Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

Xin Giữ Đời Cho Nhau (Với Nhạc sĩ Từ Công Phụng)


Forum Tình Nghệ Sĩ có sự góp mặt của nhiều nhạc sĩ thành danh từ trước năm định mệnh 1975, một trong những người tôi muốn đề cập đến là nhạc sĩ Từ Công Phụng. Anh sinh ngày 27 tháng 7 năm 1942, tại Văn Lâm, Ninh Thuận 

Quay về dĩ vãng hơn 40 năm về trước, chúng ta thể không lưu luyến những bài tình được vang lên từ các sân trường đại học như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương..., và Từ Công Phụng. Tình Nghệ Sĩ may mắn có 2 trong 4 nhạc sĩ này, đó là Ngô Thụy Miên và Từ Công Phụng. Với anh Miên tôi được liên lạc nhiều lần và viết về anh. Với anh Từ Công Phụng tôi được biết anh trực tiếp qua dự án sách kỷ niệm viết về nhạc sĩ Trường Kỳ. Trước đây tôi được anh Nam Lộc kể về quán nhạc Hầm Gió vả anh Từ Công Phụng với những tình khúc đưa tên tuổi anh lên cao vào thuở vàng son của âm nhạc miền Nam tự do, tôi vốn say mê: Bây Giờ Tháng Mấy, Tuổi Xa Người, Lời Cuối, Trên Ngọn Tình Sầu, Như Ngọn Buồn Rơi, Tình Tự Mùa Xuân, Như Chiếc Que Diêm, Mùa Thu Mây Ngàn, Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, nhạc anh Phụng còn nhiều. 
Lời ca nghe như đượm chút man mác, nhưng mượt mà, nhạc dâng lên trong cung điệu khoan thai, nhịp nhàng và dễ nhập tâm người nghe. Hôm tôi sang Houston hai anh bạn Tạ Xuân Thạc và Hồ Ái Việt đưa đi nghe nhạc, trên sân khấu ca sĩ Thanh Loan ca hai nhạc phẩm Từ Công Phụng mà tôi cho là những top hits tuyệt vời của anh là Giữ Đời Cho Nhau (tức Ơn Em) và Mãi Mãi Bên Em, rồi một nữ ca sĩ khác hát 2 bài là Mắt Lệ Cho Người và Giọt Lệ Cho Ngàn Sau, những top hits khác của Từ Công Phụng. Phải nói 4 bài tình ca này tôi rất thích vì "phê tim yêu".Na2o, hãy nghe thử một bài tiêu biểu nhé, Ơn Em hay Giữ Đời Cho Nhau: 

"Ơn em thơ dại từ trời, theo ta xuống biển, vớt đời ta trôi. 
Ơn em dáng mộng mưa vời, theo ta lên núi, về đồi yêu thương. 
Tạ ơn em ... tạ ơn em. 

Ơn em ngực ngải môi trầm, cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan. 
Ơn em hơi thoáng chỗ nằm, dấu quang dấu quẩn nỗi buồn một nơi 
Tạ ơn em ... tạ ơn em. 

Ơn em tình như mù lòa, như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi. 
Ơn em hồn sớm ngậm ngùi, kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau. 
Tạ ơn em ... tạ ơn em" 



Lý do tôi đặt tựa bài viết này là Hãy Giữ Đời Cho Nhau, bởi vì nhạc sĩ Từ Công Phụng gửi một thông điệp quý giá về tĩnh yêu. Anh chia sẻ cuộc sống như một nguồn chảy, trôi qua những biến chuyển, những khúc rẽ, mình cũng trưởng thành, chín chắn hơn, suy nghĩ sâu sắc hơn về cuộc đời, tình yêu, nhân sinh quan. Thập niên 1960 là thời kỳ lãng mạn khi mới lớn còn nhút nhát, mơ mộng nhiều. Sang những năm 1970, với những suy nghĩ sâu xa hơn, chín chắn hơn, âm nhạc của anh bắt đầu ghi lại những nét đọng, nét đậm của tình yêu. Đến thập niên 1980, anh cảm nhận sự thiết yếu giữ đời cho nhau cần được tôn vinh, nên nhạc của anh từ đó chuyên chở những lời nhắn nhủ, muốn tạo nên những thông điệp nhỏ trong tình yêu: những người yêu nhau đừng rời xa nhau vì tình yêu quý giá vô ngần, nó làm cho đời sống mình thăng hoa. Cả sự đau khổ, hy sinh trong tình yêu cũng quý giá như thế. 

Bài ca Giữ Đời Cho Nhau này anh làm chỉ trong hơn một giờ đồng hồ, vì bài thơ gây anh một xúc động mãnh liệt, nó gợi lại cho anh những lời ru mà bà mẹ thường hát ru anh, và giai điệu bài thơ dường như đã có sẵn trong bài thơ ấy. Anh cho biết anh có những bài nhạc phổ từ thơ là do tình cảm với thi sĩ, rồi cho ra đời những tác phẩm đó. 

Mỗi bài ca mà ta nghe có thể chứa đựng một kỷ niệm nào đó. Nhạc Từ Công Phụng cho tôi những kỷ niệm êm đềm của ngày tháng cũ, mỗi khi nghe dòng nhạc xưa đem ta về dĩ vãng của những xao xuyến, những quyến luyến nào đó. Khi tôi học năm thứ nhất đại học tại Sài gòn, tôi và cô bạn học cũ thường vào Thư viện Quốc Gia trên đường Gia Long để học bài chung, có những lúc chúng tôi ra sân sau của thư viện giáp với đường Lê Thánh Tôn, buổi chiều ngồi trên sân cỏ xanh mướt bạn tôi hát các bài Tuổi Xa Người, Trên Ngọn Tình Sầu, Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên và Lời Cuối. Cô thích hát, với tôi đây là những bài ca đong đầy ký ức buồn vơi, hay cho tôi một sự gợi nhớ thích thú. Sau năm 1975, bạn tôi vượt biên và không bao giờ đến được bến bờ của sự sống. Tôi cho là những tựa đề này sao mang nhiều ý nghĩa nhất trong hồn tôi, vì ôi như lời tiên tri, tuổi đã xa người, nhung nhớ trên ngọn tình sầu và lời cuối xin cầu chúc bạn tôi mãi mãi an nghỉ với một mùa xuân trên đỉnh thật bình yên. 

"Ơn em thơ dại từ trời, theo ta xuống biển, vớt đời ta trôi. 
Ơn em dáng mộng mưa vời, theo ta lên núi, về đồi yêu thương. 
Tạ ơn em ... tạ ơn em." 

Nhạc sĩ Từ Công Phụng vượt biên rời Việt Nam sang định cư tại Portland, tiểu bang Oregon từ năm 1980. Mặt dù anh đỗ cử nhân luật khoa Sài gòn, nhưng khi sang xứ người anh tự bương chãi để lo cho gia đình. Anh mở một cơ sở như nguồn sinh sống trong ngành ấn loát. 

Về âm nhạc thì anh khởi sự viết nhạc từ năm 1960, tự học nhạc và sáng tác từ thiên khiếu. Từ Công Phụng xử dụng guitar và piano và là một trong những nhạc sĩ có thể ca, giọng ca trầm ấm, điêu luyện khi chuyên chở nội dung những sáng tác của anh gần gủi nhất. Anh tâm sự về những cảm hứng và kỷ niệm khi sáng tác nhạc là cuộc đời mỗi người luôn hiện hữu với tình yêu. Trải qua bao năm tháng đó, niềm cảm xúc từ tâm tư để anh có dịp bày tỏ và chia sẻ với quý khán thính giả những gì anh gửi gấm trong tất cả tác phẩm của mình. Vào năm 1960, sáng tác đầu tay là Bây Giờ Tháng Mấy, một top hit được công chúng đón nhận nồng nhiệt khi anh mới 18 tuổi. 

Âm nhạc dâng cao tột đỉnh khi người nhạc sĩ lột tả được cảm nghĩ sâu kín nhất của tâm hồn mình từ người bạn đồng hành của mình, với Từ Công Phụng đó là hạnh phúc hay nỗi buồn. Bởi thế nên trong bài Tuổi Xa Người anh tâm sự nỗi lòng buồn da diết: 

"Kể từ em đem cô đơn mọc lên phố vắng 
khi em mang nụ cười khỏi đời 
Từng chiều rơi nghe như cõi lòng mình tê tái 
ngỡ như đời còn gọi tên nhau" 

hay trong bài Lời Cuối, nội dung của ca từ nghe những nhuốm buồn và cảm thấy lòng ta chùng xuống trong tâm trạng cô liêu: 

"Thôi đừng tìm đến nhau làm gì 
Thôi đừng nhìn nhau nữa mà chi 
Đường về ngày mai xa lắm 
Tương lai chưa vừa tầm hái tay này 
Trời đọa đày cho cay đắng 
Nên ta không còn nương cánh nhau mà đi" 

Nếu nỗi buồn đến một khi tình yêu vắng bóng cho tâm hồn hụt hẫng, thì hạnh phúc của cuộc sống lại đến cho buổi bình minh bừng sáng khi niềm vui tình yêu dâng tràn trong đời, dâng tràn trong hồn và dâng tràn trong nhạc mênh mang, vì mãi mãi có em, hay Mãi Mãi Bên Em: 

"Nếu có điều gì vĩnh cửu được 
Thì em ơi đó là tình yêu chúng ta 
Bờ môi ngoan, hương tóc rũ vai mềm 
Từng ngày dài hồn anh mãi tương tư 
Gọi tên em lòng náo nức đêm mơ 
Anh mơ sẽ bên em cho đến tận cuộc đời" 

Niềm hạnh phúc trong cuộc sống là tình yêu đích thực, những gì vĩnh cửu để giữ mãi lời nguyền cho nhau: 

"Nếu có điều gì vĩnh cửu được 
Thì em ơi đó là tình yêu chúng ta 
Dù mai đây trăng có úa bên thềm 
Và ngày buồn thu tàn kéo qua đây 
Rồi mùa đông vội vã đến bên ta 
Anh giữ mãi lời nguyền cùng bên em" 


Những ca khúc mà lời ca do Từ Công Phụng sáng tác là những thi khúc, những bài thơ do anh nắn nót, chọn lọc cho vào khung nhạc. Từ đó cho ta nhạc của Từ Công Phụng. 

Ngày Chủ nhật, 21 tháng Ba, năm 2004, anh xuống Nam Cali tham dự chương trình Chiều Nhạc Tình Ca Từ Công Phụng do một người bạn thực hiện để kỷ niệm 40 năm sáng tác tình ca tại phòng trà Majestic, tôi đọc những dòng chữ kể chuyện xưa của nhạc sĩ Từ Công Phụng, do ký giả Nguyên Huy viết: 

"Nhớ lại “ngày xưa” đâu như vào khoảng những năm đầu thập niên 60 gì đó bản nhạc “Bây Giờ Tháng Mấy” của Từ Công Phụng đã như ngọn gió mát tình cảm cho tuổi trẻ đang hoang mang trước thời cuộc vì tình hình chính trị nội bộ và chiến tranh gia tăng đe dọa cuộc sống yên vui của mọi người. Âm hưởng thanh thoát của “Bây giờ tháng mấy” đã nhanh chóng dọi thổi vào tâm hồn người nghe đến độ lời nhạc cũng nhanh chóng bị bóp méo đi thành “Bây giờ mấy tháng”. Và cũng chính vì thế mà nhạc Từ Công Phụng càng trải rộng hơn, càng đi sâu hơn vào lòng người. Từ trên đỉnh cao “Bây giờ tháng mấy”, Từ Công Phụng như cánh diều lộng trong gió chiều trên một vùng thênh thang của những tâm hồn chất ngất yêu đương. Anh bay trên những giòng nhạc tình diệu vợi như “Mùa thu mây ngàn”, “Trên đỉnh Bình Yên” cho đến “Tuổi xa người” để hòa cảm cùng Du Tử Lê mà biết đến “Ơn Em” mà ngùi ngùi ly biệt.


Nhắc lại ngày xưa ấy, Từ Công Phụng chậm rãi:"Tuổi trẻ xưa của chúng mình là lãng mạn, là thánh hóa cuộc tình. Chúng ta trang trọng tình yêu qua hình hài những người con gái. Họ như những bóng mây chợt có chợt không trong bầu trời tình yêu trong vắt đối với chúng ta nhưng dù có thế họ cũng vẫn không làm hỏng được bầu trời tình yêu của chúng mình.” Bốn mươi năm qua, mùa đã thay nhiều lần và gió cũng chuyển dữ nhưng khung trời yêu thương thì muôn đời vẫn đọng sâu trong cuộc sống mỗi người. Chúng ta có đi và mang theo quê hương nhưng dù không muốn, những cuộc tình vẫn thường hằng đeo đuổi. Và nó được nuôi dưỡng bằng tình ca, nhất là tình ca Từ Công Phụng." 

Nhân sinh quan của nhạc sĩ Từ Công Phụng về tình yêu, dù thành công hay thất bại, tình yêu đích thực sẽ vĩnh cửu làm thăng hoa cuộc sống. Để rồi âm nhạc Từ Công Phụng lãng mạn tôn vinh tình yêu: Mãi Mãi Bên Em hay Giữ Đời Cho Nhau. 

Cám ơn nhạc sĩ Từ Công Phụng. Âm nhạc của Từ Công Phụng hay của nhiều nhạc sĩ khác cho quần chúng ái mộ những món ăn tinh thần vô cùng cao quý. Do vậy, bài viết này tôi xin gửi đến nhạc sĩ Từ Công Phụng và các bạn bè trong các forums Diễn Đàn Tình Nghệ Sĩ, Câu Lạc Bộ Văn Nghệ, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và Văn Đàn Đồng Tâm. 

Việt Hải Los Angeles 

(Cũng gửi Anh Bằng, Lam Phương, Lê Văn Khoa, Lê Dinh, Trường Sa, Nam Lộc, Luân Hoán, Song Thao, Thái Tú Hạp, Quyên Di, Ngô Thụy Miên, Phan Đình Minh, Hoàng Thi Thao, Paolo, Khiếu Như Long, Cao Minh Hưng, Vương Trùng Dương, Trúc Hồ, Phạm Khải Tuấn, Hồng Vũ Lan Nhi, Tiểu Thu, Thái Hà, Giáng Ngọc, Lê Thúy Vinh, Mai Chân Hương, Diệu Hương và Tạ Xuân Thạc- Xin Giữ Đời Cho Nhau) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét