Sau khi xong lớp 12, tôi lên Saigon học, lúc đó tôi còn là một cô nữ sinh rất vô tư và khờ vì luôn được sự bảo bọc, chăm lo của má mình nên sự hiểu biết của tôi về cuộc sống ngoài đời rất là nong cạn. Đến lúc bước chân lên ghe rời quê hương, tôi trãi qua sự sống, chết và những thăng trầm trong cuộc đời đã cho tôi một nỗi buồn không bờ bến. Sự quan hệ giữa người và người rất là sao vô cùng phức tạp, đôi khi làm tôi mất cả niềm tin, mệt mõi, chán nản cuộc sống “kim tiền” đầy phù du nầy!
Đêm nay tiết trời đông lạnh lẽo, tôi ngồi một mình hồi tưởng lại cuộc đời 30 năm viễn xứ của mình, tôi thấy mình đã đánh mất rất nhiều thứ. Giờ đây ngoài ông xã và hai đứa con thì điều mà tôi trân quí nhất là “tình anh chị em” và "thân tình bạn hữu".
Tôi rất tin vào hai chữ “duyên phận” mà thượng đế xắp đặt cho mỗi cuộc đời của chúng ta. Có duyên mới được làm con của cha mẹ mình, làm anh chị em trong một gia đình, làm vợ chồng hay làm bạn bè. Có duyên mình mới được gặp được người để mình chia xẽ sự vui buồn, cho và nhận sự giúp đở lẫn nhau, hạnh ngộ hay chia tay. Thời gian dài hay ngắn là “tùy duyên”.
Có lẽ kiếp trước Xuân Mai và tôi có duyên làm “chị em” nên được sanh ra cùng cha mẹ kiếp nầy. Ngày má vào nhà thương “Mụ Sẩm” để sanh, thì cô mụ cho hay má còn phải rán “rặn” thêm một đứa nữa, má thật bất ngờ vì đã mệt lã người cho đưa đầu. Nhưng cuối cùng cũng mẹ tròn con vuông, ba rất mừng và cho đây là sự may mắn của gia đình nên đặt tên là gọi chung hai đứa là Song Mai. Có lẽ ba nghĩ đúng vì không bao lâu gia đình tôi trúng số giải độc đắc với số tiền là mười ngàn đồng. Đây là số tiền lớn vào thập niên năm mươi.
Từ lúc lọt lòng cho đến nay gần như lúc nào hai đứa đi đâu cũng có nhau. Ba tôi thường gọi hai chị em là “hai chú gà con” và mỗi khi nhà có khách ba thường kêu chị em hát và múa bài nầy vì vừa học được ở lớp mẫu giáo cho khách coi, lúc còn nhỏ ba biểu sao thì làm thế, không biết mắc cở là gì! Đôi khi có nhiều bạn của ba má hoặc anh chị đến chơi và thấy chị em quấn quít và họ hay hỏi đùa:
- Có khi nào hai Mai đánh lộn nhau không ?
- Ai là người thắng cuộc khi đánh lộn ở trong bụng mẹ ?
Chị tôi nói:
- Dĩ nhiên là Mai chị rồi! Đánh thắng mới được ra đời trước Mai em.
Các chị trong gia đình thường kể lại là lúc còn bé hai chị em tôi nói chuyện và thường xưng hô “chị và em” với nhau. Từ đó tôi có thói quen nên cũng xưng “chị” với các anh chị lớn của mình và cho đến nay vẫn thế! Anh rễ chị dâu tôi cũng không ngoại lệ và dường như ai cũng quen dần cách xưng hô nầy của tôi.
Trường tôi học ở Saigon bắt buộc học sinh phải ở nội trú, còn Xuân Mai thì mướn căn gác trọ ở gần bến xe Lê Hồng Phong và cũng gần trường của tôi học. Tôi đi học xa nhà, lại mang bệnh đau bao tử cũng khá nặng nên má rất lo lắng và không may mắn kinh tế bấy giờ đang ở thời điêm khó khăn nên thuốc tây rất khang hiếm, có tiền cũng không mua được thuốc. Tôi gần như đi nhà thương như ăn cơm bửa, uống nước cũng bị ói rã rời.
Tội nghiệp Xuân Mai vừa đi học vừa thay má mình chăm sóc cho chị, thật là vất vã! Thấy chị bệnh nhiều nên đôi khi lấy tiền tiết kiệm của mình mua thịt nấu cháo cho chị tẩm bổ. Gần như mỗi ngày nhỏ đều ăn cơm với bí rợ nấu canh hay bí rợ xào. Nên dường như bây giờ Xuân Mai thông minh hơn tôi nhiều!
Có một lần, bệnh tôi trở nặng nên nhà trường đưa tôi đến bệnh viện Chợ Quán vì gần với trường nhất và dễ nhập viện . Buổi chiều sau khi tan học, Xuân Mai ghé thăm tôi và mang theo một lon “ghi-gô” cháo thịt bò nấu với gừng nóng hổi và thơm phức, cả phòng bệnh ai cũng khen thơm . Tôi chỉ ăn được 3 muồng cháo thì bị ói xanh mặt, tôi đành nhường lại hết cho mẹ con bệnh nhân nghèo nằm cạnh giường . Tội nghiệp con bé nói:
- Má và em đã từ lâu không được ăn thịt, em cám ơn chị nhiều!
Lúc đầu tôi còn hơi tiếc lon cháo nhưng sau khi nghe con bé nói nên tôi cảm thấy vui trong bụng.
Năm 1978 đến 1979 là thời điểm giao tranh quyết liệt giữa Kampuchia và Vietnam, hầu như các trường đại học, trung học chuyên nghiệp ở Saigon đều gởi học sinh đi lao động ở Tây Ninh, gần biên giới. Xuân Mai và các cháu đều bị gởi đi chỉ có tôi là được trường cho miễn vì đang bệnh. Trong gia đình má và anh chị lo lắng quá nên quyết định cho Xuân Mai và các cháu đi “vượt biển” , tôi thì không được cho đi nhưng cũng không buồn.
Trước ngày đi chị Hai tôi lên Saigon rước Xuân Mai và cô cháu gái, chị ghé trường và rủ tôi đi ăn bửa cơm “tiễn biệt” ở các quán ăn cuối đường Trần Bình Trọng. Ăn cơm xong chúng tôi bùi ngùi chia tay, chị Hai thấy tôi “thui thủi” trở vô trường làm chị rơi nước mắt. Về đến Vĩnh long, chị vội nói với má:
- Má ơi, cho Mai chị đi chung với tụi nó nhe má! Nó bệnh nhiều và ói ra máu rồi mà ở lại không có thuốc điều trị thì trước sau gì nó cũng chết!
Chị nói tiếp:
- Nếu má cho nó đi biết đâu chừng đến được quốc gia khác được vô bệnh viện điều trị. Hơn nữa, từ nhỏ đến lớn hai chị em nó đi đâu cũng có nhau, bây giờ chia cách hai đứa con thấy tội nghiệp tụi nó quá!
Má tôi do dự vì phải làm quyết định “sinh tử” cho tôi, chị thứ Năm cũng cố gắng thuyết phục và cuối cùng má đồng ý. Ngày hôm sau chị Hai tức tốc đi Saigon rước tôi về. Sáng sớm ngày kế tôi từ giả má ra đi , má ôm tôi và khóc thật nhiều, tôi nghĩ là đây là những giọt nước mắt “vĩnh biêt” má khóc dành tôi.
Sau đó chúng tôi xuống Rạch Giá và hôm sau thì xuống ghe đi. Ghe chạy về hướng Thailand, lênh đênh trên biển 2 ngày, may mắn chúng tôi không gặp cướp biển. Đến ngày thứ ba thì gặp được tàu dầu Tây Đức. Họ cho chúng tôi lên tàu va cho ăn uống đầy đủ , vài ngày sau mới được Thailand chấp thuận cho nhập trại Songkhla.
Khi vào trại thì chúng tôi chỉ còn bộ đồ mặc trong người vì quần áo thuốc men bị gia đình chủ ghe gạt lấy hết, anh tôi còn dấu lại được sợi dây chuyền vàng nên đổi được một một ít tiền và mua sắm cho thời gian đầu ở trại.
Những ngày đầu tôi được Xuân Mai cho miễn làm việc nặng nhọc. Nhỏ học nhuốm củi, nấu cơm, làm cá, etc…từ các anh ở kế bên lều . Tội nghiệp cô em gái trong những ngày đầu cực khổ và còn ngồi khâu từng mũi kim may quần áo cho hai chị em mặc. Nhỏ thường cười và nói chơi:
- Kiếp trước em mắc nợ chị, nên kiếp nầy em phải trả đó!
Tôi cười và đùa lại:
- Lúc trước khi chị đi đầu thai đã nói là em đừng đi theo chung, ai biểu em đi theo làm chi!
Gần một tháng ở trại, bao tử của tôi bị loét và tôi hoàn toàn kiệt sức vì cơn đau. Xuân Mai vội đưa tôi vào bệnh xá của trại và đươc bác sĩ Pháp cho vô chai nước biển qua đêm để chờ sáng hôm sau có xe đi bệnh viện. Nước biển chai thứ nhứt đã hết, em tôi xin bác sĩ trực cho vô chai thứ hai mà bác sĩ Pháp để dành cho tôi, nhưng bị bác sĩ kia đã dành lấy cho thân nhân ông ta. Thấy tôi quằn quại trong cơn đau , em nóng ruột nên phải nhờ anh phụ tá phòng bệnh “dành” lại được chai nước biển và tiêm cho tôi . Đến sáng tôi được đưa vào bệnh viện, đươc bác sĩ khám bệnh thật kỹ lưỡng và quyết định làm một cuộc giải phẩu lớn. Cuộc giải phẩu thành công!
Tôi tỉnh lại sau hai ngày hôn mê, mở mắt nhìn xung quanh thì mới nhớ ra mình đang trong bệnh viện, không một bóng người thân bênh cạnh! Tủi thân, tôi bật khóc nhưng khi khóc thì vết mỗ đau nhói nên chỉ nằm trên giường mà nước mắt tuôn trào . Vừa cô đơn, nhớ gia đình ở Vietnam, vừa lo cho anh và cô em ở trong trại và sợ nhất là mình “bị bỏ quên” ở nhà thương rồi anh và em gái đi định cư thì mình không biết làm sao một mình ở Thailand.
Thật may mắn tôi được cô y tá trẻ chăm sóc thật tận tình và cả thân nhân của các bệnh nhân chung phòng cũng rất tốt với mình tuy không nói được tiếng Thai hay English. Vài tuần sau khi khỏe lại và tôi bắt đầu thèm ăn đủ thứ, không có gì buồn bằng nhìn người ta ăn mà mình không được ăn. Thật trớ trêu cho tôi vì con đường bên hông bệnh viện thì đầy dẫy các quán ăn và xe thịt nướng thơm phức! Ngày ngày tôi hay nhìn xuống cửa sổ phòng bệnh xem người ta đi ăn hàng. Mùi thơm thịt nướng và hủ tiếu làm tôi làm thèm ăn “kinh khủng” vì sau nhiều năm mang bệnh mình không được ăn ngon nên tôi tự an ủi là khi lành bệnh sẽ mình sẽ ăn bù!
Trong thời gian tôi ở bệnh viện, Xuân Mai nhờ bạn đánh điện tín cho má tôi hay cuộc giải phẩu thành công, má tôi mừng khôn xiết vì người đã làm một quyết định đúng cho chuyến đi của tôi. Sau một tháng thì tôi được xuất viện và được đưa về trại, ngày về đến trại tôi gặp lại hai cô bạn học chung lớp và cùng chung phòng khi ỏ Saigon và cũng là hai người thường chăm sóc tôi lúc bệnh ở trường . Ba chúng tôi gặp nhau thật mừng vì cuộc hội ngộ không hẹn trước thời gian và địa điểm. Đây cũng là “duyên” của chúng tôi.
Tháng năm thì ba anh em tôi lên đường đi Canada định cư, bệnh của tôi hoàn toàn bình phục. Những chuỗi ngày đầu sống đất khách, quê người là những ngày đầy cay đắng và nhiều nước mắt vì cái lạnh mùa đông, sinh ngữ và việc làm, etc…. Sau năm năm cuộc sống được ổn định thì tôi lập gia đình, Xuân Mai giúp tôi rất nhiều để chuẩn bị ngày hôn lề nầy, nhỏ thức khuya sau giờ làm việc và“rị mọ” may cho tôi cái áo cưới trắng, kiểu đơn giản nhưng tôi rất ưng ý và vì là chiếc áo cưới với tất cả tấm lòng của em mình. Lúc tôi sinh sản thì Xuân Mai chăm sóc cho tôi và hai đứa con trong những ngày tôi còn yếu sức, những lúc tôi bị hụt hẩn nhỏ thì cũng là người hỗ trợ tinh thần nhiều nhất.
Sau khi má tôi mất thì Xuân Mai lập gia đình, tôi thay thế má lo ngày hôn lễ của em thật chu toàn và những gì em cần thì có tôi bên cạnh . Đến nay những lúc chúng tôi gặp khó khăn thì hai chị em đều có nhau để tương trợ. Tôi thấy chữ “duyên phận” của hai chị em tôi thật là kỳ diệu!
- Em ơi, chị cám ơn em thật nhiều!
Như Mai
Canada - December 08, 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét