Thời Thượng Cổ của lịch sử Việt Nam là thời gian từ khi bắt đầu có lịch sử cho tới khi bắt đầu của Bắc Thuộc Thời đại. Nó có liên quan tới nguồn gốc và tổ tiên của người Việt Nam chúng ta trong thời Tiền Sử.
Lịch sử trong thời Thượng Cổ nầy vẫn còn có nhiều nghi vấn và tranh cãi cho tới ngày nay.
Bài viết nầy chỉ trình bày tóm lược những điều đã đọc được từ các sử gia xưa và nay qua những nguồn sử liệu cũ và mới để cho người thông thường có một kiến thức tổng quát và thứ tự về lịch sử nước nhà trong thời Thượng Cổ.
Theo nguồn sử liệu cũ, lịch sử cũ của thời Thượng Cổ bắt đầu với lịch sử của Hùng Vương và nước Văn Lang với nguồn gốc từ Kinh Dương Vương và nước Xích Quỷ. Sau đó An Dương Vương Thục Phán chiếm nước Văn Lang và lập nước Âu Lạc.
Chọn lọc tài liệu từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (có lẽ từ Lĩnh Nam Chích Quái) và một phần của Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Việt Nam Sử Lược tóm lược Lịch sử cũ của thời Thượng Cổ gồm:
Nước Xích Quỷ
Nước Văn Lang
Nước Âu Lạc
Theo thời khoa học hiện đại, lịch sử cũ nầy gần như là thần thoại lại không hợp lý về thời gian và không gian nên đã không được hoàn toàn chấp nhận.
Lịch sử cũ chỉ chú trọng tới quốc gia. Một quốc gia phải gồm có dân tộc, lãnh thổ và chính quyền. Lịch sử với nguồn sử liệu mới chú trọng tới Dân tộc và Lãnh thổ vì có dân tộc sống trên lãnh thổ trong thời Thượng Cổ mà không cần có chính quyền:
Nhóm người Bách Việt (thay vì là nước Xích Quỳ): sống ở vùng Đông Nam và Nam núi Ngũ Lĩnh (gọi chung là đất Lĩnh Nam).
Người Lạc Việt (thay vì là nước Văn Lang): sống ở miền Bắc Việt Nam ngày nay.
Nước Âu Lạc có dân tộc đa số là người Lạc Việt và thiểu số là người Âu Việt.
Lịch sử mới của thời Thượng Cổ nói tới về người Lạc Việt, nhóm người Bách Việt và nước Âu Lạc. Từ đó cũng nói sơ lược về thời Tiền Sử của người Lạc Việt, tổ tiên của người Việt chúng ta hiện nay.
LỊCH SỬ CŨ
Lịch sử cũ của thời Thượng Cổ được chọn lọc và trình bày tóm lược và khá đầy đủ từ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim về nước Xích Quỷ, nước Văn Lang và nước Âu Lạc.
Nước Xích Quỷ
Cứ theo tục truyền rằng vua Đế Minh (cháu 3 đời vua Thần Nông) đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc Hồ Nam, Trung Quốc bây giờ) lấy một nàng Tiên đẻ ra con thứ là Lộc Tục. Sau đó Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam.
Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương và đặt tên nước của mình là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ gồm có:
Phía Bắc giáp Động Đình Hồ (bắc Hồ Nam bây giờ), tức là nam của sông Trường Giang (sông Dương Tử).
Phía Nam giáp nước Hồ Tôn (nước Chiêm Thành sau này).
Phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên bây giờ).
Phía Đông giáp bể Nam Hải.
Kinh Dương Vương Lộc Tục làm vua nước Xích Quỷ vào khoảng năm Nhâm tuất (2879 tr CN). Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi làm vua nước Xích Quỷ xưng là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân (Sùng Lãm) lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ đẻ ra 100 con trai. Có sách chép là Âu Cơ đẻ ra 100 trứng rồi nở ra 100 con trai.
Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng:
“Ta là dòng dõi Long quân còn Nàng là dòng dõi Thần Tiên ăn ở với nhau lâu không được, nay có được 100 đứa con trai thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi còn ta đem 50 đứa xuống bể Nam Hải".
Gốc tích nầy có lẽ là từ Lạc Long Quân về sau nước Xích Quỷ chia ra những đất nước gọi là Bách Việt. Bởi vậy ngày nay đất Hồ Quảng (Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây) còn xưng là đất Bách Việt. Đấy cũng là một điều nói phỏng chứ không có lấy gì làm đích xác được.
Nước Văn Lang
Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương họ là Hồng Bàng (nhà Hồng Bàng). Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên); đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, các quan nhỏ gọi là Bố Chính. Quyền chính trị thì cứ cha truyền con nối gọi là Phụ đạo. Lãnh thổ có 15 Bộ gồm Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị) ngày nay.
15 Bộ gồm có:
Văn Lang (h. Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên ngày nay)
Châu Diên và Phúc Lộc (vùng Sơn Tây ngày nay)
Tân Hưng (vùng Tuyên Quang và Hưng Hóa ngày nay)
Vũ Định (vùng Thái Nguyên và Cao Bằng ngày nay)
Vũ Ninh (vùng Bắc Ninh ngày nay)
Lục Hải (vùng Lạng Sơn ngày nay)
Ninh Hải (vùng Quảng Yên ngày nay)
Dương Tuyền (vùng Hải Dương ngày nay)
Giao Chỉ (vùng Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình ngày nay)
Cửu Chân (vùng Thanh Hóa ngày nay)
Hoài Hoan (vùng Nghệ An ngày nay)
Cửu Đức (vùng Hà Tĩnh ngày nay)
Bình Văn (vùng Hà Tĩnh ngày nay?)
Việt Thường (vùng Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay)
(Nước Văn Lang = Miền Bắc Việt Nam ngày nay)
Sử Tàu có chép rằng năm Tân mão (1109 tr CN) đời vua Chu Thành Vương của nhà Tây Chu có nước Việt Thường ở phía Nam xứ Giao Chỉ sai sứ đem chim Bạch trĩ sang cống. Nhà Chu phải tìm người thông ngôn mới hiểu được ngôn ngữ và ông Chu Công Đán (chú của Thành Vương) lại chế ra xe chỉ nam để dẫn đường cho sứ Việt Thường về nước. Vậy đất Giao Chỉ và đất Việt Thường có phải là đất của Hùng Vương lúc bấy giờ không?
Họ Hồng Bàng làm vua được 18 đời, đến năm Quí mão (258 tr CN) thì bị nhà Thục lấy mất nước. Xét từ đời Kinh Dương Vương (2879 tr CN) đến hết đời Hùng Vương thứ 18 (258 tr CN) có 20 đời vua trong vòng 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém mỗi ông vua trị vì được non 150 năm! Dẫu là người Thượng cổ nữa, thì cũng khó lòng sống lâu được như vậy. Xem thế thì đủ biết truyện đời Hồng Bàng không chắc là truyện xác thực.
Ngày nay, sử gia theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn chép thêm rằng:
Kinh Dương Vương sinh năm 2919 tr CN, chết năm 2792 tr CN và lên ngôi vào năm 2879 tr CN.
Các vua Hùng Vương bắt đầu từ Kinh Dương Vương là Hùng Vương thứ nhất (từ năm 1879 tr CN) rồi đến Lạc Long Quân là Hùng Vương thứ nhì, có Miếu hiệu là Hùng Hiền Vương.
15 Hùng Vương tiếp theo (Hùng Vương thứ 3 tới Hùng Vương thứ 17) đều có Miếu hiệu nhưng không có niên biểu. Từ Kinh Dương Vương (Hùng Vương thứ nhất) tới Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) có tất cả 18 đời vua Hùng Vương kéo dài trên 2622 năm. Riêng Kinh Dương Vương thọ 127 tuổi.
Hùng Vương cuối cùng (thứ 18) từ chối không gả con gái cho Thục Vương. Năm 258 tr CN, cháu của Thục Vương là Thục Phán nối ngôi, đem quân đánh Hùng Vương. Hùng Vương chỉ uống rượu say sưa không phòng bị nên bị thua và nhảy xuống giếng tự tử. An Dương Vương thôn tính nước Văn Lang và chính thức lập nước Âu Lạc (257 tr CN).
Nước Âu Lạc
Năm 258 tr CN, An Dương Vương Thục Phán của nước Thục đánh bại vua Hùng Vương thứ 18, rồi chính thức lập nước Âu Lạc (257 tr CN) đóng đô ở Phong Khê (nay thuộc tỉnh Phúc Yên). Nhờ thần Kim Quy, vua xây thành Cổ Loa hình xoáy như trôn óc (gọi là Loa Thành). Thần Kim Quy còn cho ông một móng chân làm thành một cái nỏ thần, bắn một phát giết hàng vạn người.
Triệu Đà, quan Úy của quận Nam Hải (Quảng Đông bây giờ) muốn chiếm nước Âu Lạc nhưng vì có nỏ thần nên đánh không thắng nỗi. Ông lập kế cho con là Trọng Thủy sang Âu Lạc lấy con của An Dương Vương là Mỵ Châu (và chịu ở rể). Trọng Thủy hỏi dò vợ mình là Mỵ Châu tại sao không ai thắng nỗi nước Âu Lạc. Vì tin chồng, Mỵ Châu kể chuyện cái nỏ thần và lén lấy cho chồng xem. Trọng Thủy lén tráo đem cái nỏ giả thay vào. Sau đó Trọng Thủy xin về nước thăm cha. Khi sắp đi, Trọng Thủy hỏi Mỵ Châu rằng: “Tôi về, mà lỡ có giặc giã đánh thì làm sao tôi tìm được nàng”. Mỵ Châu nói rằng: “Thiếp có cái áo lông ngỗng, hễ khi thiếp có chạy về đâu thì sẽ lấy lông ngỗng rắc dọc đường”.
Trọng Thủy đem nỏ thần về và kể sự thật cho cha là Triệu Đà, ông nầy liền đánh Âu Lạc (năm 208 tr CN). Vì nỏ thần giả nên không hiệu nghiệm nữa, do đó vua An Dương Vương thua trận phải đem Mỵ Châu lên ngựa mà chạy đến núi Mộ Dạ (nay là huyện Đông Thành, Nghệ An). Vua khấn thần Kim Quy thì thần hiện lên và bảo rằng: “Giặc ở sau lưng nhà vua đấy”. An Dương Vương tức giận mới chém chết Mỵ Châu rồi nhảy xuống giếng tự tử. Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng của vợ rắc đuổi đến núi Mộ Dạ. Thấy xác vợ, Trọng Thủy thương xót đem xác Mỵ Châu về chôn ở thành Cổ Loa rồi nhảy xuống giếng tự tử.
Nay ở làng Cổ Loa trước đền thờ An Dương Vương có cái giếng tục truyền rằng Trọng Thủy chết ở giếng ấy. Tục cũng truyền rằng máu của Mỵ Châu chảy xuống bể, những con trai ăn phải hóa ra ngọc trân châu. Hễ ai lấy được ngọc ấy đem về rửa ở giếng Trọng Thủy ở đền Cổ Loa thì ngọc ấy trong và đẹp ra.
LỊCH SỬ MỚI VỀ NGƯỜI LẠC VIỆT
Nguồn Sử Liệu
Lịch sử của người Việt và nước Việt chúng ta bắt đầu bằng lịch sử của những người sống ở Miền Bắc Việt Nam ngày nay. Đó là tổ tiên của chúng ta.
Thời Thượng Cổ của lịch sử Việt Nam là thời kỳ bắt đầu khi có Lịch sử cho tới khi bắt đầu Thời Bắc Thuộc (năm 208 tr CN). Trước đó là Thời Tiền Sử.
Sau năm 214 tr CN, người Tàu chiếm đất của những người Bách Việt ở Lĩnh Nam thì mới tiếp xúc với nước Âu Lạc. Từ đó sử gia Tàu mới biết có nước Văn Lang, một nước có lãnh thổ là Miền Bắc Việt Nam ngày nay, đã có trước đó từ nhiều thế kỷ trước và chỉ mới đổi thành nước Âu Lạc từ năm 257 tr CN.
Năm 208 tr CN, nước Âu Lạc bị Triệu Đà (một quan Úy của nhà Tần và nhà Hán) thôn tính và lập nước Nam Việt với lãnh thổ có thêm Lưỡng Quảng ngày nay (Quảng Đông và Quảng Tây) đóng đô ở Phiên Ngu hay Phiên Ngung (thuộc Tp Quảng Châu ngày nay).
Năm 111 tr CN, nhà Hán của Trung Quốc thôn tính nước Nam Việt.
Miền Bắc Việt Nam ngày nay thuộc Tàu từ năm 208 tr CN cho tới khi ông Ngô Quyền dành độc lập vào năm 938 (gọi là Bắc Thuộc Thời đại). Nước ta thuộc Tàu tất cả hơn 1100 năm và sau đó độc lập gần 1100 năm cho tới ngày nay (năm 2019).
Nguồn Sử Liệu của Thời Thượng Cổ.
Sau năm 214 tr CN (Thế kỷ thứ 3 tr CN), Sử gia Trung Quốc từ thời Bắc Thuộc bắt đầu viết Sử về Miền Bắc Việt Nam ngày nay trong thời Thượng Cổ dùng Hán tự (từ Hán ngữ). Do đó tất cả nhân danh (tên người) và địa danh có trong Sử liệu đầu tiên đều có nguồn gốc từ Sử gia Trung Quốc nên đều bằng Hán ngữ. Những nhân danh hay địa danh có trước thời Bắc Thuộc có lẽ được sử gia Tàu dịch âm từ ngôn ngữ địa phương của người bản xứ (Tiếng Việt Cổ) hay tự đặt ra.
Từ năm 938 (Thế kỷ thứ 10), Dân tộc bản xứ ở Miền Bắc Việt Nam ngày nay dành độc lập và lập thành quốc gia, đó là nước Việt của chúng ta cho tới ngày nay. Sử gia nước Việt mới bắt đầu viết lịch sử của nước Việt từ thế kỷ thứ 14 nhưng Chính sử chỉ còn tồn tại từ thế kỷ thứ 15 (đó là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên). Chính sử viết vào thế kỷ thứ 14 đã bị mất (đó là Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu), chỉ còn lại Ngoại sử mang tính chất thần thoại là sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp. Những sử gia Việt nầy cũng dùng Hán tự và Hán ngữ. Một số nhân danh và địa danh có thể khác hay được thêm trong Lĩnh Nam Chích Quái và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tuy đã bị thất lạc nhưng Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu không có viết về thời Thượng Cổ mà chỉ bắt đầu từ Triệu Vũ Vương (Triệu Đà), thời điểm bắt đầu của Bắc Thuộc Thời đại.
Gần đây, có một quyển chính sử của sử gia người Việt viết vào thế kỷ thứ 14 thất lạc bên Tàu vừa tìm ra được. Đó là Đại Việt Sử Lược (Việt Sử Lược), viết bằng Hán tự.
Từ thế kỷ thứ 20, các nhà Khảo cổ bắt đầu khai quật những vùng văn hóa ở Miền Bắc Việt Nam ngày nay như Văn hóa Đông Sơn. Từ đó có thêm những nguồn sử liệu mới ngoài sách vở.
Sử liệu ngày nay được phổ thông nhờ những công trình dịch thuật toàn bộ những sử liệu Hán và Hán Nôm như Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng như sự quảng bá trên Internet.
Như vậy lịch sử thời Thượng Cổ của người Việt và nước Việt chúng ta đã được dựa trên 2 nguồn sử liệu về thời Thượng Cổ:
Nguồn Sử Liệu cũ (tới cuối thế kỷ 20) thường dùng Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Nó lấy nguồn từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và một phần của Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có lẽ dựa trên Lĩnh Nam Chích Quái. Nguồn sử liệu cũ có tính chất thần thoại và không hợp lý.
Nguồn Sử Liệu mới (từ cuối thế kỷ 20) dùng sử liệu của Tàu (viết trong thời Bắc Thuộc) đa số tìm được trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục mới được dịch ra toàn phần và phổ biến, của Đại Việt Sử Lược mới được tìm ra, của các học giả trong Wikipedia và từ công trình khai quật của các nhà Khảo cổ từ thế kỷ 20. Nguồn sử liệu mới hợp lý nên có giá trị.
(Miền Bắc Việt Nam ngày nay)
Chi tiết lịch sử từ Nguồn sử liệu mới
Việt Sử Lược (đời nhà Trần, thế kỷ thứ 13) viết:
Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 tr CN), ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật thu phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối "kết nút". Nước Văn Lang gồm 15 bộ lạc.
Trích từ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục
An Nam Chí Nguyên của Cao Hùng Trưng chép: Giao Chỉ khi chưa đặt quận huyện, bấy giờ có ruộng Lạc (Lạc điền), theo nước triều lên xuống mà làm ruộng; khai khẩn ruộng ấy là Lạc dân, thống trị dân ấy là Lạc Vương, người giúp việc là Lạc Tướng; đều dùng ấn đồng thao xanh. Nước gọi là Văn Lang. Phong tục thuần hậu mộc mạc, chưa có chữ nghĩa, còn dùng lối thắt nút dây làm dấu ghi nhớ, truyền được 18 đời.
Theo Dư Địa Chí của Cổ Hi Phùng, Giao Chỉ về đời Chu gọi là Lạc Việt, về đời Tần gọi là Tây Âu, thế thì đất Âu Lạc lại ở về phía tây Phiên Ngu (kinh đô của nước Nam Việt của Triệu Đà). Theo Giao Quảng Ký của Hoàng Sâm, Giao Chỉ có ruộng Lạc Điền, khai khẩn theo nước triều lên xuống. Người "ăn" hoa lợi ruộng ấy là Lạc Hầu. Các huyện (khu vực địa phương) tự gọi là Lạc Tướng. Sau nầy con Thục Vương đem quân đánh Lạc Hầu, tự xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Phong Khê.
Trích từ Wikipedia
Giao Châu Ngoại Vực Ký (thế kỷ thứ 4) và Thủy Kinh Chú (thế kỷ thứ 6) chép: Thời xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, thì đất đai có Lạc điền, ruộng (cày cấy) theo con nước thủy triều. Dân khai khẩn ruộng ấy mà ăn nên gọi là Lạc dân. Có Lạc Vương, Lạc Hầu làm chủ các quận huyện. Ở huyện phần đông có Lạc Tướng. Lạc Tướng có ấn bằng đồng (đeo) giải (vải màu) xanh. Về sau con vua Thục đem 3 vạn lính đánh Lạc Vương Lạc Hầu, thu phục các Lạc Tướng. Con vua Thục nhân đó xưng là An Dương Vương.
Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Nam Việt Úy Đà liệt truyện, có nói chuyện Triệu Đà thôn tính vùng đất phía Nam trong đó có nước Âu Lạc, quốc gia do An Dương Vương thống nhất và được cho là sự hợp nhất của 2 nhóm Lạc Việt và Âu Việt.
Sử gia ngày nay đã đồng ý (Wikipedia):
Lạc Việt là tên gọi của một trong các dân tộc Việt trong nhóm Bách Việt. Người Lạc Việt có lẽ bắt nguồn từ vùng Động Đình Hồ (nay thuộc tỉnh Hồ Nam), đã từng sinh sống ở vùng đất mà nay là Tây Nam Quảng Đông, Đông Nam Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngày nay. Miền Bắc Việt Nam ngày nay nơi người Lạc Việt sinh sống gồm có Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh) với biên giới phía nam là Hoành Sơn và Đèo Ngang. Lãnh thổ có thể có thêm Quảng Bình và Quảng Trị (cho đến Thừa Thiên) nhưng không có gì chắc chắn.
Âu Việt hay Tây Âu là 1 tập hợp các bộ lạc miền núi sinh sống tại khu vực mà ngày nay gồm có Đông Bắc Việt Nam, Tây Quảng Đông và Nam Quảng Tây. Theo truyền thuyết là nước Nam Cương ở tỉnh Cao Bằng. Âu Việt hay Tây Âu cũng là tên gọi của một trong các dân tộc Việt trong nhóm Bách Việt.
Đến đời Hùng Vương thứ 18, Thục Phán ở phía Đông Bắc của nước Văn Lang hợp nhất nước Văn Lang của người Lạc Việt với vùng đất của người Âu Việt hay Tây Âu (Đông Nam tỉnh Quảng Tây ngày nay) vào năm 258 tr CN và lập nước Âu Lạc.
Theo "Dong Sơn Culture - Wikipedia", người Lạc Việt của nước Văn Lang (và nước Âu Lạc) có một nền văn hóa đặc biệt. Đó là Văn hóa Đông Sơn, tìm được đầu tiên từ khai quật ở làng Đông Sơn (thuộc Tp Thanh Hóa ngày nay).
Thời gian của Văn hóa Đông Sơn là từ khoảng năm 1000 tr CN cho tới khoảng năm 1 tr CN.
Địa điểm của Văn hóa Đông Sơn là miền Bắc Việt Nam ngày nay trọng tâm ở lưu vực sông Hồng Hà gồm các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Lịch sử Thời Thượng Cổ từ Nguồn sử liệu mới
Quốc gia gồm có Lãnh thổ (Territory), Dân tộc (People) và Chính quyền (Government).
Muốn tìm nguồn gốc lịch sử người Việt và nước Việt của chúng ta thì phải bắt đầu bằng Lãnh thổ. Miền Bắc Việt Nam ngày nay là lãnh thổ đầu tiên. Các Sử gia ngày nay đều đồng ý nó gồm có Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh) với biên giới phía nam là Hoành Sơn và Đèo Ngang. Lãnh thổ có thể có thêm Quảng Bình và Quảng Trị (cho đến Thừa Thiên) nhưng không có gì chắc chắn.
Theo Văn Hóa Đông Sơn, từ khoảng 1000 năm tr CN (thế kỷ thứ 11 tr CN) đã có người sinh sống trước đó và gây dựng một nền văn hóa ở đây. Đó là dân tộc Lạc Việt, đã được sử gia hiện đại công nhận là một trong các dân tộc Việt trong nhóm Bách Việt. Dần dần người dân Lạc Việt có nhiều bộ tộc hay bộ lạc. Người Lạc Việt cũng được biết có sinh sống ở những vùng thuộc Tây Nam Quảng Đông và Đông Nam Quảng Tây của Trung Quốc ngày nay.
Theo Đại Việt Sử Lược, cùng thời với vua Chu Trang Vương trong thời Xuân Thu bên Tàu vào thế kỷ thứ 7 tr CN, bắt đầu có chính quyền quân chủ của người Lạc Việt dưới sự lãnh đạo của vua Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ ngày nay). Đó là nơi có Đền Hùng Vương. Có tất cả 18 đời Hùng Vương từ khoảng 696-682 tr CN. (đời Chu Trang Vương) cho tới 258 tr CN (trong hơn 400 năm). Sử Tàu gọi Hùng Vương là Lạc Vương và danh hiệu Hùng Vương là từ sử liệu của người Việt (từ Việt Sử Lược vào thế kỷ 14).
Hùng Vương có quan lại phụ tá ở trung ương là những (quan) Lạc Hầu. Địa phương có những Bộ cai quản bởi quan Lạc Tướng. Dưới Lạc Tướng là các quan Bố Chính cai quản từng khu vực nhỏ (làng xã).
Nước có tên là Văn Lang và chia ra 15 Bộ. Nước Văn Lang là Miền Bắc Việt Nam ngày nay.
Địa điểm và tên của 15 Bộ được sử gia ngày nay ấn định:
Văn Lang: kinh đô Phong Châu (h. Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ ngày nay)
Châu Diên (vùng Sơn Tây ngày nay)
Phúc Lộc (vùng Sơn Tây ngày nay)
Tân Hưng (vùng Tuyên Quang và Hưng Hóa ngày nay)
Vũ Định (vùng Thái Nguyên và Cao Bằng ngày nay)
Vũ Ninh (vùng Bắc Ninh ngày nay)
Lục Hải (vùng Lạng Sơn ngày nay)
Ninh Hải (vùng Quảng Yên ngày nay)
Dương Tuyền (vùng Hải Dương ngày nay)
Giao Chỉ (vùng Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình ngày nay)
Cửu Chân (vùng Thanh Hóa ngày nay)
Hoài Hoan (vùng Nghệ An ngày nay)
Cửu Đức, Bình Văn và Việt Thường (vùng Hà Tĩnh, và bắc Hoành Sơn ngày nay)
Dân Lạc Việt sống bằng nông nghiệp với những ruộng lúa cạnh sông, cày cấy theo thủy triều lên xuống. Phong tục thuần hậu nhưng không có Chữ viết. Ngôn ngữ của dân Lạc Việt trước thời Bắc Thuộc chưa được hiểu biết tường tận. Sử gia thường gọi là "Tiếng Việt cổ".
(Nước Văn Lang thành lập từ thế kỷ thứ 7 vào thời Xuân Thu và nhà Đông Chu ở Trung Quốc)
Nguồn sử liệu mới:
Không có nói tới nguồn gốc Hồng Bàng thị (của Hùng Vương) từ Kinh Dương Vương, nước Xích Quỷ, Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Có nói khác với nguồn sử liệu cũ về cơ cấu chính quyền và lãnh thổ của nước Văn Lang.
Có nói tới tên Lạc hay Lạc Việt của dân tộc nước Văn Lang. Chi tiết nầy không có nói tới trong nguồn sử liệu cũ.
Có nói tới danh hiệu Hùng Vương và Văn Lang như nguồn sử liệu cũ.
Năm 258 tr CN, Thục Phán nối nghiệp làm vua, thủ lãnh của các bộ tộc người Âu Việt hay Tây Âu ở Đông Nam Quảng Tây ngày nay, rồi đánh bại Hùng Vương thứ 18 và chiếm chính quyền trung ương của nước Văn Lang. Thục Phán xưng là An Dương Vương và đổi tên nước là Âu Lạc (257 tr CN). Nước Âu Lạc gồm có lãnh thổ nước Văn Lang cũ và thêm phần đất của người Âu Việt (Đông Nam Quảng Tây ngày nay).
Năm 208 tr CN, quan Úy quận Nam Hải của nhà Tần là Triệu Đà đánh bại An Dương Vương Thục Phán và thôn tính nước Âu Lạc. Triệu Đà xưng là Triệu Vũ Vương và lập nước Nam Việt. Nước Nam Việt gồm có 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngày nay. Triệu Đà chia nước Văn Lang cũ (Miền Bắc Việt Nam ngày nay) thành 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Quận Giao Chỉ là Bắc Kỳ ngày nay và quận Cửu Chân là bắc Trung Kỳ ngày nay (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh). Về sau (trong thời nhà Triệu) một phần đất phía nam của quận Cửu Chân tách ra thành quận Nhật Nam.
Năm 111 tr CN, nhà Hán của Trung Quốc chiếm và tiêu diệt nước Nam Việt. Miền Bắc Việt Nam ngày nay là 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam trở thành quận của Trung Quốc.
(Nước Văn Lang và đất Âu Việt)
Địa danh và Nhân danh
Những Sử liệu đầu tiên về người Lạc Việt và nước Văn Lang viết bởi sử gia Trung Quốc từ thời nhà Hán nên bằng Hán tự. Người Lạc Việt và nước Văn Lang không có Chữ viết (văn tự) mặc dù có ngôn ngữ mà các sử gia ngày nay gọi là Tiếng Việt Cổ. Hiện nay đã có những khám phá ra Chữ Việt Cổ (trong thời Thượng Cổ) nhưng còn quá hạn chế và chưa chính thức được hoàn toàn hiểu biết và công nhận.
Như vậy tất cả nhân danh (tên người) và địa danh có trong Sử liệu đầu tiên đều có nguồn gốc từ Sử gia Trung Quốc nên đều bằng Hán ngữ. Những nhân danh hay địa danh có trước thời Bắc Thuộc có lẽ được sử gia Tàu dịch âm từ ngôn ngữ địa phương (Tiếng Việt Cổ?) hay tự đặt ra.
Dưới đây là giả thuyết về một số danh hiệu bằng Hán tự và Hán ngữ:
Văn Lang 文 郎
"Văn Lang" dịch âm ra Hán ngữ từ tiếng Việt Cổ "Blang" hay "Klang" mà nhiều dân tộc ở miền núi Trung Kỳ ngày nay còn dùng cho tên của 1 loại Chim họ tôn kính như vật tổ. Một loại Chim có thể là "Tổ Vật" của người Lạc Việt nên dùng để đặt cho tên quốc gia? (Chữ Văn Lang 文 郎 viết theo Hán tự dịch nghĩa Hán ngữ là chàng trai văn vẻ và có học thức).
Lạc Việt 雒 越
"Lạc" dịch âm ra Hán ngữ từ tiếng Việt Cổ "Lak" hay "Nak" có nghĩa là "Nước" (Water). Quốc gia Văn Lang có nhiều "Ruộng nước". Theo Hán ngữ "Ruộng" là "Điền". Do đó người Tàu tạo ra Hán ngữ "Lạc điền" cho "Ruộng nước" ở đây. Từ đó người Tàu gọi người dân ở đây là "người Lạc" (Lạc nhân), từ Lạc điền. (Chữ Lạc 雒 viết theo Hán tự dịch nghĩa Hán ngữ là con ngực da trắng có lông gáy màu đen).
Người Tàu gọi tổng quát những dân tộc ở phía Nam và Đông Nam dãy núi Ngũ Lĩnh là người Việt 越, có lẽ lấy từ tên của nước Việt vào thời Xuân Thu hay sự tích có người Việt Thường đến gặp vua Thành Vương của nhà Tây Chu vào năm 1109 tr CN. (Sau đó vì có nhiều giống người Việt khác nhau nên gọi tổng hợp là Bách Việt). Do đó người Tàu gọi thêm người Lạc là người Lạc Việt 雒 越.
Hùng Vương 雄 王
Chữ Lạc 雒 và chữ Hùng 雄 viết theo Hán tự gần giống nhau nên Sử gia người Việt sau nầy đổi chữ "Lạc Vương" (vua của người Lạc Việt) của Sử gia Trung Quốc thành chữ "Hùng Vương" cho có ý nghĩa "mạnh" hơn hay viết lộn? (Chữ Hùng 雄 dịch nghĩa theo Hán ngữ là "mạnh / strong").
Tiền Sử của người Lạc Việt
Trước Thời Cổ Đại hay Thượng Cổ của Lịch sử là thời Tiền Sử (thời trước khi có lịch sử).
Thời Tiền Sử có 3 Thời đại nối tiếp nhau: Đồ Đá (Stone Age), Đồ Đồng (Bronze Age) và Đồ Sắt (Iron Age). Tùy theo từng nơi khác nhau trên Địa cầu, Lịch sử bắt đầu ở Thời đại khác nhau tùy thuộc vào sự thành lập hay du nhập của Chữ viết ở từng địa phương (thường là vào Thời Đồ Đồng).
Trong Thời đại Đồ Đồng (Bronze Age) vào khoảng trước 5.000 năm tr CN có các giống người Tiền sử ở Đông và Đông Nam Á Châu và Úc Châu ngày nay:
Australoids
Neolithic Austroasiatic
Austronesian
Kra-Dai
Hmong Mien
Theo các sử gia hiện đại (Wikipedia):
Người "Bản xứ" ở Miền Bắc Việt Nam ngày nay (trung tâm là đồng bằng sông Hồng và sông Mã) là hậu duệ của người Hmong-Mien (Miêu-Dao) ở những cộng đồng nông nghiệp thuộc lưu vực sông Trường Giang (s. Dương Tử). Họ di cư đến đây vào khoảng 2000 năm tr CN và có di tích là Văn hóa Phùng Nguyên. Văn hóa Phùng Nguyên (khoảng 1500-2000 năm tr CN) tìm được từ khai quật đầu tiên ở làng Phùng Nguyên (18 km đông Thành phố Việt Trì) vào năm 1958.
Vào khoảng 1000-1200 tr CN thì bắt đầu có Văn hóa Đông Sơn của người "Bản xứ" ở đây với loại Trống Đồng đặc biệt.
Từ thế kỷ thứ 7 tr CN, người "Bản xứ" lập thành quốc gia với chính quyền quân chủ ở Miền Bắc Việt Nam ngày nay.
Từ thế kỷ thứ 3 tr CN, người Tàu đến Miền Bắc Việt Nam ngày nay đem Chữ Hán (Hán tự) và dùng Hán ngữ viết Lịch sử của người "Bản xứ", gọi tên quốc gia là nước Văn Lang, người dân là người Lạc Việt và vua là Lạc Vương. Theo người Tàu thì khi đó người "Bản xứ" chưa có Chữ viết, nhưng có 1 số sử gia ngày nay không đồng ý. Tuy nhiên Ngôn ngữ và Chữ viết của người "Bản xứ" gọi là "Tiếng Việt Cổ" và "Chữ Việt Cổ" thì chưa được sử gia hiện đại khám phá đầy đủ, hiểu biết rõ ràng và phổ biến minh bạch.
(Những người Tiền Sử ở Đông Nam Á Châu và Úc Châu)
Như vậy Tổ tiên của người Lạc Việt từ người Hmong-Mien (Miêu Dao) ở lưu vực sông Trường Giang di cư tới Miền Bắc Việt Nam ngày nay trong thời Tiền Sử.
Tổ tiên của người Tàu (Hoa Hạ) là những người sống ở lưu vực sông Hoàng Hà trong thời Tiền Sử:
Tam Hoàng
Ngũ Đế
Nhà Hạ (khoảng 2070 tr CN - 1600 tr CN)
Lịch sử Trung Quốc chỉ chính thức bắt đầu với nhà Thương (từ 1600 tr CN) dựa trên Giáp Cốt Văn tự trên các mu rùa. Giáp Cốt văn tự là chữ viết đầu tiên của Trung Quốc. Khi có Chữ viết tự tạo hay du nhập từ nơi khác thì một địa phương bắt đầu có lịch sử (của nó): chữ viết ghi lại lịch sử. Nhà Thương theo thời gian là nối tiếp của nhà Hạ với cùng một lãnh thổ nhưng điều lạ là Giáp Cốt Văn của nhà Thương không có viết gì về thời Tam Hoàng, Ngũ Đế và nhà Hạ. Thời Tiền Sử nầy chỉ được viết từ những thời đại khác hàng mấy ngàn năm sau đó nên không thể có thật mà chỉ là hoang đường tưởng tượng?
(Lãnh thổ của nhà Hạ, và lúc bắt đầu của nhà Thương vào năm 1600 tr CN)
Tam Hoàng là 3 vị "bán thần" giúp người dân sinh sống; gồm có Phục Hy, Toại Nhân (hay Nữ Oa) và Thần Nông. Tương truyền gọi là Thần Nông vì là vị Thần sáng tạo ra nghề nông và biết dùng cây cỏ để chữa bệnh.
Ngũ Đế là 5 vị quân chủ (monarch) không cùng huyết thống truyền ngôi cho nhau theo thứ tự là: Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn.
Đế Thuấn truyền ngôi cho Hạ Vũ. Hạ Vũ truyền ngôi cho con cháu cùng huyết thống lập ra nhà Hạ.
Thời Tiền Sử của Trung Quốc chấm dứt vào năm 1600 tr CN (bắt đầu thế kỷ thứ 16) với bắt đầu của nhà Thương. Gọi là Thời Tiền Sử vì không có Chữ viết. Trong thời Tiền Sử nầy người Tàu biết dùng lửa, cất nhà, trồng ngũ cốc, làm quần áo, chài lưới, có lễ nghi...
Do đó vào thời điểm khoảng 5.000 tr CN, tổ tiên của người Tàu và của người Việt đã sống ở 2 nơi khác nhau.
Tổ tiên của người Tàu sống và định cư ở lưu vực sông Hoàng Hà.
Tổ tiên của người Việt sống ở lưu vực sông Trường Giang (s. Dương Tử) rồi một nhóm di cư đến định cư ở lưu vực sông Hồng và sông Mã (Miền Bắc Việt Nam ngày nay) vào khoảng năm 2000 tr CN.
LỊCH SỬ MỚI VỀ NHÓM NGƯỜI BÁCH VIỆT
Lịch sử nước Âu Lạc (và nước Văn Lang) của người Lạc Việt và Âu Việt cũng nằm trong lịch sử Trung Quốc và Bách Việt ở Lĩnh Nam. Huyền sử nước Xích Quỷ của người Việt tuy làm cho hậu sinh liên kết nó với nguồn gốc của nhóm người Bách Việt nhưng chính nó chỉ là hoang đường và không có thật mặc dù có sự tương tự giữa lãnh thổ của nước Xích Quỷ và của nhóm người Bách Việt.
Trung Quốc và Bách Việt
Người Tàu từ đời nhà Hạ (2070-1600 tr CN) cho tới thời Chiến Quốc (473-221 tr CN) gọi mình là người Hoa Hạ để phân biệt với nhiều giống người thiểu số khác (mà người Hoa Hạ gọi là Rợ / Barbarians) sống trong cùng một lãnh thổ.
Theo thuyết Thiên Mệnh của nhà Tây Chu (từ 2 người con của Chu Văn Vương là Chu Công Đán và Thiệu Công Thích), lãnh thổ Trung Quốc lúc đó gọi là Thiên Hạ (Dưới Trời) có một lãnh tụ tối cao và độc nhất là Thiên Tử (Con Trời), có Thiên Mệnh (Mệnh Trời) cai trị tất cả mọi người. Thiên tử lần lượt là vua nhà Hạ, nhả Thương và nhà Chu (Tây Chu rồi Đông Chu trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc). Lúc đầu từ thời nhà Tây Chu, Thiên Hạ gồm có Trung Quốc là nước của Thiên tử Nhà Chu, các Phương quốc là các nước của các Chư Hầu và đất nước của những người Thiểu số (gọi là Rợ).
Khi nhà Tần thống nhất Thiên hạ (221 tr CN), chấm dứt thời Chiến Quốc, và Tần Thủy Hoàng Đế làm Thiên tử xưng là Hoàng đế thì Thiên Hạ là Trung Quốc vì không còn Chư hầu và Phương Quốc nữa. Lúc đó người Hoa Hạ cũng gần như đồng hóa những người Thiểu số (như những người Địch, Nhung, Di, Man, Ba, Thục...) và đã thôn tính đất nước của họ. Sau đó Nhà Hán thay thế nhà Tần. Từ đó người Hoa Hạ là người Hán (Hán nhân, Hán tộc). Danh từ Trung Quốc và Hán tộc tồn tại cho tới ngày nay.
Lãnh thổ Trung Quốc trong thời gian bắt đầu của nhà Tần ở lưu vực sông Vị, sông Phần Thủy, sông Hoàng Hà và sông Trường Giang (s. Dương Tử); thuộc phía Bắc và Tây Bắc dãy núi Ngũ Lĩnh.
Từ thế kỷ thứ 9 tr CN vào thời Xuân Thu, người Hoa Hạ đã biết có 2 bộ lạc của người Việt lập thành 2 nước chư hầu Ngô và Việt, được ghi trong chính sử của người Hoa Hạ là Tả Truyện và kinh Xuân Thu.
Nước Ngô của người Câu Ngô (ở miền Nam tỉnh Giang Tô ngày nay).
Nước Việt 越 của người Ư Việt (ở miền Bắc tỉnh Triết Giang ngày nay).
Tương truyền họ có văn hóa gần như người Hoa Hạ nhờ Thái Bá (con của Chu Văn Vương của nhà Tây Chu) tự lưu đày ở đây. Người Câu Ngô và Ư Việt thường được gọi chung là người Đông Âu Việt hay Đông Âu.
Năm 473 tr CN, Việt Vương Câu Tiễn thôn tính nước Ngô, đây là năm đánh dấu chấm dứt thời Xuân Thu và bắt đầu thời Chiến Quốc. Năm 333 tr CN, nước Việt bị nước Sở (của người Hoa Hạ và dân tộc thiểu số khác) thôn tính. Hoàng tộc dời về vùng đất của tỉnh Phước Kiến ngày nay lập nước Mân Việt và cai trị người bản xứ. Người bản xứ là người Mân Việt.
Đến thời Chiến Quốc, người Hoa Hạ mới chú ý đến những giống người ở Nam và Đông Nam của dãy núi Ngũ Lĩnh. Họ gọi tổng quát là Người Việt 越 (Việt Nhân), có lẽ lấy từ tên nước Việt của thời Xuân Thu ở Đông Nam dãy núi Ngũ Lĩnh hay từ người Việt Thường 越 裳 ở phương Nam đã đến gặp vua Chu Thành Vương (1109 tr CN).
Sách Lã Thị Xuân Thu của nước Tần vào cuối thời Chiến Quốc, viết xong vào năm 239 tr CN, nói tới "Bách Việt" 百 越.
Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên của thời Tây Hán, trong phần "Ngô Khởi truyện", Bách Việt là từ ngữ dùng chung cho nhiều giống người không phải là người Hoa Hạ, sống ở miền Nam và Đông Nam của Trung Quốc. Vì là nhiều giống người Việt nên gọi tổng hợp là Bách Việt (bách = 100), nhưng không có nghĩa là phải đúng 100 giống người Việt, có thể là 5, 10 hay 20 hoặc không biết hết.
Sau cuộc viễn chinh "Bách Việt" trong đời Tần Thủy Hoàng, người Hán biết rõ hơn về người Bách Việt.
Theo Hán Thư của Ban Cố và em gái là Ban Cơ (viết xong vào năm 111): “Trong vòng 7, 8 ngàn dặm giữa Giao Chỉ và Cối Kê ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình”. Giao Chỉ là miền Bắc Việt Nam bây giờ và Cối Kê ở bắc tỉnh Chiết (Triết) Giang của Trung Quốc bây giờ. Do đó đất nước của những giống người Bách Việt có thể là ở miền Nam và Đông Nam của dãy núi Ngũ Lĩnh, bắt đầu có tên là Lĩnh Nam trong thời nhà Tần.
Nếu so sánh với địa lý ngày nay,
Vùng đất của người Hoa Hạ và người Hán là các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông; Sơn Tây, Thiểm Tây, Cam Túc, Tứ Xuyên; Giang Tô, An Huy và Hồ Bắc.
Vùng đất của người Việt hay Bách Việt là các tỉnh Hồ Nam, Triết Giang (Chiết Giang), Giang Tây; Quí Châu, Vân Nam; Phúc Kiến, Quảng Đông và Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngày nay (gồm có Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ).
(Các tỉnh Trung Quốc ngày nay)
Sau khi gồm thâu các nước của thời Chiến Quốc và thống nhất Trung Quốc (vùng đất của người Hoa Hạ và của người Hán sau nầy), Tần Thủy Hoàng chinh phạt (những) người Bách Việt. Theo sách Hoài Nam Tử, vào năm 214 tr CN, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư đem khoảng nửa triệu quân theo dòng sông Tương xuống phương Nam và phải đánh 2 lần mới thắng được những người Bách Việt ở Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay và lập thành 3 Quận thuộc nước Tần (Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận). Tần Thủy Hoàng di dân Trung Quốc về đây dùng chương trình đồng hóa người Việt bản xứ. Những người Bách Việt sống ở đây là thuộc giống người Hồ Việt, Đông Việt, Dương Việt, Nam Việt và Tây Âu Việt.
Năm 208 tr CN, Quan Úy của quận Nam Hải (của nhà Tần) là Triệu Đà đánh bại và thôn tính vương quốc Âu Lạc (của người Tây Âu Việt và Lạc Việt). Triệu Đà đóng đô ở Phiên Ngung hay Phiên Ngô (thuộc Tp Quảng Châu ngày nay) và lập nên nước Nam Việt, độc lập với chính quyền Trung Quốc (nhà Tần và nhà Hán). Triệu Đà để người Bách Việt được sống chung với người di cư từ Trung Quốc, không kỳ thị và đồng hóa. Nước Nam Việt của nhà Triệu gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngày nay. Nước Âu Lạc gồm một phần phía nam của tỉnh Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngày nay.
Sau nhà Tần, nhà Hán chiếm hoàn toàn những Đất Nước của những người Bách Việt:
chiếm nước Nam Việt của Triệu Đà gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngày nay.
chiếm nước Dạ Lang của người Việt là Quý Châu ngày nay.
chiếm đất của người Điền Việt là Vân Nam ngày nay.
chiếm nước Mân Việt của người Mân Việt và Ư Việt là Phước Kiến và nam Triết Giang ngày nay.
(Nhà Hán chinh phạt Lĩnh Nam)
Bách Việt và Lĩnh Nam
Sự hiện hữu của nhóm những người Bách Việt ở Nam và Đông Nam của dãy núi Ngũ Lĩnh (Lĩnh Nam) đã có từ nhiều thế kỷ trước CN tuy nhiên bắt đầu từ thời điểm nào thì không ai biết. Từ thời Xuân Thu của nhà Đông Chu sự hiện hữu mới có trong lịch sử Trung Quốc (sách Tả Truyện và kinh Xuân Thu).
Nhóm Bách Việt ở phương Bắc:
Người Câu Ngô sống ở nam tỉnh Giang Tô ngày nay lập nên nước Ngô vào thời Xuân Thu. Nước Ngô bị nước Việt thôn tính năm 473 tr CN. Người Câu Ngô có văn hóa Hoa Hạ nhờ theo truyền thuyết Thái Bá con của Chu Văn Vương của nước Tây Chu tự lưu đày ở đây và giáo hóa người Câu Ngô.
Người Ư Việt sống ở tỉnh Triết Giang ngày nay lập nước Việt vào thời Xuân Thu và thôn tính nước Ngô của người Câu Ngô. Sau đó nước Việt bị nước Sở thôn tính vào thời Chiến Quốc. Người Câu Ngô và Ư Việt thường được gọi chung là Ngô Việt.
Người Mân Việt sống ở tỉnh Phước Kiến. Hoàng gia nước Việt sau khi mất nước chạy về đây cùng người Mân Việt lập nước Mân Việt (334-110 tr CN) cho đến khi bị nhà Hán thôn tính.
Người Hồ Việt sống ở tỉnh Hồ Nam ngày nay. Đất bị Tần Thủy Hoàng chiếm (214 tr CN).
Người Đông Việt (và Dương Việt) sống ở tỉnh Giang Tây ngày nay. Đất bị Tần Thủy Hoàng chiếm (214 tr CN).
Người Dạ Lang thuộc Bách Việt sống ở tỉnh Quý Châu và lập nước Dạ Lang từ thế kỷ thứ 3 tr CN và bị nhà Hán thôn tính vào năm 27 tr CN.
Người Điền Việt sống ở tỉnh Vân Nam và lập Điền Quốc, rồi cũng bị nhà Hán thôn tính.
Nhóm Bách Việt ở phương Nam:
Người Nam Việt sống ở Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay. Đất bị Tần Thủy Hoàng chiếm (214 tr CN).
Người Tây Âu Việt (hay Tây Âu hay Âu Việt) sống ở tây nam Quảng Tây ngày nay theo lưu vực sông Tây Giang và Quế giang. Một phần đất bị Tần Thủy Hoàng chiếm cùng lúc với người Hồ Việt, Đông Việt và Nam Việt (214 tr CN). Phần đất kia trước đó đã theo thủ lãnh là Thục Phán sát nhập vào nước Văn Lang của người Lạc Việt khi Thục Phán chiếm nước Văn Lang (257 tr CN) thành ra nước Âu Lạc.
Người Lạc Việt 雒 越 đại đa số sống ở Miền Bắc Việt Nam ngày nay và hình như thiểu số sống ở nam Quảng Đông và Quảng Tây. "Lạc" theo Hán ngữ có nghĩa là "con ngựa da trắng với lông bờm màu đen". Người Lạc Việt ở miền Bắc Việt Nam ngày nay có nước Văn Lang ở đây thành lập từ thế kỷ thứ 7 tr CN và có 18 đời vua là Hùng Vương. (Theo truyền thuyết, Hùng Vương là dòng dõi từ Kinh Dương Vương là người lập ra nước Xích Quỷ. Cũng theo truyền thuyết nước Xích Quỷ là quốc gia của toàn thể người Bách Việt từ lúc đầu).
Nước Văn Lang bị Thục Phán, một thủ lãnh của người Tây Âu Việt chiếm và lập thành nước Âu Lạc (257 tr CN). Dưới quyền cai trị của An Dương Vương Thục Phán, lãnh thổ nước Âu Lạc là lãnh thổ của nước Văn Lang cũ nhưng có thể có thêm một phần của nam tỉnh Quảng Tây (phần đất người Âu Việt dưới quyền của Thục Phán cư ngụ). An Dương Vương xây Loa Thành ở kinh đô Cổ Loa vẫn còn di tích tới nay ở xã Cổ Loa, Hà Nội. Như vậy dân của nước Âu Lạc đại đa số là người Lạc Việt, thiểu số là người Âu Việt. Nước Âu Lạc tồn tại 50 năm (từ 257 tr CN) với 1 đời vua là An Dương Vương Thục Phán.
Triệu Đà, quan Úy quận Nam Hải của nhà Tần, đánh bại An Dương Vương, thôn tính nước Âu Lạc, lập thành nước Nam Việt (208 tr CN). Lãnh thổ gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngày nay. Dân tộc của nước Nam Việt của Triệu Đà gồm người Hoa Hạ (người Hán) đã di cư vào Quảng Đông và Quảng Tây trong thời Tần Thủy Hoàng đế; người Nam Việt và người Tây Âu Việt bản xứ ở Quảng Đông và Quảng Tây; người Tây Âu Việt và người Lạc Việt bản xứ của nước Âu Lạc.
Năm 111 tr CN, Nhà Hán thôn tính nước Nam Việt của nhà Triệu, nhập lãnh thổ vào Trung Quốc và lập thành Giao Chỉ bộ gồm 9 quận, đặt quan Thái thú và Thứ sử cai trị.
Như vậy nước Âu Lạc của người Lạc Việt và người Tây Âu Việt thành thuộc địa của Trung Quốc cho tới thế kỷ thứ 10 khi ông Ngô Quyền dành độc lập và đóng đô ở Cổ Loa, kinh đô cũ của nước Âu Lạc. Sau đó ông Đinh Bộ Lĩnh lập nước Đại Cồ Việt với lãnh thổ là miền Bắc Việt Nam ngày nay. Sau nầy nước Đại Cồ Việt đổi tên thành Đại Việt và bành trướng thành nước Việt Nam ngày nay gồm thêm Miền Nam Việt Nam.
Miền Bắc Việt Nam ngày nay gồm có Bắc Kỳ và các tỉnh ở bắc Trung Kỳ (tới Hoành Sơn và Đèo Ngang). Nó là 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam trong thời Bắc Thuộc nước Tàu (quận Giao Chỉ là Bắc Kỳ).
LỊCH SỬ MỚI VỀ NƯỚC ÂU LẠC
Câu chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy cũng như Thần Kim Quy chỉ là chuyện thần thoại khó có thể có thật.
Ngày nay lịch sử nước Âu Lạc được tóm tắt như sau:
Năm 258 tr CN, Thục Phán, 1 thủ lãnh của người Âu Việt (hay Tây Âu) đánh bại Hùng Vương của nước Văn Lang, nắm chính quyền trung ương và đóng đô ở Phong Khê (nay ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, tỉnh Hà Nội). Lãnh thổ có thêm phần đất của Thục Phán và người Âu Việt dưới quyền (nay ở đông nam tỉnh Quảng Tây). Năm 257 tr CN, Thục Phán xưng là An Dương Vương và xây Loa Thành (thành Cổ Loa). Nước đổi tên là Âu Lạc. Chính quyền địa phương của những Lạc Tướng cai trị 15 Bộ ở địa phương vẫn không thay đổi (cho tới cả trong thời Bắc Thuộc). Dân tộc gồm người Lạc Việt của nước Văn Lang cũ (Miền Bắc Việt Nam ngày nay) và người Âu Lạc dưới quyền cai trị của Thục Phán (ở đông nam Quảng Tây ngày nay).
Năm 208 tr CN, Triệu Đà, quan Úy quận Nam Hải của nhà Tần và nhà Hán, đánh bại Thục An Dương Vương và thôn tính nước Âu Lạc. Triệu Đà lập nước Nam Việt độc lập với nhà Hán xưng là Nam Việt Vũ Vương. Lãnh thổ của nước Nam Việt gồm có 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay và Miền Bắc Việt Nam ngày nay (nước Văn Lang cũ). Miền Bắc Việt Nam ngày nay gồm Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh cho tới Hoành Sơn và Đèo Ngang).
Ngày nay có giả thuyết là Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc vào năm 179 tr CN chứ không phải vào năm 208 tr CN. Thời điểm nầy rất quan trọng vì nó là thời điểm bắt đầu Thời Bắc Thuộc (chấm dứt khi Ngô Quyền dành độc lập vào năm 938).
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (thế kỷ 15) và Đại Việt Sử Lược (thế kỷ 14), nước Âu Lạc kết thúc vào năm 208 tr CN sau khi An Dương Vương bị Triệu Đà đánh bại và sát nhập thành nước Nam Việt.
Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên (thế kỷ 1 tr CN) viết rằng Tây Âu Lạc (tức là nước Âu Lạc ở phía Tây) bị Triệu Đà đánh bại ngay sau khi Thái hậu nhà Hán là Lữ Hậu chết vào năm 180 tr CN, vì thế một số sách ngày nay viết là nước Âu Lạc sụp đổ vào năm 179 tr CN.
Điều nầy chưa chắc Sử Ký (là) hoàn toàn đúng vì nước Âu Lạc chỉ có 1 vua là Thục An Dương Vương. Từ năm 257 tr CN (khi nước Âu Lạc thành lập) cho tới năm 179 tr CN là 79 năm! Thời gian từ năm 257 tr CN tới năm 208 tr CN là 50 năm thì có lý hơn vì Thục An Dương Vương khó có thể làm vua đến hơn 79 năm (và sống đến khoảng 100 tuổi hay hơn nữa).
(Nước Âu Lạc)
Năm 214 tr CN, người Tàu chiếm đất tới Lưỡng Quảng ngày nay thì tiếp xúc nước Âu Lạc và sau đó thôn tính nước nầy. Danh hiệu Âu Lạc cũng từ Hán ngữ và Hán tự của người Tàu cũng như danh hiệu của những người trong nhóm Bách Việt (như Lạc Việt, Âu Việt, Nam Việt...). Rất tiếc chúng ta không biết được danh hiệu của nước Âu Lạc cũng như địa danh và nhân danh của nước nầy bằng ngôn ngữ bản xứ. Tuy nhiên sử gia vẫn tin là có nước Âu Lạc trong thời điểm và địa điểm nầy và đó là điều hợp lý. Người Tàu (Hán) đã dùng danh hiệu Lạc Việt và Âu Việt cho người dân thì tên nước là Âu Lạc là điều dĩ nhiên?
KẾT LUẬN
Nguồn sử liệu mới đã góp phần viết lại lịch sử thời Thượng Cổ của người Việt chúng ta. Tuy nhiên những chuyện thần thoại viết trong Lĩnh Nam Chích Quái vẫn còn được người Việt chúng ta tôn trọng và truyền tụng. Đó là những chuyện được kể đi kể lại nhiều lần đôi khi không còn giống với nguyên văn trong Lĩnh Nam Chích Quái và được Thi nhân dùng làm đề tài sáng tác cho tới ngày hôm nay.
Đây là những chuyện chánh trong thời Thượng Cổ:
Truyện Hồng Bàng (Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ)
Truyện Trầu Cau
Truyện Đầm Nhất Dạ (Chử Đồng Tử và Tiên Dong)
Truyện Phù Đổng Thiên Vương
Truyện Bánh Dày Bánh Chưng
Truyện Dưa Hấu
Truyện Lý Ông Trọng
Truyện Kim Quy (và Mỵ Châu Trọng Thủy)
Truyện Núi Tản Viên (Sơn Tinh Thủy Tinh)
Những chuyện nầy là căn bản của nguồn sử liệu cũ cho thời Thượng Cổ nhưng cho tới cuối thế kỷ thứ 20 thì một số đã mất dần giá trị khoa học lịch sử.
Truyện "Hồng Bàng", chính thức có trong chính sử là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, đã được dùng như là nguồn gốc của người Việt chúng ta.
Có Sử gia ngày nay (như Liam Kelly) nghĩ rằng nó chỉ là sự tưởng tượng thêm của Ngô Sĩ Liên lấy nguồn gốc từ "Lưu Nghị truyện" viết vào thời nhà Tống ở bên Tàu (960-1279). Truyện nầy kể lại thư sinh Lưu Nghị vào đời Đường Cao Tông (649-683) trên đường tới huyện Kinh Dương thì gặp một thiếu phụ con gái của Long quân của Động Đình hồ. Thiếu phụ nầy có chồng trước là Long vương của sông Kinh đã ngược đãi bà. Kết cuộc là Lưu Nghị kết duyên với thiếu phụ nầy. Câu chuyện nầy giống câu chuyện của Kinh Dương Vương kết duyên với con gái của Động Đình quân trong Hồng Bàng kỷ của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Tuy nhiên người Việt ngày nay kể cả tác giả bài viết nầy vẫn tự hãnh diện và tự hào là "giòng giống Lạc Hồng" và "con cháu Hùng Vương" từ truyện "Hồng Bàng".
CON CHÁU HÙNG VƯƠNG
Cội nguồn người Việt tự tiên long
Con cháu Hùng Vương mạnh tựa rồng
Miền Bắc thành công gìn tổ quốc
Phương Nam tiến bộ mở non sông
Tâm tư hậu duệ nên bền chí
Gương sáng tiền nhân giúp vững lòng
Lịch sử hùng anh tồn tại mãi
Vinh danh nước Việt rạng trời Đông.
(Phan Thượng Hải)
4/19/21
Nhưng truyện nầy lại gián tiếp ám chỉ rằng người Việt chúng ta và người Tàu (người Hán) có cùng 1 nguồn gốc vào khoảng năm 3000 tr CN.
Theo những sử gia hiện đại, người Việt chúng ta và người Tàu (người Hán) có thể đã có nguồn gốc khác nhau từ khoảng năm 5000 tr CN trong thời Tiền Sử. Ước mong trong tương lai có sử gia hay nhà nhân chủng học tài ba làm sáng tỏ vấn đề nầy.
Bs Phan Thượng Hải biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com trong mục Văn Hóa phần Học Thuật.
Tài Liệu Tham Khảo:
1) Thơ và Việt Sử - Thời Thượng Cổ (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim)
3) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Sĩ Liên)
4) Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn)
5) Lĩnh Nam Chích Quái (Trần Thế Pháp)
6) Kinh Dương Vương as a medieval invented tradition - leminhkhai's seasian blog
7) Những Đề tài liên quan trong Wikipedia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét