Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Chùa Giác Hoa - Bạc Liêu


           (Và một nhánh họ Huỳnh)
Chùa tọa lạc bên bờ kênh cầu Cái Dầy, cách tỉnh Bạc Liêu khoảng 6 Km về phía bắc (Hướng Cần Thơ – Sóc Trăng)
Tên dân gian gọi chùa Giác Hoa là chùa cô Hai Ngó “ 1885 – 1951 “

Chùa Gíác Hoa ngày xưa thuở thiếu vắng trụ trì 
  

LIÊN HỆ GIA TỘC

Ông Huỳnh giang Hiệp cùng vợ là bà Nguyễn thị Kiểu, sinh được bốn người con
- Bà Huỳnh thị Ngó cùng chồng là Ông Thái Kim Chiêu
- Ông Huỳnh như Gia “ Dù Kia “
- Ông Huỳnh như Phước “ Dù Hột “
- Bà Huỳnh thị Mùi

Nhân duyên tạo chùa
Ông Thái kim Chiêu là chồng bà Hai Ngó, ông bị đám cướp xông vào nhà khi đêm đã khuya, một mình chống trả, ông bị thương rất nặng và qua đời ngay trong đêm, tang chồng chưa nguôi ngoai, khoảng 6 tháng sau, đứa con trai duy nhất của gia đình lâm bệnh nặng rồi cũng rời bà mà đi. Tang chồng tang con liền trong năm, bà suy sụp nặng tưởng chừng khộng chịu đựng nổi. Bà tìm nguôi ngoai trong Phật Pháp, thấy cái khổ của dân tình chung quanh bà phát tâm trợ giúp, tài cũng như vật. gần cũng như xa.

Năm 1915 Bà quy-y với Hòa Thượng Chí Thành – Pháp danh là DIỆU NGỌC.
Khi vùng Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, bị lũ lụt, dân tình khốn khổ, đích thân bà chở hàng chục tấn gạo trợ giúp dân những vùng trên.
Tháng 03 năm 1919 Bà xin phép cất chùa
Vào ngày 10 tháng 3 năm 1919 chính quyền phê chuẩn cho phép bà cất chùa.
Bà tiến hành xây cất với kiến trúc Đông Tây phối hợp hài hòa, vừa cổ kính vừa hiện đại vào thời bấy giờ
Khoảng tháng 10 năm 1920 chùa hoàn thành sau 18 tháng thi công cật lực với tên CHÙA GIÁC HOA. Trong thời gian này,nhân thấy địa phương con em thất học nhiều, bà xây trường học, rồi rước thầy về dạy khuyến khích các bậc cha mẹ đưa con đến trường.
Trong khuôn viên chùa bà xây nhà chứa quan tài giúp người nghèo trong tang khó.
Hai ngôi chùa CHÂU VIÊN và CHÂU LONG cũng được bà thành lập ở hai địa phương là ấp Công Điền và ấp Bà Chăng thuộc xã Châu Thới.
Vào lệ rằm tháng bảy là lễ Vu Lan, bà phát gạo cho dân nghèo địa phương cùng các nơi khác, nơi nào mắc nạn bão lụt bà đều đến trợ giúp.

Năm 1929, bà mời Hòa thượng Chí Thành cùng Hòa thượng Khánh Anh chủ trì lễ mở khóa An Cư Kiết Hạ cho 100 vị tăng ni vân tập tại chùa Giác Hoa.
Cũng chính năm này Ni Bộ miền nam đầu tiên ra đời phát xuất từ chùa Giác Hoa do bà vận động thành lập và lưu truyền mở rộng đến nay.
Ngày 29 tháng 5 năm 1951 Sư Bà DIỆU NGỌC viên tịch, sư cô Hồng Dung thừa kế trụ trì.
Năm 1957 sư cô Hồng Dung giao lại cho Hòa Thượng THIỆN QUẢNG.
Năm 1959 Đại Đức HỒNG MINH
Năm 1967 Đại Đức viên tịch, chùa không ai trông coi.
Năm 1969 ông Lê văn Bông “ Chín Bông “ về giữ chùa.
Năm 1970 ông Chín Bông nhận lể xuất gia cùng Hòa Thương TRÍ ĐẠT, Pháp danh MINH KHAI.
Khoảng thời gian 2001, Thượng Tọa MINH KHAI tuổi cao, sức yếu, đi đứng hết sức khó khăn nên mời Sư Cô NGHIÊM THÀNH về phụ lo Phật sự. Tuy chưa là trụ trì song sư cô nhận thấy chùa xuống cấp nặng nên phát tâm vận động trùng tu ngôi tam bảo
Ông Huỳnh văn Bá, con cô tư Kim Sáu cũng là cháu của Bà cô Hai là Sư Bà DIỆU NGỌC, xuất hơn trăm triệu tu bổ chùa vào khoảng năm 2002-2003.
Năm 2005 Sư Cô NGHIÊM THÀNH chánh thức trụ trì chùa GIÁC HOA.
Năm 2006 xây dựng xong giãng đường và khai giảng lớp trung cấp Ni.
Từ tháng 11 năm 2006 chùa xây thêm Ni xá, dành cho ni sinh với khoảng hơn 60 vị
Cuối năm 2007 xây dựng xong Nhà Trù và Trai Đường, khoảng đất trống sau chùa dành làm nơi trồng rau cải, phụ sinh hoạt cho chùa, trong khuôn viên chùa tổ chức rất quy củ, nhiều phòng với chức năng hành chánh, có cả phòng vi tính…Ni chúng trong chùa hơn 50 vị và quy y hơn 500 tục gia đệ tử.
Ngày 29 tháng 11 năm 2010, lễ trùng tu chùa
Đầu năm 2013 chùa làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi chánh điện, vào thời gian này chùa được khoảng trăm Ni chúng và đang phát triển thêm…
22-05-2014 lễ giổ sư bà Diệu Ngọc cùng lễ mừng hoàn thành trùng tu ngôi chánh điện do Ni sư Nghiêm Thành chủ trì, chúng ta có thể kết luận, kể từ năm 2001 đến 2014 sư cô Nghiêm Thành đã tôn tạo lại từ một ngôi chùa xuống cấp nặng về vật chất nay trở thành ngôi tam bảo uy nghi, điều đặc biệt là vẫn giữ nguyên nét kiến trúc xưa, với lượng ni chúng tăng trưởng cùng Phật sự theo thời gian, chứng tỏ rằng giới luật và Phật Pháp được Ni Trưởng dẫn đắt nghiêm mật nên ni đoàn ngày càng vững chắc rạng danh chùa Giác Hoa.

Trong phần sau thuộc gia đình gánh ông Nội Huỳnh Như Phước ( Dù Hột)
Ông bà cố Huỳnh Giang Hiệp và Nguyễn thị Kiểu sanh được bốn người con đủ hai gái hai trai gồm :
· Con gái trưởng : Bà cô Huỳnh thị Ngó cùng chồng là Ông dượng Thái kim Chiêu, sanh được con trai duy nhất, ông dượng cùng con trai nhỏ mất, bà cô Hai xin con trai của người em thứ ba là Huỳnh Như Phước nhận làm con nuôi tên là Huỳnh Kim Lý ( Chú ba Kim Lý )
- *Con trai thứ nhì là Ông Huỳnh Như Gia ( Dù Kia )- Gia đình cư ngụ tại vùng Ông Kho ở Bạc Liêu , hiện nay không ai biết gánh ông bác này vì các cháu thế hệ này cũng trên 70 và không được liên lạc cùng nhau đã lâu.
- *Con trai thứ ba Huỳnh Như Phước ( Dù Hột ) , những tư liệu còn sót lại như một truyện kể do ông Huỳnh thượng Toàn nói những khi rỗi rảnh thuở còn sinh tiền, những dịp trò chuyện trong đám giổ ba cùng anh hai Emin, anh ba Etien và các em trong nhà..
- *Con gái thứ tư Bà Huỳnh thị Mùi , trước cư ngụ ở Bạc Liêu, khoảng năm 1973 bà cùng gia đình sang Pháp rồi mất luôn bên đó
· Ông Huỳnh như Phước ( ông nội theo thời xưa từng giữ chức vụ Tham Biện tại Bạc Liêu, người dân Bạc Liêu xưa goi là Công Tử Bạc Liêu ), thế hệ con gồm :
Huỳnh thượng Đức, Huỳnh kim Lý, cô tư Kim Sáu,, Huỳnh thượng Toàn ( Adouard Xant ), cô hai Marcell, cô tư Alice, cô năm Jeannette

Kể từ bài viết này ( 2014 ) các vị cao niên thuộc thế hệ thứ ba đã qua đời từ lâu, gồm :
Huỳnh thượng Đức, Huỳnh kim Lý, Cô tư Kim Sáu, Huỳnh thượng Toàn, cô hai Marcell, cô tư Alice, cô năm Jeannette. Cũng trong năm này, hài cốt của bà Sáu tu ở Cái Răng Cần Thơ, em dâu của ông nội, được mang về chùa đặt cùng nơi tộc họ ( Theo dự định của vị ni trưởng trong chùa Giác Hoa, tin anh ba etienne )
Anh Huỳnh văn Bá con cô Tư Kim Sáu, người xuất công của tu bổ chùa cũng đã qua đời
Vào thuở thím ba Kim Lý còn sống có lên nhà nói chuyện cùng ba má tại Mỹ Thuận có nói – Ngày xưa bà cô Hai có cho Việt Minh mượn 2.000 giạ lúa, nay thấy chùa xuống cấp nặng, thím ba có xin chánh quyền Bạc Liêu xin lại bằng tiền tương đương 2.000 giạ lúa để tu bổ chùa, song chánh quyền muốn giao lại cho chùa tu sửa chứ không giao trực tiếp cho thím ba, việc này tôi nghe mà không biết kết quả, bởi sau đó thím Ba lâm bệnh nên không ghé thăm ba má ở Mỹ Thuận nữa.

CHUYỆN KỂ THÊM

Thuở sinh tiền ba có kể đôi chuyện về ông nội Dù Hột, giờ kể lại cũng không được rõ ràng như ba nói trong lúc vui miệng. Chuyện như sau :
Ba kể thuở ông nội chưa lập gia đình, bà cố là Huỳnh thị Kiểu hướng dẫn ông nội là Dù Hột đi xem mặt dâu tương lai, bà cố đi một ghe hầu, ông nội ngồi riêng một ghe, không rõ lập vập sao đó, ông nội ra lệnh cho bạn chèo trong ghe quay trở lại, bạn ghe chịu lệnh hai phía, bà cố và ông nội, phân vân, vì lệnh nào cũng bự cả, ông nội dõng dạc bảo.
- Tụi bây quay lại ngay, đứa nào không nghe tao quơ chèo rớt sông ráng chịu.
Bạn ghe theo lệnh ông nội quay lui, bà cố hối bạn ghe bên bà ráng rượt the Cập được ghe ông nội
- Tao nói mầy không nghe lời, tao ăn nói sao với người ta đây, mầy quyết quay về thì mầy lấy dao cắt cổ tao đi. ( Ba kể đến đây, rồi thôi, tôi không dám hỏi thêm}
Cũng nói cho rõ lại là ông nội có phần thích đá gà, cho nên rất khoái có gà dáng phải đẹp, cựa vảy phải hay, xem như con gà phải hoàn chỉnh dáng và tướng, cho nên ông nội biết vùng bên cạnh có cặp gà rất danh tiếng đang đẻ trứng, ông đem con trâu cổ đổi lấy cặp trứng cho gà nhà ấp, ba kể lại mà không biết cặp gà con nở ra có như ý ông nội không nữa.
Chuyện kể tiếp về ông nội thì nhiều lắm, tôi nhớ, lại không nhiều. Ông nội đăng phòng năm của khách sạn ( Trả tiền trước nguyên năm ) để khi lên Sài Gòn có nơi ở vừa ý, vì ông lên thường xuyên nên đám xe kéo ở bến xe Lục Tỉnh biết mặt ông. Một lần ông vừa xuống xe, cả ba, bốn chiếc xe kéo bu lại mời, vì không muốn phụ lòng người mời, cũng muốn cho bạn kéo có tiền, ông đặt lên mỗi xe theo thứ tự những vật dụng mà ông đang dùng, như nón, gậy, cặp, giầy, xe kéo thành hàng dài đến khách sạn, vụ việc này trở thành giai thoại mà theo thời gian lại được thêm thắc ít nhiều.

Đến câu chuyện ăn uống trong nhà hàng thuở xưa ở Sài Gòn, dưòngnhư khoảng những thập niên 20 đến 30 của thế kỷ 20 như sau. Trong nhà hàng thuộc khu vực khách sạn vào đêm, ngày xưa quán ăn đốt đèn Manchon ( loại đèn dầu lửa, bơm tay áp suất ép dầu thành hơi, đốt sáng bao manchon treo phía trên, được cột vào đầu bec phun sương ) Ông cùng vài người bạn ngồi vừa chuyện vãn, vừa thưởng thức món ăn, một người trong bàn làm rớt vật gì đó và đang mò mẫm tìm, ông nội thấy rút tờ tiền, bật quẹt đốt đưa xuống phía dưới bàn, chuyện chỉ có vậy mà thời gian sau lại dài thêm ra… Kế sau chuyện ở Sài Gòn là chuyện nơi quê hương của ông, chuyện cưới xin ngày xưa, với những kiên kỵ, tranh hơn thua giữa đàng trai và đàng gái, đó là chưa nói đến trong họ hàng có những công khai bắt lỗi nhau để chứng tỏ người quan trọng, tệ hơn nữa là tự chứng tỏ mình là người hiểu biết lễ lộc nhất. Hai thông gia, người làm mai đều thông cảm, nhân vật không liên quan nhiều lại xeo nại bắt bẻ khiến, nhẹ thì dở khóc, dở cười, nặng hơn là chưa tới đã lui. chuyện đã xãy ra như sau.

Người bạn cũng hội đồng mời ông làm trưởng tộc rước dâu, cũng thuộc vùng Bạc Liêu.
Đàng gái thuộc hạng giàu có nổi tiếng, đàng trai phải chèo ghe từ buổi khuya nên đến hơi sớm hơn giờ làm lễ rước dâu, đoàn cập bến cũng hơi trưa nên nắng có phần gay gắt. Ngồi bó gối trong ghe hầu, cả hai ông người cưới dâu, kẻ làm trưởng tộc đều mệt mỏi bơ phờ, họ nhà gái không cho lên bờ vì chưa đến giờ rước dâu. Đàng trai bực tức định quay về, đàng gái sợ đàng trai bỏ về nên nhờ người bà con đang tiếp đám có nhà bên kia sông mời lên nhà tạm đở chân, trước xả giận cho đàng trai, sau chờ đúng giờ mới cho lên bờ rước dâu.
Vậy là cả bầu đoàn lủ khủ theo chân hai lảnh đạo vào sân nhà. Gia chủ nhà này là bà con với đàng gái đang chờ rước dâu, mời khách lên nghĩ chân ở nhà mình, vội kêu con cháu đang tiếp đám về phụ tiếp khách, đồ sính lễ được tạm để hết một bên bộ ngựa, đoàn rước dâu ngồi bên bộ ngựa đối diện, hai ộng ngồi bàn giữa, trong nhà lên lửa nấu nước đãi trà giải khát chờ đến giờ lành. Cô con gái chủ nhà rót trà khoanh tay mời khách, không biết dung mạo ra sao. Ông nội khều ông hội đồng.
- Con nhỏ này cũng vừa lứa với con nhỏ bên kia, trông cũng xinh, cũng phải phép, tụi bên kia lối quá, theo lẽ mời mình lên bờ ngồi tạm đâu đó chờ, nó ỷ giàu làm phách bắt tui với anh ngồi ngóng, nực nội mõi mê rêm mình mẩy, hay là sẳn lễ vật mình xin rước dâu đám này đi anh
Cùng là giàu có ngang nhau, ông hội đồng cũng đang tức khí, đồng ý cái rụp. Mời vợ chồng chủ nhà diện kiến cho đủ đôi rồi xin phép được làm thông gia, ông chủ nhà chết đứng không biết xử sự ra sao, vì bên kia là bà con. Ông nội nói ( - Trách nhiệm do đàng tôi chịu hết, lể vật rước dâu lỡ mang vào nhà ông rồi, nếu ông từ chối con gái ông lỡ thời luôn…), và rồi lễ vật được đặt lên bàn thờ, hành lễ xong rước dâu liền tay.

Khi đoàn trai rời bến mang theo cô dâu bất ngờ, đàn gái bên kia sông túa ra xem, chỉ trỏ. Đoàn ghe đi một đoạn, ông hội đồng vừa có dâu cảm thấy không an tâm bèn thắc mắc cùng ông nội.
- Nè anh, bên kia họ thưa mình rồi làm sao đây.
- Anh Quên tôi là Tham Biện à, họ thưa thì anh nói, tôi cưới chứ không bỏ nhưng phài làm thiếp chớ không được làm vợ chánh.
Ba kể đến đây là ngưng, thành thử tôi không biết hậu truyện, vì đâu dám hỏi.
Trong kỳ giổ ba, đâu vào năm 2011, anh hai Eminne cùng tôi ngồi trước nhà chờ tàn nhang, anh hai kể
- Ổng < ông nội > đem cầm nhà máy xay lúa của bà cô hai, bà đâu có hay, chừng chà và đến đòi nợ mới tá hỏa, bà cô bả chưởi một hồi rồi cũng lấy tiền chuộc lại nhà máy .
Phần bên trên là chuyện về ông nội Dù Hột, kế sau là chuyện của ba Huỳnh thượng Toàn những câu chuyện của ngày xưa, nghe sao kể vậy vì lịch sử câu chuyện có đó, mà thời gian thì không thể nhớ theo thứ tự trước sau.
Những năm tháng tôi ở Rạch Giá, tình cờ được gặp ông Mười Chơn, người Bạc Liêu sau về ở khu nhà thờ Rạch Giá, có hai người rễ cũng ở nơi này. – Một- là ông Hiển – hai- tên là Rớt ở cùng chung với tôi. Ông mười nhắn Rớt gặp tôi kể lại chuyện xưa gọi là cho tôi biết chút đỉnh về ba Toàn, ông Mười kể:
- Hồi ở Bạc Liêu tao là tá điền cho ba mầy, ruộng tao hai ngàn công ở chính giữa, ruộng ba mầy bao xung quanh, thằng chả ( ba tôi ) ai cũng ngán thằng chả, chớ tao đâu ngán, thằng chả nhào vô tao, tao chẹn ngay háng thằng chả, chịu thua tao thôi. Ba mầy mạng cũng lớn, ruộng của ổng bị một cây da to ba bốn người ôm không giáp, vì tàn cây quá lớn, nên lúa thất một vạt lớn, dưới cây da là một cái miễu, ổng kêu tá điền đốn, có hai người khi hươi búa được vài búa ngã ra hộc máu, ổng nghe báo tự ổng mang búa theo kêu thêm bốn năm người tá điền. Đến gốc da ổng nói lớn – Tao đốn cây đây, có bắt thì bắt tao chớ đừng bắt tá điền tao tội nghiệp người ta, hể tao đốn trước thì tụi bây theo tao đốn nghe chưa. Ổng đốn vài búa, không có gì các tá điền xúm nhau đốn ..
Tôi vội hỏi ông Mười – Rồi có ai có sao không ông Mười
- Đâu có gì đâu mậy, bởi vậy tao mới nói thằng chả mạng lớn lắm.
Hồi ở nhà, ba có nói ở Rạch Giá có hai dòng họ, họ Đỗ giàu về thương mãi, - họ Huỳnh thiện giàu về đất, tôi có nói cùng ông già.
- Chổ con làm con có người bạn tên Huỳnh thiện Biểu, trước làm thông dịch viên, sau về ở chung cùng con, con cũng nghe nói nhà ông bà nó đất nhiều lắm, hiện nó có gia đình ngụ tại Rạch Sỏi
- Chắc là con của anh Huỳnh thiện…( lâu quá quên tên ba nói rồi )
Nhân chuyện tôi sinh sống thời gian khá dài ở Rạch Giá, ba có hỏi tôi.
- Ở Rạch Giá mầy có biết Tri Tôn, Hòn Đất không?
- Dạ biết ba, dọc hai bên đường ở Tri Tôn, người dân họ làm nồi, ơ bằng đất nung non đỏ tươi bày đầy từ trước nhà ra mép lộ.
Ba vừa kể vừa như nhớ lại chuyện xưa với đôi mắt hơi nhíu lại sau cập kính lão rồi kể lại,
- Tao nhớ đâu khoảng năm mươi mấy, tao cùng người bạn lên Tri Tôn. hòn Đất. ( vùng Long Xuyên cũng có một địa danh Tri Tôn ), tao cùng anh bạn chơi giởn rượt đuổi nhau chạy vào vùng đang bày ơ nồi, cái nào bể mà còn lại miệng nồi, lấy trồng lên cổ nhau như đeo kiềng cùng chay giởn vui. Chủ nhà mếu máo - Mấy thầy giởn bể nồi hết rồi làm sao mà bán được tội nghiệp mấy thầy ôi !
Bạn của ba hỏi - Vậy chớ đám nồi này mấy chú bán được bao nhiêu.
Sau khi nói giá ông bạn ba trả tiền nguyên đám nồi. vụ này ông chủ nhà lời to nên mừng ra mặt vì bể chỉ trên đường chạy mà được tiền nguyên khu vực phơi.
Ba hỏi tôi tiếp, - Mầy có vô Hòn đất không ?
- Con đâu có vô đó làm chi. ở ngoài ngó vô núi trọc trắng vì không còn cây cối do đang chiến tranh ba à.

Ba kể tiếp. Thuở trung niên, tao cùng người bạn vô hòn đất săn bắn. Thuở đó rừng cây dầy đặc mọc sát chân hòn, trên các ngọn cây cao là dây rừng đan nhau khích rịch, tao cùng người bạn leo theo thân cây rồi vạch thành một lổ trên ngọn cây, chui lên, ngồi trên đám dây leo, hai chân thòng xuống, gió thổi như đưa võng. Bạn tao ngồi đầu này tao ngồi đầu kia, lưng về phía núi. Nơi này khỉ rất nhiều, dưới đất vài người địa phương được mượn giúp hè nhau la lớn rung cây, khỉ sợ leo tuốt lên ngọn. tao cùng người bạn bắn, lũ khỉ hoảng hồn chui xuống, phía dưới la, lại trồi lên. tao cùng người bạn bắn hết đạn, lũ khỉ a thần phù chạy hoảng phóng thẳng vào mình, tao cùng anh bạn quýnh quơ súng đập đại. Ba kể đến đây rồi thôi. Riêng tôi nghĩ bụng, chắc là không bắn được con nào vì lũ khỉ rất tinh mắt nhanh lẹ, mấy ổng xem đi săn là thể thao không cố ý bắn dùng làm thực phẩm hay bán buôn, bởi vậy tôi không nghe được kết quả có con khỉ nào được mang về làm bằng cho buổi thể thao này.

Chuyện ngày còn tuổi thơ của ba được biết chỉ đôi chuyện ngắn, mà nếu không kể ra có lẽ theo thời gian phai dần rồi quên hẳn đi.
Thuở ba còn nhỏ lắm, bà nội cho ba theo bạn ghe tập thu lúa ruộng, thu xong về nhà, tá điền thưa trình với bà nội về công việc xong, rồi nói thêm với bà nội.
-Thưa bà, tội nghiệp cậu ba lắm, ghe sương sáu chèo rao bán cậu ba nhìn theo dáng thèm lắm mà không dám kêu lại ăn vì không có tiền.
Bà nội cười ngất nói – Sao con dại quá vậy sau nầy con đi, muốn ăn dọc đường thì lấy lúa đổi mà ăn
Ba mới nói thêm.- Chưa có lịnh, tao đâu dám lấy lúa đổi, về đong lại thiếu thì sợ bị rầy.
Về chuyện muỗi mòng ngày xưa, dân cư ít, cây cỏ rậm mịch, tôi được nghe
Ba kể về ngày xưa, vùng đất phương nam với câu nói ( muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh ) tôi quên tên vùng ở Bạc Liêu giáp đất Cà mau, thì tiếng muỗi thuở ba theo ghe thu lúa không lãnh lót như sáo thổi, mà theo lời ba nói đang đi ba nghe tiếng hì..hì.. rền vang ngày một lớn, ba hỏi bạn ghe. – Tiếng gì nghe dử vậy chú.
- muỗi đó cậu ba ơi, mình sắp đến lung muỗi rồi.

Vào tháng 09-1990 ông Huỳnh thượng Toàn mất, ông là người ra đi cuối cùng của thế hệ thứ ba và những chuyện kể của ông mà tôi được nghe,do chính ông kể, cũng như câu chuyện của ông do người thân kể lại. Tôi thuật lại như một sử liệu nho nhỏ, trong một giai đoạn của một tộc họ ở Bạc Liêu.
Cảm ơn các bạn đã xem qua, nếu có sai sót là do sở đoản của tôi, còn nếu các bạn thấy hứng thú là do lòng mến thích với những câu chuyện ngày xưa của các bạn.
Viết theo nhiều nguồn tư liệu và lời kể những người thân trong gia đình. Xong vào trung tuần tháng 09 năm 2014 hoàn tất 13 tháng 05 năm 2015.

Trương Văn Phú

Xem tiếp vài hình ảnh của Chùa Giác Hoa

               Chùa Gíác Hoa được ni sư Nghiêm Thành chủ trì tu bổ lại ngôi chánh điện. Hoàn tất khánh thành cùng lể giỗ sư bà Diệu Ngọc tục gọi cô Hai Ngó (2014)
Di ảnh bà cô Hai cùng tượng ông dượng Hai Thái Kim Chiêu, bà cô Hai cũng có một tượng bằng đồng bán thân nhưng đã thất lạc từ lâu.
  Tượng bằng đồng, được làm từ tiền xu ngày xưa, thợ đúc tượng được rước từ bên Tàu sang. Ảnh tượng ông Huỳnh Như Phước (Dù Hột)

  Lược sử bà cô Hai Ngó, đặt đối diện với cửa chùa, phía bên ngoài.
6 Cố Thượng Tọa Minh Khai tiếp gia tộc họ Huỳnh viếng chùa ( ảnh phim trước đây được chụp lại năm 2013)
 Chánh điện năm 2015,

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét