Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Mừng Hội Ngộ Thầy Nguyễn Trung Quân


Từ trái : Phước - Tư - Hiệp - Kim Quang - Tòng - Thành- 
thầy Quân - Tùng - Tu Bé - Duyên - Thảo

Thính lực của tôi ngày càng tệ. Tại nhà, khi có các cú phone đến tôi đều nhường cho má nó nghe. Buổi chiều, má nó hồ hởi : " thầy Nguyễn trung Quân về đến Cần thơ rồi. Mời ông và các bạn đến nhà luật sư Hồ trung Thành lúc 16 giờ chiều, ngày 14/11/2017".

Sức khỏe bây giờ cũng càng kém. Không dám chạy xe 2 bánh. Đi đâu nhờ bạn Kiến trúc sư Đào thanh Tòng đèo phía sau.

Chúng tôi đến nhà bạn Thành chưa được 4 giờ chiều. Trời đang chuyển mưa. Có gió lộng ào ào trên đường phố. 

Tưởng mình đến sớm, không ngờ trên bàn tiếp khách là bạn Thành và thầy Quân đang nói chuyện với chị Phạm thị Tư Bé và chị Lê thị Thảo. Gặp tôi thầy mừng lắm, còn tôi quá cãm động vì tính cởi mở của thầy. Thầy đứng dậy siết chặt tay tôi dường như sợ nó tuột ra mà thầy không níu lại được.

Rồi kẻ gần người xa lục đục kéo đến : Anh Trương văn Hiệp (con thầy Hòa), anh Lê đình Phương, anh Võ trung Liệt, chị Nguyễn kim Quang, anh Huỳnh văn Tư (rễ PTG) và phu nhân nhà thơ, nhà giáo Đinh thị Hiệp, anh Nguyễn tấn Phước, Anh Huỳnh phước Duyên. Sau cùng là giáo sư Hồ hữu Hậu cùng phu nhân nhà giáo Nguyễn thị Khâm (nhà thơ Hồ Nguyễn)...

Thầy mừng lắm đứng dậy ân cần bắt tay từng người một. Tôi được phân công ngồi cạnh thầy - phía bên kia là chủ nhà anh luật sư Hồ trung Thành. ( bạn Thành bị tai biến cách đây vài tháng. Nguyên cánh tay mặt hạn chế hoạt động nhưng chúng tôi rất mừng là bạn nói chuyện còn phần nào lưu loát dễ nghe).

Anh Trương văn Hiệp con thầy Hòa là người bạn tôi mới gặp lần đầu. Nhìn anh dáng người làm tôi nhớ đến thầy Diệp văn Điểu, giám học ngày xưa. Thầy Điểu có chiếc mô tô phân khối lớn 400cc hiệu TWN rất ngầu thuở đó. Thầy có 2 con trai là bạn Diệp văn Ngọc và Diệp văn Ngà cùng vào đệ thất E PTG với chúng tôi năm 1955. Thầy Hòa cũng là giám học hiền từ. Hàng ngày, ngoài giờ, thầy phụ bán thuốc tây cho pharmacie Khương bình Tịnh...

Cuộc hội ngộ lần nầy chỉ có giáo sư Hồ hữu Hậu là bạn cùng lớp với thầy. Nhà thầy Hậu gần nhà tôi. Anh thường đi bộ ra ghé nhà tôi hàn huyên tâm sự. Gần đây sức khỏe hai ông bà càng kém, đi đứng khó khăn. Đi đâu hai ông bà cũng dìu nhau đi bằng xe bus...

Từ trái: Ls Thành, thầy Quân, Gs Hậu, Tư Bé,  
Thảo, Khâm (nhà thơ Hồ Nguyễn)

* Có ai đó nhắc thầy kể chuyện bài thơ Vịnh cây tre. Thầy hồ hởi:

VỊNH CÂY TRE

Mượn danh dối thế chúng chê đè
Quân tử gì nà thứ giống tre !
Có mắt không tròng, hay cót két
Rung chà trơ gốc, giỏi cò ke
Dùng làm than củi trong giây lát
Để lót vạt giường chắc dữ be
Ngoài lớp xanh um trong trống phọc
Kêu cho rền lắm chẳng ai nghe.

P.T.H.H

Bài họa: của cụ TRẦN VĂN HƯƠNG

Nài bao mưa dập với giông đè
Giúp thế âm thầm tội nghệ tre
Cành nhỏ chuốt cần câu lục chốt
Cây già dẻo gậy duỗi chà ke
Chọc trời trước gió, mây ngờ đến
Ngắn nước trong vườn, nước cậy tre
Dở nắng che sương, phên giại giỏ
Nhịp canh đêm vắng há không nghe!

T.V.H

Bài thơ Vịnh Cây Tre tác giả là em nữ sinh Phạm thị Hồng Hạnh, sanh năm 1940, sáng tác năm 1958, lúc cô là nữ sinh lớp đệ ngũ A trường trung học Phan thanh Giản.

Rất tiếc hôm nay chúng ta họp mặt, thầy có mời em Hồng Hạnh nhưng em đang ở Texas thăm thân nhân, nên vắng em hơi buồn. Ngoài bài thơ vịnh Cây Tre em Hạnh còn một bài nữa là vịnh Cái Chén. 

Cả 2 bài thơ vịnh trên đúng là một giai thoại văn chương ly kỳ nhất thời buổi ấy. Cái thời dân tộc miền Nam sống dưới chế độ gia đình trị và công an mật vụ là nỗi lo sợ thường xuyên của mọi người. Chỉ vì bài thơ châm biếm Cây Tre mà em Hồng Hạnh bị công an mời lên mời xuống và bị đuổi khỏi trường PTG. làm việc học bị dở dang và gây rất nhiều phiền phức cho em và gia đình. Em là người có tài nhưng sinh không nhằm thời.

Điểm đáng khen của em Hạnh là sau năm 1975, chính quyền mới mời em làm việc nhưng em khai rằng em làm thơ vì sở thích hơn là có ý đồ chính trị, nên em từ chối hợp tác .

Dù thầy không đọc bài thơ Vịnh Cái Chén, nhưng người viết bài xin ghi ra đây để các bạn cùng thưởng thức vì có khi các bạn chưa có dịp đọc qua:

CÁI CHÉN

Lò gốm ra lò trước mắt tôi
Bát, tô, tiềm, tượng chất hằng ngôi
Miệng còn lưỡi mất ăn không nói
Khu có trôn không vẫn sống đời
Ở chợ dùng làm đồ bán nước
Trong đình để đựng loại chè xôi
Sẵn lòng rộng rãi tùy người dụng
Dẫu phải cơm canh như vậy thôi.

P.T.H.H

Có ai đó xin thầy kể sơ qua những kỷ niệm vào trường PTG. Thầy mĩm cười và thao thao bất tận:

Từ trái : Trương võ Hiệp - Phước - Tư -
Đinh thị Hiệp - Kim Quang .

* Đầu niên khóa 1952-1953, tôi với 200 bạn nam nữ cùng đậu vào 4 lớp đệ thất trung học PTG ( khóa 2 của chương trình trung học VN) trên 800 thí sinh tham dự. Đề văn của năm đó là :" Trong các thú nhà quê và thú ở chợ em thích thú nào ? Hãy nói tại sao?" Tôi nghĩ rằng 1/2 của số thí sinh dự thi bị rớt vì đã tả thú nhà quê là trâu bò, gà vịt thậm chí cả chuột đồng, rắn nước... còn thú ở chợ là chó berger, mèo Thái Lan, cọp beo sở thú...Vào trường chúng tôi là cấp thấp nhất. Tôi đặc biệt thích lớp bán quân sự học đường của các anh các lớp đệ nhị cấp chương trình Pháp do thiếu tá Nguyễn Khánh chỉ huy...

Thời gian theo học trường PTG có 3 vị hiệu trưởng là quý thầy Nguyễn băng Tuyết, Bữu Trí và Nguyễn văn Kính. 

Năm cuối cấp lớp đệ nhị đậu xong Tú Tài I tôi phải lên trường Petrus Ký Sài Gòn học lớp đệ nhất (vì trường PTG chưa có lớp đệ nhất)...

* Đầu niên khóa 1962-1963, đúng một thập kỷ sau ngày tôi đậu vào trường PTG, tôi trở lại trình diện ông hiệu trưởng Lưu Khôn để bắt đầu nghiệp nhà giáo.

Nhóm chúng tôi tốt nghiệp đại học sư phạm Sài Gòn cùng về trung học PTG gồm có 8 người (mà có bạn gọi đùa là bát tiên): cô Nguyễn thị Loan Anh và tôi (văn), anh Nguyễn văn Quang (pháp văn), anh Vũ công Định (anh văn), anh Võ văn Vạn (nhà thơ Trầm Vân) toán, anh Nguyễn văn Ánh (lý hóa), anh Phạm văn Nghiêm (vạn vật) và anh Quản Hùng (sử địa).

Công bình mà nói trường PTG, thầy cô, bằng hữu và học trò mình đã cho tôi nhiều ân nghĩa suốt đời tôi giữ như những kỷ niệm êm đềm. Đáp lại, tôi có những cơ hội giúp cho trường công sức cùng cố gắng giáo dục học trò với những tấm chân tình. Vì vậy, đa phần những bước âm thầm của tôi có để lại chút dấu vết nào nơi ngôi trường Mẹ (mà ngày nay không còn nữa). Tôi tin đó là những nét khá êm đềm. Có điều tôi biết rõ cuộc hành trình nào dù chu đáo dến đâu cũng vướng nhiều bước lỗi lầm, băn khoăn, hụt hẩng. Tôi mong có cơ hội rút từ những áy náy đó ra những bài học và hối tiếc thực lòng.

* Thầy nhắc lại lời gs Phạm văn Đàm thường nói :" Trường chúng ta có thể không nổi tiếng bằng một số trường khác nhưng điều quý là chúng ta sống có tình với nhau ". Và giáo sư Lưu Khôn đã từng viết câu liễn Tết :" Vui buồn vẫn nhớ tình thầy cũ, Sướng khổ nào quên nghĩa bạn xưa ".... . . . . . . . . .
* Thầy bảo tôi sống ở Mỹ đã 40 năm nhưng vãn giữ vững nguồn gốc VN đúng nghĩa. Cuộc đời tôi hay không bắng hên. Thầy cho rằng nhờ có may mắn, có hên chứ không hay gì cả...
Thầy ngừng, với tay mở nấp chai nước suối để thấm giọng.
* Tôi đã ăn chay trường nhờ vợ tôi khuyến khích và phục vụ. Trong đời tôi sợ nhất là hai điều :

1./- thứ nhất: tôi sợ nước Mỹ và người Mỹ. Họ lúc nào cũng nghĩ đến hay làm gì thì phải có lợi cho nước Mỹ...

2./- thứ hai: điều tôi sợ thứ hai là.... thầy ấp úng mãi không nói ra rồi thầy nói lảng sang chuyện khác. Nhưng chúng em hiểu thưa thầy. Cái mà thầy sợ thứ hai là cái mà bọn em sợ nhất trong cuộc đời đó thầy ơi !...

Thưa với thầy,

Em có nhiều chuyện tâm đắc với hoạt động của thầy ở hải ngoại. Thí dụ với một bức thư viết tay của thầy cho bạn Bùi hữu Trạng nhân kỳ đại hội 10 năm sinh hoạt cựu học sinh PTG-ĐTĐ tại Úc Châu năm 2008. " Thầy cãm thông sâu sắc với tất cả ban tổ chức đại hội ở các nước về những bận rộn, những sự kiện khó khăn phức tạp gặp phải trong tiến trình tổ chức đại hội, mà động lực căn bản của chúng ta là tình sư đệ, nghĩa đồng môn và mối cãm hoài với trường xưa, quê cũ. Thầy xem những người có đóng góp công sức và thiện chí vào việc chung là bạn đồng hành của thầy mà như các em đều rõ, thầy vẫn tự hào là một cựu học sinh trường trung học PTG Cần Thơ"...

Thưa thầy, 
Bây giờ là nửa đêm. Khó ngủ em ra máy gỏ lại những tình cãm thắm thiết của thầy dành cho chúng em chiều nay. Nhân tiện, em kính gởi đến thầy bài thơ nhỏ để ghi nhớ cuộc hội ngộ ban chiều :

VIẾT VỀ THẦY NGUYỄN TRUNG QUÂN
(kỷ niệm chiều hội ngộ 14/11/2017 tại nhà Ls Hồ trung Thành)

Chiều nay hội ngộ tiếp rước người thầy
Giáo sư hiệu trưởng thân thương kính trọng
Từ nơi xa thầy không quên truyền thống
Gặp lại trò ngày nhà giáo Việt nam.

Trước mặt thầy là phấn trắng bảng đen
Em cúi đầu chào người đưa đò thầm lặng
Tuổi thanh xuân thầy bắt đầu đi vắng
Cuối ga buồn bóng xế phủ quạnh hiu.

Chúng ta hiện diện vào một buổi chiều
Thầy vẫn vậy - giọng cười còn trong sáng
Câu nói mượt mà nghiêm trang tiến thẳng
Tha thiết nầy thầy để lại mai sau.

Giờ tuổi thầy như nắng Hạ trời cao
Tóc bạc trắng theo hành trang dạy học
Thật xấu hổ nhìn thầy em muốn khóc
Chỉ biết chúc thầy hưởng lộc - an khang.

 Bài và ảnh: Dương hồng Thủy
(đêm 14 rạng 15/11/2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét