủ công phu tu tập hằng ngày để chuẩn bị cho mình một số hành trang tâm linh, thì chẳng khác gì một thuyền nhân ra khơi mà không dự trù sẵn nước uống, sẽ chết khát giữa lòng đại dương! Uống nước còn là tiếng chuông cảnh tỉnh như tôi đã áp dụng khi tôi dạy học cách nay hơn ba chục năm. 

Hồi đó, tôi phụ trách hướng dẫn các thiếu niên nam, nữ tỵ nạn vị thành niên do hội Hồng Thập Tự Pháp bảo trợ. Các thiếu niên này, tuổi từ 6 đến 17, đã sống ở đảo nhiều năm  không cha mẹ, nên đa số hễ mở miệng là chửi thề. Tôi cảm thấy khó chịu, tìm cách chuyển hóa các em nên đề nghị lấy một ly nước uống để cho sạch miệng mỗi khi chửi thề. Biện pháp này được các em vui vẻ chấp nhận và tự nguyện áp dụng triệt để vì coi đó cũng là một trò chơi nữa nên sau đó «bịnh chửi thề» từ từ biến mất. Nếu quán chiếu, nhìn sâu vào nước trong ly nước lạnh hoặc trong tách nước trà bạn uống, bạn sẽ hình dung được những sự chuyển đổi từ thể lỏng như nước sông, nước hồ, thể đặc như băng, tuyết hoặc thể hơi như hơi nước trước khi trở thành mây, nhận rõ hình tướng của nước tuy thay đổi, nhưng nước vẫn là nước « bất sinh,bất diệt», giống như nhà hóa học Lavoisier đã tư duy «không có gì sinh, không có gì diệt, chỉ có chuyển hóa mà thôi » (rien ne se crée, rien ne se perd, tout se transforme). Con người cũng chuyển đổi theo «quy trình sinh diệt» như nước, nên khi hiểu thấu triệt điều này, bạn sẽ từ từ bớt âu lo về vấn đề sinh tử! 
Khi mình hành xử đúng trong bữa ăn thì mình cũng học được cách hành xử đúng ở ngoài đời vì gia đình là một đoàn thể nhỏ, một xã hội thu gọn. Trong bữa ăn, mình « liệu cơm gắp mắm » thì ở ngoài đời, mình cũng lựa lời nói cũng như biết sử dụng ái ngữ để không làm mất lòng người khác vì « lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau ». Hơn nữa, người mình có câu « ăn nhai, nói nghĩ », nên khi ăn thì cần nhai kỹ, nhai nhiều lần để thấm thía, thưởng thức mùi vị thức ăn ; còn khi nói thì phải suy nghĩ, uốn lưỡi bảy lần, để tránh làm phiền lòng người khác vì «bịnh hay họa cũng do cách ăn uống hay cách ăn nói mà ra » (Bịnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất). Nói hay, nói giỏi, nói đúng cũng chưa đủ, mà cần phải là biết lắng nghe. Theo lời một nhà hiền triết Hy lạp Zénon d'Élée, «trời cho chúng ta hai lỗ tai nhưng chỉ một cái miệng nên mình phải nghe gấp hai lần nói», một bác sĩ người Pháp cũng cho rằng là «mọi tai họa trên cõi đời này xảy ra là do mình không biết lắng nghe», nhưng lắng nghe như thế nào nhỉ? Điển hình là khi bạn nghe một người quen than là «Tôi cảm thấy mệt quá! » thì bạn liền phản ứng: «Chị hoặc anh nên đi nằm nghỉ đi! » như vậy không phải là lắng nghe mà là khuyên hoặc tệ hơn nữa là gặn hỏi như muốn điều tra: «Chị hoặc anh bịnh bao lâu rồi? Đã đi bác sĩ chưa?». Bạn nên nói một cách tích cực «Không sao đâu, chút nữa sẽ hết mà! », người ta đang lo lắng thì mình đừng làm họ lo lắng thêm! Một khi người ta có nhiều tâm sự đau thương, mình chỉ cần lắng nghe cũng đủ làm người kia bớt khổ!


Nhiều khi không chỉ nghe bằng lỗ tai mà bằng cả trái tim nữa như nhà văn Saint Exupéry diễn tả: «người ta chỉ thấy, đây tức là nghe, với trái tim» (On ne voit bien qu'avec le coeur). Khi mình không khỏe, không có nhiều năng lượng thì chớ lắng nghe nhiều, sẽ không giúp được người mà còn tự hại mình! Bây giờ ở Việt Nam, người ta thường dùng từ "sạch" như trái cây sạch, rau sạch, cà phê sạch… có nghĩa là "lành mạnh" hay "bio" theo người Tây phương. Ngược lại là các loại thực phẩm không sạch, "bẩn", thiếu chất dinh dưỡng, gây nhiều tác hại, trong đó phải kể cả phim ảnh khiêu dâm, sách báo đồi trụy, chuyện trò nói xấu, bôi lọ cá nhân hay tập thể …nên mình phải biết lựa chọn thực phẩm để tránh bị ô nhiễm, gây nguy hiểm cho thân lẫn tâm, dầu là tu sĩ cũng có thể bị ngộ độc phải bỏ lỡ dở đường tu! Hơn nữa, tôi thấy trên internet có nhiều thông tin kém chất lượng, chỉ nói lên một phần sự thật như thầy bói mù đi xem voi vì tác giả có lẽ bị ảnh hưởng bởi lòng ganh tỵ hoặc lửa hận thù khiến cho sự phê phán, cái nhìn của mình thiếu tánh cách vô tư. 

Chúng ta cần thận trọng chế tác hoặc phổ biến loại thực phẩm này, đặc biệt là khi đưa lên mạng. Đó là những mũi tên bắn đi, mà không thể thu hồi lại được, giống như «đinh đóng cột, dù khi đinh đã nhổ rồi nhưng vết hằn vẫn còn ». Một thành ngữ la tinh cũng diễn tả cùng một ý là « lời nói trôi qua nhưng chữ viết vẫn tồn tại»(verba volant, scripta manent ). Nếu ăn với chánh niệm, bữa ăn sẽ là “một bài pháp không lời”, từ đó chúng ta có thể học ăn, học uống, học nói… học được những gì liên quan đến ba nghiệp “thân, khẩu, ý”, tóm lại là học tu. 
Chỉ cần dành năm, ba phút để quán niệm trước khi ăn, mình có thể tự tu tập, từ từ chuyển hóa những tật xấu, phát huy đức tính tốt! Hơn nữa, ăn uống còn là một nghệ thuật, nghệ thuật ẩm thực. Nêm nếm sao cho hợp khẩu vị nhiều người, không mặn quá cũng không lạt quá; nấu cơm thì không có tình trạng « trên sống, dưới khê, tứ bề nhão nhét » như xưa nấu cơm bằng rơm rạ hay củi than, khác hẳn với bây giờ nấu bằng nồi cơm điện. Nhiều món ăn thịnh soạn được người phụ trách nấu nướng với hết cả tấm lòng, trình bày rất thẩm mỹ với nhiều màu sắc rất hấp dẫn như chúng ta đã từng thấy trong một số tiệc tùng hay đám hỏi, đám cưới. 
Mọi người đều muốn ăn toàn diện với tất cả năm giác quan. Chỉ cần tai nghe nói là đã thích, mắt nhìn thì ưa, mũi ngửi phát thèm, lưỡi chưa nếm mà nước miếng chảy ra rồi, tay táy máy muốn bốc bỏ vào miệng ngay! 

Hẳn nhiều người trong chúng ta đã đọc sách « Nam Hải Dị Nhân » nên cũng biết câu chuyện Trạng Hiền ứng đối với sứ giả nhà vua khi vị này thấy quan Trạng đang lúi cúi làm bếp, sứ giả đã có lời chọc ghẹo như sau: - Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà tu mị táo (Tôi nghe người quân tử lánh xa bếp núc, sao ngài lại nịnh vua bếp). 
Trạng Hiền liền đáp: - Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh (Ta vốn ở ngôi khanh tướng nhưng nay tạm nêm nếm nồi canh) Thần đồng trạng nguyên Nguyễn Hiền, lúc đó mới 13 tuổi, mà đã có tuệ giác thấy nét tương đồng giữa khả năng làm quan cai trị dân cũng như việc nấu canh lạt hay mặn. 

Ngày nay, cũng vậy, biết bao công việc làm ăn lớn hoặc thỏa thuận chính trị được giải quyết tốt đẹp sau những giờ đàm đạo, truyền thông với nhau chung quanh bàn ăn, bữa tiệc. Nếu hằng ngày chúng ta chịu khó để một ít thì giờ quán chiếu về các bữa ăn chung với sự có mặt của người thân để rút ra những bài học, chắc chắn cuộc sống của chúng ta có phẩm chất tốt đẹp hơn. Đó cũng là điều tôi muốn chia sẻ với thân hữu, đặc biệt là các bạn trẻ trong qua bài viết này. 

Hoài Việt (DHĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét