Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Về Miền Tây - Phần 14



Về phía Tây Bắc của An Giang là tỉnh Châu Đốc. Trước kia là Đạo Châu Đốc thuộc Dinh Long Hồ (Vĩnh Long bây giờ). Vùng Châu Đốc Đạo có sông Châu Đốc, sông Vĩnh Tế, sông Vàm Nao, sông Đàm Giang, sông Cần Đăng, sông Thụy Hà. Về phía Đông sông Hậu giang khúc chảy ngang Sa Đéc có sông sông Trường Tiền và rạch Cường Thành hay rạch Lấp Vò. Rạch Cường Oai, còn gọi là rạch Lai Lễ, ở bờ phía Đông sông Hậu, chảy đến Sa Đéc, rồi đổ ra sông Tiền. Ở vùng Cần Thơ có sông Bào Hốt, sông Cần Thơ và sông Bồn. Vùng Sóc Trăng có sông Ba Xuyên và rạch Vu Lai. 

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì An Giang xưa có những đồn cũ như đồn Hồi Oa, nay thuộc xã Long Hưng tỉnh Sa Đéc, đồn Châu Đốc, đồn Châu Giang. Trước khi Châu Đốc được tách ra làm tỉnh thì ở miền Nam An Giang là tỉnh duy nhất, trên có dãy Thất Sơn (Bảy Núi), dưới thì có dòng Hậu Giang uốn khúc. Vùng núi Thất Sơn, tuy không lớn lắm, nhưng cũng dài đến 30 cây số và rộng đến gần 20 cây số. Vùng này gồm rất nhiều núi nhỏ chứ không riêng bảy núi. nhưng mỗi khi nói đến vùng này là người ta liên tưởng đến bảy ngọn. Rặng Thất Sơn dài trên 30 cây số và rộng 13 cây số bao gồm trong các quận Tịnh Biên và Tri Tôn. Những núi lớn là núi Kéc (Anh Vũ Sơn), Núi Dài (Ngũ Hồ Sơn), Núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Nước (Thủy Đài Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), và Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn). Trong thời các chúa Nguyễn thì An Giang chính là tuyến đầu ngăn chặn sự xâm nhập quấy rối của người Xiêm La. 

Về vị trí, Bắc và Tây Bắc giáp Cao Miên, Nam giáp Long Xuyên và Rạch Giá, Tây giáp Rạch Giá và Hà Tiên, Đông giáp Kiến Phong và Sa Đéc. Tỉnh lỵ đặc tại thị xã Châu Đốc, đây là một thành phố có lối kiến trúc cổ theo kiểu Pháp, nằm bên bờ sông Hậu. Sau khi vua Minh Mạng tách dinh Long Hồ ra để thành lập tỉnh An Giang thì Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang. Đến thời Pháp thuộc, họ cắt 4 quận của tỉnh An Giang là Tân Châu, Châu Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn để thành lập tỉnh Châu Đốc cho dễ bề kiểm soát và cai trị. Cũng như các tỉnh khác ở miền Tây, Châu Đốc là một vùng đồng ruộng bao la bạt ngàn, đất đai mầu mỡ với phù sa bồi đắp từ sông Cửu Long. Ruộng lúa Châu Đốc có phần thu hoạch cao hơn những nơi khác, có chỗ mỗi công ruộng người ta thu hoạch đến ba chục (30) hay bốn chục (40) giạ lúa. Tuy nhiên, Châu Đốc là tỉnh duy nhất ở miền Tây có dãy Thất Sơn (bảy núi) trồi lên ngay giữa một vùng đồng ruộng bao la. Riêng khu Thất Sơn đã chiếm hết 276.000 mẫu Tây đất đai (cách thị xã Châu Đốc khoảng 40 cây số). Tại đây có núi Cấm cao nhất (khoảng 880 mét). 

Về mùa nước nổi, cá tôm từ biển hồ tràn về Châu Đốc đủ loại từ cá tra, cá lóc, cá trê... đến tôm càng, tép bạc... Đặc biệt là loại cá linh, cá chốt thì thôi hằng hà sa số. Châu Đốc được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi chẳng những về nông sản mà còn về thủy sản nữa. Sau mỗi mùa nước, dân Châu Đốc bắt cá tôm quá nhiều, nên chỉ còn biết làm khô, làm mắm, chứ không cách chi tiêu thụ tươi cho hết được. Chính vì vậy mà Châu Đốc rất nổi tiếng về các loại khô và mắm. Dân cư Châu Đốc tương đối phức tạp hơn các nơi khác nhiều, vì đây là vùng biên giới nên người Việt gốc Miên chiếm một tỷ lệ gần 30%, người Kinh khoảng 50%. Ngoài ra, còn có người Chàm (Chăm) khoảng 10%, số còn lại là người Hoa, Mã Lai, Lào... Cộng đồng người Chàm ở Châu Đốc là cộng đồng người Chàm lớn thứ nhì sau Phan Rang. Sau khi đất nước Chàm bị diệt vong thì họ di tản về xứ Thủy Chân Lạp, vì dân Chân Lạp cũng có nền văn hóa gần gũi với họ hơn là người Việt. Tuy nhiên, đến khi Thủy Chân Lạp bị mất vào tay các Chúa Nguyễn thì họ quyết định tiếp tục ở lại Châu Đốc, chứ không chạy nữa. 

Tại đây họ sống co cụm tại các xã Phú Tân, Châu Phong và Châu Giang. Tại Phú Tân có khoảng 12.000 người Chàm, chuyên sống bằng nghề dệt vải. Tại đây họ có Thánh đường Hồi giáo Mosque Mubarak rất lớn, cách Châu Đốc khoảng 2 cây số. Tại Châu Phong, người Chàm chuyên nghề dệt vải Thổ Cẩm Chăm (vải đầy màu sắc rực rỡ), và thêu may khăn choàng để xuất khẩu sang Mã Lai. Thánh đường Hồi giáo Châu Phong cũng lớn như Mosque Mubarak ở Phú Tân. Tại Châu Giang, người Chàm rất nổi tiếng về nghề dệt xà rông và các loại vải may quần phụ nữ. Riêng tại Tân Châu, người Chàm dệt cả ba loại là lãnh, lụa, và lược (lãnh là loại dầy, lụa là loại vừa vừa, còn lược là loại vải mỏng nhất). Điểm đặc biệt, có lẽ Châu Đốc là tỉnh duy nhất ở miền Nam có nhiều cây thốt nốt nhất (thốt nốt là một loại cây tương cận với cây dừa, nhưng trái nhỏ hơn và nước ngọt hơn, nên đường thốt nốt rất thơm và ngọt thanh hơn đường mía). 
Người ta nói đường thốt nốt của Châu Đốc ngon hơn đường thốt nốt của Nam Vang nhiều. Cây thốt nốt, dù thuộc họ dừa, nhưng có lá giống lá cây kè (palm), xòe đều quanh ngọn, chứ không rũ xuống như những tàu dừa. Ở Châu Đốc, thốt nốt mọc từng cụm rải rác trong ruộng như những ốc đảo, trông rất lạ mắt. Châu Đốc còn có một thắng cảnh nổi tiếng mà hằng năm số người đến thăm viếng lên đến hằng triệu người. Đó là Miễu “Bà Chúa Xứ” ở núi Sam. Hầu như ngày nào xe cộ từ Châu Đốc đi núi Sam cũng tấp nập người đi kẻ đến. Người ta ước lượng hàng năm có trên một triệu người từ khắp các tỉnh miền Nam và ngay cả những vùng khác trong nước đến hành hương Miễu Bà Chúa Xứ Châu Đốc. Hai bên đường là kinh rạch, xa xa có một xóm nhà. Tuy nhiên, dân chúng sống tập trung dọc theo hai bên bờ kinh Vĩnh Tế, đa phần là nhà sàn gỗ lợp lá, chỉ có một ít nhà lợp tôle hay ngói. 
Vào trong đền khói hương không còn nghi ngút nữa mà người ta đốt quá nhiều đến độ khói bay cuồn cuộn lên trần, tạo ra một bầu không khí vô cùng ngột ngạt. Về phía Tây của Miễu Bà Chúa Xứ là vùng Ba Chúc, nghe nói lúc Khmer Rouge (Khờ Me Đỏ) tràn qua đã giết tập thể rất nhiều người vô tội, hiện ngôi mồ chôn tập thể ấy vẫn còn với hàng ngàn chiếc sọ được xếp thành hàng trong một nhà mồ bằng kiếng. Ba Chúc là một xã nằm sát biên giới Việt Miên, dân chúng vùng này trông cằn cỗi, cằn cỗi như chững cụm đất khô cằn nơi họ đang sinh sống. Ngoài ra, Châu Đốc còn có một nhà thờ chánh tòa đã được xây dựng từ năm 1859 (nghĩa là ngay từ những năm Pháp mới khời sự chiếm Nam Kỳ). Châu Đốc còn là quê hương của trên 12.000 người Chàm (họ là người Chàm chạy lánh nạn khi nước Chàm bị nước ta lấn chiếm hồi thế kỷ thứ 16). 

Đa số người Chàm ở đây làm nghề nuôi tằm dệt tơ, họ theo đạo Hồi và sống co cụm tại những vùng Phú Tân và Châu Giang. Tân Châu của Châu Đốc cũng rất nổi tiếng về ngành dệt tơ lụa, nhứt là lãnh đen được nhuộm bằng mủ cây mạt nưa. Đi qua vùng Tân Châu chúng ta thường nghe câu hát vè của dân địa phương, họ hãnh diện về sự bảnh bao của những thiếu nữ tại đây “Trai nào tài bằng trai Cao Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Tân Châu.” Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, Châu Đốc có một lực lượng ghe thuyền rất lớn có thể vận chuyển hàng hóa từ những con rạch nhỏ ra sông lớn. Nhờ vậy mà hàng hóa Châu Đốc không bị ứ đọng vào mùa nước nổi khi mà đa số đường sá đều bị ngập lụt. Tuy có một hệ thống kinh rạch và sông ngòi chằng chịt, nên việc giao thông đường thủy chiếm ưu thế, tuy nhiên, Châu Đốc cũng có một hệ thống đường bộ đáng kể. Ngay từ thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ, họ đã xây dựng tỉnh lộ Long Xuyên-Châu Đốc và Châu Đốc-Hà Tiên (127 cây số). Ngoài ra, Châu Đốc cũng có đường bộ đi đến tận Nam Vang (177 cây số). Từ xưa đến giờ, Châu Đốc là điểm tiếp nhận hàng hóa từ cao Miên và phân phối hàng hóa Việt Nam lên Nam Vang. Ngoài lúa gạo, Châu Đốc còn nổi tiếng về cá khô, tôm khô và mắm, nhất là loại cá cháy và cá ba-sa (loại cá tra đổ xuống từ Biển Hồ). Ngày nay, ngành nuôi cá bè của Châu Đốc phát triển rất mạnh, dọc theo bờ sông Hậu Giang có rất nhiều “nhà bè”, họ nuôi đủ loa i cá, từ cá lóc, cá trê, cá rô, cá tra, vân vân. Đây là những căn nhà được xây cất trên những chiếc bè lớn, bên trên để ở và nấu thực phẩm cho cá, còn bên dưới là một hồ cá thật lớn mà đáy được làm bằng lưới, nên thông thương với lượng nước bên ngoài.


Sau năm 1975, chính quyền CSVN sáp nhập tỉnh Châu Đốc vào Long Xuyên và cho lấy lại tên cũ đã từng được ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí là “An Giang”. Hiện tại thì địa giới tỉnh An Giang rộng lớn với diện tích 3.424 cây số vuông, gồm thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc và các quận Thoại Sơn, Châu Thành, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân và Tân Châu, Châu Phú. Về vị trí, Đông và Đông Bắc giáp Đồng Tháp, Nam giáp và Tây Nam giáp Kiên Giang, Đông Nam giáp Cần Thơ, và Tây giáp Cao Miên. Dân số tỉnh An Giang, theo thống kê năm 2.000 có trên 2.128.800 người. An Giang có thành phố lớn là Long Xuyên, nằm trên hữu ngạn sông Hậu giang, cách Sài Gòn 189 cây số. Sau khi sáp nhập tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên vào nhau để thành lập tỉnh An Giang (theo tên cũ của Đại Nam Nhất Thống Chí) thì An Giang trở thành tỉnh đứng đầu về sản xuất lúa gạo trên toàn quốc. An Giang còn sản xuất một số lượng đáng kể về bắp và các thứ đậu. Vùng sông nước bao la chạy dài từ Tân Phú, xuống Tân Châu và Long Xuyên... khiến An Giang trở thành tỉnh đứng đầu về số lượng cá tôm nước ngọt. Vì số lượng các nước ngọt quá nhiều, không kịp bán tươi về Sài Gòn nên gần phân nửa số cá tại Châu Đốc được người ta làm mắm và măm Châu Đốc rất nổi tiếng trên toàn quốc. Phần lớn cộng đồng người Chàm ở Châu Đốc đều sinh sống bằng nghề dệt vải và thêu may, xuất cảng hàng sang Mã Lai. Ngoài ra, An Giang còn nổi tiếng về khô bò, bánh phồng tôm, đường thốt nốt, lạp xưởng thịt bò. Trên đây là một số hình chụp tại tỉnh Châu Đốc của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp:
Người Long Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét