Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Cambodia Trên Đường Vượt Biên


Chuyến Xe Xuyên Màn Đêm

Trời tối dần tại bến xe Bà Hạt, chúng tôi lên đường. Tôi nhìn lại Sài Gòn lần cuối (lần nào đi vượt biên cũng có tiết mục nhìn Sài Gòn lần cuối, và lần này là …lần cuối thật sự). Xe chạy ra xa lộ hướng về Mộc Hoá, Long An, gió đêm mát rượi. Nửa khuya, tôi đang chập chờn ngủ thì xe dừng lại, mọi người nhốn nháo bảo nhau “đã tới biên giới Cambodia”. Tôi nhảy xuống xe, náo nức muốn xem cảnh “biên giới” nhưng chỉ thấy một màu tối đen. Căn nhà trọ, cũng là quán ăn duy nhất, đèn sáng mờ mờ. Chúng tôi bị lùa vào thật nhanh, chủ nhà đưa ra vài cái mùng, rồi chia nhau theo nhóm ngủ trên những chiếc bàn trong quán.

Sáng hôm sau thức dậy, chúng tôi ăn hủ tíu tại quán, rồi bước ra ngoài nhìn biên giới. Cảnh tượng hoang vu, buồn tênh. Quán nằm giữa đường, đồng ruộng bao quanh, bên này là trạm gác của Việt Nam, phía xa xa bên kia là trạm gác của Cambodia, đó là cột mốc ranh giới. Chúng tôi được lệnh ngồi rải rác xung quanh khu vực này, chờ đến giờ trưa, bên trạm Cambodia đổi nhóm lính gác (là nhóm sẽ ăn tiền hối lộ của ban tổ chức vượt biên) thì xe chúng tôi sẽ an toàn qua trạm. Thỉnh thoảng, có những người dân địa phương của cả hai bên, mặc xà rông, đầu đội thúng hàng hoá, đi qua lại hai trạm gác dễ như đi chợ, họ cười nói chào hỏi nhau bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Cam sành sõi.

Trời đứng bóng, chúng tôi chia ra hai nhóm, một nửa lên xe qua trạm biên giới, tôi theo nửa còn lại, băng đường tắt trong ruộng lúa, vào đất Cam, rồi đến chỗ hẹn với chiếc xe của nhóm, bắt đầu chuyến hành trình mới, hướng về thủ đô Phnom Penh.

Xe chạy được vài cây số, tôi đã lập tức yêu mến đất nước này, bởi khung cảnh quá đỗi quen thuộc: ruộng đồng cháy khô, những căn nhà sàn nghèo nàn, những người dân đen đủi gầy héo, hậu quả của chiến tranh còn vương vãi nơi đây, khung trời này, có khác gì Miền Nam Việt Nam sau năm 1975? Cảm giác yêu thương đó, còn lập lại nhiều lần trên hành trình tôi đi qua và khi vào trại tỵ nạn Thailand gặp gỡ những người bạn Cambodia.

Càng gần Phnom Penh đường xá đẹp hơn, phong cảnh trù phú, những khu phố hiện đại. Con đường buồn và dài hun hút bỏ lại phía sau vẫn còn ám ảnh tôi nhớ về nạn diệt chủng tàn bạo của chế độ Polpot. Tôi biết, dân tộc này, còn thấp thoáng những oan hồn, và những khắc khoải đau thương vẫn in hằn trên những khuôn mặt người sống mà tôi đã bắt gặp qua khung cửa xe.

Có Một Việt Nam Giữ Lòng Phnom Penh


Xe chúng tôi tiến vào thủ đô Phnom Penh khi trời chiều xế bóng.
Vừa qua phà, chuẩn bị lên xe đi tiếp thì từng tốp người ở đâu chạy ùa đến, hỏi chúng tôi bằng tiếng Việt: “Chị ơi, em ơi, đổi tiền Ria không?”. Tôi bối rối, ngơ ngác vì quá bất ngờ. Nhưng chưa hết, khi xe dừng lại phía chân cây cầu mang tên Sài Gòn (thấy thương ghê nơi!), vào quán ăn chiều, chủ quán và nhân viên đón chúng tôi bằng giọng nam kỳ ngọt như đường cát mát như đường phèn. Nhìn menu đầy hương vị quê nhà, tôi đã gọi dĩa cơm tôm càng kho tàu (vì đây là nơi dòng Mekong và Tonle Sap chảy qua, chưa kể Biển Hồ phù sa màu mỡ), ngon không thể tả!

Ngày hôm sau, chúng tôi khám phá thủ đô với ngôi chợ Olympic nổi tiếng. Lại bất ngờ nối tiếp bất ngờ, vì không khó khi đi dạo trong chợ nếu muốn tìm một vài bạn hàng nói tiếng Việt. Gian hàng ăn uống nơi cuối chợ có một xe hủ tíu đồ sộ, ông chủ người Tiều luôn tay hớn hở múc nước lèo và đáp lời chúng tôi một tràng tiếng Việt lơ lớ. Tôi đã được thưởng thức tô hủ tíu Nam Vang ngay tại …Nam Vang (tên cũ của Phnom Penh).

Là thân phận lén lút đi vượt biên, nhưng tôi đi dạo Phnom Penh với tâm trạng… du lịch. Từ chợ đi ra ngắm phố phường, người qua lại nhộn nhịp đông vui. Đến một đại lộ, có hai hàng cây cao bóng mát rất đẹp như những con đường của Sài Gòn. Quán xá tấp nập, nhất là các quán cà phê, thực khách ngồi tràn ra vỉa hè, đón gió mát, ngắm mây trời.

Và tôi có nghe nhầm không đấy? Âm thanh vọng ra từ dàn cassette từ một quán cà phê, là tiếng hát điệu đà của Nhật Trường: “Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi, thành phố sau lưng ôm mộng ước gì ”. Tôi bước gần đến xem, là sạp bán băng nhạc vàng ngay trước quán, có đủ các loại băng của các ca sỹ Sài Gòn trước năm 1975 và một số băng từ hải ngoại chuyển về. Tôi bâng khuâng đi hết cuối con đường, vẫn còn nghe văng vẳng, lần này là Chế Linh nhừa nhựa ngậm ngùi: “Tôi ở miền xa, trời quen đất lạ, nhiều đông lắm hạ …”

Tôi đang đi giữa lòng Phnom Penh đây, nhưng nào thấy “trời quen đất lạ”, mà chỉ cảm nhận ấm áp vô cùng, một “trời quen, đất quen và không gian cũng rất thân quen”.
Hỏi sao tôi không yêu xứ sở này?!

Nhà Trọ


Là căn nhà trọ đầu tiên chúng tôi ghé đến tại Phnom Penh. “Nhà trọ” là căn nhà lầu hai tầng, bên trong trống rỗng, là chỗ ngả lưng và chứa hàng của dân buôn chuyến. Người đi buôn, đa số từ bên Việt Nam, qua đây lấy hàng hoá của Thailand từ biên giới, hoặc đi ra đảo Baklon, nơi có các tàu viễn dương ghé qua, rồi đem về lại Phnom Penh bán lại, hoặc đem về Việt Nam. Các món hàng là thuốc lá Samit, bánh kẹo, vải vóc, vật dụng máy móc…

Bước vào nhà trọ buổi chiều tàn, tôi giật mình vì một đám người lố nhố chật chội bên trong, và âm thanh thì hỗn độn, hầm bà lằng. Nhà trọ không có phòng, mỗi nhóm được cái mùng bự và một cái chiếu, tự tìm chỗ chen chúc mà giăng mùng, hành lý đồ đạc để vào trong mùng nếu không muốn bị mất. Đám con buôn để hàng hoá đầy mùng, hình như họ ngủ ngồi hay nửa nằm nửa ngồi trên những túi đồ đạc. Họ nói chuyện với nhau rất lớn, cười thật to, cãi nhau tranh luận cũng ầm ĩ không kém. Không ai phàn nàn về tiếng ồn, ai thức cứ thức, ai ngủ cứ ngủ, đèn trong nhà luôn mờ ảo. Có người còn mở nhạc, hoặc nghe radio volume hết cỡ.

Nửa khuya, không ngủ được, tôi bước lên lầu tìm người quen trong nhóm, giữa nhà là chiếc tivi cũ đang mở cải lương Việt Nam (chắc là video). Nhiều người vây quanh tivi, uống trà ăn bánh, bàn tán về những chuyến hàng ngày mai, tôi tự hỏi họ không ngủ sao!?

Lạ lùng thay, sáng hôm sau tôi mở mắt thức giấc, cả nhà trọ im lặng, trống trơn, cảnh tượng đêm qua như là một giấc mơ. Đám con buôn đã đi rất sớm, khoảng 4-5 giờ sáng, chiếu và mùng xếp gọn nơi góc nhà. Nhóm vượt biên cũng phải rời nhà trọ để khỏi bị nghi ngờ, sẽ tìm nhà trọ khác.

Bước đi vội vã trên phố Phnom Penh, tôi thấy mủi lòng. Kẻ thì bỏ quê hương tìm đường vượt biên, người thì bôn ba đất khách mưu sinh không biết ngày mai. Tất cả chúng ta là nạn nhân của CS Việt Nam!

On Xà Lanh Bon Tê?

Trưa hôm đó, chúng tôi cải trang giống “gái Miên hoặc gái Miên gốc Việt”, nào áo quần cũ, nào xách giỏ cói và quàng khăn rằn Cambodia, đón xe hàng đi thành phố biển Kom Pong Som. Ở Phnom Penh thì không sao, chớ đi qua Kom Pong Som thì sẽ bị tình nghi đi vượt biên. Đúng như dự đoán, nửa đoạn đường là gặp ngay trạm lính Cam, họ dí súng vào tôi hỏi “Tâu na?” (Đi đâu?), tôi đáp: “ Tâu sa” (Đi chợ). Họ dí súng hỏi tiếp, tôi ú ớ, và bị đuổi xuống xe với hai người nữa trong nhóm. Người dẫn đường biết tiếng nên không bị đuổi, nhắn chúng tôi đừng lo, sẽ được lo ra sớm.
Nhà giam dã chiến, sơ sài nằm giữa đồng trống, bước vào thì thấy có năm người khác, cũng đã quen từ bến xe Bà Hạt và chung nhà trọ Phnom Penh, thế là an tâm.

Người lính Cam canh chừng ngồi ngay cửa, chúng tôi ngồi, nằm lố nhố bên trong và bắt chuyện với anh (trong nhóm có chú Trương người Việt gốc Hoa, biết tiếng Cam và tiếng Thái). Bốn đứa con gái chúng tôi (sau này qua trại ăn ở chung), xúm lại tán gẫu với anh lính trẻ, có chú Trương thông dịch. Anh lính tâm sự, gia đình anh ở miền quê rất xa, anh rất nhớ nhà và mong mau hết thời hạn nghĩa vụ quân sự để trở về nhà. Anh dạy chúng tôi mấy câu tiếng Cam, vui nhất là câu “On xà lanh bon tê?” nghĩa là “Anh có yêu Em không?”, bốn đứa con gái thay phiên nhau “thực tập” câu này với anh lính, làm anh ấy đỏ mặt mắc cỡ, còn chúng tôi được dịp cười giòn giã cả đồng vắng giữa đêm khuya.

Sáng hôm sau, anh lính mở cửa cho chúng tôi đi dạo quanh cánh đồng, rồi lại ngồi ngắm cảnh xung quanh, hoặc tán gẫu cho qua thời gian, chờ đến hai bữa cơm của ban tổ chức vượt biên mang tới. Xế chiều, có tin nhắn chuẩn bị có xe đón ra biển. Ăn tối xong, chúng tôi gói gọn hành lý, được anh lính dẫn qua đồng, đến xa lộ ngoài đường. Lúc này, anh không còn cười nói vui vẻ nữa, mà mang bộ mặt buồn bã nghiêm trang, chúng tôi cũng vậy, vì biết sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau. Ai cũng im lặng, căng thẳng, chẳng biết nói gì. Trời nhập nhoạng tối, bốn chiếc xe máy từ xa phóng tới, gấp rút hối chúng tôi hai người lên một xe. Anh lính Cam luống cuống giây phút tiễn đưa, tôi ngồi lên xe vẫn cố ngoái nhìn lại, nói một câu cho anh cười: “On Xà Lanh Bon Tê?” nhưng chỉ thấy bóng anh khuất dần phía sau bóng tối trời Kom Pong Som.

Tạm Biệt Xứ Chùa Tháp


Trước khi thật sự lên tàu ra khơi, chúng tôi còn bị bắt giam một lần nữa, trong doanh trại kiên cố của quân đội cảng Kom Pong Som. Gần một tuần bị giam nơi đây, có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, ở tù mà vui như …Tết, vì cả 40 người trong phòng sẽ đi chung chuyến tàu vượt biên qua Thái.

Chuyến hải hành không êm ả chút nào vì gặp mưa bão, chúng tôi đến bờ biển Chad trong đêm tối với mệt mỏi, vật vã toàn thân ướt nước biển lạnh run. Cả nhóm lê lết trong làng chài, gặp căn nhà đầu tiên còn sáng đèn, may mắn thay, họ cho chúng tôi cả một lu nước ngoài sân để uống cho qua cơn đói khát. Người phụ nữ chủ nhà, nước da ngăm đen, mặc chiếc xà rông hoa văn sặc sỡ, làm chúng tôi chợt lo lắng, chẳng biết đây là xứ Thái hay là một làng biển nào đó của Cambodia thì quả là công toi. Chúng tôi dùng ngôn ngữ tay chân hỏi chị ấy: “ Thailand or Cambodia?”. Chị cười thật tươi vì hiểu “nỗi lòng” của đám người Việt xác xơ và lập lại nhiều lần: “Thái! Thái! Thái …” cho chúng tôi yên tâm.

Đêm đó, chúng tôi ngủ vật vờ bên đống lửa ven biển để chờ sáng hôm sau được đưa đến trại cảnh sát huyện Tha Luông. Cả đêm, run lập cập vì gió biển tháng 12 lạnh cắt da, không chợp mắt được, tôi ôn lại kỷ niệm vừa qua với xứ Chùa Tháp. Từ lúc đến biên giới Mộc Hoá, cho đến chuyến xe đò dài tới Phnom Penh, những căn nhà trọ, chợ Olympic, cầu Sài Gòn, những con đường rợp bóng cây xanh, những khu ruộng khô cằn, những mặt người xa lạ nhưng dễ mến. Dù chúng tôi bị “trấn lột” hai lần tại hai trại tạm giam, nhưng tôi tin họ vẫn là người tốt, chỉ vì thời cuộc mưu sinh. Nếu nói đến sự tàn ác là quân Khmer Đỏ và hải tặc Thailand kìa, chứ tất cả những người dân Cam chúng tôi đã gặp đều rất thật thà, chân tình, đáng yêu!

Cứ ngỡ sẽ bỏ lại Cambodia phía bên kia bờ biển, mang theo nhớ nhung, nhưng có ngờ đâu, khi lên trại tỵ nạn Panatnikhom mới thấy cả một cộng đồng người Cam cũng đang ở trong trại. Tôi lại được dịp quen biết một số người bạn Cam rất hiền hoà, và dễ thương.

Cuộc đời có những niềm vui nỗi buồn mang tên Định Mệnh!

Edmonton, tháng 4.2021
Kim Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét