Nơi nhà anh Đồng(Anh Đồng là người đeo kính)
Vào khoảng tháng tư của năm 2017, được anh Lương Minh mời uống cà phê cùng các bạn, tôi không nhớ dịp nào. Đến quán cà phê Window đã thấy LM đang ngồi chuyện với 1 người bạn, anh giới thiệu cùng tôi – Đây là anh Lâm Chiêu Đồng, tôi và anh chào nhau, tôi gọi nước . Anh Đồng có phương pháp kể chuyện rất hấp dẫn và có duyên, anh tiếp tục câu chuyện đang kể dỡ dang về họa sĩ Thế Đệ, dân Vĩnh Long, vừa mới mất ngoài Bắc do ngã dàn giáo khi đang vẽ tranh cho một ngôi chùa, anh nói về Thế Đệ.
- Thằng này tánh nó ẩu vô cùng, có lẽ nó đóng dàn để đứng vẽ không cẩn thận nên gãy khi đang thi công. Hồi trước, cả đám cùng uống cà phê nơi quán, khi ra về, người bạn trong bàn dặn nó chạy xe nhớ đội nón kẻo bị công an giao thông phạt, nó lên xe chạy bất cần nón, 200.000 nó tặng cho CA liền khi đó “ anh kết luận “ – cái thằng này nó chuyên làm ngược, không nhắc nó đội nón thì nó đội, còn như nhắc, nó không đội.
Quán Cà phê Khởi Nguyên
Tôi nhớ trong Fb của anh Đồng có bài thơ anh viết, tôi viết một dòng phản hồi, anh trả lời rất chân tình, từ đó tôi có ý mến anh. Trong thời gian này, tôi tìm thấy tranh giấy cuộn của nữ họa sĩ Yulia Brodskaya, trình bày chân dung một bà lão suy tư, rất có thần, tôi đưa lên Fb của tôi chia sẻ cùng các bạn. Anh Đồng thấy bèn gởi đường dẫn đến tôi về tranh collage mà anh đã thực hiện, chủ đề trên mọi khía cạnh của quê hương đồng bằng sông nước miền nam, khi xem xong, tôi xin cái hẹn đến nhà anh, anh cho tôi địa chỉ, và ngày sau tôi đến nhà anh.
Cô Bạch Lan đến thăm anh Đồng, mang theo càphê nước đá từ nhà. Dạo này anh rất ốm chờ hoá và xạ trị. Khoảng thánh 3 năm 2018.
Anh pha trà, tôi cùng anh đàm đạo, luận bàn về tôn giáo, cùng mọi ngóc ngách sinh kế của anh. Sau vài lần đến nhà anh, rồi vài lần cùng các bạn đến quán, chúng tôi cởi mở nhiều hơn, anh kể.
- Có một cô nhờ anh giới thiệu giùm một họa sĩ vẽ chân dung, là một doanh nhân đã có gia sản khá lớn, khoảng ngoài bốn mươi, anh giới thiệu, cô nói nét cọ ông này không đạt, ông kia không khéo, hóa ra cô biết khá rộng các họa sĩ nơi Vĩnh Long, anh giới thiệu tiếp dường như Thế Đệ, cô bằng lòng, sau vài tuần ngồi làm mẫu, tay Thế Đệ đến nhà thăm anh và nói “ Em vẽ chân dung khỏa thân của chỉ, nay đã gần xong còn thiếu màu đen, em ra chợ mua rồi tiếp tục cho xong “. Kể đến đây, anh cười chúm chím, tôi cũng cười nhẹ theo anh.
Anh kể tiếp, tôi có đến nhà thăm cô ấy, cô tiếp tôi nơi phòng khách, cô ngồi ghế chủ nhà nhìn ra, tôi ngồi nơi ghế khách, nhìn thẳng vào chân dung của cô ấy treo chính diện giữa nhà, tôi thấy ngượng vội đổi ghế, nhìn lên khung kiếng to lại phản chiếu cũng chân dung của cô ấy. Anh kết luận – Cô này mặc dù ít học, song rất thông minh.
Anh vẽ từ rất sớm, chuyên tranh thủy mặc, sơn dầu rất thành công, do vì sinh kế từ năm 1985 anh làm đủ nghề, lên vùng gần Hà Tiên, nơi Xa Ảo, cách núi tô châu khoảng chục cây số, anh làm mứt bí, vì đường từ Hà tiên rất rẻ, bí do người địa phương trồng tại chổ, anh khen dân địa phương đối xử rất tốt, dù biết anh là khách phương xa đến làm ăn. Khi mứt bí hết ăn khách, anh về Vĩnh Long, đóng khung cây làm bàn máy may, anh nói đóng rất đắt, hàng giao không kịp, đến khi bàn máy may bảo hòa, anh chuyển sang làm tranh sơn mài, anh nói
- Sơn do mủ cây sơn ngoài bắc, mình phải biết lựa dùng loại nhứt làm mới được, nếu không rành mua nhằm sơn phế phẩm, tụi nó làm còn không được, nói chi đến mình.
Thuở này cơ sở anh làm nơi khu văn thánh thuộc phường tư, thức ăn là mì gói hai buổi ăn chánh mỗi ngày, rồi anh bị dị ứng nặng với sơn mài, đến độ sưng hết thân thể, bà xả phải đưa anh đi Sài Gòn trị bệnh, lúc này bà xả anh khuyên anh không được tiếp xúc sơn mài, và anh đành ngưng công việc. Đến năm 2000 anh bị ung thư ruột, lại phải lên Sài Gòn cắt một đoạn, sau trị liệu anh khỏi bệnh về vĩnh Long. Từ đó anh phát triển tranh xé dán ( Tranh collage ), ngoài khởi đầu là giấy màu có sẵn, sau này anh nhận thấy màu tìm không đa dạng cho tranh của anh, anh tự tạo màu trên giấy đặc biệt do anh tìm ra. Anh có giới thiệu cho tôi, màu tự tạo, anh cắt thành hình chử nhật nhỏ, dán đầy mặt cột xi măng, khung cửa rào ngoài trời, anh chỉ cho tôi thấy và nói – Tôi dán đây lâu rồi, đến nay trãi mưa nắng, không phai, không rả rời, vậy là tranh của tôi sẽ rất thọ đây. Tranh của anh ngoài trình bày và bán trong nước. anh cũng được mời triển lãm. tranh ngoài nước trong khu vực các nước Mã Lai, Singapore
Giá tranh collage tùy theo cở và đề tài có giá dao động trong khoảng 400 – 1400 tiền USA. Trong giai đoạn này anh tạc tượng, làm bình bông bằng giấy. với chất liệu phế thải, loại mốp chèn thùng, anh làm tượng vũ nữ chàm Apsara giả đá, giả cảm thạch trắng, giả đồng v..v..
Người xưa nói, con chim trước khi chết tiếng kêu của nó rất bi thương. Tôi từ khi biết anh cho đến khi anh lìa đời khoảng gần một năm, chúng tôi ứng xử nhau trong lễ và quý trọng nhau.
- Tranh xé dán có bức mang tên “ Buồn Tàn Đông “, anh chuyển tên lại “ Mùa Đông Cuối Cùng “, theo ý anh là sẽ không làm tranh mùa đông nữa- Điềm báo chăng!
(Bên trái bình hoa được tạc từ giấy - Giữa, tượng Phật giả đồng bằng mốp
- Bên phải: Tranh trên ly thủy tinh)
- Hai bức tượng cuối đã hoàn thành. Tượng Thích Ca ngồi trên tòa sen màu ngọc thạch – Tượng đầu con min, con bò rừng, được đặt phía trên sau lưng bàn vi tính anh thường ngồi xem tin và viết.
(Đầu con Min Bằng mốp, tượng cuối cùng của anh Đồng)
Trương Văn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét