Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Đám Cưới Nhà Quê


Các bạn chắc đã được mời đi dự nhiều đám cưới rồi, từ thành thị cho tới thôn quê vậy thì có gì mới lạ đâu mà theo dõi bài viết của tôi. 
Hổng phải vậy đâu nghen. Chuyện tôi kể chắc chắn khác hoàn toàn những việc mà bạn từng chứng kiến.
Ở tuổi "người lớn" bạn được mời đi dự tiệc cưới của con cháu trong gia đình hay bạn bè. Bạn được đón tiếp long trọng, ngồi bàn giữa, có người dâng rượu, bánh nước, đồ ăn tới tận bàn. Bạn chỉ ngồi đó tán dóc, làm khách thôi; chuyện như vậy thì có gì lạ mà kể.

Hay là bạn được mời tới nhà hàng, ban tiếp tân chỉ bạn vô một bàn nào đó, ngồi xem mấy bà khoe quần áo nữ trang hột xoàn, chờ tới giờ MC lên giới thiệu 2 họ, xong rồi là bắt đầu ăn. Trong khi ăn thì các ca sĩ hát nhạc sống, mà thường thì khách đi dự chỉ lo ăn uống rồi về để sáng còn xem đấu bóng cà na hay bóng rổ tùy mùa, ít có ai chịu thưởng thức văn nghệ văn gừng. Mà thưởng thức làm sao được? Ngồi chăm chú nghe để thiên hạ xực hết còn gì? Họa hoằng lắm sau khi ăn xong bọn trẻ còn ráng ở lại tham gia ca hát, nhảy đầm với nhau, còn người xồn xồn có khi chưa cắt bánh cưới là đã rục rịch ra về mất rồi.
Chuyện như vậy chán phèo, lạt nhách, ở đâu cũng thế, kể làm chi phải hông?
Chuyện tôi kể là chuyện bị mời đi đám cưới, chứ không phải được mời. Lạ chưa?


Vậy để tôi nói sự khác nhau giữa được mời và bị mời cho các bạn khỏi thắc mắc. Thông thường đám cưới ở quê có 2 cách mời khách, mời miệng và mời thiệp.
Khi viết thiệp mời, gia chủ viết trong thiệp: “Kính mời anh chị và mấy cháu” đến dự tiệc cưới của con chúng tôi là... Trước chung vui cùng chúng tôi, sau chúc mừng cho đôi trẻ trăm năm hạnh phúc...”

Đại khái là như vậy. Cái khổ ở miền quê nằm trong hai chữ “mấy cháu”. Một nhà có 4 đứa con, cái thiệp gởi đi đó, có thể là 6 người đi dự cũng có thể là chỉ có một người thôi. Không có màng gởi lại thiệp hồi báo để gia chủ biết đường mà mò, vì thế có khi nhà nghèo lo đám cưới cho con mình xong thì bị vở nợ. Chủ nhà thì lo đồ ăn thiếu, nên cố mua cho đủ để bà con lối xóm không khi mình nghèo, còn bà con chòm xóm thì sợ gia chủ tốn tiền nên hạn chế người đi dự tối đa... Rốt cuộc đồ ăn dư một đống mà tiền mừng cưới thì xẹp lép...

Cách thứ hai là mời miệng, phong tục nầy rất ư là đặc biệt. Thường thường cha mẹ cô dâu hay chú rể phải trực tiếp tới tận nhà để mời những người có vai vế lớn, bà con trong thân tộc như: Ông, bà, cô, dì, chú, bác, cậu, mợ... Những người mời thiệp có thể không đi dự nhưng những người được mời miệng thì coi như bắt buộc phải đi... Đó là luật bất thành văn mà.
Ở quê còn có những vị khách đặc biệt mà cô dâu hay chú rể phải đích thân đi mời từng người một, những người nầy thì tôi gọi là bị mời...

Thật ra những người được mời thiệp hay mời miệng đều đến dự tiệc cưới để ăn uống, chung vui với gia đình cô dâu hay chú rể. Còn những người mà tôi gọi là bị mời đó, họ đến để phụ giúp tổ chức tiệc cưới. Thanh niên, thanh nữ trong xóm được mời hay bị mời đều đến phụ giúp gia chủ để phục vụ cho đám cưới. Người được mời có thể là không quen biết sâu đậm nên đến ngày đám cưới mới tới phụ chạy bàn, bưng mâm, dọn dẹp... Còn người bị mời thường là bạn bè lâu năm thân thiết, chòm xóm gắng bó nhiều năm hay là bà con ruột thịt cùng trang lứa với nhau... Họ đến trước một hoặc hai ngày, đám cưới xong còn phải ở lại thanh toán dọn dẹp đám xà bần cho gia chủ...
Tôi ở quê mỗi năm tới mùa cưới hên lắm thì bị mời một đám, có khi xui xẻo bị mời hai ba lần... Mùa cưới là lúc gần tết Nguyên Đán hoặc sau Tết ít ngày những tháng khác trong năm ít ai tổ chức đám cưới.

Đám cưới miền quê thì đám nào cũng như đám nấy, nhưng có một đám mà tôi nhớ nhất, đó là đám cưới của Tư Lệ người mà thằng Tài kế nhà tôi cố công theo đuổi, để rồi khi em đi lấy chồng nó ôm mối hận lòng cho tới ngày giã từ dương thế...

Năm ấy tôi về nhà ăn Tết trước mùng một cả tuần. Vừa bước xuống đầu cầu bên sông, chưa kịp kêu mấy đứa em đem xuồng qua rước, thằng Tài hình như là nó biết tôi sắp về nên thả qua thả lại trước cửa sân chờ tôi, thấy bóng dáng tôi vừa ló ra là nó ba chân bốn cẳng nhảy tót xuống xuồng bơi một mạch qua sông. Xuồng chưa cặp bến là nó bô bô cái miệng:
- Mầy về một mình hả?
- Vậy chớ mầy tưởng tao về với ai nữa? Tôi trả lời.
- Vậy mà tao tưởng mầy dắt mấy anh bạn về ăn tết nữa chứ.
Tôi thấy tội nghiệp cho tánh thật thà của nó nên không chọc ghẹo mà chỉ trả lời:
- Hồi còn đi học thì rổi rảnh, ai cũng muốn đi chơi, bây giờ đi làm có ngày nghỉ ai người ta cũng muốn về thăm nhà, quởn đâu mà đi lang bang. Còn mầy bộ hổng có chuyện làm sao mà đứng rình chờ tao về vậy?
Nghe tôi hỏi mặt nó đang hớn hở vui cười bổng nhiên xụ xuống một đống.
- Tư Lệ ngày mốt đám cưới rồi, tao còn tâm trí đâu mà mần ăn được nữa mà mầy hỏi.
Tôi định chọc nó vài câu, nhưng nhìn mặt nó như cái bánh bao chiều, sắp thiu nên không nở, đành lặng thinh mà chia xẻ bớt nổi buồn của nó...

Vừa bước vào nhà chưa nóng chân thì bác Chín gái má Tư Lệ tới nói:
- Mèn ơi! Hên quá, tưởng con mấy bửa nữa mới dìa, bác hổng biết nhờ ai đi mượn bàn, mượn ghế, chén dĩa cho đám cưới con Lệ, đang rầu thúi ruột thì con dìa tới…
Tôi vọt miệng trả lời:
- Thằng Tài nó theo con mượn đồ biết mấy đám rồi, nhà nào có thứ gì nó đều biết hết, sao bác không nhờ nó?
Bác Chín lặng thinh không nói tiếng nào. Tôi chợt nhận ra mình thật vô duyên, chuyện thằng Tài theo cô Tư, người lớn con nít xóm tôi ai mà không biết vậy mà tôi dám hỏi một câu đáng đánh đòn. Giá mà vài năm trước tôi hỏi vậy có thể bị nghe chưởi đầy cả 2 cái lổ tai. Biết mình nói hớ tôi vội chạy tội:
- Chừng nào nhóm họ vậy bác?
- Ngày mai nhóm họ rồi, mà giờ nầy chưa thấy ai tới giúp. Con làm ơn, làm phước qua giúp dùm bác một tay đi...
Tôi còn chưa biết ất giáp gì, chuyện nhà cửa mấy tháng nay ra sao, ba má tôi không biết có cần tôi giúp gì không nên chưa dám hứa:
- Dạ, để con coi, giải quyết chuyện nhà xong thì qua bên bác liền.
Ở quê không trả lời rỏ ràng mà chỉ nói ổm ờ như vậy là xem như từ chối khéo. Bác Chín tiêu nghiễu ra về thằng Tài núp trong buồn nhà tôi bước ra nói:
- Tao cũng tính không đi, nhưng hổng biết ăn nói sao cho phải. Mầy không đi thì tao sẽ diện cớ đó mà ở nhà theo.
Tôi chưa kịp nói gì với nó thì Tư Lệ hổn hển chạy vô:
- Anh Hai, anh Tài làm ơn qua phụ em đi...
Thằng Tài quay mặt vô buồn không trả lời trả vốn gì ráo trọi. Nhìn đôi mắt rưng rưng muốn khóc của cô Tư tôi hỏi:
- Làm sao mà hai người ra nông nổi nầy vậy?
Tư Lệ lặng thinh hồi lâu rồi mới thổn thức trả lời:
- Anh Tài hứa cưới em hồi Tết năm trước, nhưng năm đó nước lớn quá lúa bị ngập chết sạch hết, phải chờ năm sau, hôm bà mai dẫn người ta đến coi mắt, em có hỏi ảnh tính sao, ảnh nói:
- Thiếu nợ người ta còn trả chưa xong, có tiền, có bạc gì đâu mà tính, chắc là phải chờ năm tới nữa. Em nói lại cho ba má nghe, nhưng má em không cho chờ. 
Bả nói: “Năm tới nước lớn nữa thì sao? Hổng lẻ chờ tới già, mà mầy hơn hai mươi rồi, chờ tới 25 thành gái già có muốn gã cho người khác cũng không có ai cưới”...

Tôi với thằng Tài qua tới nhà Tư Lệ, chưa có một móng nào tới cả. Hai ông bà thấy mặt tụi tôi thì mừng như trúng số. Tôi kéo năm Tú lại hỏi:
- Bà còn, bà kía, bạn bè ở đâu mà giờ nầy chưa có ai tới phụ hết vậy? Bộ chị tư em không có đi mời người ta, nhờ người ta tới giúp sao?
Tư Lệ chạy ra nói:
- Em có mời rồi mà không có ai hứa chắc, hổng biết tại sao nữa. Hổng chừng tại em phụ anh Tài nên bạn bè giận mà không tới.
Thằng Tài bị tôi thuyết phục từ nảy giờ nên trả lời yếu xìu:
- Không phải tại em đâu, bị vì anh nghèo thôi...
Không muốn cho không khí ảm đạm thêm tôi hăng hái nói:
- Ý Trời đã định rồi, thôi để tụi tui lo cho. Nhà cô có cái gì để che rạp không? Mời bao nhiêu người, giờ giấc ra sao nói luôn để xem thử mượn bao nhiêu cái bàn...

Thằng Tài tánh tình rất tốt, không làm thì thôi, bắt đầu vô làm là nó làm hết mình, nó rủ tôi tới nhà Tư Phụng mượn cây tràm dựng rạp. Tư Phụng lấy vợ năm rồi sắp cất nhà ra riêng nên mua nhiều tràm để sẵn chờ ra giêng thì dựng nhà. Nghe hỏi mượn cây dựng rạp nó trả lời nửa đùa nửa thiệt:
- Mượn cây che rạp đám cưới của nó với mầy thì được, lấy thằng khác thì không.
Thằng Tài buồn, buồn phân trần:
- Thôi mà mậy, khó dể với nó làm chi. Lỗi tại bà Thủy hại tụi tao, chứ có phải nó phụ tao đâu mà mầy làm khó dể...
Tư Phụng cười lớn:
- Chọc mầy chơi cho đở buồn, mầy không giận nó thì thôi, chứ mắc mớ gì tao mà tao lại giận. Đống cây ngoài sân đó lấy bao nhiêu thì kéo đi, miễn trả lại đủ thì thôi.
Thấy tình hình có chút khả quan tôi cũng lên tiếng:
- Bộ mầy lên chức rồi hả?
Tư Phụng ngạc nhiên hỏi lại:
- Ai nói lại mầy mà trật lất vậy? Vợ tao chưa có tâm hơi gì ráo trọi, biết chừng nào mới lên chức?
- Mầy chưa lên chức “cha” sao mà không chịu ra phụ còn đứng đó mà chỉ tay năm ngón hả thằng quỉ.

Ba thằng tôi hăng hái kéo đống cây tới nhà Tư Lệ, khi đi ngang qua nhà hai anh em Hải, Hà Tư Phụng réo:
- Hai thằng mầy làm gì trong đó? Đợi tụi tao mần xong rồi tới nhậu hả?
Vậy là thanh niên trong xóm bị lôi kéo hết về nhà Tư Lệ. Đứa đào lổ dựng cột đứa thả cây làm trần, đứa đốn chuối cây lấy bẹ ốp làm cột, đứa đốn tàu dừa, lá đủng đỉnh trang trí cổng vào... Vừa làm vừa nhắc chuyện xưa tích cũ cười nói rân trời đất, vui nhộn vô cùng, mấy tiếng đồng hồ sau là rạp cưới được che xong. Tôi lấy cuốn sổ ghi bàn ghế trong xóm ra rồi bắt đầu đi mượn đem về...
Cánh con gái thấy tụi con trai tới đông đủ không thiếu mạng nào cũng từ, từ tề tựu lại, rồi cùng nhau đi mượn ly, chén đủa, nồi niêu soong chảo... Tới gần chiều tối thì bà con ở xa của Tư Lệ mới tới...
Buổi tối bà thợ nấu phân công cho đám thanh niên làm gà, làm vịt, đàn ông xồn xồn thì làm heo, con gái chuẩn bị rau cải đồ nấu...
Con heo cả trăm ký vừa làm xong, bộ đồ lòng để nấu cháo ăn tối, thịt heo gà vịt được bà thợ nấu phân công cho đám con gái, thứ nào làm liền thì để riêng ra, thứ nào để dành sáng thì cho ướp nước đá để khỏi hư...


Công việc xong xuôi chắc cũng khảng 10 giờ tối. Các tay đờn, ca sĩ nghiệp dư bắt đầu trổ tài, dân cờ tướng rinh bàn cờ ra đấu với nhau, dân đánh bài “lơ khơ” thì đem bài ra mà chơi uống nước... Mấy người lớn tuổi thì đấu láo chuyện thời sự, chiến tranh...
Đám cưới ở quê là một bức tranh với những nét chấm phá đặc thù mà chỉ ở miền quê mới có, thành thị chắc không thể nào nhìn đầy đủ nét độc đáo của nó...
Đám cưới miền quê dù giàu hay nghèo gia chủ cũng cung cấp đầy đủ rượu đế cho ngày nhóm họ, sòng đờn ca, cờ tướng hay sòng bài đều có chai rượu đế, dĩa lòng heo hay lòng gà, vịt để khách khứa vừa lai rai vừa trổ hết tài nghệ của mình...
Xôm tụ nhất vẫn là nơi ca hát, thằng Tài, thằng Tỏ có giọng ca mùi mẫn như Út Trà Ôn nhưng hôm nay nó chỉ hát bài “Dây khổ Qua” rồi ngồi uống rượu hoài mà không hát hò gì thêm nữa, đám con gái rảnh việc cũng ra tham gia cho thêm hào hứng, Út Hường và nhỏ em tôi nhập cuộc thì bọn con trai bu lại, bài nầy chưa dứt thì đứa khác đã dành cho phiên mình.

Càng về khuya tiếng ồn ào bớt dần, giọng hát càng lảnh lót, thằng Tài càng uống rượu nhiều hơn. Tư Lệ cầm lòng không nổi đến bên tôi nói nhỏ:
- Anh Hai kêu anh Tài đừng uống nữa em muốn nói chuyện lần cuối với ảnh...
Tôi thấy lòng mình nặng nề như ai lấy cục đá đè lên trái tim mình, thương cho hoàn cảnh trái ngang của tụi nó:
- Cô qua phòng học của tôi đi, coi chừng má tôi thấy bả chửi tôi tắt bếp, để tôi thông báo cho thằng Tài qua gặp...
Tư Lệ đi rồi tôi tới thông báo cho nhóm thanh niên phụ trách đãi tiệc ngày mai, nhờ họ đi ngủ sớm, không được thức trắng đêm mà làm hư chuyện đại sự của cô dâu. Người nào nhận trách nhiệm giúp vào ngày mai đều từ giả cuộc vui mà tìm chỗ ngủ... Tôi kề tai thằng Tài nói nhỏ:
- Tư Lệ muốn gặp mầy, cô ta đang chờ trong phòng học của tao...

Cuộc vui vẫn còn đang tiếp tục nhưng số người tham dự ít hơn. Thằng Tỏ nhận trách nhiệm coi nấu nước châm trà nhưng máu văn nghệ của nó còn sôi sục chưa chịu đi ngủ thấy tôi tới nó phân trần:
- Em chơi hai bài nửa thôi, bảo đảm sáng mai không ngủ gục đâu mà anh lo.
Thật ra đám cưới ở vùng quê đều na ná giống nhau, người đi dự chỉ so sánh phê bình hai vấn đề. Món ăn và cách tổ chức đãi khách mà thôi. Món ăn ngon dở là do tài của bà thợ nấu và cánh con gái. Đãi khách là do những người tình nguyện phụ đám cưới giúp đở. Đám nào có người đứng ra chỉ huy phân công đâu vào đó thì suông sẻ, không bị lụp chụp khi khách tới đông, không có người chỉ dẫn dắt dìu, thì y như một đống cát rời, lu bu, lộn xộn không làm nên cơm cháo gì cả...

Thằng Tài đi được một lúc thì tôi cũng rút dù về để canh cửa cho nó, gia đình cô Tư mà biết được thì tôi có nước cuốn gói về Xẽo Rô trước tết, chứ ở nhà thì hai lổ tai bị bể là cái chắc .
Chuyện cô dâu bỏ theo người yêu trong ngày cưới xảy ra không phải là ít, cho nên gia đình cô ta canh me dử lắm. Thấy thằng Tài biến mất là gia đình chạy đi tìm Tư Lệ. Không thấy cô ta đâu, má nàng chạy qua nhà tôi tìm, nhằm lúc tôi đang ngồi hút thuốc trước sân để canh cho tụi nó. Tôi hỏi lớn để cho tụi nó nghe mà tìm cách đối phó:
- Bác tìm con có chuyện gì không vậy? Mọi chuyện sắp xếp xong hết rồi bác khỏi phải lo...
Má Tư Lệ giọng run run hỏi:
- Con có thấy thằng Tài đâu không? Bác có chuyện nhờ nó.
Câu trả lời tôi thủ sẵn từ khuya nên không do dự phút nào:
- Nó say hoắt cần câu con vừa đưa nó vô mùng ngủ thất thì.
Bác Chín thở phào nhẹ nhỏm, nhưng cũng chưa tin mấy bà trở về đi tìm con gái mình cho chắc ăn:
- Vậy thôi, để bác về tìm đứa khác cũng được...
Bà ta vừa đi khỏi, tôi lên tiếng nho nhỏ:
- Bể ổ rồi, mầy về nhà bằng ngã sau đi, còn cô Tư rủ con Vân qua bên cô chơi, có ai hỏi thì nói "đang mời nó đi đưa dâu", lẹ lẹ lên dùm, bả mà trở lại thì cả đám bị chửi thúi đầu...

Đám cưới Tư Lệ rồi cũng xảy ra bình thường như bao đám khác, cũng đãi khách, cũng lạy xuất giá, cũng đưa dâu về chợ, có điều đám dân ruộng chúng tôi không có đứa nào đồng ý đi đưa dâu, mặc dù đưa dâu chỉ là đi làm khách ăn uống nhậu nhẹt rồi về, tụi tôi sau khi thanh toán đám xà bần, hạ rạp trả lại bàn ghế, cây cối, đồ đạc đã mượn của lối xóm...
Xong rồi thì bày một tiệc nhỏ sau vườn nhà, đồ nhắm và rượu còn dư Năm Tú đem ra hết, cả đám uống cho đến say mèm, như để xẻ chia nổi đau của thằng Tài...

Sau đám cưới đó, tôi không còn bị mời nữa, những năm về sau có đi dự tiệc cưới đều là được mời làm khách, làm kiểng, tán dóc, nói chuyện trên trời dưới đất. Đôi lúc tôi cũng tới sớm nhưng mấy đứa nhóc không dám cho tôi phụ chúng, tôi như bị lẻ loi, lẻ loi như thằng Tài sống mãi trong thương nhớ, vô vọng nó thường hỏi tôi:
- Tại sao ông trời bắt mình nghèo?
Câu hỏi đó tôi luôn luôn suy nghỉ rồi có nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng chẳng có câu nào tôi thấy đúng.
Có phải vì dân quê lười biếng không? Chắc là không rồi. Xóm tôi người ta làm lụng quanh năm vất vả, ngày xưa làm một vụ lúa thời gian dư thừa có nhiều người dân làm thêm chuyện khác mùa khô bắt chuột bán, mùa nước cắm câu giăng lưới đặt lờ, đặt trúm lấy cá, lấy lươn bán... Bây giờ làm 3 vụ lúa mổi năm, đâu có thì giờ rảnh vậy sao vẩn còn nghèo???
Có phải vì dân quê không có kiến thức? Cũng không phải. Người nông dân xóm tôi bây giờ hiểu biết về khoa nông nghiệp gấp nhiều lần hồi xưa, từ cách xạ lúa, bón phân, bảo vệ, ngăn ngừa sâu rầy... Còn cậu Tú, cậu Cử hay cả ông Tiến thì nhiều vô số kể, cở giáo quèn như tôi ngày xưa chắc là ở giá mà thôi...

Câu trả lời cho thằng Tài chắc tôi phải chờ tới ngày xuống âm phủ hỏi thử Diêm Vương xem sao...

Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét