Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

Mai Hương, Người Nhặt Cánh Sao Rơi

 

Thuở mới bắt đầu lang thang, lưu lạc ở ngoại quốc, rất khó tìm được băng nhạc giá trị. Ngày đó những ca sĩ thượng thặng như Thái Thanh, Duy Trác, Anh Ngọc… hãy còn bặt tiếng ở trong nước.

Mãi đến khoảng 1985, tìm được cuộn băng “Tiếng Hát Mai Hương / Giấc Mơ Hồi Hương”, tôi quý vô cùng. Ngoài Giấc Mơ Hồi Hương, của Vũ Thành, băng nhạc còn những tác phẩm tuyệt diệu khác như Cung Đàn Xưa (Văn Cao), Hương Xưa (Cung Tiến), Tà Áo Văn Quân (Phạm Duy Nhượng), Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng (thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy)… Mai Hương hay hát Phạm Đình Chương, Lê Văn Thiện, Văn Phụng và Huỳnh Anh hòa âm. Cuối băng nhạc, Mai Hương có chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong băng nhạc Mai Hương sau.

Đến tám hay chín năm, không thấy bóng dáng băng nhạc thứ hai của Mai Hương đâu cả. Tôi biết, nhưng không có dịp nghe, Mai Hương vẫn có hát với Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi của Trần Chúc hay Ban Tứ Ca Thùy Dương. Và thỉnh thoảng chỉ được nghe Mai Hương hát lẻ tẻ trong những băng nhạc như “Tiếng Chiều Rơi /Lê Văn Khoa”, “Dấu Vết Tình Ta 1/Diễm Xưa”, “Hoài Bắc 1 / Đôi Mắt Người Sơn Tây”, “Hoài Bắc 2 / Người Đi Qua Đời Tôi” và … “Tình Ca Phạm Anh Dũng / Đưa Người Về Phương Đông”.
Chỉ mãi gần đây, thính giả yêu nhạc mới được thưởng thức băng nhạc đó, mới, với hoàn toàn giọng hát của Mai Hương. 12 bản nhạc, đa số thuộc nhạc tiền chiến, bất diệt, sáng tác bởi những tên tuổi lớn của nhạc Việt như Văn Cao, Vũ Thành, Dương Thiệu Tước, Tô Vũ, Tử Phác, Dzoãn Mẫn, Nguyễn Văn Quỳ, Đan Trường… rồi Ave Maria của Gounod, hòa âm do những nhạc sĩ lừng danh Văn Phụng, Nhật Bằng, Lê Huy và Vũ Tuấn Đức đã thừa sức bảo đảm trình độ nghệ thuật cao của băng nhạc “Tiếng Hát Mai Hương / Nhặt Cánh Sao Rơi”.

Về Văn Cao. Nếu ông không có những bài hát vớ vẩn, tôi không thích chút nào và tôi không tưởng tượng là do Văn Cao sáng tác, như Ca Ngợi Hồ Chủ Tịch, Công Nhân Việt Nam…, tôi sẽ nghĩ Trịnh Công Sơn đúng khi viết: “…Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng… Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng… tôi nghe trong âm nhạc anh gió vẫn chuyển và cây thay lá…”.

Từ những bài nhạc hùng như Gò Đống Đa, Chiến Sĩ Việt Nam, Thăng Long Hành Khúc Ca… đến tình ca như Thu Cô Liêu, Buồn Tàn Thu (Chinh Phụ Khúc), Cung Đàn Xưa, Suối Mơ (Bài Thơ Bên Suối), Bến Xuân (Đàn Chim Việt)… mà tuyệt đỉnh là Thiên Thai và Trương Chi, đều là những khúc nhạc có giá trị và đã tồn tại cả nửa thế kỷ và sẽ mãi mãi lưu truyền về sau.

1947. Sau chiến thắng sông Lô của quân Việt chống Pháp, nhiều nhạc sĩ cảm hứng viết thành bài hát, Lương Ngọc Trác viết Lô Giang, Phạm Duy viết Tiếng Hát Trên Sông Lô…
Riêng Văn Cao, khác hẳn, ông đã hoàn thành một tác phẩm lớn lao Trường Ca Sông Lô, đó là bản nhạc mở đầu cho băng nhạc “Nhặt Cánh Sao Rơi”.
Mai Hương cùng Vũ Anh, Kim Tước và Quỳnh Giao đã đưa thính giả vào thế giới của giai đoạn quân kháng chiến Việt Nam (không chỉ của Việt Minh) chống Pháp ở vùng Việt Bắc ngày xưa.
Đoạn mở đầu ở âm giai Ré Trưởng, chậm và tình cảm, tả cảnh êm đềm của sông Lô trong mùa Thu:
“Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc, bãi dài ngô lau, núi rừng âm u
Thu ru bến sóng vàng, từng nhà mờ biếc chìm một màu khói Thu…”
Chiến tranh bùng nổ:
“…Sông Lô sóng ngàn kháng chiến, cháy bờ lau thưa, đã tàn thôn trang…”

Và chiến thắng Sông Lô, nhạc nhanh hơn, chuyển thẳng qua Sol Trưởng:
“…Trên dòng sông trở về, đoàn người reo mừng vui
Trên sóng nước biếc, trôi đầy sông bao đám xác thù…

Dòng sông vui mừng cùng dân chúng:
“…Dân hân hoan nghe sóng reo vi vu xa xa…”
Đến âm giai Si Trưởng với nhịp hành quân hùng mạnh của
“…đoàn quân thời chinh chiến…chiến sĩ sông Lô”.
Màn đêm buông xuống, nhạc lắng đọng, giọng Mai Hương chậm, truyền cảm:
“Về trong đêm gió rét. Từng sân vui bóng người quanh lửa hồng”
Bản nhạc sau đó trở về Sol Trưởng, nhạc vui nhanh khi thanh bình về lại với dòng sông và dân chúng bắt đầu xây dựng lại đời sống mới:
“…vui hát ca hòa vui hát ca…buông lưới đánh cá…đắp nhà”.
Cuối cùng, để chấm dứt, nhạc chậm lại, trở lại Ré Trưởng của đoạn mở đầu để Mai Hương, Vũ Anh, Kim Tước và Quỳnh Giao kết thúc bằng vài câu nhạc tình cảm nhẹ, tả cảnh mùa Xuân của dòng sông:
“…Mùa Xuân tới, nước băng qua ngàn, nuớc in ven bờ xanh ôm bóng tre
Dòng Sông Lô trôi…”
Trường Ca Sông Lô của Văn Cao không dài lắm nhưng rất đều đặn, cách chuyển âm giai từ đoạn này sang đoạn khác khéo léo, xứng đáng là bản Trường Ca đầu tiên của âm nhạc Việt Nam. Trường Ca Sông Lô của Văn Cao đã mở đường cho những trường ca Việt Nam khác của Phạm Đình Chương ( Hội Trùng Dương), Lê Thương (Hòn Vọng Phu) và Phạm Duy (Mẹ Việt Nam, Con Đường Cái Quan, Bầy Chim Bỏ Xứ và Hàn Mặc Tử).

Về tình ca, có lẽ không có bài nào của Văn Cao và có lẽ khó có bài nào của bất cứ nhạc sĩ Việt Nam khác có thể so sánh với hai nhạc phẩm Thiên Thai và Trương Chi. Thế giới âm nhạc tình yêu của Văn Cao là hình ảnh của Thiên Thai trong giấc mộng Đào Nguyên và tâm sự của Trương Chi, truyện truyền kỳ, nhưng hình như cũng là tâm sự của chính ông, người nghệ sĩ cô đơn. Không biết về đời sống thực của ông, chắc ông cũng có gia đình êm ấm, nhưng về nghệ thuật nhiều khi tôi thấy ông có vẻ đơn độc, khác người:
“Chiều nay run rẩy tha đôi cánh
Một bóng sơn ca đến lạc loài” (thơ Văn Cao)

Trong băng nhạc “Nhặt Cánh Sao Rơi”, ta gặp lại chuyện cổ tích Trương Chi-Mỵ Nương. Trương Chi là một hình ảnh ám ảnh Văn Cao khá mạnh. Trong Cung Đàn Xưa đã có bóng hình của chàng Trương Chi xấu số:
“…Chiều năm nay bóng người khơi thương
Tiếng đàn gieo oan giấc mộng chàng Trương…”.
Mai Hương đã đem hết tâm hồn diễn tả bản nhạc của chàng Trương Chi Văn Cao. Bài hát cả nhạc lẫn lời viết thật tài tình. Bắt đầu bằng những câu nhạc chậm của Ré Thứ miêu tả khung cảnh trăng nước hòa vào tiếng hát của họ Trương. Câu đầu tiên đã hay:
“Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ…”
Không nói đến nhạc vội. Chỉ bàn về lời. Trăng nước thành thơ đã là hay nhưng “trăng nước chưa thành thơ” thì thật tuyệt lạ.
Tiếng hát Trương Chi xuất hiện cùng với mùa Thu:
“…Ôi, tiếng cầm ca Thu tới bao giờ…”
Rồi giọng Mai Hương có vẻ lãng mạn khi diễn tả trong đêm khuya vắng, Mỵ Nương lả lơi nghe tiếng đàn hát của người lái đò từ chốn phòng loan, nơi Tây Hiên.
Mai Hương, buồn thấm thiết đưa hồn người đến lúc:
“…Oán trách cuộc từ ly não nùng…”
Và đến lúc thuyền và người chìm sâu đáy nước. Nhưng vẫn có đâu đó:
“…Từng khúc nhạc xa vời, trong đêm khuya dìu dặt tiếng tơ rơi…”
Hay:
“…Dâng ứa trăng về khuya, bao tiếng ca ru mùa Thu”
Mưa gió đến, nhạc chuyển bất ngờ, dồn dập vào Sol Trưởng:
“Ngoài song mưa rơi trên bao cung đàn, còn nghe như ai nức nở và than
Trầm vút tiếng gió mưa, cùng với tiếng nước róc rách, ai có buồn chăng
Lòng bâng khuâng theo mưa đưa canh tàn, về phương xa ai nức nở và than
Cùng với tiếng gió vương, nhìn thấy ngấn nước lấp lánh, in bóng đò xưa…”
Mai Hương hát chỗ này đúng ý viết nhạc. Rất quan trọng phải hát đúng ở đây vì Văn Cao dùng những dấu lặng sau mỗi nốt nhạc ở chỗ này thật kỳ diệu và diễn tả rõ được những giọt mưa rơi như những giọt nước mắt trên phím ngà. Nghe kỹ ta có thể “nghe” được “tiếng nước róc rách” của giọt mưa, hay “nhìn” thấy “ngấn nước lấp lánh” của dòng sông, cũng nhờ những dấu lặng đặt đúng chỗ. Đã một lần, tôi nghe có một ca sĩ có giọng rất tốt, rất dài hơi hát Trương Chi và ở đoạn này đã “nuốt” mất những dấu lặng làm mất ý nghĩa.
Hai chữ “gió” ở những nốt nhạc cao và được láy. Mỗi chữ là bốn móc đơn được nối vào nhau, láy, để diễn tả “gió”, chữ thành dài ra nghe rất tượng thanh.
Mai Hương, buồn não nề, đưa người trở lại âm giai chính Ré Thứ, trở lại với chính tâm sự của chàng Trương Chi thời đại,Văn Cao, người nghệ sĩ cô đơn:
“Đò ơi ! Đêm nay giòng sông Thương dâng cao, mà ai hát dưới trăng ngà
Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta…”
Và để chấm dứt, ngậm ngùi, một câu hỏi của Văn Cao như cho chính mình:
“… Đâu bóng thuyền Trương Chi ?”
Gần đây tôi có xem một cuộn video về Văn Cao cũng có Trương Chi, Thiên Thai… xuất bản từ trong nước ra. Chỉ có một ấn tượng mạnh duy nhất là giọng nói và hình ảnh thanh thoát của Văn Cao với chòm râu dài bạc lướt thướt. Còn hòa âm không có gì xuất sắc và kỹ thuật thu thanh nghèo nàn. Lại nữa, các ca sĩ không đủ tài diễn tả được những bài hát. Lúc nhạc đến lúc thật là buồn thì lại nhoẻn miệng cười tươi đẹp như hoa nở giữa mùa xuân, thật chướng (điểm này cũng thường thấy ở những video nhạc Việt Nam xuất bản ở hải ngoại). So với Trương Chi và Trường Ca Sông Lô do Mai Hương hát thì đúng là một vực một trời.
Bao giờ mới thấy một băng nhạc có giá trị gồm chỉ những bản của Văn Cao? Nhờ các trung tâm nhạc như đứng đắn như Thúy Nga, Diễm Xưa…trả lời.

Bản thứ hai trong băng nhạc sau Trường Ca Sông Lô là Nhớ Trăng Huyền Xưa của Nguyễn Văn Quỳ. Ông nhạc sĩ họ Nguyễn chỉ có rất ít nhạc truyền lại cho hậu thế trong đó có Nhớ Trăng Huyền Xưa.
Thường thì ta chỉ nghe thấy người bàn đến “tóc huyền” hay “mắt huyền” hoặc “áo huyền” và huyền của tóc, mắt, áo nghĩa là mầu đen. Chắc chắn Nguyễn Văn Quỳ không ám chỉ “trăng… đen” vì trong bài hát trăng rất là sáng. Có lẽ là “trăng huyền hoặc” thì đúng hơn. Cũng có thể là “trăng khuyết” hay “trăng treo ngang trời”.
Bản nguyên thủy viết bằng Blues. Nhật Bằng, vẫn còn đủ phong độ của con chim đầu đàn của ban nhạc nổi danh Hạc Thành ngày xưa (gồm Nhật Bằng, Nhật Phượng, Thể Tần và Hồng Hảo). Anh đổi Nhớ Trăng Huyền Xưa sang Tango và Boléro sống động hơn.
Mai Hương hát thật hay, nhịp nhàng theo Tango mở đầu bản nhạc:
“Bóng trăng dần xuống, hàng cây hắt hiu theo gió buồn
Mây trắng mờ trong bóng đêm, không gian lắng chìm vắng im…”
Nửa bản sau là Bolero, Mai Hương chợt vút lên ngay trong những chữ đầu tiên:
“Dưới trăng huyền xưa, từng ánh lung linh chan hòa muôn gió biếc
Tìm đến bên hoa, gió trăng nhè nhẹ mơn mơn cánh yêu kiều…”
Bản nhạc chấm dứt, tiếng hát vẫn vương vấn.

Dương Thiệu Tước là một trong những nhạc sĩ tiền phong của âm nhạc Việt Nam. Ông sáng tác nhạc theo đủ nhạc điệu. Bản nhạc phổ thông nhất vì dễ trình bày là Bóng Chiều Xưa (lời Minh Trang). Những tuyệt tác của ông như Đêm Tàn Bến Ngự, Áng Mây Chiều, Tiếng Xưa… thì quá nhiều, không thể kể hết ở đây. Bản nhạc riêng tôi thích nhất của Dương Thiệu Tước là Bến Xuân Xanh, bản nhạc Valse hay nhất của ông và có lẽ cho đến nay, cũng là bản Valse hay nhất và dài nhất của nhạc Việt Nam.
Lần này Mai Hương đem Tango của Dương Thiệu Tước đến với Cánh Bằng Lướt Gió. Bài hát có âm hưởng, tình cảm nhẹ nhàng của thời văn nghệ tiền chiến:
“Bên phương trời đượm bao gió sương, mây bao la man mác âm thầm
Chiều chiều buồn âm u tiếng trầm trầm giòng sông nước cuốn cuốn…”

Giữa Thập Niên 1950, phong trào “Nhân Văn Giai Phẩm” ở miền Bắc Việt Nam nổi dậy. Đến bây giờ tôi vẫn còn lạnh người đọc những dòng chữ như:

“Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ” (thơ Trần Dần)

hay vẫn kính phục những ý tưởng như:

“Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu…” (thơ Phùng Quán)

Nhân Văn Giai Phẩm là phong trào đòi quyền phát biểu tự do của những nhà trí thức, văn sĩ, họa sĩ, tư tưởng gia, thi sĩ, giáo sư… Những tên tuổi như Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung,Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán… đã làm rung chuyển tận gốc rễ Xã Hội Chủ Nghĩa Cộng Sản ngày đó và vẫn còn ảnh hưởng đến mãi sau nàỵ Về nhạc sĩ có ba người tham dự phong trào là Văn Cao, Đặng Đình Hưng và Tử Phác. Tử Phác có ít tác phẩm lưu truyền nhưng đều xuất sắc cả.
Tử Phác và Lương Ngọc Châu có một bài hát hay vô cùng là Tiếng Hát Lênh Đênh, tựa đề của cuốn băng đầu tiên của Anh Ngọc ở hải ngoại.

Băng nhạc Nhặt Cánh Sao Rơi có Mai Hương hát Tiếng Hát Quay Tơ là một bản Valse do Tử Phác sáng tác và là bản Luân Vũ tương đối nhanh, duy nhất trong băng nhạc rất phù hợp với nhịp của máy quay tơ.
Đây không phải là chuyện nàng quay tơ, anh đan áo trong thời bình như bài nhạc thơ Thoi Tơ của nhà thơ Nguyễn Bính và nhạc sĩ Đức Quỳnh. Đây là chuyện quay tơ của thời chiến.
Mai Hương ở Tiếng Hát Quay Tơ là những lời thầm thì, hiền dịu, những tâm sự đằm thắm của người đàn bà gửi gấm vào tấm vải may áo cho người yêu đang ở nơi biên cương,của những hàng nước mắt dưng dưng nhớ người ở xa…
Hình ảnh của thiếu phụ ngồi quay tơ trong một buổi chiều nắng nhẹ, bỏ hết mọi chuyện và chú tâm vào việc đan áo rét cho người người chiến sĩ của nàng đang ở chốn sa trường là một hình ảnh “cổ điển”, một hình ảnh thật đẹp, thật cảm động của thời đại văn minh tiền chiến:

“…Quay, quay, thương nhớ quyến vào tơ
Quay, quay, xe áo rét dâng chàng
Rộn ràng tơ lướt tới người chiến sĩ yêu
Quay, quay, thương nhớ quyến vào tơ
Quay, quay, chăn ấm quấn thân chàng
Mỗi một đường tơ là mối dây tình trong lòng em dâng người hiên ngang…”

Bản “Nhạc Chiều” của Dzoãn Mẫn thật tuyệt diệu. Một nửa đầu viết theo Luân Vũ 3/4. Mai Hương chậm, nhẹ, vương vấn:

“Chuông chùa vương tiếng ngân, âm thầm trong chiều vắng
Đường tơ lắng buông trong huy hoàng…”

Qua điệp khúc, nhạc ở 4/4, nhanh hơn. Mai Hương hát thêm giọng hai, quyện lấy giọng chính, vui hơn:

“Vương sầu làm chi cho ngày thắm phai
Hãy vang tiếng tơ vui đi cho ngày mai….”

Mai Hương rồi linh hoạt, hát tự đuổi theo giọng chính của mình:

“Nên ngừng bâng khuâng nghe muôn tiếng ca
Cố quên đau thương cho vui lòng ta…”
Bản nhạc trở về một giọng hát, âm điệu chậm 3/4, như đoạn đầu:
“Nhạc chiều êm đưa trong vườn khuya lưu luyến
Âm thanh ghi lấy vài lời u huyền…”

Biệt Ly (“Biệt ly nhớ nhung từ đây…”), bản nhạc hay thấy hát nhất của Dzoãn Mẫn, nhưng Nhạc Chiều có lẽ là bản hay nhất của ông. Và Mai Hương hát Nhạc Chiều thật là điêu luyện.

Một trong những bản nhạc tương đối giản dị mà thật hay, hay lạ lùng, nhưng chả mấy khi được nghe là Trách Người Đi của Đan Trường. Ngày xưa ở Việt Nam tôi chỉ nhớ lại được Pat Lâm, nam ca sĩ người Hoa, hay hát bài này. Mai Hương hát Trách Người Đi rất não lòng. Văn Phụng hòa nhạc xuất sắc.
Tôi thích nhất lúc có tiếng hát Mai Hương họa theo giọng của chính mình, như tiếng gió hú lướt đi:

“…Gió Thu về mang thương nhớ
Đến cho lòng thêm chan chứa
Lá ngô bay trong sương sầu
Biết bao giờ còn thấy nhau…”

Đan Trường, chuyện gì gây cảm hứng để ông viết Trách Người Đi? Ông còn hai bản nữa là Cái Áo The Thâm Tàn và Biệt Quê, tôi biết nhưng chưa được nghe ai hát bao giờ?
Đan Trường, ông là aỉ Nhạc Việt cần nhạc sử gia để hậu thế biết đến tất cả nhạc phẩm, nhạc sĩ, ca sĩ… của mọi thời đại. Bao nhiêu nhạc phẩm có giá trị đã mất đi, bao nhiêu nhạc sĩ có tài không ai biết đến. Nửa thế kỷ trước đã có một tờ báo chỉ chuyên về nhạc. Tôi không nhớ tên nhưng nhớ tờ báo sống được ít lâu và cũng chỉ là tờ báo về âm nhạc Việt Nam duy nhất từ xưa đến giờ!

Âm nhạc Việt Nam có những nhạc sĩ chỉ cả đời chỉ có một bản duy nhất thật hay và thôi. Như Con Chim Lạc Bạn của Phạm Văn Chừng, Tan Tác của Tu My… Có thể tôi không được may biết đến, hay vì họ sáng tác nhiều hơn nhưng vì lý do nào đó không được phổ biến hết.
Đào Thừa Liệt cũng là một trong những người này, chỉ có Bến Đò Xưa. Bản hát cũng có lịch sử của nó. Đào Thừa Liệt thương một cô lái đò. Mối tình không thành. Ông làm ra Bến Đò Xưa, rồi bỏ đi Pháp sinh sống. Chuyện tình thật lãng mạn của thời tiền chiến.
Bài hát thật giản dị. Tuy vậy nếu hát đúng như viết thì hơi dài dòng vì bản nguyên thủy viết theo Slow trong khi có rất nhiều nốt nhạc dài hơn dấu móc đơn, có nhiều nốt đen liên ba (là nét đặc thù của tân nhạc Việt Nam), nhiều nốt đen. Lê Huy, người đã từng hoạt động âm nhạc từ những ngày ban Phượng Hoàng còn ở Việt Nam, phụ trách hòa âm cho Bến Đò Xưa đã khéo léo đổi cả bài nhạc sang Bolero và do đó giọng Mai Hương trở nên rất uyển chuyển, nhịp nhàng.
Lời bản nhạc êm như mơ:

“Chiều xưa, có ai qua bến sông Hồng mộng mơ
Dìu dặt, đôi lời hò còn vương vấn nhớ nhung…”

Trong băng nhạc Bến Đò Xưa đề là sáng tác của Đào Thừa Liệt. Thật ra bản nhạc có sự góp sức của Nguyễn Kim nữa. Để cho chính xác hơn: Con Đò Xưa là của Đào Thừa Liệt và Nguyễn Kim.

Hoàng Phú, tác giả của Ngày Xưa, bản nhạc nhắc đến hai dòng sông lịch sử, Hát Giang và Bạch Đằng Giang. Hoàng Phú là em ruột Hoàng Quý, người sáng tác Cô Láng Giềng, Chùa Hương, Đêm Trong Rừng…. Sau khi Hoàng Phú đổi tên thành Tô Vũ. Ông có được ba tác phẩm tình ca nổi tiếng để đời. Đó là Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, Tạ Từ và Tiếng Chuông Chiều Thu.
Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa là một trong những bản đắc ý của Anh Ngọc ngày xưa. Không ai hát bản này bằng anh và rõ ràng không có gì để nói thêm. Tạ Từ thì có lẽ phải nói đến Duy Trác. Bản này anh hát làm rung động bao người.
Cả Anh Ngọc và Duy Trác đều đã hát Tiếng Chuông Chiều Thu và đều hay cả nhưng tôi bàng hoàng nghe Mai Hương. Giọng hát Mai Hương đã làm tâm hồn người nghe chìm xuống vào một buổi chiều Thu với lá rơi nhè nhẹ, với nắng Thu nhạt nhòa, với gió heo may… và có tiếng chuông chùa vọng lại. Tô Vũ đã đắm trong mộng tưởng, trong ước vọng hòa bình có “chuông khơi mùa nắng mới”.
Có hai điểm trong bản nhạc tôi muốn bàn qua:
Thứ nhất:

“…Ai xót ly hương mấy Thu vàng úa
Nhạc say mùa xương máu
Tóc xanh bơ phờ bù rối…”

Chữ “mùa xương máu” ở đây nghe hơi ghê rợn, “nhạc” mà “say mùa xương máu” thì e là loại nhạc sắt máu, không hợp với bản nhạc trữ tình, lãng mạn. Có thể nếu đặt địa vị vào của tác giả thời đó đang chiến tranh đẫm máu thì nghe thông cảm hơn chăng?
Thứ hai. Trong nguyên tác bản Tiếng Chuông Chiều Thu, đoạn kết của Tô Vũ là:

“…Người phương trời xa xôi, gửi em lời yêu thương
Khi lòng mơ màng trầm lắng tiếng chuông chiều Thu
Ngày nào khi chiến chinh xong
Hồi chuông reo vui muôn tiếng đồng
Chuông khơi mùa nắng mới, tình xưa đẹp bao nhiêu
Hồn anh thầm nhắn tiếng chuông ban chiều”

Mai Hương hát theo bản của nhạc sĩ Hoàng Trọng viết lại cho ban Tiếng Tơ Đồng:

“…Người phương trời xa xôi, gửi em lời yêu thương
Khi lòng mơ màng thầm lắng tiếng chuông chiều Thu
Chuông vang lời ước xưa, tình ta đẹp bao nhiêu
Hồn anh thầm nhắn tiếng chuông ban chiều”

Nhạc sĩ Hoàng Trọng đã bỏ hẳn “Ngày nào khi chiến chinh xong. Hồi chuông reo vui muôn tiếng đồng” và chữa thêm vài chữ. Không hiểu bỏ hai câu đó đi thì có hay hơn bao nhiêu, nhưng tôi tiếc không được nghe thêm dòng nhạc nguyên thủy của Tô Vũ.

Cũng như CD Gió Thoảng Hương Duyên của Kim Tước, không phải tình cờ cả hai băng nhạc của Mai Hương đều có tên từ những bản nhạc của Vũ Thành: Giấc Mơ Hồi Hương và Nhặt Cánh Sao Rơi. Tôi nghĩ cố nhạc sĩ Vũ Thành đã để lại niềm kính phục của bao người khác trong đó có Kim Tước và Mai Hương.
Phải nói Vũ Thành là nhạc sĩ có công lao nhiều nhất để xây dựng nền âm nhạc Việt Nam và nhất là đã cố nâng cao tầm thưởng ngoạn của thính giả. Tuy Áng Mây Chiều của Dương Thiệu Tước là bản nhạc Việt đầu tiên có mang tính chất nhạc cổ điển Tây Phương nhưng phải đến Vũ Thành thì loại nhạc này mới đến thính giả thật sự bằng những sáng tác của ông và với Ban Nhạc Đại Hoà Tấu Vũ Thành.
Những bản như Say Nhạc Canh Tàn, Gửi Áng Mây Hàng… là tiêu biểu cho tính chất cổ điển Tây Phương trong nhạc Vũ Thành. Sau này có những nhạc sĩ khác tiếp tục theo Vũ Thành và có những bản nhạc với mầu sắc của nhạc cổ điển: Cung Tiến với Nguyệt Cầm, Mắt Biếc… Lê Văn Khoa với Gọi Nhớ… Phạm Duy thì có một bản Đường Chiều Lá Rụng.

Giấc Mơ Hồi Hương, bản nhạc nổi danh nhất của Vũ Thành. Bản nhạc thương nhớ “em”, thành phố Hà Nội. So với những bài khác của ông, bài này thật dễ nghe vì truyền cảm.
Hai bản của Vũ Thành trong băng nhạc mới của Mai Hương là Nhặt Cánh Sao Rơi và Nhớ Bạn. Hai bản này, theo ý tôi, là gạch nối giữa Giấc Mơ Hồi Hương và những bản gần như hoàn toàn nghiêng về cổ điển Tây Phương đã kể trên.
Trong cả hai bản nhạc, Vũ Thành không dùng chữ “anh” và “em” mà dùng “bạn” và “tôi”. Toàn bộ có vẻ như là nói về bạn bè thương nhớ nhau hơn là về tình yêu lứa đôi. Tôi không rõ ý thật của ông nói về người bạn hay người yêu. Tuy vậy những chữ như “tay nắm tay” trong Nhặt Cánh Sao Rơi hay “niềm ân ái xưa” của Nhớ Bạn thì lại có nghiêng về tình trai gái. Nếu vậy nhạc sĩ Vũ Thành cũng “lạ”. Thành phố ông lãng mạn gọi là “em” mà người yêu lại “mắc cở” gọi tránh đi là “bạn”!
Nhặt Cánh Sao Rơi và Nhớ Bạn, tôi nghĩ đều là tuyệt tác của họ Vũ. Cả hai bản nhạc như gợi niềm hối tiếc những tình cảm, những “bạn” đã xa vắng…
Mai Hương đã hát Giấc Mơ Hồi Hương thật tình cảm và làm rung động thính giả đến mức tột cùng. Mai Hương, trong Nhớ Bạn và Nhặt Cánh Sao Rơi, khác hẳn. Biến chuyển theo dòng nhạc kiêu sa, đài các của Vũ Thành. Bây giờ tiếng hát Mai Hương là của lụa là, gấm vóc:

“Chiều phai nắng rụng lá khô bên thềm
Chiều vương khói nhạc lắng buông êm đềm
Gió chiều nhẹ ru ngàn cây thoáng vương khúc ly ca
Nhắc bao ngày qua khuất mờ gây bao niềm thương nhớ…” (Nhặt Cánh Sao Rơi)

Và:

“Xuân vương trên ngàn hoa, nhắc bao sầu nhớ mơ màng
Mây buông trong chiều vắng, như luyến tiếc giấc mơ đã tàn…” (Nhớ Bạn)

Tôi đã nghe Nhớ Bạn do Anh Ngọc hát ngày xưa với hòa âm cổ điển phức tạp và công phu của Ban Đại Hòa Tấu Vũ Thành. Lần này nghe Tuấn Đức hòa âm, tuy giản dị nhưng vẫn làm sáng nét nhạc của bài hát.

Bản cuối cùng, bản đáng nói đến nhất trong băng nhạc Nhặt Cánh Sao Rơi là Ave Maria của Gounod.
Nhạc sĩ người Pháp Gounod chính ra chuyên viết operas, nổi tiếng nhất là Faust. Ông có viết một số nhạc khúc và trong đó có Ave Maria. Có hai bản Ave Maria nổi tiếng nhất thế giới, một của Franz Peter Schubert và một của Charles Francois Gounod (Việt Nam cũng có Ave Maria của Văn Phụng). Cả Schubert và Gounod đều là nhạc sĩ vào thế kỷ thứ 19.
Ave Maria của Schubert là một tuyệt phẩm. Bản nhạc hay từ đầu đến cuối, rất đều đặn. Bản của Gounod, theo ý tôi có lẽ còn hay hơn, vì những nốt cao ngất ngây của đoạn sau đã được sửa soạn thật kỹ lưỡng bằng những dòng nhạc độ cao độ thấp hơn của đoạn đầu.
Phạm Duy viết lời Việt cho bản này thật là hay.
Vào đầu, Mai Hương chậm rãi, tôn kính:

“Cầu xin Maria, thấm nhuần một lòng thương chúng con
Đoái hoài một đàn con khát khao…”

Dòng nhạc cứ thư thả, trầm trầm như vậy…
Rồi tiếng cầu nguyện thôi thúc hơn, cao lên dần:

“Xin cầu một kiếp nào, mối tình xanh mãi mầu
Tiếng hát chầu đưa bao duyên lành mới qua cầu”

Mai Hương, cao nhiều hơn nữa:
“Hoa trong muôn vườn hát khoe mầu”

Và cực điểm, tiếng hát vút lên:
“Người cười trong ánh nắng”
Giọng Mai Hương trở thành chứa chan, bao dung:
“Tiếng reo yên lành
Đây đó ta cùng nép dưới bàn thờ xin cầu lời thương nhau”

Bài hát âm giai chính là Do Trưởng nhưng bản nhạc được chấm dứt bằng hai nốt Sol, thật đặc biệt:
“A men”
Ave Maria là điểm cao nhất của băng nhạc “Nhặt Cánh Sao Rơi”.
Ave Maria là điểm cao nhất của tiếng hát Mai Hương từ xưa đến giờ.

Những ngày ở Việt Nam xưa kia, Mai Hương hát hay, hiền dịu, dễ thương. Đó là những ngày của Dịu Dàng (Văn Phụng), của Hoa Bướm Ngày Xưa (Nguyễn Hiền)…
Ở xứ ngoài, mấy năm trước đây, trong băng nhạc “Giấc Mơ Hồi Hương”, Mai Hương hát hay hơn, đậm, chín… hơn nhiềụ
Với băng nhạc “Nhặt Cánh Sao Rơi”, Mai Hương đã đi xa hơn nữa. Giọng ca đã đến một đỉnh cao.
Nghe xong băng nhạc “Nhặt Cánh Sao Rơi”, tôi tự hỏi: “Những bài hát này, bây giờ, có ai hát hay bằng Mai Hương?”
Câu hỏi cũng đã thầm trả lời.

Phạm Anh Dũng
Ngày 10 tháng Mười năm 1994
Santa Maria, California, USA
***

Thưa các anh chị
BS Dũng thân mến

Tôi phải cám ơn BS Dũng đã viết bài tưởng nhớ nghệ sĩ Mai Hương, bài viết vô cùng giá trị, và vô cùng hàn lâm này.
Cũng như BS Dũng, tôi nghĩ Mai Hương là Prima Donna của nền âm nhạc Miền Nam Việt Nam.

Mai Hương không những là 1 người xử dụng điêu luyện nốt nhạc, lúc đưa giọng hát lên cao, hay lúc xuống thấp như một diva cao quý, mà Mai Hương còn nắm tất cả những gì tuyệt diệu của âm nhạc Việt Nam, đưa tấm lòng chân thành của mình vào trong tiếng hát , để gửi lại tâm tình với khán thính giả.
Và khán thính giả luôn luôn mến chuộng đức tính khiêm tốn, hiền hòa, phong cách tự trọng của Mai Hương.

Có những người nữ ca sĩ danh tiếng khác, trong 50 năm vừa qua , đạt được một chổ đứng hàng đầu với thính giả Việt Nam, nhưng nghệ thuật hát của họ thật tình chưa đạt được cái tuyệt diệu/virtuosity /cái lãng mạn, cái tình cảm hết sức ấm áp của Mai Hương.

Cái CD của Mai Hương hát những bài hát cổ điên Âu Châu xen với những bài hát của Văn Cao, của Cung Tiến…đã làm say mê bao nhiều tâm hồn người Việt Nam.

Cái CD này, tôi may mắn được Giáo Sư Y Khoa, Khoa Trưởng, anh BS Vũ Quí Đài tặng tôi vào khoảng 30 năm về trước.

Và tôi trân quý cái CD nhạc cổ điển này vô cùng.

Cũng như BS Dũng , tôi rất thích bài Thiên Thai của Văn Cao , mà tôi coi là tác phẩm hay nhất của Văn Cao, hay hơn bài Mối Tình Trương Chi hay bài Trường Ca Sông Lô , mà Văn Cao cũng là tác giả.

Mai Hương hát bài Thiên Thai này thành công tuyệt vời.

Bài Thiên Thai của thiên tài âm nhạc Phạm Duy là 1 bài hát rất hay, tuy nhiên trong lòng tôi, trong tim tôi, bài hát Thiên Thai của Văn Cao chưa có bài nào sánh kịp.

Cái huyền thoại của hai người học trò nghèo, Lưu và Nguyễn, chèo thuyền trên suối, rồi lạc vào rừng, lạc vào Thiên Thai, nơi mà người bình thường không bao giờ tới đuọc.

Không những vào được Thiên Thai, họ còn được uống rượu với tiên nữ, coi tiên nử múa khúc Nghê Thường,

Rồi ngày Lưu & Nguyễn ra thuyền chèo về quê cũ, thì tất cả hình ãnh của làng xưa đã tan biến trong sương chiều cả thế kỷ nay rồi.

Muốn ở lại thì không còn quen biết ai, muốn trở về gặp lại tiên nữ, xem lại điệu vũ Nghê Thường, thì không còn biết đuòng lên Thiên Thai đi lối nào nữa.

Cái đẹp, cái lãng mạn, cái thanh tao đài các , của huyền thoại dân tộc Việt, chỉ có Văn Cao mới đủ tài, đủ tình cảm chan chứa để gói ghém trong bài hát tuyệt vời này.

Riêng đối với các người thế hệ tôi , tuổi trên 80 rồi, tóc đã bạc phai mầu rồi, thì mỗi khi “chiều tà, trắng lên” chúng tôi tưởng như đâu đây có những tiếng ca của ai đó còn vang rền từ chân trời xa mang lai.

Và mấy ông già, tóc đã bạc, nhưng tâm hồn còn trẻ , ngồi với nhau, nhìn măt trời sắp lặn, còn mường tưởng phía xa xa , lấp ló, sau đám mây hồng tía, có vài nàng tiên nữ đang chờ đợi ra múa khúc Nghê Thường riêng cho họ ,

Tiên nữ múa riêng cho họ, để bù đắp thời xa xưa, họ thiếu may mắn, không theo được chàng Lưu, chàng Nguyễn , quên đi đời dương thế, chèo thuyền tới nơi mà hoa đào chỉ nở trăm năm có một lần mà thôi., nơi mà bướm trần gian chưa bao giờ bay tới…

Cám ơn BS Phạm Anh Dũng vô cùng đã viết 1 bài rất giá tri, rất hàn lâm về Mai Hương.

Rất thân mến
Nguyen Thuong Vu 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét